Thực hư
WGPSG -- Con gái của tôi sắp ra trường. Niềm vui chưa đến mà bất đồng quan điểm giữa tôi và mẹ nó đã ồn ào từ lâu. Tôi muốn cho cháu du học bên trời Mỹ để nâng cao học vị. Vợ tôi không dám để cháu rời xa tổ ấm, một thân một mình thân gái dặm trường giữa xứ lạ quê người. Đất nước Hoa Kỳ đúng là thiên đường của người tầm trú, nhưng đồng thời cũng là cánh rừng đầy chông, mìn, bẫy. Thật khủng khiếp cho những con nai vàng ngơ ngác chỉ quen đạp trên lá vàng khô và chỉ lá vàng khô…
Còn cậu con lớn nhà tôi cũng sắp tốt nghiệp bác sĩ. Mẹ nó một hai không cho nó nhận nhiệm sở và còn ép cưới một cô Việt kiều. Dưới mắt bà ấy, cái đất Sài Thành này không còn có cô gái nào đáng làm dâu của bà rồi! Thật chán chết đi được! Cậu ấm cũng lắm bản lỉnh, nó không theo ý Mẹ, cũng không chiều ý tôi. Nó lại đòi đi tu làm “cha người ta”. Bởi thế, không lạ gì mà căn nhà của chúng tôi không ngớt khói lửa chiến tranh, hết chiến tranh nóng đến chiến tranh lạnh. Thật chán chết đi được!
Cái xứ sở hình chữ S này đâu có nghèo nàn đến độ không nuôi nổi đám con cháu này. Bà nhà tôi luôn mong một sáng nào đó thức dậy thấy mình đang ở tại nước Cờ Hoa. Bà có tật lo xa, cứ lo sợ cái khí hậu ôn hòa của xứ này sắp bị biến đổi. Nước biển tràn ngập đồng bằng sông Cửu Long. Lúc đó trăm họ Con Rồng Cháu Tiên bồng nhau lên “chúng ở non”. Bà ấy lo lúc ấy thậm chí nguy, vì núi non miền cao chỉ đủ chỗ cho năm chục họ Tiên Rồng. Phải lo chạy trước thôi! Khéo lo quá!
Bỗng “rầm”! Chiếc xe tay ga mới cáu cạnh và thân thể tròn đầy nhựa sống của tôi vụt bay khỏi mặt đất, rồi bị hấp lực của quả đất hút lại rơi xuống: “rầm”! Có chuyện gì vậy? Tôi chỉ thấy một chiếc xe hơi màu xám, bảy chỗ bóng lộn, loạng quạng chạy qua. À! Thì ra chiếc xe ác ôn này là thủ phạm. Chiếc xe này quen quen, bảng số xe cũng quen lắm. Tối cố nhoài người dậy dõi theo chiếc xe thủ ác này. Nhưng lực bất tòng tâm! Thân thể tôi bất động như chiếc xe tay ga màu xanh nằm cách tôi hai mét. Lưng tôi ướt lạnh, không phải mồ hôi mà nước gì đó tanh mùi. Ôi máu! Trời! tôi bị thương chỗ nào thế? Vũng máu dưới lưng từ từ loang rộng, nhuộm ướt hai cánh tay áo sơ mi của tôi nửa đỏ nửa trắng.
Tối cố hét lên:
- Cứu tôi! Cứu tôi với!
Nhưng tiếng hét của tôi không thoát ra khỏi cổ họng. Chẳng lẽ tôi bị đứt thanh quản. Tôi cố đưa tay lên cổ, nhưng tôi không tài nào nhắc tay lên được. Tôi cố rướn người lết vào lề đường, cũng không thể. Chúa ơi! Con bị gãy cột sống, hay gãy tay, gãy chân rồi sao? Con chưa chết mà. Phải không Chúa? Nhưng con đau buốt cả người từ đầu đến chân, xin thương cứu con. Tôi rên thầm.
May quá, có một vị tu sĩ vị vọng trong giáo quyền, và cũng nhiều thế giá với chính quyền mà tôi chơi rất thân, đang dần đi tới. Lúc trẻ, tôi với ngài cùng học chung ngành đại học. Gặp ngài nơi các đình đám, tôi thường khoe là bạn học cùng trang lứa. Để nuôi dưỡng tình bằng hữu đầy uy tín ấy, tôi thường mang đến cho ngài nhiều chai rượu tây vào các dịp lễ tết. Khi thấy bạn bè lác mắt nhìn các bức ảnh tôi sánh vai chụp chung với ngài, tôi mãn nguyện lắm, dầu ngài chưa bao giờ giúp tôi điều gì.
Tôi khấp khởi mừng vì ngài có mặt cạnh tôi lúc nguy tử này. Nhưng không, ngài không ghé. Ngài không nhận ra tôi! Máu me, bụi đường đã làm tôi biến hình rồi. Tôi cố rên rỉ:
- Thầy ơi! cứu con. Con đây mà!
Hình như thầy đang bận bịu lắm. Thầy không nghe thấy tôi! Cái cổ họng chết tiệt.
Kìa anh Dịch, một cán bộ quận ở đầu ngõ nhà tôi đây rồi. Tôi với anh chơi rất thân. Quan hôn tang tế nhà anh, tôi luôn có mặt. Tôi chưa chạy nhờ anh việc gì, vì gia đình tôi làm nghề giáo không chạy áp phe. Dầu vậy, tôi vẫn thích làm thân với anh để đánh bóng mình. Nhất thân nhì thế mà. Biết đâu ngày nào tôi sẽ có dịp nhờ đến uy tín của anh, mong là anh sẽ không từ chối. Anh chậm rãi đi ngang qua tôi và chăm chú nhìn. Hy vọng anh nhận ra tôi và gọi taxi đưa tôi đi cấp cứu. Mỗi lần tôi mang quà biếu đến nhà anh, mặt anh rạng rỡ bắt tay thân tình lắm mà.
Anh ngồi trên chiếc mô tô màu nâu bình thản vượt qua, mặt không đổi sắc. Anh cán bộ lại bỏ đi nữa rồi, lẽ nào anh không nhận ra tôi, bạn láng giềng của anh đây. Tôi cố gọi anh một tiếng, nhưng cái cổ họng chết tiệt! Ngạn ngữ Tàu có câu: “Lên trời đã khó, nhờ người còn khó hơn”. Giờ phút này đầu óc tôi còn minh mẫn để nhớ được câu này nữa sao?! Giờ này tôi chỉ mong giơ được cánh tay lên hoặc la lớn được một tiếng để kêu cứu thôi. Chúa ơi!
Rồi kìa, chiếc xe màu đen thủ ác quen quen lại xuất hiện. Nó đang lùi về phía tôi. Một người đàn ông trung niên, dáng dấp chủ xe, bảnh bao với chiếc áo xanh đậm màu, nhoài nửa người quay lại nhìn tôi rất kỹ. Tôi cũng cố nhướng mắt nhìn thật kỹ kẻ gây ác. Trời! hắn là Giao, một doanh nhân. Biệt thự của hắn cách nhà tôi không xa. Con tôi và con của hắn chơi thân với nhau từ thuở nhỏ. Hai gia đình không cùng ngành nghề nhưng vẫn quý mến nhau vì hai con của hắn đều là học sinh cấp ba của bà nhà tôi.
Tôi mừng thầm vì anh đã nhận ra tôi. Tôi sắp được cứu rồi. Anh đang từ từ lùi xe để mang tôi đến bệnh viện. Bánh xe sau lùi dần sát tôi. Khói xe khịt mạnh vào mặt tôi, nhưng không sao, tôi không cảm thấy khó chịu. Tôi mong nó đến gần tôi hơn nữa. Còn cách một mét. Nửa mét. Vẫn tiếp tục lùi. Hắn muốn giết người diệt khẩu! Chúa ơi! Hoảng hốt, tôi đảo mắt chung quanh tìm người cầu cứu. Tiếng còi xe inh ỏi. Mà lạ, đường vắng ngắt. Không bóng xe. Không một bóng người. Trời nắng chứa chan.
Chiếc xe quái ác lạnh lùng lăn đến sát người tôi, chực nghiến tôi ra làm hai khúc. Tim tôi đập thình thịch… Chúa ơi! cứu con! Bánh xe rướn lên cánh tay tôi. Chúa đâu rồi! Tôi hét lên. Tai tôi lùng bùng. Tôi không còn cảm giác nào khác.
Mở mắt. Ánh sáng chói chan chiếu vào mắt. Tôi đã chết. Tôi đang ở trước tòa án của Chúa đây. Không, một mình tôi đang nằm trong phòng cấp cứu màu trắng. Chúa đã nghe tiếng tôi kêu cứu. Tay chân tôi không còn thương tích gì. Không, tôi đang nằm trong phòng ngủ tại nhà tôi, lưng áo ướt đẫm mồ hôi. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Chưa kịp ngồi dậy thì tôi đã nghe giọng nói thân thương của bà nhà vọng lên từ dưới bếp:
- Trời sáng rồi. Mơ thấy gì mà hét to thế?
Tôi ậm ừ, không thốt lên lời. Tôi vẫn còn bị sốc với những hình ảnh nhập nhằng trong giấc mơ. Trong cơn thập tử nhất sinh, tôi chỉ biết dựa vào những mối dây liên kết ảo tưởng. Chúa là đá tảng tựa nương vững chắc nhất mà bấy lâu nay vợ chồng tôi quên mất. Sức mạnh của nhân gian, của kim tiền chỉ là phù vân. Thật sự cậu cả đã có quyết định hướng thiên đúng đắn. Hóa ra hai con tôi trong sáng hơn tôi tưởng.
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm