Tóm tắt Chương Bảo vệ Môi trường - Sách Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội
Viết tắt
TLHT: Sách Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội
GHXH: Giáo huấn xã hội của Hội thánh
GLCG: Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo
Chương 10 TLHT gồm 4 đoạn: 1/ Khía cạnh Kinh thánh. 2/ Con người và vạn vật. 3/ Khủng hoảng trong tương quan giữa con người và môi trường. 4/ Trách nhiệm chung.
Từ chương 6 đến chương 11, sách TLHT bắt đầu mỗi chương với việc suy niệm Lời Chúa. Đoạn mở đầu của chương 10 suy nghĩ về tương quan giữa con người với thiên nhiên trải qua những giai đoạn của lịch sử cứu độ.
Từ suy niệm về tương quan giữa con người với thế giới, đoạn 2 trình bày giá trị của hoạt động con người trong lịch sử.
Đoạn 3 mang giọng điệu hơi ảm đạm khi nghĩ đến nguồn gốc của những cuộc khủng hoảng hiện nay về môi trường.
Đoạn 4 đề ra những điểm “dốc lòng” nhằm cải thiện hiện trạng và hướng về tương lai.
I. Khía cạnh Kinh thánh
Đoạn này trình bày một thứ “thần học về tạo dựng”, trải qua những giai đoạn chính của lịch sử cứu độ: 1/ buổi khai nguyên; 2/ sau khi con người phạm tội; 3/ cuộc cứu độ của đức Kitô nhập thể; 4/ việc tái tạo do cuộc Phục sinh.
1/ Kinh nghiệm sống động về Thiên Chúa hiện diện trong lịch sử là nền tảng của đức tin của dân Chúa (số 451)
- Giải phóng khỏi cảnh nô lệ (Đnl 6,21)
- Ông Abraham đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa bằng đức tin (Gs 24,3)
- Thiên Chúa nối kết những giao ước kế tiếp với dân Israel.
Kinh thánh không coi thế giới như là một khung cảnh thù nghịch, nhưng như là một quà tặng của Thiên Chúa, như là nơi và dự án mà Thiên Chúa ký thác cho con người điều khiển và làm việc có trách nhiệm “Thiên Chúa thấy rằng đó là điều tốt đẹp” (St 1,4.10.12.18.21.25). Thiên Chúa đặt con người, được dựng nên theo hình ảnh của Ngài, làm đầu mọi loài tạo dựng: đó là điều “rất tốt” (St 1,31).
2/ Tương quan của con người với vũ trụ là một yếu tố cấu thành căn cước con người. Mối tương quan này phát sinh như là hoa trái của một tương quan sâu xa hơn nữa, đó là tương quan giữa con người với Thiên Chúa (số 452).
Chỉ trong sự đối thoại với Thiên Chúa mà con người tìm thấy sự thật về chính mình. Từ cuộc đối thoại này, con người rút ra những hứng khởi và quy tắc để dự phóng tương lai thế giới, một khu vườn mà Thiên Chúa đã trao cho để trồng trọt (St 2,15).
Ngay cả tội lỗi cũng không xóa bỏ sứ mạng ấy tuy dù nó chất nặng đau đớn và khổ nhọc khi làm việc (xc. St 3,17-19).
Công trình sáng tạo luôn là đối tượng chúc tụng trong các kinh nguyện của dân Israel (Tv 104,24). Sự cứu độ được quan niệm như một cuộc tạo dựng mới để phục hồi sự hòa điệu và tiềm năng tăng trưởng mà tội lỗi đã làm hư hỏng: “Ta sẽ dựng nên trời mới và đất mới” (Is 65,17).
3/ Sự cứu rỗi chung tất, mà Thiên Chúa ban cho nhân loại nhờ Con của mình, được thực hiện ở trong thế giới này (số 453).
Một khi đã được thanh luyện, cuối cùng thế giới sẽ trở nên một nơi trong đó “công lý ngự trị” (2Pr 3,13).
Trong cuộc đời công khai, đức Giêsu đã trân trọng những yếu tố của thiên nhiên; Người khuất phục chúng và dùng chúng để phục vụ cho kế hoạch cứu chuộc (Mt 14,22-23; Mc 6,45-52; Ga 6,16-21).
Người môn đệ đức Kitô không làm nô lệ cho vật chất, nhưng biết dùng chúng để tạo ra sự chia sẻ và tình huynh đệ (Lc 16,9-13).
4/ Qua cái chết và sự Phục sinh mang lại ánh quang mới mẻ, Đức Giêsu đã khai trương một thế giới mới, trong đó mọi sự quy phục Người (xc. 1 Cr 15,20-28). (Số 454).
Đức Giêsu tái lập những tương quan của trật tự và hòa điệu mà tội lỗi đã phá hủy. Nơi đức Giêsu đã diễn ra sự hòa giải giữa con người và thế giới với Thiên Chúa. “Phàm ai ở trong đức Kitô thì đã thành một thụ tạo mới: điều cũ đã biến mất, điều mới đã hiện diện” (2Cr 5,17).
Thiên nhiên, vốn đã được dựng nên trong Ngôi Lời, nay được hòa giải với Thiên Chúa và được bình định nhờ chính Ngôi Lời nhập thể (xc. Cl 1,15-20).
5/ Không những nội tâm con người được chữa lành mà kể cả thân xác con người cũng được sức mạnh cứu chuộc của đức Kitô chạm đến (số 455).
Muôn loài thụ tạo được tham gia vào cuộc canh tâm nảy sinh từ cuộc Phục sinh của đức Kitô, mặc dù nó còn rên siết quặn đau (xc. Rm 8,19-23).
“Dù là thế giới, dù là sự sống, dù là sự chết, dù là hiện tại, dù là tương lai; tất cả là của anh chị em, mà anh chị em là của đức Kitô, và đức Kitô là của Thiên Chúa” (Cl 3,22-23).
II. Con người và vạn vật
Đoạn này muốn thiết lập những tiêu chuẩn cho mối tương quan giữa con người với thiên nhiên. Cách riêng, khoa học và kỹ thuật tự nó không phải là nguyên nhân của sự rối loạn của mối tương quan.
1/ Ngày nay, nhờ khoa học và kỹ thuật, con người đã trải rộng quyền bá chủ của mình hầu như trên khắp thiên nhiên, và sẽ không ngừng mở rộng quyền ấy (số 456).
Vì được thông dự vào trí tuệ của Thiên Chúa, con người có lý để nghĩ rằng nhờ trí tuệ mà mình vượt xa vạn vật.
2/ Tự nó, những thành quả của khoa học và kỹ thuật là tích cực (số 457).
Con người không phải là đối thủ của Đấng Tạo hóa. Trái lại, các Kitô hữu thâm tín rằng những cuộc chinh phục của nhân loại là một dấu hiệu của vẻ cao cả của Thiên Chúa và hậu quả của kế hoạch khôn tả của Ngài.
Quyền lực con người càng tăng gia thì lãnh vực trách nhiệm cá nhân và cộng đồng càng mở rộng. Theo kế hoạch của Thiên Chúa, mỗi hoạt động phải tương ứng với một điều thiện hảo đích thực của nhân loại.
Giáo hội không bao giờ chống đối sự tiến bộ kỹ thuật và kinh tế mà con người đã thực hiện nhờ trí thông minh của mình.
3/ Nếu được áp dụng đúng đắn, kỹ thuật có thể trở nên một khí cụ quý giá để giải quyết nhiều vấn đề trầm trọng (số 458).
Cần phải khẳng định quan niệm về việc “áp dụng đúng đắn”, bởi vì chúng ta biết rằng tiềm năng này không phải là trung lập: nó có thể sử dụng vào việc thăng tiến hoặc hạ giá con người.
- Khôn ngoan và quan tâm đến bản chất, các mục tiêu và những hình thức của kỹ thuật ứng dụng (chẳng hạn khoa sinh học phân tử, khoa di truyền học áp dụng vào nông nghiệp và kỹ nghệ). Khoa học và kỹ thuật phải phục vụ nhân loại: chúng phải lệ thuộc vào những nguyên tắc và giá trị của trật tự luân lý biết tôn trọng phẩm giá con người dưới hết mọi khía cạnh.
4/ Tâm điểm của mọi ứng dụng khoa học kỹ thuật là: thái độ tôn trọng con người và các sinh vật khác.
Cần phải lưu ý đến bản chất của mỗi sinh vật, và những liên hệ hỗ tương trong một hệ thống đã được xếp đặt.
Thật đáng lo ngại trước những vụ nghiên cứu sinh học và sự phát triển những chủng loại mới hoặc những hình thức sự sống động vật mà người ta chưa lường được những xáo trộn gây ra cho thiên nhiên.
Những ứng dụng sinh học thiếu thận trọng liên quan đến nguồn gốc sự sống con người là điều không thể chấp nhận được.
Đối với những sự can thiệp vào một lãnh vực sinh thái, cần phải lưu ý đến những hệ quả trong những lãnh vực khác, và nói chung, hệ quả đối với hạnh phúc của các thế hệ tương lai.
5/ Con người không được phép khai thác trái đất bừa bãi, theo ý muốn của mình, không tôn trọng hình thù và mục tiêu của nó mà Chúa đã ấn định (số 461).
Con người cần phát triển thiên nhiên như là người cộng sự của Thiên Chúa, chứ không được phép lấn chỗ của ngài. Nếu không thì thiên nhiên sẽ nổi dậy chống lại sự thống trị tàn bạo của con người.
III. Cuộc khủng hoảng trong tương quan giữa con người với môi trường
1/ Những vấn đề này bắt nguồn từ chỗ con người ít quan tâm đến những đòi hỏi của luân lý, là điều cần hướng dẫn tất cả mọi hoạt động của mình. Thêm vào đó, con người có tham vọng muốn thống trị vạn vật một cách vô điều kiện (số 461).
Khuynh hướng muốn khai thác bừa bãi các tài nguyên thiên nhiên là kết quả của một tiến trình lịch sử và văn hóa lâu đời. Ngày nay khuynh hướng này dẫn đến chỗ đe dọa môi trường: môi trường bị khai thác như “nguyên liệu” không còn là “căn nhà” sinh sống cho con người nữa. Đôi khi xem ra sự quân bình giữa con người và môi trường đã đạt đến biên cương căng thẳng.
2/ Não trạng vừa nói bị chi phối bởi ý thức hệ duy-khoa-học và duy kỹ thuật (số 462).
- Con người coi thiên nhiên như là một công cụ mà mình có thể vận dụng kỹ thuật để điều khiển tùy ý. Khối năng lượng và nhiên liệu thì vô hạn, cho nên cần phải tận dụng. Có thể khôi phục khối năng lượng và nhiên liệu trong một thời hạn ngắn. Có thể dễ dàng giảm bớt các hiệu quả tiêu cực của sự vận dụng thiên nhiên.
- Đó là một quan điểm hạn hẹp, cắt đứt những mối tương quan với chiều kích siêu việt: người ta xem thế giới như là một bộ máy; sự phát triển nhằm đến tiêu thụ. Nói cách khác, đó là não trạng thiên về “chiếm hữu”, thay vì “phẩm chất” .
- Khoa học và kỹ thuật tự nó không phải là nguyên nhân của sự tục hóa cực đoan, chối bỏ chiều kích thiêng liêng. Khoa học mang lại nhiều kết quả tích cực: nó đặt ra những câu hỏi tìm về ý nghĩa; nó gây ra ý thức cần phải tôn trọng chiều kích siêu việt, tôn trọng nhân vị, cũng như tôn trọng chính thiên nhiên.
3/ Một quan điểm đúng đắn về môi trường, một đàng không cho phép khai thác nó cách bừa bãi, nhưng đàng khác cũng không tôn thiên nhiên lên làm thần linh (số 463).
Đối lại khuynh hướng coi môi trường như là dụng cụ khai thác, là khuynh hướng gán cho môi trường một vai trò tuyệt đối. Đây là chủ trương của những phong trào môi sinh “sùng bái thiên nhiên” hay trái đất, đòi hỏi phải được đối xử ngang hàng và thậm chí còn hơn phẩm giá con người.
Huấn quyền chống lại chủ trương của những phong trào muốn xóa bỏ sự khác biệt về bản tính và giá trị giữa con người với các sinh vật khác. Không thể nào nhìn nhận “phẩm giá” tương đương giữa con người với các sinh vật, đến độ xóa bỏ trách nhiệm lớn hơn về phía con người.
4/ Vì khước từ tương quan với Đấng Tạo hóa, con người muốn xây dựng một thế giới tự trị. Sự xa cách Thiên Chúa cũng làm cho con người xa cách thiên nhiên; con người coi như kẻ xa lạ với khung cảnh môi trường (số 464).
Quan điểm Công giáo cho rằng mối tương quan của con người với Thiên Chúa ấn định mối tương quan của con người với đồng loại và với môi trường. Theo văn hóa Kitô giáo, các thụ tạo là quà tặng của Thiên Chúa cho con người. Con người cần biết vun trồng và bảo vệ những quà tặng ấy với lòng tri ân Tạo hóa (xc. linh đạo Biển-đức và Phan-sinh), tạo ra một thứ “họ hàng” giữa con người với vạn vật.
Cần nêu bật mối liên hệ giữa “sinh thái môi trường” (écologie environnementale) và “sinh thái nhân bản” (écologie humaine), như đã nói trong thông điệp Centesimus annus (Bách chu niên) số 38.
5/ Con người có trách nhiệm phải dành một môi trường toàn vẹn và lành mạnh cho tất cả mọi người (số 465).
- Cần phải dung hợp các tài năng khoa học với chiều kích luân lý.
- Loại trừ những yếu tố gây ô nhiễm.
- Bảo đảm những điều kiện vệ sinh và sức khỏe cho hết mọi người.
- Kỹ thuật gây ra ô nhiễm thì cũng có thể giảm bớt ô nhiễm.
- Sự sản xuất tích lũy cũng có thể được phân chia quân bình.
- Nguyên tắc chỉ đạo là: tôn trọng đời sống và phẩm giá con người; những quyền lợi của các thế hệ hiện tại và tương lai.
IV. Trách nhiệm chung
Trong đoạn cuối cùng, chương 10 bàn về ba đề tài: 1/ Trách nhiệm bảo vệ môi trường. 2/ Công nghệ sinh học. 3/ Chia sẻ tài sản. Đề tài thứ hai phức tạp hơn cả.
A. Môi trường, một tài sản tập thể
1/ Việc bảo vệ môi trường trở thành một thách đố đối với toàn thể nhân loại (số 466).
- Việc tôn trọng tài sản tập thể, được dành cho hết mọi người, là bổn phận của toàn thể nhân loại.
- Ngăn cản không để cho người ta tự ý sử dụng các loại sinh vật cách thỏa thích, chiếu theo các nhu cầu kinh tế của mình.
- Cần phải để ý đến bản chất của mỗi hữu thể và những tương quan tự nhiên của nó trong một hệ thống có trật tự là vũ trụ.
- Những liên lạc chặt chẽ giữa các hệ thống sinh thái đa dạng: chúng có ảnh hưởng đến môi trường. Do đó cần được đối xử với tinh thần trách nhiệm.
- Các khu rừng góp phần vào việc duy trì những quân bình tự nhiên, cần thiết cho sự sống. Cần có chính sách trồng rừng.
2/ Trách nhiệm chung đối với môi trường, – là gia sản chung của nhân loại –, nhắm đến các đòi hỏi không những trong hiện tại mà cả trong tương lai (số 467).
Tình liên đới đại đồng là một bổn phận đối với các thế hệ tiền bối và đặc biệt là đối với các thế hệ tương lai. Trách nhiệm này cũng thuộc về các quốc gia và cộng đồng quốc tế.
3/ Trách nhiệm này cần được diễn tả thành những quy tắc pháp lý, ngõ hầu có thể kiểm soát các hoạt động và những hậu quả đối với môi trường (số 468).
Quyền được hưởng một môi trường tự nhiên, lành mạnh và an toàn sẽ là kết quả của một sự hợp tác tiệm tiến, được thúc đẩy do mối quan tâm của dư luận muốn cho việc sử dụng tài nguyên của trái đất dựa theo những đòi hỏi của công ích.
Cần đề ra những chế tài những ai gây ra ô nhiễm. Tuy nhiên, những quy tắc pháp lý không đủ; cần phải gây ra ý thức trách nhiệm và thay đổi não trạng và lối sống.
4/ Nguyên tắc “phòng ngừa” (precaution) không phải là một quy tắc mang ra áp dụng, nhưng là một sự định hướng để ứng xử trong những hoàn cảnh do dự (số 469).
Cần cân nhắc giữa những rủi ro và những lợi lộc có thể xảy ra trong tất cả mọi sự lựa chọn.
5/ Mọi hoạt động kinh tế sử dụng các tài nguyên thiên nhiên cũng cần phải quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, và dự đoán những giá phải trả (số 470).
Cần tôn trọng sự toàn vẹn và những nhịp điệu của thiên nhiên, bởi vì các tài nguyên thiên nhiên thì hữu hạn, và một vài loại không thể phục hồi.
Dung hòa những đòi hỏi phát triển kinh tế với những đòi hỏi bảo vệ môi trường.
Cần phải suy xét những tương quan giữa hoạt động của con người với sự thay đổi khí hậu, trên bình diện khoa học, chính trị, pháp lý, quốc gia và quốc tế.
Phát huy tinh thần trách nhiệm nơi những người tiêu thụ và những nhân viên hoạt động kỹ nghệ.
Một nền kinh tế biết tôn trọng môi sinh sẽ không chỉ nhắm theo đuổi lợi nhuận tối đa. Những cơ chế của thị trường không đủ để bảo vệ hay phát triển môi trường.
Chú ý cách riêng đến những nguồn năng lượng, bởi vì chúng không thể được tái tạo. Khám phá những nguồn năng lượng mới.
6/ Cần bảo vệ quyền lợi của các dân bản địa (số 471)
Mối tương quan của các dân này đối với đất đai là một yếu tố nền tảng diễn tả căn tính của họ.
Đất đai của họ bị đe dọa bởi những ích lợi canh nông và kỹ nghệ.
Kinh nghiệm của những dân tộc này là một sự phong phú không thể thay thế, đang bị de dọa sẽ mất cũng như môi trường đã phát sinh ra sự phong phú ấy.
B. Sử dụng công nghệ sinh học
1/ Những khả năng mới do các kỹ thuật sinh học và sinh học di truyền hiện hành mang lại nhiều hy vọng và phấn khởi, nhưng cũng gây ra những báo động và chống đối (số 472).
Những vấn đề được đặt ra do việc sử dụng các hình thức mới của khoa công nghệ sinh học, xét dưới khía cạnh luân lý: hậu quả đối với sức khỏe con người; ảnh hưởng đối với môi trường và đối với kinh tế. Vì thế mà nhiều cuộc tranh cãi đã nổi lên giữa các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các nhà chính trị và luật học, các nhà sản xuất và tiêu thụ.
2/ Thiên nhiên không phải là một thực tại thần linh mà con người không được đụng đến. Nó là một quà tặng của Đấng Tạo hóa cho cộng đồng nhân loại, được ký thác cho trí tuệ và trách nhiệm luân lý của con người (số 473).
a) Vì thế không phải là trái với luân lý khi can thiệp sửa đổi vài đặc trưng của các sinh vật,
- miễn là tôn trọng trật tự, vẻ đẹp và sự hữu ích của các sinh vật,
- và tôn trọng chức năng của chúng trong hệ thống sinh thái.
b) Sự can thiệp của con người trở thành đáng trách khi hành động cách nhẹ dạ và vô trách nhiệm, không để ý đến những hậu quả dài hạn.
c) Tuy nhiên vấn đề luân lý không chỉ dừng lại ở chỗ được phép dùng các kỹ thuật sinh học và sinh học di truyền, nhưng còn phải lượng định về ích lợi thực sự của nó, và những hậu quả của nó có thể mang lại rủi ro.
3/ Những công nghệ sinh học hiện đại cần được đánh giá theo những tiêu chuẩn luân lý, nhất là phải xét đến các tiêu chuẩn của công lý và liên đới (số 474).
Những kỹ thuật mới không giải quyết được các vấn đề cấp bách như nghèo đói và kém phát triển.
4/ Tinh thần liên đới khuyến khích trao đổi các kiến thức khoa học và kỹ thuật với các dân tộc ở vào thế bất lợi (số 475).
Giao dịch thương mại công bình, tránh những cưỡng bách bất công.
Cổ động các dân tộc yếu kém hãy vươn lên đến sự trưởng thành trong lãnh vực khoa học và kỹ thuật.
5/ Tình liên đới cũng đòi hỏi nhắc nhở trách nhiệm của các nước trên đường phát triển (số 476).
- Trách nhiệm chính trị: cổ động một chính sách kinh tế thuận lợi.
- Trao đổi kỹ thuật nhằm cải tiến những điều kiện về thực phẩm và y tế.
- Đầu tư vào việc khảo cứu. Tạo ra những cơ quan quốc gia nhằm bảo vệ công ích bằng cách xử lý các việc rủi ro một cách cẩn thận.
6/ Các khoa học gia và kỹ thuật gia đang hoạt động trong lãnh vực công nghệ sinh học đừng nên quên rằng những hoạt động của họ liên quan đến những chất liệu thuộc về nhân loại như là một gia sản được dành cho các thế hệ tương lai (số 477).
Đối với các tín hữu, đó là một món quà được Thiên Chúa trao tặng, và ủy thác cho trí tuệ và tự do của con người, vì thế cần hành động theo một lương tâm trong sáng và lương thiện.
7/ Việc nghiên cứu, sản xuất và buôn bán những sản phẩm phát sinh từ những công nghệ sinh học phải lưu tâm không những đến lợi nhuận chính đáng mà còn đến công ích nữa (số 478). Họ hãy hướng những sự phát triển này sang các mục tiêu nhằm bài trừ nạn đói, bệnh tật và bảo vệ hệ sinh thái là gia sản chung của mọi người.
8/ Các nhà chính trị, các cơ quan hành chánh đừng để cho những quyết định của mình chịu áp lực của những quyền lợi phe phái. Họ cần thông tin cho dư luận và ra những quyết định nhằm tới công ích (số 479).
9/ Những nhân viên trong ngành truyền thông cũng có nghĩa vụ quan trọng. Họ cần hành động cách khôn ngoan và khách quan (số 480). Họ cần phải tránh những thông tin nông cạn, buông theo những bồng bột dễ dàng hoặc những hốt hoảng vô cớ.
C. Môi trường và việc chia sẻ của cải
1/ Tuyệt đối cần ngăn cản sự bất công khi chiếm đoạt các nguyên liệu. Các của cải trái đất được Thiên Chúa dựng nên để cho mọi người sử dụng cách khôn ngoan: chia sẻ theo công lý và hòa bình (số 481).
Cần có sự hợp tác quốc tế trong việc phối hợp tốt hơn việc sử dụng những tài nguyên của trái đất.
2/ Cuộc khủng hoảng môi trường hiện tại ảnh hưởng cách riêng đến các người nghèo (số 482).
Họ sống trên những vùng đất bị xói mòn và trở thành sa mạc. Người dân bị lôi cuốn vào những cuộc chiến tranh, và bị cưỡng bách phải di cư. Họ thiếu những phương tiện kinh tế và kỹ thuật để đề phòng thiên tai.
Họ chịu thiệt thòi vì những luật thương mại quốc tế không công bằng: thiếu vốn đầu tư; nợ công. Trong hoàn cảnh ấy, nạn đói và cảnh nghèo cực ra như bắt buộc phải khai thác môi trường đến kiệt quệ.
3/ “Để được chính đáng, sự phát triển phải có tính cách toàn diện, nghĩa là nhắm đến điều tốt chân chính của mỗi người và của toàn thể con người” (Gioan Phaolô II, 18/3/1994).
Ở Bắc bán cầu, người ta chứng kiến sự suy giảm tỷ lệ sinh sản, khiến cho dân số già nua. Ở mạn Nam thì ngược lại. Sự gia tăng dân số có thể dung hợp với một sự phát triển toàn diện và liên đới (số 483).
4/ Nguyên tắc về “các tài sản nhằm phục vụ cho tất cả mọi người” cũng được áp dụng cho nước (số 484).
Nước là một yếu tố cần thiết để sống còn, vì thế là một quyền lợi dành cho hết mọi người.
5/ Do bản chất của nó, nước không thể được đối xử như một món hàng hóa giống như bao thứ khác. Việc sử dụng nước phải hợp lý và liên đới (số 485).
Quyền có nước là một quyền lợi phổ quát và bất khả nhượng.
D. Những lối sống mới
1/ Các vấn đề quan trọng về môi sinh đòi hỏi một sự thay đổi não trạng để chấp nhận một lối sống mới (số 486).
- Những tiêu chuẩn quyết định việc lựa chọn sự tiêu thụ và tiết kiệm: đi tìm điều thật, điều tốt, sự hiệp thông giữa con người để cùng nhau thăng tiến.
- Những lối sống mới, về cá nhân cũng như cộng đồng, được thúc đẩy do đức thanh đạm, điều độ, khắc kỷ.
- Khuyến khích những hình thức mới trong việc sản xuất nông nghiệp và kỹ nghệ, biết tôn trọng trật tự của các thụ tạo, và làm thỏa mãn những nhu cầu sơ đẳng của mọi người.
- Quan trọng hơn hết là ý thức về sự lệ thuộc lẫn nhau của toàn thể nhân loại, từ đó nảy ra tình liên đới đích thực mang tầm hoàn vũ.
2/ Thế giới này hướng về mầu nhiệm Thiên Chúa là Đấng đã tạo thành và nâng đỡ nó (số 487).Từ đó con người cần mang tâm tình biết ơn.
Khi loại bỏ tương quan với Thiên Chúa, thì thiên nhiên nghèo nàn ý nghĩa của nó. Trái lại, nếu biết khám phá mối tương quan ấy thì sẽ nhận thấy ý nghĩa biểu tượng, mở ra đến mầu nhiệm. Con người sẽ nhận thấy thế giới như là dấu vết của Thiên Chúa, nơi mà ngài biểu lộ quyền năng tạo dựng, quan phòng và cứu chuộc.
Việc xây dựng ý thức—nói theo ngôn ngữ thông dụng của xã hội là công tác vận động tư tưởng, tuyên truyền chính sách—về trách nhiệm bảo vệ môi sinh vẫn được thực hiện bằng nhiều phương án: khi thì nhấn mạnh đến trách nhiệm luật pháp và lương tâm của một công dân trên hành tinh nầy đối với ngôi nhà chung của gia đình nhân loại; khi lại ngấm ngầm hay công khai đe dọa bằng bóng ma của thảm kịch thế mạt do chính con người biên soạn và nhập vai. Tuy nhiên, chỉ rõ cho mọi người thấy mối tương quan đạo lý giữa bổn phận gìn giữ môi trường với sứ vụ loan báo Tin Mừng là một cách tiếp cận mới mẻ, song không hề đi trệch đường ray chính thống của Giáo Huấn Hội Thánh Chúa Ki-tô.[*]
[*] Xin coi Mc 16:15; Rm 8,20-21; Giáo Huấn Xã Hội Của Hội Thánh, Chương 10
bài liên quan mới nhất
- Mô hình công nghệ toàn cầu dưới cái nhìn của Laudato Si'
-
ĐTC Phanxicô: Không thể im lặng khi trái đất bị cướp phá -
Tuần lễ Laudato Si' (16-24/5) trong mùa đại dịch -
Đức Thánh Cha mời gọi Giáo hội cử hành Tuần lễ Laudato Si' (16-24/5) -
7 món ăn lành mạnh mà Chúa Giêsu đã dùng -
Đức Thánh Cha mời gọi hành động chống biến đổi khí hậu -
Caritas Việt Nam: Hãy là người bảo vệ mẹ đất -
Caritas Việt Nam: Tiết kiệm nước -
Caritas Việt Nam: Đi xe đạp vì môi trường -
Caritas Việt Nam: Tái chế những gì bị vất bỏ
bài liên quan đọc nhiều
- 7 món ăn lành mạnh mà Chúa Giêsu đã dùng
-
Mẹ Thiên Nhiên -
Khủng hoảng môi trường: triệu chứng - nguyên nhân - chữa trị -
Suy tư về phát biểu của cô bé 12 tuổi tại hội nghị về môi trường: MÔI TRƯỜNG và NGÔI LỜI -
Caritas Việt Nam: Tái chế những gì bị vất bỏ -
Caritas Việt Nam: Đi xe đạp vì môi trường -
Giáo xứ Nam Hòa: Chầu Thánh Thể cầu nguyện cho môi trường -
Mô hình công nghệ toàn cầu dưới cái nhìn của Laudato Si' -
Caritas Việt Nam: Hãy là người bảo vệ mẹ đất -
Caritas Việt Nam: Tiết kiệm nước