Thứ Tư Tuần III Mùa Thường Niên - Năm lẻ

Thứ Tư Tuần III Mùa Thường Niên - Năm lẻ

Thứ Tư Tuần III Mùa Thường Niên - Năm lẻ

Lời Chúa: Mc 4, 1-20

1 Khi ấy, Chúa Giêsu bắt đầu giảng dạy ở bờ biển và có đám đông dân chúng tụ lại gần Người, nên Người xuống ngồi trong một chiếc thuyền trên mặt biển, tất cả đám đông thì ở trên đất theo dọc bờ biển. 2 Người dùng dụ ngôn mà dạy họ nhiều điều, và khi giảng, Người nói với họ rằng: 3 "Các ngươi hãy nghe! Này người gieo hạt đi gieo hạt giống. 4 Khi gieo, một phần hạt rơi xuống vệ đường và chim trời đến ăn hết. 5 Phần khác rơi trên đất sỏi, nơi không có nhiều đất. Hạt giống đã mọc lên ngay, vì lớp đất không sâu. 6 Nhưng khi mặt trời mọc lên, hạt giống bị nắng đốt và vì không rễ, nên bị chết khô. 7 Một phần khác rơi vào bụi gai, và gai mọc lên làm hạt giống chết và không sinh hoa trái được. 8 Phần hạt khác rơi vào đất tốt, mọc lên, nẩy nở và sinh quả, hạt thì sinh được ba mươi, hạt được sáu mươi, hạt được một trăm". 9 Và Người phán rằng: "Ai có tai để nghe thì hãy nghe".

10 Khi Người còn lại một mình, thì mười hai ông là những kẻ luôn ở với Người, hỏi Người về ý nghĩa dụ ngôn, 11 Người liền bảo các ông: "Các con được ơn biết mầu nhiệm về nước Thiên Chúa, còn những kẻ khác ở ngoài thì mọi sự được giảng dạy bằng dụ ngôn, 12 vì chúng nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu, kẻo chúng trở lại mà được tha tội".

13 Người nói với các ông: "Các con không hiểu dụ ngôn đó sao? Vậy thì hiểu sao được tất cả những dụ ngôn khác? 14 Người gieo hạt là gieo lời Chúa. 15 Vệ đường mà lời Chúa được gieo vào, là những kẻ vừa nghe xong, thì Satan đến và cất lấy lời Chúa gieo trong tâm hồn họ. 16 Và cũng thế, những hạt giống rơi trên đất sỏi là những kẻ khi nghe lời Chúa thì đón nhận vui vẻ, 17 nhưng chúng không đâm rễ bên trong và là những người hay thay đổi: sau đó gặp phải cơ cực hay bắt bớ vì lời Chúa, thì họ sa ngã liền. 18 Lại có những hạt giống rơi trong bụi gai. Đây là những kẻ nghe lời Chúa, 19 nhưng những lo lắng trần tục, sự quyến rũ của giàu sang và những đam mê khác xâm chiếm họ, bóp nghẹt lời Chúa, khiến không thể sinh hoa trái được. 20 Còn những hạt giống gieo trong đất tốt: đó là những người nghe lời Chúa, biết giữ lấy và làm sinh lợi, hạt ba mươi, hạt sáu mươi, và hạt một trăm".

 

A. Phân tích (Hạt giống...)

Trong đoạn Phúc Âm hôm qua, Chúa Giêsu đề cao những người biết lắng nghe Lời Chúa. Trong đoạn Phúc Âm hôm nay, Ngài dùng dụ ngôn về người gieo giống để khuyến cáo: không phải chỉ nghe thôi là đủ, mà còn phải “nghe lời Chúa, biết giữ lấy và làm sinh lợi” (câu 20). Ngài cũng vạch cho thấy những trở ngại khiến cho việc nghe Lời Chúa không sinh kết quả, đó là:

a/ Bị Satan phá (hạt rơi bên vệ đường).

b/ Tính nông nổi nhất thời, không kiên trì thực hiện Lời Chúa trong lúc gian nan hay bị ngược đãi (hạt rơi trên đá sỏi).

c/ Những lo lắng sự đời, bả vinh hoa phú quý cùng những đam mê khác (hạt rơi trong bụi gai).

B. Suy gẫm (... nẩy mầm)

1. Có lẽ đa số chúng ta thuộc loại đất có gai, Lời Chúa gieo vào bị làm chết ngạt bởi “những lo lắng trần tục, sự quyến rũ của giàu sang và những đam mê khác”. Thực vậy, kinh nghiệm cho thấy khi nào ta có được sự “thinh lặng nội tâm” thì Lời Chúa dễ thấm nhập tâm hồn ta hơn. Ngược lại khi tâm hồn bị giao động bởi những thứ kể trên thì Lời Chúa vừa vào tai bên này đã lọt ra khỏi tai bên kia.

2. “những hạt giống gieo trong đất tốt: đó là những người nghe lời Chúa, biết giữ lấy và làm sinh lợi, hạt ba mươi, hạt sáu mươi, và hạt một trăm”: “nghe” là một việc tương đối thụ động, việc của đôi tai; “giữ lấy” là việc chủ động, việc của con tim; và “làm sinh lợi” càng chủ động hơn nữa, đó là việc của ý chí và của nhiều cố gắng.

3. Một ông vua nọ có thói quen mỗi ngày nghe một đoạn trong kinh Bagayad Gita. Người phụ trách việc đọc kinh này là một nhà sư đạo đức, thông thái. Cứ mỗi lần đọc xong một đoạn kinh, ông lại dùng đến kiến thức uyên bác của mình để giải thích cho vua nghe. Và ngày nào ông cũng đặt câu hỏi “Bệ hạ có hiểu những gì thần vừa dẫn giải không?”. Nhưng lần nào nhà vua cũng chỉ trả lời “Khanh nên hỏi điều đó với khanh trước đã”...

Ngày nọ, giữa lúc đọc kinh, ông bỗng được giác ngộ và nhận ra tất cả mọi sự đều là hão huyền. Thế là nhà sư quyết từ bỏ mọi sự và lên đường bắt đầu cuộc sống của một người hành khất. Trước khi ra đi, ông nói với nhà vua “Tâu bệ hạ, thế là cuối cùng hạ thần đã hiểu được”. Giác ngô đích thực, hiểu biết chân lý chính là thực thi chân lý. (Góp nhặt)

4. “Ai có tai để nghe thì hãy nghe” (Mc 4,9)

Vào một buổi sáng Chúa nhật, tôi tình cờ nghe được mẫu đối thoại sau giữa hai anh chàng thanh niên. Một anh hỏi: “Sáng nay cậu có đi dự lễ không?” Anh kia đáp: “Có chứ”. “Thế có nhớ bài Phúc Âm hôm nay là của Thánh nào không? Nội dung ra sao?” Qua thái độ và cử chỉ lúng túng của anh, tôi đoán được ngay câu trả lời.

Thực ra, không riêng gì anh, mà tôi và các bạn cũng thế. Chúng ta thường lắng nghe và nghĩ đến nhiều sự, thậm chí cả những điều không đáng nghe, nhưng lại bỏ ngoài tai những lời ban sự sống, hoặc có nghe Lời Chúa thì cũng chẳng hiểu, chẳng khám phá được ý Người, bởi ít hồi tâm cầu nguyện hay để tâm học hỏi.

Lạy Chúa, xin soi sáng tâm trí con để con luôn hiểu và sống Lời Chúa, hầu trở nên mảnh đất tốt cho hạt giống Lời Chúa được trổ sinh hoa trái đúng mùa. (Epphata)
 

Bài Đọc I: (năm I) Dt 10, 11-18

"Người đã làm cho những kẻ được thánh hóa nên hoàn hảo đến muôn đời"

Bài Bài trích thơ gởi tín hữu Do thái.

Trong khi mọi tư tế hằng ngày đứng gần bàn thờ chu toàn chức vụ mình và hiến dâng cũng những ngần ấy của lễ nhiều lần, nhưng không bao giờ xóa được tội lỗi, còn Người khi dâng xong của lễ duy nhất đền tội, đã ngự bên hữu Thiên Chúa đến muôn đời, và từ đây, Người chờ đợi cho đến khi thù địch bị đặt làm bệ dưới chân Người.

Vì chưng, nhờ việc hiến dâng duy nhất mà Người đã làm cho những kẻ được thánh hóa nên hoàn hảo đến muôn đời.

Vả chính Thánh Thần cũng đã minh chứng cho chúng ta như thế.

Vì sau khi Chúa đã phán: "Nầy là giao ước Ta sẽ ký kết với chúng sau những ngày ấy", thì Người còn thêm: "Ta sẽ đặt lề luật Ta trong lòng chúng, và khắc nó vào tâm trí chúng; ta sẽ không còn nhớ đến những tội lỗi và sự gian ác của chúng nữa".

Vậy nơi nào tội lỗi được thứ tha, thì không còn việc dâng của lễ đền tội nữa.

 

Top