Tĩnh lặng
(St 9,8-15; 1 Pr 3,18-22; Mc 1,12-15)
Bước vào Mùa Chay Thánh là bắt đầu đi vào mùa tập luyện cả tinh thần và thể xác. Chúng ta được mời gọi tham dự vào 40 ngày chay thánh để tự thanh luyện và chuẩn bị cử hành cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Giêsu. Qua phần Phụng vụ Lời Chúa, Giáo Hội dẫn chúng ta ngược dòng thời gian trở về thời ông Noe, nhắc nhớ rằng Thiên Chúa đã ký kết giao ước với ông Noe và con cháu. Dấu chỉ của giao ước là cái mống xuất hiện trên mây và sẽ không khi nào nước lụt tiêu diệt mọi loài. Thiên Chúa sẽ giữ lời cam kết giao ước và dân sẽ tuân hành theo thánh ý Chúa.
Thực hiện lời hứa thuở xưa, Chúa Giêsu đã giáng thế làm người. Trước khi ra rao giảng Tin Mừng cứu độ, Chúa Giêsu vào hoang địa 40 đêm ngày chịu các thứ thử thách để chuẩn bị sứ mệnh. Hoang địa là nơi đồng không mông quạnh và là nơi chỉ có cát nóng với vài loại cây và loài vật hoang dã. Chúa Giêsu sống hoàn toàn trơ trọi giữa thiên nhiên. Chúa ăn chay cầu nguyện. Chúa sống trong tỉnh thức và thách thức với mọi cám dỗ. Chúa Giêsu đã dùng nhiều thời gian để lặng tâm và kết hợp mật thiết với Chúa Cha. Đây là thời gian thử luyện tinh thần và thể xác cao độ nhất. Với tinh thần, Chúa sống trong chiêm niệm một mình và hoà mình với thiên nhiên vạn vật. Về vật chất, Chúa không ăn uống để cảm nghiệm được sự đòi hỏi mãnh liệt của thân xác. Chúa Giêsu đã trải qua những sự cô đơn lẻ loi và đói khát mà thân phận của con người luôn réo gọi để thoả mãn. Chúa đã thắng vượt tất cả những đòi hỏi tự nhiên.
Sắp vào Mùa Chay, tôi có dịp ghé thăm các lớp học thuộc trường tiểu học của giáo xứ. Các em lớp 2 đang chuẩn bị Giáo lý để lãnh nhận Bí tích Hoà Giải và Rước Lễ Lần Đầu. Các em đang học hỏi về tình yêu, lòng thương xót và tha thứ của Chúa. Các em cũng học xét mình để nhận ra lỗi lầm để ăn năn sám hối. Tâm hồn của các em như các thiên thần thật đơn sơ và tốt lành. Khi tôi gợi ý hỏi các em về sự tội, sự dữ và các điều xấu. Dù các em mới 6-7 tuổi, nhưng các em có một cái nhìn xã hội rất bén nhạy. Các em lần lượt giơ tay chia sẻ và kể những điều các em đã nghe, đã thấy, chứng kiến và cảm nghiệm trong cuộc sống. Các em nêu lên những trường hợp cha mẹ cãi nhau, ly dị, người lớn gây gỗ, trộm cắp, hãm hiếp, uy hiếp, bạo lực, nghe súng bắn, nhìn thấy người bị giết chết bên cạnh đường. Các em gọi những kẻ gây nên tội là ‘bad guys’. Chúng ta thường nghe cha ông nói “nhân chi sơ, tính bản thiện”, mới sinh ra ai cũng tốt lành nhưng càng lớn tuổi, chúng ta càng dễ bị rơi vào các cơn cám dỗ để phạm tội.
Chúng ta nhận thấy những tội phạm thường là những người đã có đủ tuổi khôn, biết suy nghĩ và hành động. Tôi hỏi các em rằng: Các em muốn người ta gọi các em là ‘bad guys hay good guys’? Các em đồng thanh trả lời rằng: Các em muốn là ‘good guys’, là người tốt. Nếu muốn là người tốt, chúng ta phải làm việc tốt. Muốn làm việc tốt, chúng ta phải luyện tập mỗi ngày. Thói quen tốt sẽ trở thành nhân đức. Không cái gì tự nhiên mà có được. Để trở thành người, chúng ta phải học làm người. Trở nên người tốt, chúng ta cũng phải tập luyện các thói quen tốt. Môi trường sống ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển lòng đạo đức của con người. Đôi khi chúng ta nghĩ mình có thể miễn nhiễm những thói xấu ở đời. Nói thì dễ nhưng sống thì thật khó đấy! Ước gì chúng ta sống gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Tôi đến thăm học sinh lớp 4. Các em đang học môn Toán. Vào lớp, tôi hỏi các em: Một ngày có bao nhiêu giờ đồng hồ? Các em trả lời: Một ngày có 24 giờ. Đúng. Ai cũng biết. Vậy các em dùng bao nhiêu giờ để học, xem truyền hình, ngủ nghỉ, chơi games, giải trí và ăn uống? Các em phân ra và sử dụng thời giờ tuỳ theo hoàn cảnh của mỗi em. Tôi hỏi tiếp: Một ngày có bao nhiêu phút? Các em nhẩm tính và nói có 1.440 phút. Vậy các em dành bao nhiêu phút để cầu nguyện cùng Chúa mỗi ngày? Nhiều em trả lời rằng các em cầu nguyện tất cả khoảng 15 tới 20 phút. Các em gom được 15 phút cầu nguyện mỗi ngày cũng là may mắn lắm rồi.
Chúng ta thử làm một bài tính nho nhỏ. Chúa ban cho mỗi người một ngày sống đầy đủ 24 tiếng. Mỗi người chúng ta đã đầu tư thời giờ Chúa ban thế nào? Dĩ nhiên là con người, ai cũng cần phải trau dồi trí dục, thể dục và đức dục. Khi còn trẻ chúng ta có thể dùng 8 tới 10 giờ để học hỏi trau dồi kiến thức chung. Về thể dục, chúng ta phải tập luyện, ngủ nghỉ, thư giãn và ăn uống nhiều giờ trong ngày. Về đức dục, hình như chúng ta dành rất ít thời gian để trau dồi kiến thức về đạo lý và củng cố niềm tin. Trong đức dục có phần học đạo, sống đạo, giữ đạo và hành đạo, đặc biệt là phần tịnh tâm cầu nguyện và thực hành nhân đức.
Mỗi người hãy tự vấn xem chúng ta dành được bao nhiêu giây phút hay cơ hội để cầu nguyện cùng Chúa mỗi ngày? Một ngày như mọi ngày, chúng ta tất bật với công ăn việc làm và những đòi hỏi của cuộc sống, chúng ta hầu như quên đi bổn phận của một loài thụ tạo. Hãy nhìn cây cối đồng nội, chim trời, cá biển và muông thú đồng hoang không ngừng ngợi khen danh Chúa. Còn chúng ta đang ngụp lặn trong ân sủng của sự sống. Chúng ta vui hưởng cuộc sống trong cả bầu trời chuyển động không ngừng. Tất cả là hồng ân. Ấy thế mà chúng ta đã sao lãng dâng lời chúc tụng, ngợi ca, cảm tạ và biết ơn Thiên Chúa. Đôi khi chúng ta dùng một ít giây phút để cầu nguyện nhưng những lời cầu lại trống rỗng chưa trọn vẹn. Hầu như chúng ta đến với Chúa chỉ để vòi vĩnh xin ơn và cầu cạnh những ơn lành.
Chúng ta biết cầu nguyện như nguồn suối mát làm tươi dịu tâm hồn. Cầu nguyện là được đắm chìm trong ân sủng của Chúa. Cầu nguyện là bày tỏ tâm tình cùng Thiên Chúa qua việc dâng lời ngợi khen và cảm tạ tri ân. Trong bậc sống hiến thân tu trì, chúng ta thường có nhiều cơ hội để đọc Kinh Nhật Tụng và tham dự các giờ phụng vụ. Còn trong bậc sống gia đình, chúng ta có quá nhiều công việc và vấn đề cuộc sống cơm áo gạo tiền phải giải quyết, nên việc cầu nguyện kết hợp với Chúa cũng bị giới hạn và bị lơ là. Dù trong bậc sống nào, mỗi người tự hỏi rằng mấy khi chúng ta dùng thời gian riêng tư quỳ lặng yên bên Chúa một mình để lắng nghe lời thầm và đáp trả tiếng Chúa.
Trong Mùa Chay Thánh này, ngoài những giờ đọc kinh chung, mỗi người chúng ta cố gắng quyết tâm dành ít nhất khoảng 5 tới 10 phút mỗi ngày để thinh lặng xét mình và cầu nguyện với Chúa qua chính tâm tình của mình. Chúng ta sẽ cảm nghiệm được một chút sự gắn bó thân thiết cá nhân với chính Thiên Chúa là Cha. Đôi khi chúng ta tự hỏi: Tại sao chúng ta dễ lo ra và mau chán khi cầu nguyện trong thinh lặng dù chỉ vài ba phút? Có lẽ chúng ta chưa gặp gỡ đúng đối tượng thực sự mà chỉ là những hình thức cầu nguyện môi miệng bên ngoài chiếu lần qua lệ. Đọc cho xong những kinh nguyện bắt buộc và đọc cho hết những bản kinh đã dọn sẵn. Chúa Giêsu đã nhắc nhở: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” (Mt 15,8).
Thánh Phêrô trong thơ gửi cho giáo đoàn, Ngài đã viết rằng: Chúa Kitô đã chết một lần cho tội lỗi chúng ta. Chúng ta hãy chiêm ngắm và suy niệm về sự chết đau thương của Chúa trên thánh giá. Tình yêu hiến thân của Chúa trên thập giá là tất cả những gì Chúa đã muốn trao ban cho con người. Giao ước xưa Thiên Chúa đã ký kết với loài người qua cái mống trên trời, nay Chúa Giêsu đã ký kết một giao ước mới bằng chính những giọt Máu châu báu của Ngài đổ ra để cứu độ chúng ta.
Chúng ta hãy bắt đầu ngay khi bước vào Mùa Chay Thánh với tâm tình ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng. Dõi theo bước chân của Chúa Giêsu, chúng ta đi vào mùa tập luyện để tới sát gần Chúa hơn. Chúng ta biết rằng không có khổ luyện, sẽ không có thành đạt. Không có hy sinh hãm mình, sẽ không có hoa trái của hoan lạc. Không có thánh giá, sẽ không có triều thiên vinh quang. Chúa Giêsu đã dành 40 đêm ngày vào nơi thanh vắng nguyện cầu. Chúng ta cố gắng dành một chút thời gian trong Mùa Chay để tập thinh lặng, cầu nguyện và tu luyện tâm linh. Chúa Giêsu khuyên các môn đệ: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6,31). Chúng ta sẽ tìm được nguồn an vui và suối hạnh phúc trào dâng bên Chúa.
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm