Tình yêu chắp cánh
Như hồn trong xác
Chương 4: TÌNH YÊU CHẮP CÁNH
(Lễ Thánh Gioan Tông Đồ)
Tôi đọc trên Internet câu chuyện sau đây:
Có một cô gái mù; cô ta oán ghét mình, oán ghét mọi người, trừ ra người bạn trai tốt lành của cô, luôn ở bên cạnh cô để an ủi, chăm sóc. Cô ta nói với người bạn: “Nếu ngày nào em được sáng mắt, em sẽ xin lấy anh”. Một buổi đẹp trời kia, có ai đó hiến cho cô một đôi mắt. Bác sĩ giải phẫu và ghép đôi mắt mới cho cô. Thế là cô gái mù lòa nhìn được mọi sự, mọi người chung quanh. Cô cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Bấy giờ người bạn trai của cô hỏi: “Nay em đã sáng mắt, em có muốn lấy anh không?” Cô ta chăm chú nhìn người bạn và thấy anh ta cũng mù mắt như mình trước đây. Thật quá bất ngờ. Ý nghĩ rằng suốt đời mình phải sống với một người bất hạnh như thế khiến cô ta lo sợ và cô đã lắc đầu từ chối. Chàng thanh niên buồn rầu ra đi, và vài hôm sau gởi đến cho cô gái một lời nhắn: “Anh chúc em hạnh phúc. Hãy chăm sóc đôi mắt em, vì trước khi nó là của em nó đã là của chính anh đó!”
Đọc câu chuyện này trong mùa Giáng Sinh, chúng ta nghĩ tới tình yêu Thiên Chúa đối với ta và thái độ vô ơn của ta đáp lại tình yêu vô biên và vô vị lợi của Chúa. Quả thế, Thiên Chúa dành cho ta một tình yêu quá lớn lao mà chúng ta hoàn toàn chẳng đáng. Thánh Gioan nói, Thiên Chúa yêu chúng ta đến nỗi đã ban Con Một của Người cho ta. Người yêu ta nhưng chỉ chuốc lấy cho mình tất cả thiệt thòi, tất cả tủi nhục và khổ đau vì ta luôn vô ơn bạc nghĩa. Người hy sinh cho ta không phải chỉ đôi mắt mà cả người Con yêu dấu của mình, Đấng đã đến trần gian chia sẻ kiếp người yếu đuối mỏng dòn của chúng ta và đã hy sinh mạng sống mình cho ta được hạnh phúc.
Chỉ hai ngày sau lễ Giáng Sinh (27/12) chúng ta mừng lễ thánh Gioan Tông Đồ. Giáo Hội thường mừng lễ các thánh trong ngày sinh nhật trên trời của các ngài nghĩa là ngày các ngài từ giã cõi trần để về với Chúa. Nhưng với thánh Gioan thì khác. Không phải là vô cớ mà Giáo Hội đặt lễ thánh Gioan sát vào lễ Noel như thế. Thánh Gioan là người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến và cũng là người chứng tỏ một lòng yêu mến và một sự hiểu biết đặc biệt nhất trong các Tông Đồ đối với Thầy chí thánh. Trong các tác giả sách Tin Mừng, không ai nói về mầu nhiệm Nhập Thể, tức mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa làm người, một cách say sưa và hiểu mầu nhiệm này một cách sâu sắc như Gioan. Mầu nhiệm Nhập Thể là mầu nhiệm tình yêu. Cũng không ai trong các tác giả Tân ước nói tập trung về tình yêu như thánh Gioan; chính ngài đã định nghĩa Thiên Chúa LÀ Tình yêu. Ta nghe đã quá quen, nhưng thật là táo bạo (và sâu sắc) khi định nghĩa Thiên Chúa như thế. Gioan hiểu tình yêu Thiên Chúa qua kinh nghiệm của ngài về Đức Giêsu Kitô.
Thánh Gioan là ai?
Phúc Âm cho biết ngài là con ông Giêbêđê – một ngư phủ, và anh của ngài là Giacôbê, cũng là môn đệ của Chúa. Trước khi đi theo Chúa Giêsu, Gioan là môn đệ của Gioan Tẩy Giả. Phúc Âm còn cho biết, ngài là một trong ba môn đệ thân tín của Chúa Giêsu, cùng với Phêrô và Giacôbê. Bộ ba này đã được chứng kiến phép lạ Chúa Giêsu làm cho đứa con ông Gia-ai đã chết được sống lại; chứng kiến cảnh Chúa hiển dung sáng láng trên Núi Tabo và được Chúa dẫn theo để hiện diện với Chúa trong giờ phút Người cầu nguyện thảm thiết trong vườn Cây Dầu trước lúc phó mình chịu chết. Cùng với Tông Đồ Phêrô, Gioan là môn đệ đã được chọn đi dọn chỗ cho Thầy ăn lễ Vượt Qua cuối cùng với các môn đệ; cả hai đã đi theo vào dinh vị Thượng Tế khi Đức Giêsu bị bắt điệu vào đó. Đặc biệt nhất là một mình Gioan đã có mặt dưới chân thập giá và được Chúa tin tưởng phó Thân Mẫu của Người cho, để thay mặt Người chăm sóc Mẹ. Thánh Gioan thật xứng đáng với danh hiệu “người môn đệ được Chúa thương mến”!
Tình yêu chắp cánh
Bài Tin Mừng ngày lễ thánh Gioan (Ga 20,1-9) kể lại việc Phêrô và Gioan vội vàng chạy ra mộ Chúa sau khi bà Maria Mácđala hớt hải đến báo tin rằng ngôi mộ đã bị mở ra và không thấy xác Chúa ở đó nữa. Hai môn đệ đều chạy nhưng Gioan chạy mau hơn và đã đến mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó nhưng không vào. Phêrô đến sau, vào thẳng trong mộ và cũng thấy những băng vải và khăn che đầu, khăn này được cuộn lại và để riêng ra (chi tiết này ngụ ý rằng đây không phải là một vụ trộm xác). Tại sao Gioan chạy đến mộ trước Phêrô? Chắc hẳn vì ngài trẻ trung hơn, chạy khỏe hơn Phêrô. Nhưng theo ý nghĩa thần học, người ta có thể giải thích tại vì Gioan có lửa tình yêu cháy bỏng trong lòng; tình yêu như chắp cánh cho đôi chân chạy mau. Và tại sao Gioan không vào ngay trong mộ mà lại nhường cho Phêrô? Là vì Phêrô đứng đầu các Tông Đồ, ngài đại diện cho quyền bính Giáo Hội sau này. Ý nghĩa “thần học” của hành động Gioan là: Đức tin của chúng ta chủ yếu dựa trên lời chứng của các Tông Đồ, và trước hết là lời chứng của vị đứng đầu các ông. Dù vậy, ngay lúc này, khi nhìn thấy ngôi mộ trống, Tông Đồ Phêrô chưa hiểu, chưa tin ngay, còn Gioan vào sau thì “đã thấy và đã tin” liền, không chậm trễ. Thấy gì? Cũng chỉ thấy những dấu hiệu mong manh là khăn liệm và khăn che đầu như Phêrô thôi, nhưng chắc chắn tình yêu mến đã giúp ngài “thấy” xa hơn các dấu hiện bên ngoài.
Quả thật, tình yêu cho người ta đôi mắt tinh tường, con tim bén nhạy và ngay cả đôi chân nhanh nhẹn để chạy tới cùng đích là gặp gỡ người mình yêu dấu.
Để biết ai, hiểu ai, cần phải yêu mến người ấy. Tình yêu giúp ta đi vào tận trong trái tim kẻ khác và biết họ, hiểu họ từ bên trong, một cách đích thật và sâu xa.
Vị Tông Đồ của Tình Yêu
Người ta nói suốt đời ngài chỉ rao giảng về tình yêu, và khi đã về già, sức lực không còn nữa, ngài chỉ lặp đi lặp lại một lời: Các con hãy yêu thương nhau! Tình yêu có vẻ là điều tự nhiên nhất và dễ dàng nhất đối với con người. Nhưng thật ra tình yêu chân chính là rất khó vì chúng ta thường rất ích kỷ. Thánh Phaolô đã mô tả tình yêu đích thực với những đặc tính như sau: [tình yêu thì] nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang tự đắc, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác [của kẻ khác]; tình yêu tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả [x. 1Cr 13,4-8]. Chính Chúa Giêsu đã dạy một cách tóm tắt: “Không tình yêu nào lớn hơn tình yêu của kẻ hy sinh tính mạng vì người mình yêu”. Một tình yêu như thế thì chúng ta cứ phải học, phải học suốt đời.
Nếu thánh Gioan đến đây hôm nay và ngỏ lời với ta, chắc ngài sẽ vẫn lặp lại lời khuyên quen thuộc: “Các con hãy thương yêu nhau”. Xin Chúa ban cho chúng ta đầy tình yêu chân thật trong lòng, nhờ đó chúng ta có được đôi mắt tinh tường có thể nhìn ra các nhu cầu của tha nhân, đôi tai rất thính để nghe biết những lời kêu than dù là nhỏ nhẹ nhất của những người đau khổ, đôi chân nhanh nhẹn để chạy mau tới mọi người cần tới mình và một trái tim tế nhị để luôn luôn tìm được lời nói, thái độ, cách cư xử thích hợp với mọi người trong mọi hoàn cảnh.
Linh Mục Nguyễn Hồng Giáo, OFM
Như Hồn Trong Xác, NXB Phương Đông (2011), tr. 25-30.
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm