Thứ Năm tuần 23 Thường niên năm I - Yêu thương không tính toán (Lc 6,27-38)

Thứ Năm tuần 23 Thường niên năm I - Yêu thương không tính toán (Lc 6,27-38)

Thứ Năm tuần 23 Thường niên năm I - Yêu thương không tính toán (Lc 6,27-38)

“Anh em hãy có lòng nhân từ,
như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,36).

BÀI ĐỌC I (năm I): Cl 3, 12-17

“Anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc điều toàn thiện”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.

Anh em thân mến, như những người được chọn của Thiên Chúa, những người thánh thiện và được yêu thương, anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau, nếu người này có chuyện phải oán trách người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau. Và trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc điều toàn thiện.

Nguyện cho bình an của Chúa Kitô làm chủ trong lòng anh em, sự bình an mà anh em đã được kêu gọi tới để làm nên một thân thể. Anh em hãy cảm tạ Thiên Chúa. Nguyện cho lời Chúa Kitô cư ngụ dồi dào trong anh em.

Với tất cả sự khôn ngoan, anh em hãy học hỏi và nhủ bảo lẫn nhau. Hãy dùng những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca của Thần khí, cùng với lòng tri ân, để hát mừng Thiên Chúa trong lòng anh em. Và tất cả những gì anh em làm, trong lời nói cũng như trong hành động, tất cả mọi chuyện, anh em hãy làm vì danh Chúa Giêsu Kitô, nhờ Người mà tạ ơn Thiên Chúa Cha.

Ðó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 150, 1-2. 3-4. 5-6

Ðáp: Phàm vật chi có hơi thở, hãy ngợi khen Thiên Chúa (c. 6).

Xướng: Hãy ngợi khen Chúa trong thánh đài của Chúa, ngợi khen Chúa nơi thanh không cao cả của Người. Hãy ngợi khen Người vì những kỳ công vĩ đại, ngợi khen Người bởi sự Người tuyệt đối oai nghiêm.

Xướng: Hãy ngợi khen Chúa với tiếng kèn rầm rộ, ngợi khen Người với cây đàn sắt, đàn cầm, hãy ngợi khen Người với trống rung và ca vũ, ngợi khen Người với tơ đàn, với ống tiêu.

Xướng: Hãy ngợi khen Người với âm vang não bạt, ngợi khen Người với tiếng rền rĩ mã-la. Phàm vật chi có hơi thở, hãy ngợi khen Thiên Chúa.

 

Tin mừng: Lc 6, 27-38

27 “Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, 28 hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em.

29 Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. 30 Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại.

31 Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy. 32 Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ.

33 Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế. 34 Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng.

35 Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác.

36 “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. 37 Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha.

38 Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy”.


Bài giảng của linh mục Gioan Baotixita Phương Đình Toại

Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Lòng nhân từ, nhất là yêu kẻ thù, là điểm đặc biệt của đạo Chúa Kitô. Ta hãy có lòng quảng đại như Cha trên trời để biết yêu thương chân thành.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, hằng ngày chung quanh con, và trên báo chí, truyền hình, con vẫn nhìn thấy và đọc thấy nhiều cuộc đánh nhau, chửi nhau, thậm chí cả chém giết nhau. Nhiều lúc không xô xát to tiếng thì cũng là giận hờn, lườm nguýt, không nhìn mặt nhau, ghét nhau và ghét cay ghét đắng.

Như thế, chúng con đã không sống đúng với phẩm giá con người. Tất cả chỉ bởi con sống thiếu tình yêu. Con chỉ yêu những người yêu con và ghét những ai ghét con, làm hại con. Vì thế, cuộc sống vẫn đầy đau khổ, hận thù chồng chất hận thù.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa muốn con phải yêu thương tất cả mọi người. Tình yêu của con phải vượt ra ngoài biên giới thân thuộc, giáo xứ, cộng đoàn thân quen. Nhưng quả tim con quá nhỏ hẹp, chưa thực hiện được điều Chúa dạy. Xin Chúa ban cho con quả tim của Chúa, một quả tim quảng đại, biết vươn mình lên cao, vượt lên trên mọi tình cảm tầm thường: không xét đoán, không lên án, nhưng biết mặc lấy tâm tình bao dung, tha thứ. Xin cho con biết vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen, mọi trả thù ti tiện. Xin cho quả tim con đủ lớn để có thể yêu người con không ưa, biết cầu nguyện và làm ơn cho họ. Xin cho vòng tay con luôn rộng mở để con có thể ôm cả những người thù ghét con. Xin cho con biết noi gương Chúa Cha là Đấng trọn lành và giàu lòng thương xót, để tình yêu lan toả trong cuộc sống con. Amen.

Ghi nhớ: “Các con hãy tỏ lòng thương xót như Cha các con hay thương xót”.

 

Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Phân tích

1. Những lời Chúa Giêsu dạy về cách đối xử với kẻ thù ghét mình:
- Đừng thù ghét, nhưng hãy yêu thương, làm ơn, chúc phúc và cầu nguyện cho họ;
- Đừng trả đũa, nhưng hãy nhường nhịn.

2. Những lời dạy về cách đối xử với tha nhân cách chung:
- Làm ơn và cho đi mà không cần đáp trả;
- Cư xử nhân hậu;
- Đừng xét đoán và kết án;
- Hãy tha thứ.

3. Lý do của tất cả cách cư xử trên là vì Cha trên trời: “Các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ”, “Đừng xét đoán thì các con sẽ khỏi bị (Cha trên trời) xét đoán, hãy tha thứ thì các con sẽ được (Cha trên trời) tha thứ; hãy cho thì (Cha trên trời) sẽ cho lại các con”.

Suy niệm

1. Những chữ “vì” trong tương giao:
Nếu “vì tôi”, thì tương giao sẽ ích kỷ.
“Vì người ấy”, tương giao sẽ vụ lợi hoặc thất thường (người ấy tốt thì tôi sẽ tốt, và ngược lại).
Khi biết “vì Chúa”, các tương giao sẽ vô cùng cao thượng và tốt đẹp.

2. “Các con muốn người ta làm gì cho các con thì các con hãy làm cho người ta như vậy”; Tôi thường đòi hỏi hoặc mong người ta làm cho tôi thế này thế nọ. Đó là các tương giao lấy mình làm trung tâm qui chiếu. Cách tương giao này khiến người khác cảm thấy nặng nề và cũng thường làm tôi thất vọng. Hôm nay tôi thử cách tương giao quên mình để nghĩ đến người khác: chắc là mọi người sẽ vui, phần tôi cũng cảm thấy một niềm vui sâu xa khó tả.

3. “Đừng xét đoán thì các con khỏi bị (Cha trên trời) xét đoán. Hãy tha thứ thì các con sẽ được (Cha trên trời) tha thứ, hãy cho thì (Cha trên trời) sẽ cho các con”; Những thứ mà người khác dùng để đáp lại tôi chắc chắn không tốt bằng chính Thiên Chúa đáp lại, vì Ngài rất quảng đại, Ngài “sẽ lấy đấu hảo hạng đã dằn, đã lắc mà đổ vào vạt áo cho các con”.

4. “Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em” (Lc 6,27).

Lần nọ, trong một ngôi thánh đường, hàng ngàn người say sưa ngồi lắng nghe vị mục sư giảng về lòng yêu thương. Khi bài giảng đã kết thúc, vị mục sư bước ra khỏi ngôi thánh đường. Bỗng một người tiến lại và chìa tay về phía ông. Đó chính là người đã hại ông khi xưa. Ngập ngừng hồi lâu, vị mục sư ngượng ngùng đưa tay bắt.

Sự ngập ngừng của vị mục sư chính là thái độ của tôi trong cuộc sống hôm nay. Tôi không dễ dàng tha thứ để đón nhận và yêu thương kẻ thù. Tôi đã quay lưng khi phải đối diện với họ.

 

Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Hãy yêu thương kẻ thù (Lc 6,27-38)

  1. Chúa Giêsu dạy ta hãy yêu thương địch thù và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ chúng ta. Yêu người xa lạ đã là rất khó, nhưng yêu địch thù còn khó gấp bội. Chúng ta yêu người yêu chúng ta, yêu người đem lại niềm vui cho chúng ta... tình yêu ấy vẫn còn vị kỷ. Tình yêu trọn nghĩa phải là tình yêu vô vị lợi. Yêu như Chúa yêu ta khi ta còn là tội nhân. Chúa đã chịu chết để ta được cứu độ. Tình yêu của Đức Giêsu là tình yêu vô điều kiện, vô vị lợi, một tình yêu chân chính.
  2. Trong Cựu ước, chúng ta chỉ thấy luật căn bản là mến yêu Thiên Chúa hết lòng và thương yêu tha nhân như chính mình. Ngoài ra, không có luật nào buộc phải thương yêu kẻ thù, bởi vì chúng ta thấy trong đó có luật báo oán: mắt đền mắt, răng đền răng. Đây là một lề luật xây trên luân lý tự nhiên, ai cũng có thể chấp nhận (x.Xh 21,23-25; Lv 24,17-21).

Trong đoạn Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu đưa ra cho chúng ta một giáo lý tuyệt vời về đức bác ái: hãy yêu thương tha nhân như chính bản thân mình. Tha nhân có thể là người yêu thương chúng ta, nhưng cũng bao gồm những người không thương, lại còn ghét chúng ta, thậm chí cả những người làm hại chúng ta nữa. Đó là luật yêu thương kẻ thù. Đây là một luật có tính cách siêu việt.

  1. Để thực hiện luật yêu thương này, Đức Giêsu đơn cử ra hai việc phải thực hành:

a) “Hãy làm lành cho kẻ ghét các con”: Ở đây muốn nói: Tình yêu thương tha nhân không phải thôi không giận hờn, không báo oán nữa, nhưng phải tỏ ra bằng hành động cụ thể qua những cử chỉ rõ ràng là những việc lành như giao tiếp, giúp đỡ, cầu nguyện...

b) “Và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ”: Đây là thái độ biểu lộ tình yêu tha nhân cách tích cực: lấy điều lành đền đáp lại điều dữ.

Ta có bổn phận phải yêu thương bạn hữu. Song chỉ yêu bạn thì có gì đáng thưởng. Vì cho được thưởng đời đời thì nhân đức phải bắt nguồn từ suối siêu niên. Vì thế:

- Làm sự dữ để trả ơn lành là ma quỷ.

- Làm sự lành để trả ơn lành là nhân loại.

- Làm sự lành để trả sự dữ là Thiên Chúa.

Vậy người Kitô hữu không được đứng ở chỗ nhân loại, mà phải tiến xa hơn đến chỗ Thiên Chúa. Như   thế mới xứng đáng là con cái Chúa, Đấng làm ơn lành cho kẻ ghét Ngài.

  1. Ngày xưa, nhiều người cũng có chủ trương như Chúa Giêsu đã dạy:

a) Học thuyết của Khổng Tử: Trong vấn đề cư xử, học thuyết của Đức Khổng Tử giống luật báo oán của Cựu ước. Ngài dạy học thuyết: “Dĩ trực báo oán”. Nhưng sau này, các đệ tử của ngài muốn đi xa hơn, họ đã thêm vào học thuyết của ngài câu: “Dĩ đức báo oán”.

b) Đức Phật Thích Ca: Ngài tìm phương thế giải thoát con người ra khỏi vòng đau khổ. Ngài chủ trương giáo thuyết TỪ BI, lấy từ bi làm phương châm cho mọi hoạt động, mà đã từ bi thì phải hỉ xả, do đó, ngài không chấp nhận luật công bình, mà chỉ chấp nhận luật tha thứ. Ngài nói: “Lấy oán báo oán, oán ấy chồng chất. Lấy đức báo oán, oán ấy tiêu tan”.

c) Ông Mahatma Gandhi nói: “Luật vàng của xứ thế là tha thứ lẫn nhau”. Ông đã dùng thuyết bất bạo động để giải phóng dân tộc Ấn Độ khỏi ách thống trị của người Anh.

d) Mục sư Luther King: Trong tác phẩm của ông “Chỉ có một cuộc cách mạng”, ông nói: “Trong Tân ước, chúng ta thấy từ “Agapè” được dùng để chỉ tình yêu. Đó chính là tình yêu dồi dào không đòi một đáp trả nào hết. Các nhà thần học nói đó là tình yêu Thiên Chúa được thực hiện nơi tâm hồn con người. Khi vươn lên đến một tình yêu như vậy, chúng ta sẽ yêu hết mọi người, không phải vì chúng ta có thiện cảm với họ, cũng không phải vì chúng ta đánh giá cao lối sống của họ, chúng ta yêu thương họ vì Thiên Chúa yêu thương họ”.

  1. Truyện: Tha thứ cho kẻ thù

Một ông bố giàu có, cảm thấy già yếu gần đất xa trời, bèn gọi ba đứa con trai lại chia gia tài đồng đều cho chúng, duy còn lại một viên kim cương gia bảo quý giá không thể chia cắt được.

Ông ta giải quyết bằng cách nói với các con rằng: “Ta sẽ trao viên kim cương cho đứa nào thực hiện một việc lành tốt đẹp nhất. Vậy các con hãy ra đi và thực hiện cho được điều kiện đó”.

Ba đứa con lên đường và ba tháng sau trở về. Người con cả nói với bố:

- Một người ngoại quốc đã giao toàn bộ tài sản cho con và con đã thủ tín trả lại đầy đủ.

Người cha tuyên bố:

- Con đã làm phận sự của con rất tốt đẹp.

Đến lượt đứa con thứ trình:

- Thưa cha, con đã xả thân cứu được một em bé chết đuối.

Người cha khen anh ta. Rồi quay sang nhìn đứa con út. Cậu ấp úng bẩm:

- Thưa cha, trong một cuộc hành trình con thấy địch thù con đang ngủ say bên một bờ vực sâu. Con nghĩ con có thể xô nó xuống vực dễ dàng, nhưng con không làm. Trái lại con đánh thức nó dậy và cứu nó.

Nghe xong, người cha ôm hôn cậu út và tuyên bố:

- Viên kim cương gia bảo thuộc về con, vì con đã làm một việc lành vĩ đại biểu lộ một tấm lòng nhân ái chân thực là yêu thương tha thứ cho kẻ thù mình.

 

Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Sau thế chiến II chấm dứt, Coritanbun với những vết sẹo trên thân thể, tàn tích của những khổ hình bà phải chịu trong trại tập trung Đức quốc xã, bà đã đi khắp Âu châu rao giảng sự tha thứ cho những kẻ đã làm hại mình.

 Thế nhưng, vào một Chúa nhật nọ, sau khi bà kêu gọi mọi người hãy tha thứ cho nhau trong một nhà thờ của thành phố Munich, bước ra ngoài bà bất ngờ đối diện với một khuôn mặt quen thuộc: dung mạo của người lính đã hành hạ bà và hàng ngàn nữ tù nhân khác ở trại tập trung. Tiếng than khóc, cảnh tra tấn, rồi những tiếng kêu trả thù nổi dậy mạnh mẽ trong tâm trí bà.

 Người đàn ông tiến lại khiêm tốn đưa tay ra vừa muốn bắt tay bà vừa nói: “Thưa bà, tôi rất cảm ơn những lời tốt đẹp của bà kêu gọi sự tha thứ. Xin bà tha thứ cho tôi”. Coritanbun như chết điếng người, trước đây bà cầu nguyện và quyết tha thứ, nhưng giờ đây đối diện với con người cụ thể đã tra tấn mình, bà đứng lặng im, tay không thể bắt tay người đến xin bà tha thứ. Sau này vào năm 1971 khi kể lại: “Trong giây phút thinh lặng đó, tôi đã cố gắng dâng lên Chúa lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa thấy con chưa thể tha thứ cho người đã hành khổ con. Xin Chúa hãy ban cho con những tâm tình của Chúa để con có thể tha thứ như Chúa”. Và chính trong lúc đó bà đã hiểu rằng con người chỉ có thể tha thứ cho nhau khi nhìn nhận tình yêu thương và sự tha thứ của Thiên Chúa (Trích “Món quà Giáng sinh”).

Suy niệm

Để đạt tới đức ái tuyệt hảo thì Đức Kitô lại mong muốn sự thứ tha trong mọi tương quan, với những người mình không thích và với những kẻ mình ít ưa, thậm chí với cả kẻ thù: “Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình… ” (Lc 6,27-28). Với kẻ thù trước khi yêu thì phải có sự tha thứ.

Đức Kitô đã gợi mở cho chúng ta tinh thần vị tha tuyệt hảo và mời gọi chúng ta bước vào, “Tha thứ tới bảy mươi lần bảy” (Mt 18,22), tha thứ không ngừng. Chúa Giêsu dạy con người là tha thứ mãi, vì tha thứ cũng là trao ban cho chính kẻ mình ghét cay ghét đắng bằng đức ái như chúng ta đã trao cho người thân, bạn bè… Chúa Giêsu còn nhấn mạnh tha thứ là điều kiện để được thứ tha như Ngài đã dạy chúng ta cầu nguyện mỗi ngày: “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (Mt 6,12).

Tuy nhiên, sẽ không có được sự tha thứ vĩ đại như Chúa Giêsu tha thiết: “Tha thứ cho kẻ thù của mình” nếu chúng ta không có một quá trình học biết tha thứ. Sự tha thứ mà Chúa Kitô mời gọi chúng ta sẽ chỉ hiện hữu nếu chúng ta biết đào luyện cho mình một tiến trình tiệm tiến: Từ bản thân, đến những người thân lầm lỗi, những người ta không thích - không ưa… và tất cả sự tha thứ đều bắt nguồn từ đỉnh cao của đức ái.

Tha thứ cho anh em trong gia đình, bạn bè để nơi tâm hồn chúng ta luôn chan chứa tình huynh đệ bao dung, gia đình đầy ắp tiếng cười. Nhưng tha thứ cho người hãm hại mình quả là điều rất khó khăn. Đó là một bài học có lẽ khó nhất và là bài học thể hiện lòng yêu thương trọn vẹn nhất trong cuộc đời. Đó cũng là đỉnh cao của lòng vị tha Kitô giáo mà Chúa Giêsu đã đề nghị: Yêu kẻ ghét mình và làm ơn cho người hại mình. Chính Ngài trên thập giá đã sống đỉnh cao yêu thương này và làm gương cho chúng ta khi Ngài đối xử với những kẻ giết mình bằng lời cầu nguyện với Chúa Cha và cũng là di chúc cho chúng ta: “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23,34). Lời di chúc này gợi trong lòng tôi và bạn: yêu thương tha thứ như Chúa Giêsu, đến độ triệt để khai trừ mọi hành động trả thù và luôn luôn sẵn sàng đối thoại, lập lại sự giao hảo với người ghét mình, với kẻ hại mình. Sẵn sàng chia sẻ và quảng đại làm ơn cho họ: “Thi ân xóa bỏ thù hận”, cách hành xử yêu thương này là luật vàng của lòng bác ái.

Ý lực sống

“Cuộc sống là học biết tha thứ, tha thứ tất cả” (Paul Toupin).

Top