Thứ Sáu ngày mười ba
Blog WGPSG -- Không ít người ở các nước phương Tây, điển hình là tại Anh Quốc, Đức, Bồ Đào Nha, xem Thứ Sáu ngày 13 của bất kỳ tháng nào trong bất kỳ năm nào, như một ngày kém may mắn. Sự kiện này cũng có ở vài nơi khác trên thế giới như Hy Lạp và Tây Ban Nha. (*)
“Thứ Sáu ngày mười ba” thường bị xem là xui xẻo, với bao điều bất trắc hay xảy ra. Nhưng vì sao người ta kiêng cữ ngày này? “con số 13” hay/với “ngày thứ 6 trong tuần lễ”?
Nếu Bạn tin rằng hôm nay là ngày xui xẻo vừa bởi con số 13, vừa do ngày thứ sáu, thì tôi xin kể Bạn nghe về nét đẹp của Ngày Thứ Sáu cũng như Con Số 13 dễ thương.
Trong Anh ngữ, Giáo hội Công giáo gọi thứ sáu trong Tam Nhật Vượt Qua (thứ sáu tưởng niệm Chúa Giêsu chịu chết trên thập giá) là "Good Friday" (Ngày thứ sáu tốt lành). Lạ nhỉ, phải không Bạn?
Bạn có thể ngạc nhiên vì lẽ ra ngày Đấng Sáng lập Kitô giáo bị tử hình phải là một ngày đáng buồn và đáng sợ, đằng này chúng tôi – những môn sinh của Thầy Giêsu – lại cảm thấy vui mừng! Chính Thầy Giêsu đã biến ngày thứ sáu ảm đạm tang tóc đó thành một thứ sáu tuyệt diệu bằng chính Tình Yêu Tự Hiến của Thầy! Đó là Tình Yêu hiến thân vì bạn hữu, để những ai đón nhận Thầy như một Người Bạn thì sẽ được chia sẻ sức sống vô biên, niềm vui vô hạn do Tình Yêu Toàn Thắng của Đấng Phục Sinh – Đấng đã chết cũng chính là Đấng đã sống lại và là Đấng Hằng Sống: Thầy Giêsu Kitô!
Số 13 dễ thương lắm Bạn ạ!
Chỉ với một nhóm người rất nhỏ, vỏn vẹn 13 người thôi, nhưng đã làm thay đổi cả thế giới. Bạn biết tôi đang nói về 13 Tông đồ của Thầy Giêsu, trong đó, Tông đồ thứ 13 thật là vĩ đại: ngài đã góp phần rất lớn để sứ điệp Yêu Thương của Thầy Giêsu được loan truyền ra khỏi khuôn khổ đất nước Do Thái, cho rất nhiều dân tộc (Hy Lạp, La Mã,…) đến nỗi chúng tôi gọi ngài cách thân thương là “vị Tông đồ dân ngoại”! Tôi hãnh diện và biết ơn ngài lắm lắm, bởi trước khi được hồng ân nhận biết Thầy Giêsu, tôi và tổ tiên tôi cũng là dân ngoại mà!
Và còn nhiều, nhiều lắm những nét đẹp của con số 13 đáng yêu cũng như ngày thứ sáu hồng phúc, tôi hẹn Bạn kể vào dịp khác nhé!
Và nếu những điều tôi vừa kể, vẫn không giúp Bạn hết ái ngại thứ sáu ngày 13 năm 2012 này, thì xin Bạn hãy vui lên, mạnh mẽ lên, và cùng tôi reo vang lên Alleluia vì hôm nay là ngày thứ sáu trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh, ngày mừng rỡ hân hoan: niềm vui mừng Chúa Phục sinh được kéo dài đến 8 lần 24 giờ đồng hồ.
8 ngày đêm tôn tạo và biểu cảm một niềm vui duy nhất, niềm vui lớn lao: Niềm vui được ơn cứu độ đến từ “Đấng đã sống lại từ cõi chết”. Hơn nữa, chính Đấng Phục sinh này đã và đang trở nên niềm hy vọng, sức mạnh và nguồn vui của tôi, của Bạn và hàng tỷ người trên thế giới!
-----------------------------
(*) trích từ http://vi.wikipedia.org:
Lịch sử ngày này được biết tới như sau:
Dossey, tác giả cuốn Holiday Folklore, Phobias and Fun, cho biết nỗi sợ bắt nguồn từ thời cổ đại, khi số 13 và thứ Sáu - hai điều mang lại vận đen kết hợp với nhau thì tạo nên một ngày vô cùng bất hạnh.
Trước thế kỷ 21, mặc dù số thứ tự 13 được xem như là xui xẻo và ngày thứ Sáu được xem là ngày đen đủi, đã không có mối liên kết nào giữa chúng. Những tài liệu đầu tiên đề cập đến "Thứ Sáu, ngày 13" được nghe chung chung xuất hiện vào đầu những năm 1900.
Tuy nhiên có những dẫn chứng phổ biến hiện hữu xung quanh nguồn gốc của khái niệm:
- "Bữa ăn cuối cùng" (The Last Supper), với câu chuyện Giuđa là vị khách thứ 13 và ngày Đức Giêsu bị đóng đinh là ngày thứ Sáu.
- Con số 13 cũng bắt nguồn từ một truyền thuyết của Na Uy về 12 vị thần dự tiệc tại thiên đường Valhalla. Khi đó một vị khách không mời thứ 13 xuất hiện, thần tinh quái Loki. Tại đó, Loki đã ngầm liên kết với Hoder, thần bóng tối, bắn thần Balder xinh đẹp, vị thần mang lại niềm vui và hạnh phúc, bằng một mũi tên tẩm độc tầm gửi. Balder chết và cả trái đất chìm trong bóng tối và tang tóc. Đó là một ngày đen đủi, bất hạnh.
Tuy nhiên, về mặt lịch sử tuy có những dẫn chứng rất chặt chẽ về việc con số 13 đã được cân nhắc xem như là bất hạnh, sự liên tưởng có thực trong tâm trí về thứ Sáu ngày 13 lại dường như là một điều bịa đặt từ đầu những năm 1900.
bài liên quan mới nhất
- Cuộc hội nhập văn hoá trong lịch sử dân tộc Việt Nam
-
Quà Tết cho người vô gia cư -
Noel ấm áp tình người -
Đồng hương Thái Bình miền Nam: Họp mặt Tân niên -
Đồng hương Đàn Giản: mừng Xuân đoàn viên -
Nhớ lắm bếp củi ngày xưa! -
Thông điệp của mùa xuân -
Giờ kinh Giao Thừa -
Trăng Rằm miền biên giới -
Vầng Trăng Yêu Thương
bài liên quan đọc nhiều
- Cuộc hội nhập văn hoá trong lịch sử dân tộc Việt Nam
-
Nhớ lắm bếp củi ngày xưa! -
Quà Tết cho người vô gia cư -
Thông điệp của mùa xuân -
Sống tâm tình tạ ơn trong ba ngày Tết -
Tây Tạng: Tết Losar của lòng hiếu khách và từ tâm -
Giờ kinh Giao Thừa -
Năm Thìn, tản mạn chuyện Rồng -
Tất niên và tân niên -
Trăng vàng mùa thu