Tình yêu hôn nhân dưới cái nhìn nhân học Kitô giáo: Tình yêu hôn nhân
TÌNH YÊU HÔN NHÂN DƯỚI CÁI NHÌN NHÂN HỌC KITÔ GIÁO
************
WGPSG -- Ngày 5/12/2009 buổi học tuần thứ năm, các học viên được học hỏi và chia sẻ về đề tài Tình Yêu Vợ Chồng tại TTMV của giáo phận.
Tình yêu con người tuôn chảy từ thượng nguồn Tình Yêu Thiên Chúa, tình yêu của hai người nam và người nữ trao cho nhau phản chiếu Tình Yêu Thiên Chúa dựa trên cơ sở công trình tạo dựng ban đầu của con người có giới tính, chính sự khác biệt giới tính này con người được mời gọi hướng lên một sự khát vọng trở nên một, ta gọi đó là Tình Hiệp Thông. Nhưng con người tự mình đã không đủ sức để vươn lên, chính sự hữu hạn và bất toàn của con người đã làm cho tình yêu rạn nứt và dễ đổ vỡ.
Vậy điều gì có thể làm cho con người ở lại với nhau?
Đó chính là nhờ ân sủng của Thiên Chúa. Chính nhờ ân sủng của Thiên Chúa nâng đỡ và mời gọi con người hướng về tình yêu thượng nguồn, hướng tới kết hợp vĩnh cửu. Khi con người đang sống trong tình yêu thời gian như ngừng trôi, thời gian như trở thành vĩnh cửu, khi tình yêu hai người đạt tới đỉnh cao, họ luôn hướng tới một ngày kết hợp nên một trong tình yêu.
Bài 5: TÌNH YÊU HÔN NHÂN
I. Một giao ước "Trung thành mãi mãi"
Thượng nguồn tình yêu là một giao ước giữa Thiên Chúa và Dân Ngài, một giao ước không thời hạn, đòi hỏi hai bên phải trung thành với nhau và trung thành mãi mãi. Tình yêu của Thiên Chúa đối với con người được mạc khải trong cựu ước và tân ước là điểm đến của lịch sử cứu độ. Nhưng để đạt được ý định hiệp thông yêu thương, dân Do thái phải trải qua một hành trình rất dài, khởi đầu là lời hứa với Abraham, và ban tặng giao ước với dân Do thái tại núi Sinai.
Thiên Chúa thì trung thành vĩnh viễn, con người thì mong manh, mỏng dòn, thường xuyên bất trung, dân Do Thái bất trung triền miên, Thiên Chúa thì luôn trung thành, luôn luôn tha thứ và luôn luôn yêu thương.
Tình yêu giữa Thiên Chúa và dân Do Thái được ví như một phu quân cưới một người vợ hoang đàng, nàng đang cố lê lết trong cuộc đời đầy tủi nhục, vị phu quân ấy đã gặp được nàng, đem về chăm sóc và trang điểm trở thành một người đẹp và trở thành phu nhân của chàng. Làm vợ một thời gian nàng lại bỏ chàng ra đi ngoại tình với người khác. Thiên Chúa là Giavê hay ghen, cảnh cáo và trừng phạt rồi lại tha thứ, yêu thương và lập lại giao ước. Giavê không chỉ trung thành với nàng mà thôi mà còn trung thành cả với Lòng Thương Xót, bản chất của Ngài là Hesed là trung thành và lòng thương xót. Khi bị phản bội lòng Giavê đớn đau, quặn thắt. Ngày nay tham gia vào Lòng Thương Xót Chúa là chúng ta tham gia vào sự quặn thắt, đớn đau và biết tha thứ như Thiên Chúa khi bị phản bội.
Giao ước thượng nguồn có sự chênh lệch một bên là Thiên Chúa luôn trung thành, một bên là con người hay bất trung, cả hai bên đều được mời gọi trở nên trung thành mãi mãi và đưa đến một sự kết hợp vĩnh viễn. Tình yêu đó ngày nay được thể hiện trong các đôi hôn nhân trong đời sống vợ chồng, họ được mời gọi để bước tới một lý tưởng là trung thành mãi mãi trong tình yêu, trung thành trong sáng tạo, thúc đẩy con tim bừng cháy yêu thương.
Sự trung thành dứt khoát và tuyệt đối mà đôi hôn nhân được mời gọi hướng tới, đối với con người là không thể thực hiện được nếu không có sự can dự trực tiếp của Thiên Chúa. Phải là một kinh nghiệm tình yêu lứa đôi cao nhất mới có thể là biểu trưng cho tình yêu Thiên Chúa đối với dân Người và đối với toàn thể nhân loại. Cùng với Người toàn thể nhân loại bước đi hướng tới mức viên mãn của sự hiệp thông với Thiên Chúa, mỗi đôi hôn nhân bước đi để trở thành một đôi uyên ương trung thành vĩnh viễn. Đó là yêu cầu đối với mọi tình yêu lứa đôi, như đôi bạn nguyên thủy.
II. Đặc tính duy nhất
Thiên Chúa là Đấng hay ghen. Ngài ghen với ai?
Thiên Chúa đã ghen khi thấy dân của Ngài chạy theo thần linh hay ngẫu tượng khác, qua các vị thần địa phương, dân Do Thái chạy theo tiếng gọi của sắc dục, tôn thờ của cải vật chất phá vỡ giao ước, qua miệng các tiên tri Thiên Chúa đã cảnh cáo họ, qua đó Thiên Chúa muốn diễn tả tình yêu trong giao ước của Ngài phải là tình yêu duy nhất.
Đặc tính duy nhất đó là “Ta chỉ có một Chúa là Giavê” ta thuộc về Chúa và Chúa thuộc về ta. Ta thuộc về Chúa là trung thành với các điều khoản trong giao ước. Chúa thuộc về ta là bảo đảm cho ta không bị sự chết tấn công.
Đặc tính duy nhất này được thể hiện trong đời sống đôi bạn thể hiện tình yêu thượng nguồn trong thời gian, trong lịch sử, biết tha thứ và đấu tranh xu hướng của xác thịt, nỗ lực nho nhỏ trong đời sống vợ chồng là thờ phượng Thiên Chúa duy nhất, hai vợ chồng đang thực hiện tình yêu Thiên Chúa trong hiện thực, trong lịch sử. khi đó trần thế thành thiên đàng, khi đó ta nhận ra mầu nhiệm trong đời thường, nhận ra Thiên Chúa đang hiện diện.
Tình yêu nhân phàm đã được tình yêu thần linh nhập thể. Ngày xưa Chúa nhập thể, ngày nay được hiện tại hóa trong tình yêu vợ chồng, không ai trong chúng ta xứng đáng cho người kia trung thành, chính Thiên Chúa mới là “đối tác” làm cho tình yêu vợ chồng được trung thành. Điều này cũng đòi hỏi phải trả giá trong đau đón, trong tê tái do người bạn đời hay do chính mình gây ra.
Trong tình yêu vợ chồng tính duy nhất và quí trọng nhau cũng như ưu tiên tuyệt đối cho người bạn đời là rất có ý nghĩa. Người bạn đời là người không thể thay thế, không thể lãng quên, yêu quí nhất và là nguồn vui lớn. Chính những hành động nhỏ nhặt hằng ngày vợ chồng dành cho nhau trong yêu thương, trung thành và tha thứ. Chính những hành vi thờ phượng Thiên Chúa sẽ giúp cho tình yêu vợ chồng thêm mới mẻ và thêm sáng kiến mỗi ngày.
III. Đặc tính trọn vẹn
Yêu nhau yêu cả đường đi.
Khi yêu nhau tình yêu vợ chồng lôi cuốn cả con người, cả thân xác và tâm hồn trọn vẹn thuộc về nhau, lôi cuốn toàn thể hữu thể của ta và toàn thể hữu thể của người bạn đời: tâm hồn, thể xác, trí khôn, ham muốn, nhu cầu, quá khứ và tương lai, dự phóng và hành động, bóng tối và ánh sáng, ưu điểm và khuyết điểm, khắc sâu vào nơi sâu kín để cuộc sống được biến đổi, người yêu được biến đổi và chính ta cũng được biến đổi. Dầu đang ở đâu cũng thuộc trọn về nhau.
Trong giao ước với Thiên Chúa mỗi ngày con người phải tiến gần Thiên Chúa hơn, ta đang hướng tới Thiên Chúa cụ thể hóa qua những nỗ lực mà ta đang sống, ta phải đang mở lòng ra để cái ham muốn vô biên được lấp đầy, dẫu khó vẫn nỗ lực trong hành động nhỏ nhoi, dẫu khó ta vẫn bước tới trong ý hướng, nhờ đối tác bên A của ta là Đấng giàu “Lòng Thương Xót” con người có khả năng đón nhận cái vô biên (Capa Dei), nhờ đó ta có khả năng bắt đầu làm lại, có khả năng đứng dậy và làm lại (Beginning anew).
Con người luôn luôn yếu đuối, đời sống vợ chồng cũng nên biết thông cảm những khuyết điểm, những lỗi lầm của nhau. Trọng tâm niềm tin công giáo là niềm hy vọng, ta hy vọng làm mới lại vì tin vào Lòng Thương Xót của Thiên Chúa và Ngài cũng mời gọi tình yêu vợ chồng sống đặc tính này.
IV. Đặc tính ưu tiên
Đối tượng ưu tiên của Thiên Chúa là con người, Người đã chấp nhận hy sinh chính mình, Người đã chịu chết để cứu chuộc con người, Người đã chịu mất chính mình để tìm lại con người chính là hình ảnh của Thiên Chúa.
Con người chỉ thực sự tìm lại được chính mình là khi thành tâm tự hiến chính mình ưu tiên nhất cho người bạn đời. tương quan vợ chồng ở nền tảng trở thành tương quan ưu việt trong trách nhiệm so với các tương quan khác như: công việc, con cái, bạn hữu, hoạt động xã hội, giáo hội và chính trị.
Thật vậy, muốn sở hữu cái tự ngã kia ta phải chấp nhận mất chính mình, đòi hỏi ta phải hy sinh cái “tôi” để yêu thương cái tự ngã kia.
Vì sao tương quan vợ chồng lại đặt ưu tiên như vậy?
Vì con cái Chúa ban trong bao nhiêu năm có giới hạn thời gian, từ khi chào đời cho đến lúc trưởng thành, con cái trở thành một đơn vị mới có khả năng độc lập, như thế trách nhiệm của ta đã thực hiện được 80% đến 90%, còn khía cạnh tình yêu vợ chồng là mãi mãi, vì vậy hôn phối là một dây đặc biệt mà phải chọn ưu tiên, và là lẽ đương nhiên. Nhưng trong thực tế áp dụng thật không đơn giản.
V. Đặc tính tự do
Thiên Chúa có hướng đi cho con người nhưng để cho con người thực hiện, cho con người có tự do lựa chọn. Thiên Chúa ban cho con người có khả năng hội nhập đời sống đức tin vào môi trường xã hội, hướng mọi sự tới mục đích phục vụ Thiên Chúa và con người.
Tự do thượng nguồn phải có mặt trong cuộc đời. Trung thành trong đời sống vợ chồng và tự do cá nhân dường như là hai khía cạnh đối chọi nhau.
Vậy: Trung thành tình yêu vợ chồng phải hy sinh tự do như thế có đúng nghĩa không? Mà tự do là không khí cần để thở.
Nếu sự trung thành thực sự là yếu tính của tình yêu vợ chồng, không tôn trọng tự do là xem thường tình yêu vợ chồng, muốn tôn trọng nhau phải biết vun trồng tự do.
Vậy: Thế nào là trung thành thực sự? Tự do là gì? Có phải là sự độc lập không?
Ai cũng cần phải có một không gian độc lập mà người khác phải tôn trọng, nhìn nhận người bạn đời còn là một nhân vị ta phải biết vun xới tự do. Tự do làm phát triển nhân vị, trong chân lý nó phát xuất từ thượng nguồn là chính Thiên Chúa mới là do đích thực.
Tự do mà đòi hỏi độc lập tuyệt đối thì không phải là tự do đích thực, Tự do mà làm nghẹt thở thì tình yêu sẽ trở nên vô vị, nhạt nhẽo và bóp chết tình yêu.
Tự do là sự thong dong giữa các ràng buộc, chấp nhận những ràng buộc trong yêu thương, đó là phương thế đạt tới khát vọng yêu thương.
Khác nhau ở chỗ là con tim biết yêu thương, khi đó mọi ràng buộc sẽ trở thành những sợi dây thân ái. Tự do sẵn sàng đón nhận thánh giá vì yêu thương đó là tự do trong Chân Lý, trong Sự Thật.
Chưa chấp nhận ràng buộc trong yêu thương, còn bực mình, khó chịu là còn giam hãm gia đình trong tù túng. Vì tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa, không phải là cảm xúc, ngay khi mất cảm xúc ta vẫn còn yêu thương. Tình yêu như dòng chảy ngầm khi có cơ hội sẵn sàng tuôn trào sự sống.
Thái độ trực diện với đau khổ, với nghịch cảnh và sẵn sàng ẵm lấy nó, đón nhận nó bằng con tim yêu thương, có khi phải hy sinh chính bản thân mình lúc đó là ta được giải thoát cùng tham dự vào tự do của Thiên Chúa, lúc đó ta nếm cảm được sự ngọt ngào khi đã can đảm uống cạn chén đắng của cuộc đời.
Ta không đi tìm đau khổ nhưng ta cũng không tránh né đau khổ mà sẽ dùng tự do của mình mà đón nhận nó bằng con tim yêu thương. Đau khổ trong yêu thương là đau khổ được cứu chuộc.
Trung thành bằng một con tim biết yêu thương đó là hướng tới một tình yêu siêu việt. Chung thủy là biết bắt đầu lại sau những lần bất trung.
VI. Đặc tính mở ngõ với sự sống
Trong kinh thánh ơn gọi của đôi vợ chồng mang một viễn tượng khá lớn. Đoạn kinh thánh St 1, 28 – 31 cho thấy những nền tảng của chiều kích xã hội của đôi bạn: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều cho đầy mặt đất và thống trị mặt đất” (St 1, 28). Đây là ơn gọi lớn của đôi bạn, được hiểu về mặt xã hội như là sức sống duy nhất cho sự sống còn và phát triển của toàn thể cộng đồng xã hội, của toàn thể nhân loại.
Đôi vợ chồng nếu chỉ biết yêu nhau trong vòng tay của nhau lúc đó hai người còn giam hãm trong ngục tù. Muốn tình yêu được thăng hoa hai người phải biết mở ngõ ra với tha nhân, nhất là ý thức nhu cầu thâm sâu về sinh sản và vun trồng sự sống của tình yêu mở ra với xã hội sao cho thật sai quả.
Như thế sự hợp thành đôi bạn không chỉ liên lụy đến hai người mà còn có chiều kích xã hội tương quan cá nhân với cộng thể (làng xóm, xã hội).
Ngày nay những vấn nạn đang phản lại giá trị tình yêu hôn nhân như: ly dị, phá thai chống lại sự sống, chiến tranh cá nhân với cá nhân, xã hội với xã hội, tự do đồng tính luyến ái … Nếu đòi hỏi phải tôn trọng tự do không đứng đắn, con người lại bị rơi vào vòng nô lệ khác, vòng luẩn quẩn cứ trói chặt con người không lối thoát.
Tình yêu vợ chồng được thăng hoa trong chiều kích xã hội là biết tôn trọng sự tự do đứng đắn, biết mình còn phụ thuộc vào người khác, phụ thuộc vào xã hội, có tương tác hai chiều. Nếu không ý thức, tương quan chiều kích xã hội có nguy cơ lệch lạc, tương quan vợ chồng với xã hội là biết đóng góp phần mình cho xã hội. Tình yêu vợ chồng được triển nở chiều kích xã hội khi thành tâm, yêu mến muốn phục vụ xã hội, chính lúc quên mình phục vụ, con tim hướng tới người khác, quan tâm đến những nhu cầu của người khác nhiều hơn lúc đó hai người làm cho tình yêu vợ chồng được phong phú hơn.
Nói cách khác, hai vợ chồng bộc lộ tính xã hội của tình yêu chính khi bày tỏ ước muốn hợp nhất trong một dự phóng duy nhất cuộc sống riêng và chung với xã hội. một thái độ sống với dự phóng tương lai sẽ liên hệ không những đến lịch sử của hai người mà còn liên hệ đến lịch sử của tất cả mọi người.
Cuối buổi học 1 học viên đưa ra câu hỏi liên quan đến vấn đề “Sống thử trước hôn nhân” mà ở ngoài xã hội đã có những buổi tọa đàm về vấn đề này, có những ý kiến đồng tình và những ý kiến không đồng tình.
Cha Louis cũng đã giải thích cho các học viên về hiện tượng này đã và đang xuất hiện như một trào lưu trong xã hội, sau cùng ngài cũng đặt ra một câu hỏi để mọi người cùng suy ngẫm: “Là một Kitô hữu anh chị em có chấp nhận sống thử không?” Why / Why not?
bài liên quan mới nhất
- Tình chị em
-
Uỷ ban Mục vụ Gia đình: Chào tiễn ĐGM Luy Nguyễn Anh Tuấn -
Năm “Gia đình Amoris Laetitia”: Học hỏi Phần I của Tông huấn -
Năm “Gia đình Amoris Laetitia”: Học hỏi phần Dẫn nhập của Tông huấn -
Để hôn nhân được tốt đẹp: Bí quyết 'Bàn Thạch' -
Chương trình Chuyên đề Giáo Dục: Giới thiệu Lời Kinh Đẹp Nhất Thiên Niên Kỷ -
Năm giai đoạn của tình yêu -
Đức Thánh Cha Phanxicô: Về hôn nhân đồng tính -
Chuyên đề: “Đồng hành với người trẻ trong gia đình” ngày 21-10-2020 -
Gia đình: Đại dương Lòng Thương Xót
bài liên quan đọc nhiều
- Phá thai & Quyền giải vạ tuyệt thông
-
Hôn nhân khác đạo -
Vấn đề "Chữ Hiếu" của giới trẻ ngày nay -
Giờ Kinh Chung Trong Gia Đình -
Nghệ thuật Giáo dục Con cái -
Uỷ ban Mục vụ Gia đình: Chào tiễn ĐGM Luy Nguyễn Anh Tuấn -
Năm giai đoạn của tình yêu -
Để hôn nhân được tốt đẹp: Bí quyết 'Bàn Thạch' -
Đức Thánh Cha Phanxicô: Về hôn nhân đồng tính -
Phóng sự: Báu vật Chúa ban