Triển lãm về Gaudi và Thánh đường Sagrada Familia
WHĐ (25.11.2011) – “Gaudi và ‘Sagrada Familia’, Barcelona – Nghệ thuật, Khoa học và Tâm linh” là chủ đề cuộc triển lãm được khai trương ngày 24 tháng Mười Một tại Cánh Charlemagne của hàng cột Bernini xung quanh Quảng trường Thánh Phêrô. Triển lãm sẽ mở cửa đến ngày 15 tháng Giêng 2012.
Sáng 24-11 tại Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, cuộc triển lãm được giới thiệu bởi Đức hồng y Lluis Martinez Sistach, Tổng giám mục Barcelona, Tây Ban Nha; Đức hồng y Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về Văn hóa, ông Joan Rigol thuộc ‘Tổ chức hợp tác xây dựng thánh đường Sagrada Familia’; linh mục Antoni Matabosch, Chủ tịch danh dự của ‘Tổ chức Joan Maragall’; ông Daniel Giralt-Miracle, quản đốc triển lãm, và bà Cecilia Pereira, đại diện của Cơ quan Hoạt động văn hóa Tây Ban Nha.
Đức hồng y Martinez Sistach nói: “Lễ thánh hiến Vương cung thánh đường Sagrada Familia vào ngày 7-11-2010 là một thời khắc lịch sử đối với thành phố Barcelona. Năm đó, chúng tôi hoàn thành phần nội thất của ngôi thánh đường tráng lệ và độc đáo này. Thánh đường bắt đầu xây dựng vào năm 1882, và năm 1883 được giao cho kiến trúc sư Antoni Gaudi trẻ trung đầy sáng tạo... Vì thế, mục đích của triển lãm này là ghi nhận mối quan tâm và tình cảm của Đức Thánh Cha, của Hội đồng Tòa thánh về Văn hóa và Hội đồng Tòa thánh Cổ võ Tân Phúc âm hóa đối với Vương cung thánh đường Sagrada Familia và với Antoni Gaudi, vị kiến trúc sư của Chúa”.
“Cuộc triển lãm mà chúng tôi giới thiệu ở đây... là một trong những đóng góp của đức tin Kitô giáo mà Giáo Hội đã thực hiện qua nhiều thế kỷ cho thế giới của văn hóa, nghệ thuật và cái đẹp. Triển lãm làm nổi bật vẻ đẹp, nét uy nghi và tính biểu tượng của ngôi thánh đường tráng lệ ngự trị ở trung tâm đô thị Barcelona. Như Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói khi ngài đến thăm thành phố này, Vương cung thánh đường này là một dấu hiệu hữu hình của Thiên Chúa vô hình, nên rất cần thiết cho các xã hội Tây Âu của chúng ta vốn đang thịnh hành nền văn hóa thế tục và sự thờ ơ với tôn giáo. ... Gaudi là một Kitô hữu trong lời nói và trong việc làm, ... và việc xây dựng thánh đường Sagrada Familia đã giúp ông hoán cải. Chúng ta cần xem ông không chỉ như một thiên tài kiến trúc nhưng trước hết là một Kitô hữu gương mẫu. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban một phép lạ nhờ lời cầu bầu của Gaudi, để ông sẽ được tuyên phong chân phước”.
Daniel Giralt-Miracle cho biết cuộc triển lãm chia thành ba phần: nghệ thuật, khoa học và tâm linh. Phần nghệ thuật giúp người thưởng lãm “ đắm mình trong thế giới thẩm mỹ của Gaudi, với những sắc màu, không gian hình khối và các kỹ thuật nghệ thuật khác nhau được sử dụng trong tác phẩm của ông”. Phần khoa học trình bày các khía cạnh kỹ thuật của việc xây dựng Sagrada Familia, và phần tâm linh nói lên “những hàm ý trực tiếp về Kitô giáo mà Gaudi thể hiện trong ngôi nhà thờ của ông”, với một loạt các bản vẽ mặt tiền thánh đường và bản thiết kế các mẫu kính màu cửa sổ.
Về phần mình, Joan Rigol giải thích lối kiến trúc của Gaudi phát triển ra sao trong bối cảnh cụ thể của thời kỳ phục hưng văn hóa Catalan giữa thế kỷ XIX và thế kỷ XX ... Khát vọng của thế hệ Gaudi là đem lại nghị lực cho một dân tộc thông qua việc cá nhân hóa các giá trị văn hóa. ... Giáo Hội luôn có những đóng góp cần thiết cho sự hình thành nền văn hóa và nghệ thuật như một biểu hiện các giá trị tinh thần của một cộng đồng, ở Catalonia cũng vậy”.
Cuối cùng cha Antoni Matabosch nhận xét: “Hôm nay đề nghị của Đức hồng y Ravasi với Tổ chức Joan Maragall đã trở thành hiện thực, đó là tổ chức một sự kiện tại Roma để thể hiện chiều kích văn hóa của Giáo Hội tại Catalonia”. Ngài cũng cho biết thêm, cùng với triển lãm sẽ có một số cuộc gặp gỡ mang tính học thuật, bao gồm một cuộc tranh luận với chủ đề “Kiến trúc: Biểu tượng và sự thánh thiêng. Một thế kỷ sau Gaudi”, diễn ra tại Viện bảo tàng MAXXI, Roma (Bảo tàng quốc gia Nghệ thuật thế kỷ XXI) ngày 12 tháng Mười Hai, và một buổi hòa nhạc do ca đoàn “Escolania de Montserrat” trình diễn tại Vương cung thánh đường Đức Bà Cả vào ngày 13 tháng 1 năm 2012.
(VIS, 24-11-2011)
bài liên quan mới nhất
- Nhà thờ Bùi Chu thuở bình minh
-
Kiến trúc Công giáo (1) -
Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ La Vang: Lễ đặt viên đá đầu tiên -
Lời giới thiệu Đồ án thiết kế Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang -
Đồ án thiết kế Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang -
Chương trình truyền hình: Nét đẹp kiến trúc Nhà thờ cổ Việt Nam -
Sở Kiện trong dòng thời gian (1862 - 2011) -
Kiến trúc Công giáo (2) -
Ngôi nhà nguyện cổ trong Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn -
Một cái nhìn về Nghệ thuật thánh (phần 3)
bài liên quan đọc nhiều
- Kiến trúc Công giáo (2)
-
Nhà thờ Bùi Chu thuở bình minh -
Kiến trúc Công giáo (1) -
Ngôi nhà nguyện cổ trong Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn -
Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ La Vang: Lễ đặt viên đá đầu tiên -
Chương trình truyền hình: Nét đẹp kiến trúc Nhà thờ cổ Việt Nam -
Lời giới thiệu Đồ án thiết kế Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang -
Sở Kiện trong dòng thời gian (1862 - 2011) -
Tỉ lệ & Nhịp điệu: hai yếu tố của cái đẹp -
Nhà thờ Phát Diệm: Quần thể kiến trúc đậm đà bản sắc dân tộc