Thứ Năm sau Lễ Hiển Linh (Lc 4,14-22a)

Thứ Năm sau Lễ Hiển Linh (Lc 4,14-22a)

Thứ Năm sau Lễ Hiển Linh (Lc 4,14-22a)

“Thánh Thần Chúa ở trên tôi, vì Chúa đã xức dầu cho tôi,
sai tôi đi rao giảng tin mừng cho người nghèo khó”. (Lc 4,18)

BÀI ĐỌC I: 1 Ga 4, 19-5, 4

“Ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng phải thương yêu anh em mình nữa”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.

Các con thân mến, chúng ta hãy yêu mến Thiên Chúa, vì Người đã thương yêu chúng ta trước. Nếu ai nói mình yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, thì là người nói dối. Vì người anh em mình xem thấy mà không thương yêu họ được, thì làm sao yêu mến Thiên Chúa là Đấng mình không thấy được ? Đây là giới răn chúng ta lãnh nhận nơi Thiên Chúa: ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng phải thương yêu anh em mình nữa.

Hễ ai tin Chúa Giêsu là Đấng Kitô, thì đã được sinh ra bởi Thiên Chúa. Vì hễ ai yêu mến Chúa là Đấng đã sinh thành, thì cũng yêu mến những kẻ bởi Người mà sinh ra. Do điều này mà chúng ta biết mình yêu thương con cái Thiên Chúa, là hễ chúng ta yêu mến Thiên Chúa, thì chúng ta phải thực hành giới răn Người. Tình yêu Thiên Chúa là thế này: là chúng ta giữ các giới răn Người, và giới răn Người chẳng có nặng nề đâu. Hễ sự gì bởi Thiên Chúa mà sinh ra, thì thắng được thế gian, và đây là sự chiến thắng thế gian: đó là đức tin của chúng ta. Ai chiến thắng thế gian, nếu không phải kẻ tin Đức Giêsu là Con Thiên Chúa ?

Đó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 71, 2. 14 và 15bc. 17

Đáp: Lạy Chúa, muôn dân khắp mặt đất sẽ thờ lạy Chúa (x. c. 11).

Xướng: 1) Lạy Chúa, xin ban quyền xét đoán khôn ngoan cho đức vua, và ban sự công chính cho hoàng tử, để người đoán xét dân Chúa cách công minh, và phân xử người nghèo khó cách chính trực. - Đáp.

2) Người sẽ cứu tâm hồn họ khỏi bất công và đàn áp, giá máu của họ đáng kể trước mặt người. Họ sẽ cầu nguyện cho người luôn và sẽ chúc phúc người mãi mãi. - Đáp.

3) Chúc tụng danh người đến muôn đời, danh người tồn tại lâu dài như mặt trời. Vì người, các chi họ đất hứa sẽ được chúc phúc, và các dân nước sẽ ca ngợi người. - Đáp.

 

Tin mừng: Lc 4, 14-22a

14 Khi ấy, Chúa Giêsu trở về Galilêa trong quyền năng của Thánh Thần và danh tiếng Người đồn khắp miền xung quanh. 15 Người giảng dạy trong các hội đường của họ, và ai nấy đều ca tụng Người.

16 Người đến Nadarét là nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, Người vào hội đường ngày Sabbat, và đứng dậy đọc sách. 17 Người ta trao cho Người cuốn sách Tiên tri Isaia. Người mở sách và gặp chỗ có chép rằng:

18 “Thánh Thần Chúa ở trên tôi, vì Chúa đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng tin mừng cho người nghèo khó, chữa lành những người sầu khổ trong tâm hồn, loan tin giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được thấy, giải thoát người bị áp chế, 19 công bố năm hồng ân của Thiên Chúa”.

20 Người xếp sách lại, trao cho viên phụ trách, đoạn ngồi xuống. Mọi người trong hội đường đều đưa mắt chăm chú nhìn Người. 21 Người bắt đầu nói với họ rằng: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai các ngươi vừa nghe”.

22 Và ai nấy đều công nhận lời Người và ngạc nhiên vì những lời hấp dẫn thốt ra từ miệng Người.

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa Giêsu vào hội đường như Ngài vẫn quen làm trong ngày Sa-bát. Đối với Kitô hữu, việc cầu nguyện riêng tư với Chúa là điều cần thiết, nhưng cầu nguyện chung với cộng đoàn là điều quan trọng không thể thiếu được.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa thường thờ phượng ở hai nơi công cộng là hội đường, và đền thờ. Mỗi thị trấn đều có hội đường, nên người ta tụ họp vào ngày hưu lễ để nghe, suy gẫm Lời Chúa và cầu nguyện. Người Do thái chỉ có một đền thờ để nhấn mạnh rằng: chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, ở đó người ta tụ họp để dâng lễ vật lên Thiên Chúa. Đó là nơi dâng hy tế trong tinh thần cầu nguyện.

Lạy Chúa Giêsu, phụng vụ Lời Chúa như chúng con tuân giữ hôm nay phản ánh công việc tại hội đường: tức là mỗi người cùng lắng nghe Lời Chúa, cùng suy gẫm và cầu nguyện. Còn phụng vụ Thánh Thể thì phản ánh công việc tại đền thờ: nghĩa là mỗi người cùng biểu lộ niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất, cùng dâng hy tế trong tinh thần cầu nguyện.

Xin Chúa giúp con ý thức rằng: đời sống đức tin của con cần được nuôi dưỡng và phát triển trong đời sống đức tin của cộng đoàn. Bởi vì cũng như một cục than sẽ luôn cháy hồng rực sáng nếu nằm cạnh những cục than khác, nhưng nó sẽ bị lụi tàn nếu đứng riêng lẻ một mình. Cũng thế, con cần tham dự những buổi cầu nguyện chung với anh em một cách tin tưởng để thờ phượng như Chúa đã làm và dạy con thực hiện. Chúa là mối dây liên kết con với người khác. Amen.

Ghi nhớ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh này”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống...)

Sau một thời gian hoạt động, Chúa Giêsu trở về rao giảng tại chính quê hương mình là Nadarét miền Galilê. Tại đây, trong một bối cảnh trang nghiêm và chính thức (ngày Sabbat, trong hội đường), Chúa Giêsu công bố chương trình hoạt động của Ngài: Với tư cách là Messia vừa được tấn phong, Ngài được sai đi truyền bá Phúc Âm cho những người nghèo hèn, khốn khổ. Như thế là Ngài thực hiện điều mà Thiên Chúa đã hứa từ xưa qua lời ngôn sứ Isaia.

B. Suy gẫm (... nẩy mầm)

1. “Thánh Thần Chúa ở trên tôi... sai tôi đi rao giảng tin mừng cho người nghèo khó”. Thời Chúa Giêsu và thời các tông đồ, những kẻ nghèo khó quả thực đã được nghe Phúc Âm. Nhưng những kẻ nghèo khó thời nay có được như thế chưa ?

2. Chuyện xảy ra trong một đêm trình diễn văn nghệ Giáng Sinh: một thanh niên hoá trang thành một người ăn mày để diễn nhạc cảnh Chúa đến với người nghèo. Nhưng thanh niên này không thể nào bước lên sân khấu được, vì khi anh tới gần đó thì bị những người trong ban trật tự đuổi đi. Họ tưởng anh là một tên ăn mày thật, và họ sợ anh phá rối buổi trình diễn. Xét về mặt hoá trang thì ban tổ chức văn nghệ đã thành công. Tuy nhiên xét về tinh thần thì họ đã tự mâu thuẫn: họ muốn nói cho khán giả biết Chúa đến với người nghèo, nhưng khi gặp người nghèo, dù chỉ là một người giả nghèo, thì họ đã xua đuổi. Phúc Âm đã không thấm nhập vào lòng những kẻ trình diễn Phúc Âm.

3. “Thánh Thần Chúa ở trên tôi, vì Chúa đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng tin mừng cho người nghèo khó,” (Lc 4,18)

Một người bạn kể lại: “… Trong lớp tôi dạy, có một em tên Bi bị khuyết tật bẩm sinh: sứt môi và điếc một tai trái. Bị các bạn chế diễu, em luôn cảm thấy bị bỏ rơi, thua thiệt. Em trở nên khép kín và xa lánh mọi người. Một hôm, tôi cho các em được tự do đi lại trong lớp và có thể nói nhỏ vào tai bất kỳ một người bạn nào những gì mình thích. Bi ngồi đó, không tham gia, cũng không chờ đợi. Và chính lúc đó, tôi đã đến nói nhỏ vào tai em “Ước gì Bi là đứa em nhỏ của cô!” Bi ngước mắt ngạc nhiên như dò hỏi “Có thật không cô ?” Và tôi đã ôm chầm lấy em.”

Kỳ diệu thay luồng gió của Thánh Thần! Ngài vẫn tác động trên tâm hồn con người, ngay trên người bạn của tôi, để luôn biết cảm thông và trao tặng… Hành vi ấy đang tiếp nối những hành vi của Chúa Giêsu, Đấng đã được Thánh Thần thúc đẩy để đem Phúc Âm cho người nghèo khó.

Lạy Chúa, khi con đói, xin gởi đến con người cần của ăn. Khi con cô đơn, xin gởi đến con người cần được thông cảm. (Epphata)

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai (Lc 4,14-22)

  1. Sau một thời gian hoạt động, Chúa Giêsu trở về rao giảng tại chính quê hương mình là Nazareth miền Galilê. Tại đây, trong một bối cảnh trang nghiêm và chính thức (ngày sabat, trong hội đường), Chúa Giêsu công bố chương trình hoạt động của Ngài: Với tư cách là Messia vừa được tấn phong, Ngài được sai đi loan báo Tin mừng cho những người nghèo hèn, khốn khổ. Như thế là Ngài thực hiện điều mà Thiên Chúa đã hứa từ xưa qua lời tiên tri Isaia.
  2. Trong khi những khát vọng và bao nỗ lực của con người qua những cuộc cách mạng trong dòng lịch sử đã không đem lại sự tự do - công bằng hoàn toàn cho con người. Có một người đã vượt lên tất cả, vượt trên mọi cuộc cách mạng, vượt lên trên không gian và thời gian để đem lại sự tự do và bình đẳng cho mọi người, ở mọi nơi và qua mọi thời đại.
  3. Chính Ngài giải phóng con người khỏi đau khổ, tù đày, áp bức và dẫn đưa con người đến một xã hội công bình, bác ái viên mãn. Đức Giêsu với tước hiệu Kitô luôn là niềm hy vọng vĩnh cửu của nhân loại mà thánh Luca đã trình bày với lời tiên tri Isaia như sau:

“Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm, cho biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19).

  1. Đức Giêsu đã khẳng định: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4,21). Từ ngữ “hôm nay” diễn tả hành động trong hiện tại về sứ mạng giải phóng của Đức Kitô, không chỉ là trong quá khứ mà luôn được thể hiện trong lòng nhân loại qua muôn thế hệ. Tác động giải thoát không phải trong bạo lực như cuộc cách mạng của con người đã sử dụng mà là trong tác động của Thánh Thần.

Nếu chúng ta biết để cho Ngài hành động trong niềm tin và sự phó thác, thì những lo âu, những khốn khó của chúng ta sẽ được Ngài chia sẻ gánh vác. Như thế chúng ta đã được giải thoát ngay trong chính niềm tin của chúng ta vào Ngài.

Với lời tuyên bố: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh thánh tai các ngươi vừa nghe”, Chúa Giêsu muốn nói rằng: Ngài chính là Đấng Thiên Sai. Lời quả quyết này đã trở thành một tiếng sét đánh bên tai những người nghe Ngài lúc đó. Vâng Ngài đã đến để bắt đầu một thời kỳ mới, thời kỳ cứu rỗi. Chúa Giêsu là Đấng được Thiên Chúa Cha sai đến để cứu độ nhân loại. Thế nhưng hiểu được Chúa Giêsu không phải là dễ dàng.

  1. Truyện: Vẽ chân dung Đấng Thiên Sai

Một tu sĩ muốn vẽ chân dung Chúa Giêsu. Ông rảo khắp mọi nơi tìm người mẫu thích hợp. Nhưng càng tìm kiếm ông càng khám phá ra rằng, chẳng có người nào trên trần gian này hoàn toàn giống Chúa, và ông đi tới kết luận: khuôn mặt Chúa Giêsu phải là tổng hợp mọi nét của con người.

Bởi đó, thay vì chọn người mẫu, ông đã thu góp tất cả những nét đẹp của mọi khuôn mặt mà ông bắt gặp. Gặp trẻ em, ông góp được nét đơn sơ. Từ bé gái ca hát nô đùa, ông gặp nét vui tươi trong cuộc sống. Nơi một người đàn ông lực lưỡng đang gồng gánh, ông tìm ra được nét sức mạnh của con người. Nhưng chân dung Chúa Giêsu không chỉ có nét hùng, nét đẹp, mà còn phải có một nét gì khác nữa.

Nghĩ như thế, tu sĩ lại tiếp tục tìm kiếm. Gặp một cô gái lang bạc, ông nhìn thấy nét u buồn trong ánh mắt. Gặp một người hành khất, ông tìm thấy nét thành khẩn van xin. Trong đôi mắt nhà tu hành ông tìm ra sự nghiêm nghị. Và cuối cùng, trên gương mặt người mẹ đi chôn xác đứa con, ông hiểu được thế nào là đau khổ.

Mỗi người một vẻ, nhà hoạ sĩ cố gắng đưa hết vào chân dung Chúa Giêsu. Nhưng ông vẫn chưa hài lòng. Vì ông thấy trên khuôn mặt Chúa vẫn còn một nét nào đó mà ông chưa xác định được.

Ngày kia, vào một khu rừng ông chợt thấy một người che mặt bỏ chạy. Ông chạy theo và khám phá ra đấy là một người phong cùi. Ánh sáng bỗng loé lên trong ông. Thì ra điều còn thiếu trên khuôn mặt Chúa Giêsu, đó là MẦU NHIỆM! Với ý nghĩ ấy, ông lấy cọ vẽ lên khung vải trắng khuôn mặt Chúa Giêsu.

Khi tác phẩm được hoàn thành, tất cả những ai đã cung cấp cho hoạ sĩ nét riêng của mình đều hớn hở đến, để nhìn ngắm nét ấy trên gương mặt Chúa Giêsu. Thế nhưng, họ chỉ nhìn thấy một tấm vải trắng che phủ khuôn mặt.

Trước sự ngạc nhiên và thắc mắc của mọi người, hoạ sĩ điềm nhiên giải thích:

- Mãi mãi Chúa Giêsu vẫn là một mầu nhiệm. Mầu nhiệm ấy luôn mời gọi con người tuyên xưng bằng tất cả niềm tin và cuộc sống của mình.

Vâng cho đến hôm nay sau hơn 20 thế kỷ rồi mà chúng ta vẫn chưa thực sự hiểu hết được con người của Chúa Giêsu. Chúa vẫn còn là một mầu nhiệm, mầu nhiệm được giấu kín từ muôn thuở. Tuy đã được bày tỏ cho con người qua thân phận của một con người, nhưng chúng ta cũng vẫn phải đón nhận mầu nhiệm ấy nhờ đức tin. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta đón nhận rồi cất giấu kỹ ở trong lòng mình nhưng là để làm cho mầu nhiệm ấy được tỏ bày ra cho mọi người qua cách ăn nết ở và mọi sinh hoạt trong cuộc sống của chúng ta.

Top