Kiến trúc Công giáo (2)
II/ KIẾN TRÚC CÔNG GIÁO TÂY PHƯƠNG
A. Kiến trúc thời sơ khai (thế kỷ 1 đến thế kỷ 5)
1/ Thời gian đầu tiên
Nhà thờ là một tòa nhà có công năng chính là chứa các buổi họp và cử hành thánh lễ của một cộng đồng tín hữu. Lúc đầu những tín hữu đầu tiên của giáo hội Công Giáo là người Do-Thái và họ tụ họp tại nhà riêng hay trong các hội đường Do-Thái (synagogue), như là ngôi đền có phòng Tiệc Ly (Cenacle), nơi xảy ra Bữa Ăn Tối Cuối Cùng giữa Chúa Giêsu và mười hai sứ đồ trước khi Ngài bị hành hình trên cây thánh giá:
Hình 2: Bức tranh nổi tiếng của Leonardo da Vinci diễn tả Bữa Ăn Tối Cuối Cùng ở một hội đường Do Thái
Như chúng ta đã biết, Kitô giáo trở nên một tôn giáo bị cấm đoán sau khi Chúa Kitô bị đế quốc Rôma xử tử. Từ đất Do Thái, Kitô giáo đã được các sứ đồ mang đi rao giảng tại Trung Đông, Phi Châu, và Âu Châu. Những Kitô hữu phải hành đạo một cách bí mật và bị giết một cách dã man nếu bị bắt, thí dụ như bị quăng cho ác thú ăn sống tại giác đấu trường Colosseum ở Rôma.
Hai sứ đồ Phêrô và Phaolô đều bị hoàng đế Nerô giết hại tại Rôma.
Trong vòng 250 năm các Kitô hữu bị ngược đãi và hành hạ bởi đế quốc Rôma vì họ từ chối tôn thờ hoàng đế Rôma như một vị thần. Theo luật Rôma sự từ chối này được xem là một sự phản bội và bị trừng phạt bằng án tử hình. Tình hình này bắt đầu thay đổi khi hoàng đế Rôma Constantinô lên ngôi. Từ khi còn bé vị hoàng đế này được giáo dục bởi một bà mẹ theo Kitô giáo. Nhờ ảnh hưởng này và vì được trông thấy Chúa của Kitô hữu trong đêm trước một trận chiến lớn mà ông ta đã chiến thắng, ông ta đã chính thức trở lại Kitô giáo vào lúc 42 tuổi và vào năm 313 sau công nguyên đã ra sắc lệnh Milanô cho phép các Kitô hữu được tự do hành đạo và hoàn trả các tài sản đã bị tịch thu lại cho Giáo hội và giáo dân. Sắc lệnh này bảo vệ quyền tự do tôn giáo không những của các Kitô hữu mà còn của tất cả các công dân Rôma khác.
Trong thời gian bị ngược đãi nói trên (từ thế kỷ thứ nhất đến đầu thế kỷ thứ tư) các Kitô hữu phải hành lễ bí mật trong nhà riêng hay trong những hầm mộ được gọi là hang toại đạo.
Nhà riêng
Dưới thời đế quốc Rôma có hai loại nhà chính cho người dân sống trong thành phố: nhà riêng và nhà căn hộ chung cư. Những buổi hành lễ bí mật quy tụ nhiều người nên thường được tổ chức tại nhà riêng thay vì căn hộ chung cư.
Hình 3 mô tả căn nhà riêng điển hình của người Rôma. Bên trên là hình phối cảnh tương ứng với mặt bằng nằm ở dưới. Căn nhà của người Rôma hướng vào bên trong và gồm nhiều phòng được sắp xếp chung quanh một sân trước và một sân sau. Ánh sáng và không khí đều lấy từ hai sân này.
Hình 3: Căn nhà của người Rôma thời xưa
Ý nghĩa tên La-tinh của các phòng:
1. ostium = cửa vào
2. vestibulum = sảnh
3. fauces = hành lang bên cạnh văn phòng
4. tabernae = cửa tiệm
5. atrium = sân trước
6. compluvium = lỗ hổng trên mái để nhận nước mưa rơi xuống hồ nước ở sân bên dưới
7. impluvium = hồ nước nông, hình chữ nhật, để chứa nước mưa
8. tablinum = văn phòng của chủ nhà, dùng để tiếp khách
9. triclinium = phòng ăn
10. alae = phòng ở bên cạnh
11. cubiculum = phòng ngủ
12. culina = phòng bếp
13. posticum = cửa sau
14. peristylium = sân vườn
15. piscina = hồ nước
16. exedra = phòng phía đằng sau, dùng để ngồi thư giãn, nói chuyện, suy tư, hay bàn luận
Kiến trúc nhà ở Rôma có vài ảnh hưởng sau này đến kiến trúc nhà thờ kiểu basilica từ thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ năm công nguyên. Không gian sân trước của căn nhà (atrium) có hồ chứa nước mưa được dùng như một nơi cử hành nghi thức rửa tội và sau này trở thành sân trước của basilica với một hồ nước ở trung tâm. Sảnh của căn nhà (vestibulum) biến thành tiền sảnh của basilica (narthex). Xin xem những trang sau nói về basilica để thấy sự biến đổi của những không gian này.
Hầm mộ
Hầm mộ là những nghĩa trang nằm trong lòng đất và có những đường hầm quanh co cao khoảng 2 mét rưỡi. Những kitô hữu đầu tiên được chôn cất ở đây và không theo tập tục thiêu xác vì họ tin rằng người chết sẽ được sống lại vào ngày phán xét cuối cùng. Lúc đầu hầm mộ được dùng cho tang lễ nhưng về sau trở thành nơi cử hành thánh lễ trong thời Kitô giáo bị cấm đoán, và bây giờ lại trở nên những trung tâm cầu nguyện và hành hương.
2/ Nguồn gốc nhà thờ
Sau khi chính quyền Rôma cho phép các Kitô hữu được theo đạo Chúa một cách công khai và hợp pháp, họ cần tụ họp và hành lễ ở những tòa nhà với không gian lớn hơn nhà riêng rất nhiều. Vào lúc đó những công trình duy nhất thỏa mãn được nhu cầu này là những tòa nhà hội họp lớn và công cộng của người Rôma được gọi là basilica. Những tòa nhà lớn này thường tọa lạc tại những quảng trường lớn có tên là “forum” của những thành phố trong đế quốc Rôma và được dùng cho những buổi họp đông người, những phiên chợ, và những vụ xử của tòa án. Bắt đầu từ đây nhiều basilica đảm nhận thêm công năng hành lễ Kitô giáo. Nhờ đó chữ “basilica” về sau còn có nghĩa là nhà thờ và kế đó là “vương cung thánh đường”. Kiến trúc nhà thờ không bắt chước mô hình của những ngôi đền Rôma (trong đó những thần Rôma được thờ phượng, như thần chiến tranh Mars và thần biển Neptune) bởi vì những ngôi đền này nhỏ bé hơn basilica và không chứa nổi số lượng giáo dân đông đảo.
Vì số giáo dân càng ngày càng tăng, nhiều nhà thờ mới được xây dựng theo mô hình của basilica ở các vị trí sau đây:
- trên nền đất của các nhà ở cũ của giáo dân được dùng trước đây làm nơi hành lễ;
- ở những chỗ có mộ thánh hay di chỉ thánh tích;
- ở lối vào của các hầm mộ.
Một dự án basilica tiêu biểu gồm có những thành phần sau đây từ ngoài vào trong:
1/ Sân trước (Atrium): đây là một sân lớn nằm phía trước tòa nhà, được bao quanh bởi hành lang với nhiều cột, và có một hồ nước ở trung tâm.
Hậu thân của sân này là những sân nằm trước các nhà thờ của những thời đại sau như Sân của Basilica Sant’Ambrogio ở Milano (Ý) (hình 7) và Quảng trường vĩ đại của Basilica San Pietro ở Rôma (tức là Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô tại Vatican) (hình 8).
2/ Thánh Đường Basilica
Đây là một tòa nhà lớn với các không gian sau đây:
- một tiền sảnh (narthex) ở lối vào;
- một đại sảnh (nave) cao hai tầng, với mỗi bên có nhiều cửa sổ trên cao và một hàng cột
ở dưới;
- một hay hai gian phụ (aisles) ở mỗi bên của đại sảnh nhưng thấp hơn và cách nhau bằng
những hàng cột;
- một bệ cao (bema) và rộng để có đủ chỗ cho bàn thờ và số lượng tu sĩ đông đảo. Dần dà diện tích của bệ này được mở rộng thêm ra hai bên hông thánh đường để có thêm chỗ cho các sinh hoạt hành lễ, do đó tạo nên nhánh ngắn (transept) của cây thánh giá La-tinh trong mặt bằng những thánh đường Tây Phương sau này. (Thánh giá La-tinh là thánh giá được tạo nên bởi một nhánh dài và một nhánh ngắn, và được dùng trong nhiều nhà thờ của Tây Âu, trong khi đó thánh giá Hy-lạp gồm có hai nhánh dài bằng nhau và được dùng trong các nhà thờ Chính Thống Giáo ở Đông Âu và Nga.);
- một hậu cung hình bán nguyệt (apse) nằm ở cuối tòa nhà và là nơi các vị quan tòa trước đây ngồi xử trong các phiên tòa.
Hình 9: Mặt bằng của Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô cũ là một thí dụ điển hình của basilica và cho thấy sân trước (atrium), tiền sảnh (narthex), đại sảnh (nave), hai gian phụ (aisles) ở mỗi bên của đại sảnh, bệ cao (bema) nối dài qua hai bên hông để tạo thành nhánh ngắn của cây thánh giá (transept), và hậu cung hình bán nguyệt (apse).
Các hình từ 10 đến 14 dưới đây cho xem nội thất của một số basilica nổi tiếng ở Rôma.
Chúng ta hãy để ý bên trên đại sảnh là một trần nhà bằng phẳng, và nội thất được soi sáng bởi các cửa sổ nằm ở phía trên của đại sảnh, các cửa sổ ở bên cạnh hai gian phụ, và những cửa sổ ở tường của hậu cung hình bán nguyệt.
Hậu cung hình bán nguyệt (apse) với mái nửa hình cầu bên trên và nhiều cửa sổ trên tường, tại Basilica Sant’Apollinare in Classe. Trần được trang trí bằng nhiều tranh khảm đá (mosaics).
Basilica Santa Maria Maggiore (Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả), Rôma. Ở đây ta có thể thấy trần và tường của đại sảnh được trang trí rất công phu. Trần được lát bằng nhiều ô gỗ vuông và lõm lên trên.
Trong hình mặt cắt phối cảnh kế tiếp chúng ta có thể thấy cách bố trí không gian đã mô tả bên trên và các vật liệu cấu tạo nên công trình. Mái nhà được cấu trúc với nhiều xà gỗ. Tường được xây bằng gạch hay bê tông phối hợp với gạch.
Hình 14 cho thấy mặt tiền, và sân trước của Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô cũ. Sân trước là nơi tụ họp của những người dự tòng (những người đang học đạo nhưng chưa được rửa tội).
Ở đó họ có thể tham dự phần đầu tiên của thánh lễ nhưng sau đó họ không được vào bên trong basilica để tham dự phần còn lại.
Hình 14: Hình phối cảnh của Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô cũ. Đây là tiền thân của Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô hiện tại ở Vatican.
Mô hình basilica đã phục vụ cho những nhu cầu hành lễ của Giáo Hội Kitô trong khoảng 200 năm (thế kỷ thứ 4 và thế kỷ thứ 5) và cho đến ngày Đế quốc Rôma sụp đổ, rồi được thay thế bởi một kiểu nhà thờ khác gọi là Romanesque (tiếng Anh) hay Roman (tiếng Pháp) vào thời đại Trung Cổ tiếp theo sau (từ thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ thứ 12).
3/ Những khác biệt giữa Tây Âu và Đông Âu
Đế quốc Rôma là một trong những đế quốc lớn mạnh nhất trong lịch sử nhân loại. Nó tồn tại từ thế kỷ thứ 1 trước công nguyên đến khoảng thế kỷ thứ 5 và bao gồm những phần đất vây quanh Địa Trung Hải, kéo dài từ Âu Châu sang đến Cận Đông và Bắc Phi. Đế quốc Rôma là hậu thân của nền Cộng Hòa Rôma và bắt đầu hiện hữu từ năm 27 trước công nguyên. Cộng Hòa Rôma kéo dài được 500 năm và bị nhiều cuộc nội chiến làm cho suy yếu. Sau đó Đế quốc Rôma thay thế nó cũng tồn tại được cùng khoảng thời gian 500 năm. Trong tổng cộng 1.000 năm, quyền lực chính trị và quân sự Rôma đã khống chế thế giới Tây Phương nhưng cũng đồng thời mang đến trật tự, văn minh, và thịnh vượng cho những quốc gia bị chiếm đóng.
Vì lãnh thổ của Đế quốc quá rộng lớn nên vào thế kỷ thứ 3 Hoàng Đế La Mã Diocletianô đã chia nó ra thành hai phần: Đế quốc Tây Rôma với thủ đô Rôma và Đế quốc Đông Rôma với thủ đô Byzantium (sau đó gọi là Constantinople và bây giờ là Istanbul).
Đế quốc Tây Rôma sụp đổ vào năm 476 nhưng Đế quốc Đông Rôma thì còn tồn tại qua suốt thời Trung Cổ và bị tiêu diệt vào năm 1453 khi Đế quốc Ottoman chiếm được thủ đô Constantinople.
Song song với việc chia đôi lãnh thổ của Đế quốc Rôma, sự phát triển của Kitô giáo ở hai đế quốc cũng đi theo hai chiều hướng khác nhau và sau cùng tạo ra Giáo Hội Chính Thống ở phía đông chịu ảnh hưởng văn hóa Hi-lạp và Giáo Hội Rôma chịu ảnh hưởng văn hóa La-tinh và Tây Âu. Kiến trúc nhà thờ của hai giáo hội cũng có những điểm dị biệt. Thí dụ như mặt bằng những nhà thờ thuộc Giáo Hội Rôma thường mang hình dạng cây thánh giá La-tinh (với một nhánh dài và một nhánh ngắn) trong khi
mặt bằng những nhà thờ thuộc Giáo Hội Chính Thống thường mang hình dạng cây thánh giá Hy-lạp (với hai nhánh dài bằng nhau). Hai thí dụ nổi tiếng về nhà thờ Chính Thống Giáo là Hagia Sophia ở Constantinople (Thổ Nhĩ Kỳ) và St. Basil ở Công Trường Đỏ của Moscow (Nga).
Tuy chúng ta không bàn đến kiến trúc các nhà thờ Chính Thống Giáo, những khác biệt vừa nêu ra cũng cần được nói đến sơ qua bởi vì loại kiến trúc này cũng có ảnh hưởng đôi chút đến kiến trúc của các nhà thờ của Giáo Hội Rôma trong những thời đại sau này như sẽ được trình bày trong những chương kế tiếp.
bài liên quan mới nhất
- Nhà thờ Bùi Chu thuở bình minh
-
Kiến trúc Công giáo (1) -
Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ La Vang: Lễ đặt viên đá đầu tiên -
Lời giới thiệu Đồ án thiết kế Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang -
Đồ án thiết kế Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang -
Chương trình truyền hình: Nét đẹp kiến trúc Nhà thờ cổ Việt Nam -
Sở Kiện trong dòng thời gian (1862 - 2011) -
Triển lãm về Gaudi và Thánh đường Sagrada Familia -
Ngôi nhà nguyện cổ trong Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn -
Một cái nhìn về Nghệ thuật thánh (phần 3)
bài liên quan đọc nhiều
- Nhà thờ Bùi Chu thuở bình minh
-
Kiến trúc Công giáo (1) -
Ngôi nhà nguyện cổ trong Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn -
Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ La Vang: Lễ đặt viên đá đầu tiên -
Chương trình truyền hình: Nét đẹp kiến trúc Nhà thờ cổ Việt Nam -
Lời giới thiệu Đồ án thiết kế Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang -
Sở Kiện trong dòng thời gian (1862 - 2011) -
Tỉ lệ & Nhịp điệu: hai yếu tố của cái đẹp -
Nhà thờ Phát Diệm: Quần thể kiến trúc đậm đà bản sắc dân tộc -
Đồ án thiết kế Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang