Tin vào đời sau
WGPSG -- Con người, tự ngàn xưa, chẳng ai có thể sống đời được. Và như vậy, sự sống con người có ngần có hạn cho dù người ta tìm đủ mọi cách, mọi phương thuốc để được trường sinh bất tử.
Xem trong bộ phim Tây Du Ký, hành trình của những con người đi tìm miền cực lạc, tìm thuốc để được trường sinh bất tử vẫn còn đó. Nhưng, mãi mãi con người vẫn không tìm được, và cuối cùng con người buộc không còn lựa chọn nào khác là chết!
Và, đàng sau cái chết, mỗi dân tộc, mỗi con người có niềm tin vào đàng sau cái chết của mình. Có người tin linh hồn bất tử, có người tin vào kiếp luân hồi, có người lại nói là con người chết là hết vì họ tin vào chủ nghĩa duy vật, có người tin vào con người ngày sau sẽ sống lại như niềm tin của người Kitô giáo.
“Sự sống này chỉ thay đổi chứ không mất đi”. Lời bài hát chúng ta vẫn thường hát nhân dịp tang lễ và cũng là lời kinh Tiền Tụng cầu cho các tín hữu đã qua đời. Sự sống này thật là chỉ thay đổi chứ không mất đi, đó là xác tín của người Kitô hữu trong kinh Tinh Kính mà chúng ta vẫn tuyên xưng: Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại.
Niềm tin đó được tuyên tín đâu đó trong nhiều trang Thánh Kinh trong tâm tình của những người tin.
Chúng ta thấy rõ nét nhất đó là chính cuộc đời của ông Giob. Ông Giob đã tin vào Thiên Chúa của ông dẫu rằng vợ cũng như hàng xóm của ông khích bác niềm tin ấy.
Niềm tin đó, hôm nay, chúng ta được gặp lại nơi anh em nhà Macabê. Câu chuyện gia đình hay nói gần hơn đó là anh em cũng như bà mẹ của anh em nhà Macabê chúng ta nghe đi nghe lại quá nhiều lần.
Có bảy anh em bị bắt cùng với bà mẹ. Vua Antiôkhô cho lấy roi và gân bò mà đánh họ, để bắt họ ăn thịt heo là thức ăn luật Môsê cấm. Thay mặt cho anh em mình, một người lên tiếng nói: "Vua muốn tra hỏi chúng tôi cái gì? Vua muốn biết điều gì? Chúng tôi sẵn sàng thà chết chẳng thà vi phạm luật pháp của cha ông chúng tôi.
Khi sắp trút hơi thở cuối cùng, anh nói: "Vua là một tên hung thần, vua khai trừ chúng tôi ra khỏi cuộc đời hiện tại, nhưng bởi lẽ chúng tôi chết vì Luật pháp của Vua vũ trụ, nên Người sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời".
Sau người này, đến lượt người thứ ba bị tra tấn. Vừa được yêu cầu anh liền thè lưỡi, can đảm đưa tay ra, và khẳng khái nói: "Tôi có được lưỡi này, tay này, là do Chúa Trời ban. Nhưng vì luật Chúa Trời, tôi coi khinh những thứ đó, và tôi hy vọng nhờ Chúa Trời, tôi sẽ lấy lại được." Nhà vua và quần thần phải sửng sốt vì lòng can đảm của người thanh niên đã dám coi thường đau khổ.
Người này chết rồi, người ta cũng tra tấn hành hạ người thứ tư như vậy. Khi sắp tắt thở, anh nói như sau: "Thà chết vì tay người đời đang khi dựa vào lời Thiên Chúa hứa mà hy vọng sẽ được Người cho sống lại. Còn vua, vua sẽ không được sống lại để hưởng sự sống đâu."
Phải nói là niềm tin về sự sống đời đời vào Thiên Chúa nơi bảy anh em nhà Macabê quá tuyệt vời.
Niềm tin ấy không phải ai cũng dễ tuyên xưng và sống như vậy.
Thời Chúa Giêsu cũng không tránh khỏi chuyện niềm tin vào sự sống đời sau.
Thời Chúa Giêsu có Xađốc là nhóm không tin rằng có sự sống lại. Họ cử vào người đến chất vấn Chúa Giê-su: "Thưa Thầy, ông Mô-sê có viết cho chúng ta điều luật này: Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình. Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết. Người thứ hai, rồi người thứ ba đã lấy người vợ goá ấy. Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào. Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết. Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ? "
Họ chất vấn như thế là gài bẫy Chúa Giêsu thử xem Chúa Giêsu trả lời với họ như thế nào. Chúa Giêsu không ngần ngại và nói với họ rằng: "Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại. Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Môsê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Ápraham, Thiên Chúa của tổ phụ Ixaác, và Thiên Chúa của tổ phụ Giacóp. Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống."
Câu trả lời quá rõ ràng.
Chúa Giêsu nói cho nhóm Xađốc biết cách thức họ quan niệm về mầu nhiệm Thiên Chúa. Đối với họ, Thiên Chúa là một vì Thiên Chúa chỉ biết ban các điều luật và bị ràng buộc vào những quy định pháp lý đó; Người còn là một vì Thiên Chúa có quyền năng đã bị cạn kiệt khi tạo dựng thực tại trần gian như hiện có. Tuy họ cho thấy là họ vận dụng một tập tục của đạo giáo, thật ra họ lấy điểm tựa là đời sống trần thế với các luật lệ mà phóng chiếu lên cho Thiên Chúa. Họ coi Thiên Chúa như là Đấng đã ban cho dân Israel một loạt những giới luật nhằm bảo đảm cho họ một cuộc sống tốt lành và trật tự trên mặt đất này.
Họ nhìn như vậy nhưng Chúa Giêsu không thể chấp nhận lối nhìn đó. Ngài cho thấy, trước khi là Thiên Chúa của các luật lệ, Thiên Chúa là Thiên Chúa của lòng nhân lành luôn chiếu cố đến từng con người, hướng dẫn, săn sóc từng con người. Thiên Chúa không đặt tương quan với con người trước tiên bằng luật lệ, nhưng bằng lòng nhân ái tỏ ra với các con người từ thuở tạo thành. Thiên Chúa không chỉ săn sóc dân Ngài chọn trong một khoảng thời gian nào đó để rồi sau đó bỏ rơi họ trong tình trạng thê lương ảm đạm của âm phủ, theo cái nhìn của Do Thái giáo. Bởi vì Thiên Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống, Thiên Chúa cúi xuống trên dân Ngài chọn bằng lòng chạnh thương, con người mãi mãi được Thiên Chúa nhắm đến quê hương ở trên trời và sự sống đời đời.
Tuy nhiên, qua những điều Người nói với nhóm Xađốc, Chúa Giêsu chỉ nói rằng trong cuộc sống tương lai ở bên kia cái chết chứ Ngài không mô tả cuộc sống bên kia cái chết. Sau sự chết thì con người sống lại, ở bên kia thế giới đó người ta không cưới vợ lấy chồng nữa, người ta sống như các thiên thần. Ở đây, Chúa Giêsu không hạ cái màn xuống, để cho các cặp mắt phàm nhân có thể nhìn sang thế giới bên kia. Người không cho biết các chi tiết của đời sống tương lai nhằm thỏa mãn óc tò mò của con người, Ngài chỉ giúp con người chú ý tới nền tảng của đời sống ấy: đó là một cái nhìn đúng đắn tôn trọng mầu nhiệm Thiên Chúa và một đức tin chân thật.
Về mầu nhiệm Thiên Chúa, đó là lòng nhân ái của Ngài đối với từng con người, tình yêu của Ngài đối với loài người và quyền năng của Ngài; về đức tin, đó là con người phải đặt niềm tin nơi tình yêu và quyền năng của Ngài. Như vậy, cái nhìn của chúng ta không được nhắm tìm ra một phương diện nào đó của cuộc sống tương lai, nhưng là hướng đến Đấng ban tặng và đảm bảo cho đời sống này.
Nhìn khách quan thì Chúa Giêsu và những người Xađốc nói về cùng một vị Thiên Chúa. Trong thâm tâm, trong niềm tin thì những người Xađốc quan niệm Thiên Chúa là một Đấng Tạo hóa và Nhà lập pháp lạnh lùng, đã nói tiếng nói cuối cùng khi bố trí thế giới hiện tại và khi ban Luật Môsê. Với Chúa Giêsu thì khác, Chúa Giêsu cho thấy Thiên Chúa không kéo con người ra từ hư vô để rồi lại đẩy nó rơi vào hư vô. Ai đã được Thiên Chúa gọi đi tới sự sống, thì được Ngài nhắm cho đạt tới sự sống đời đời. Với những người tin, tất cả mọi sự tùy thuộc Thiên Chúa. Số phận chúng ta tùy thuộc Ngài là ai, và là ai đối với loài người.
“Cuộc đời, thân phận con người mong manh vô cùng:
Tính tuổi thọ trong ngoài bảy chục,
Mạnh giỏi chăng là được tám mươi,
Mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ,
Cuộc đời thấm thoát chúng con đã khuất rồi”.
(Tv 89, 10)
Cuối cùng, cũng khuất nhưng khuất của chúng ta là khuất trong niềm tin về sự sống lại.
Nói như thế, nhưng niềm tin của chúng ta đôi khi cũng bị lung lay, cũng bị dậy song; bởi lẽ những cơn sóng xô của cuộc đời về vật chất, về danh vọng, về quyền lực, về lợi lộc trần gian. Đôi khi chúng ta cứ mải miết bám vào những cái đó để đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa, niềm tin vào đời sau. Rất dễ mất niềm tin khi chúng ta cứ mãi đi tìm những thứ mau qua, chóng tàn và phù vân.
Xin Chúa thêm niềm tin cho chúng ta để chúng ta luôn tin Chúa là Chúa, là Chủ của cuộc đời ta, để suốt đời ta chỉ tìm kiếm và phụng thờ một mình Thiên Chúa. Có như thế, chúng ta mới được sống lại trong ngày sau hết để chiêm ngưỡng Nhan Thánh Chúa muôn đời.
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm