Tình yêu không bờ bến
WGPSG -- Vào thuở xa xưa, hai con người đầu tiên của trái đất ngày ngày tay trong tay, hân hoan bước đi bên nhau giữa khu vườn đầy hoa thơm cỏ lạ, có chim chóc và những con thú hiền lành vây quanh. Mang hình ảnh yêu thương của Cha nhân lành, họ sống thanh thoát, không ưu phiền, không vất vả, luôn quan tâm chăm sóc cho nhau. Nhưng một ngày kia, ác thần dưới hình con rắn đã dụ dỗ người phụ nữ chống lại lệnh Cha truyền. Nghe lời phỉnh gạt của nó, bà ghé răng cắn vào trái cấm, và rồi, tội bắt đầu xâm nhập thế gian qua con đường gia đình. Vợ chồng trở mặt đổ lỗi cho nhau, vườn địa đàng đóng cửa, hạnh phúc tan vỡ như bong bóng xà phòng.
Từ trình thuật Sáng Thế, cha Vinh Sơn Nguyễn Xuân Tuấn đã dẫn đưa các gia trưởng và người lớn theo dõi tác hại của tội khi nó len lỏi vào trong gia đình, qua câu chuyện dụ ngôn “Người cha nhân hậu”: Khi người con thứ đi hoang ‘nướng’ hết phần gia tài, sống kiếp nô lệ đói khổ, muốn ăn cám thừa của heo mà cũng không được, anh ta hối hận thất thểu quay về tạ tội cùng cha. Không ngờ, người cha chẳng những không trách phạt, mà còn chào đón con bằng những gì tốt đẹp nhất. Người anh cả thì trái lại, lòng ghen ghét bùng lên khiến anh ta muốn bỏ đi và muốn em mình chết. Con người chúng ta ngày nay cũng có những suy nghĩ và nhận xét giống như vậy. Ta chán Giáo hội, chán luật Chúa. Ta đến nhà thờ không phải vì mến yêu, vì cảm tạ hồng ân Chúa ban, mà chỉ đi cho có lệ, cha giảng dài một chút là thấy khó chịu. Ta muốn ra đi giống như anh con cả và con thứ. Vì tình yêu thương nhân loại, Cha đã ban Con Một để cứu độ trần gian. Nhưng trước cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, chỉ có Chúa Cha biết buồn, còn chúng ta như người bàng quan, không để ý đến. Ta đã ra khỏi nhà Cha như thế nào? Bằng ác tâm không muốn cho người khác được vui vẻ, an hòa? Hay bằng lời nói hành, nói xấu? Hoặc bằng cách giữ đạo qua loa?
Tội qua gia đình nguyên tổ đã làm cả vũ trụ chịu ảnh hưởng, nhưng Thiên Chúa luôn đồng cảm với nhân loại, tình yêu không bờ bến của Ngài đã xóa tan mọi tội tình. Vua Đavít sau khi được tha tội đã hát lên những bài Thánh vịnh để ca ngợi lòng thương xót của Chúa. Câu chuyện Chúa thổn thức trước mộ của Ladarô trước khi cho ông sống lại là cách Chúa tỏ lòng thương cảm với nỗi đau của con người. Thiên Chúa không những mời gọi chúng ta trở về vì sự chết trong tội thật khủng khiếp, mà Ngài còn ban ơn tăng sức cho chúng ta qua Lởi Chúa và bí tích Thánh Thể để chúng ta đủ sức vượt qua biển đời mênh mông. Khi cử hành Thánh lễ, chúng ta cử hành sự chết và sự phục sinh của Đức Kitô cho đến khi Chúa đến. Chúng ta hãy mau tìm đến giao hòa với Chúa để cùng sống lại với Người trong ngày đại lễ sắp tới.
Người lớn đã đến nhà thờ Thị Nghè rất đông trong ba ngày 3, 4, 5 tháng 4 vào lúc 18g00 để cùng xét lại mình đã ‘ra đi’ khỏi nhà Cha bằng cách nào, và sau đó đã tìm đến tòa cáo giải để trở về với tình yêu vô biên của Cha. Các cụ lớn tuổi và các gia trưởng nói vui: “Hóa ra mình đã bỏ nhà ra đi nhiều lần mà hôm nay mới nhận ra”. Ước mong các gia đình đều lan tỏa niềm vui trở về hầu có thể đáp đền phần nào lòng thương xót Chúa luôn dành cho chúng ta.
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm