Trở về

Trở về

Phụng vụ Giáo hội, ngay từ thứ tư lễ Tro khai mạc Mùa Chay thánh, đã kêu gọi chúng ta trở về. Ngôn sứ Giôen tha thiết kêu mời: “Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc và thống thiết than van” (Ge 2,12).

“Trở về”, đó cũng là một trong những nội dung chính yếu trong giáo huấn của Đức Giêsu: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Đó là lời tuyên bố khi Người khởi đầu sứ vụ.

Dường như cuộc trở về nào cũng đòi hỏi phải hy sinh cố gắng. Có những lúc trở về là kết quả của một cuộc tranh đấu cam go, nghiệt ngã với chính bản thân mình. Người trở về phải vượt qua những rào cản, có những lúc rất gay cấn khốc liệt. Rào cản đó có thể là những mặc cảm tự ti về một thời quá khứ lầm lỗi. Một người đã từng mắc nghiện ma túy, một người đã từng bị đi tù hay đã từng phạm pháp, nay muốn hoàn lương, cần phải có can đảm để vượt qua trước cái nhìn dè dặt của bà con lối xóm. Rào cản đó còn có thể là những thành kiến của những người xung quanh, không muốn chấp nhận một người đã có nhiều lầm lạc. Có người hoàn lương chỉ muốn sống đơn giản như một người bình thường mà không được. Vì dị nghị và thành kiến của mọi người mà họ phải chọn lựa ra đi. Cuộc trở về thật khó biết bao! Không ít người đã tái rơi vào tình trạng tội phạm, vì thất bại trong cuộc trở về.

Nói đến “trở về”, có nghĩa là chúng ta đang ở xa. Có thể là xa về không gian, cũng có thể xa về thời gian hoặc xa về tình nghĩa. Trở về là đoạn tuyệt với một quá khứ tội lỗi. Trở về là ra khỏi tình trạng sống khép kín cô độc với tha nhân. Nói đến “trở về” là chúng ta nhắc đến quê hương, đến nhà mình, một nơi rất thân thương, quen thuộc. Với người tín hữu Kitô, trở về là cuộc hành trình liên lỉ suốt đời để đến gặp gỡ Chúa là Cha yêu thương.

Cũng có những cuộc trở về chỉ được thực hiện nửa vời, vì những quyết tâm đưa ra thì thật mạnh mẽ nhưng khi thực hiện lại thiếu thiện chí, giống như những khẩu hiệu được hô lên rồi lại chìm trong im lặng. Mỗi năm Mùa Chay lại về, lời mời gọi sám hối vang lên tha thiết, mà dường như cuộc sống nhiều người không hề thay đổi.“Hãy thật lòng trở về với Ta… Hãy xé lòng, đừng xé áo” (Gn 2,13), Lời Chúa lên án gay gắt một thứ chay tịnh bề ngoài giả tạo chỉ mong tìm tiếng khen người đời. Hãy nghe ngôn sứ Isaia thuật lại: “Này, ngày các ngươi ăn chay, các ngươi vẫn lo kiếm lợi, vẫn áp bức mọi kẻ làm công cho mình. Này, các ngươi ăn chay để mà đôi co cãi vã, để nắm tay đánh đấm thật bạo tàn... Phải chăng đó là cách ăn chay mà Ta ưa chuộng trong ngày con người phải thực hành khổ chế? Cúi rạp đầu như cây sậy cây lau, nằm dài trên vải thô và tro bụi, phải chăng như thế mà gọi là ăn chay trong ngày các ngươi muốn đẹp lòng Đức Chúa?” (Is 58,3b tt).

Lời mời gọi trở về của Mùa Chay vừa tha thiết, vừa năn nỉ như lời cha lời mẹ đối với con cái mình. “Trở về đi, hỡi những đứa con phản nghịch” (Gr 3,14). Như người cha thấy rõ những yếu đuối bất toàn của con mình, muốn kéo nó ra khỏi những cám dỗ và vũng bùn tội lỗi, Chúa luôn kêu gọi chúng ta hoàn lương trở về để sống trong tình yêu thương của Ngài.

Lời mời gọi trở về của Mùa Chay cũng là lời cảnh báo cho thấy đó là điều kiện căn bản để có thể tồn tại trên cõi đời: “Nếu các ngươi không ăn năn sám hối, các ngươi sẽ bị tiêu diệt…” (Lc 13,5). Trong Tin Mừng Thánh Luca, liền sau lời cảnh báo này, Đức Giêsu trưng dẫn dụ ngôn cây vả ba năm không sinh trái, như muốn diễn tả một tình trạng vô nghĩa của người sống trong tội lỗi. Họ không tìm thấy niềm vui khi tiếp tục dấn mình trong tội. Như thế, dù còn sống về thể lý, họ cũng đã chết vì tội lỗi, vô ích như cây vả không sinh trái bị kết án. Khi nghe lời loan báo của ngôn sứ Giôna, dân thành Ninivê, từ vua quan đến dân nghèo, từ con người đến loài vật đều đã sám hối ăn năn. Chúa đã đổi ý. Ngài không giáng phạt xuống thành như đã báo trước và mọi người được cứu thoát.

Trở về cũng là một quá trình ôn lại lịch sử đã qua của các bậc tiền nhân cũng như của chính bản thân mình. Đó là điều chúng ta quen gọi là “xét mình”. Nhìn lại bản thân để thấy mình còn nhiều lầm lỗi; xét lại quá khứ để thấy Chúa thật nhân hậu bao dung. “Đừng ăn ở như cha ông các ngươi: họ đã bị các ngôn sứ xưa kia cảnh cáo rằng: hãy ăn năn trở lại, hãy bỏ đường tà và mọi hành động xấu xa” (Dcr 1,4). Nhờ các bài học của lịch sử mà ta biết tránh những lỗi lầm. Từ những sự kiện đã qua mà ta được rút được những kinh nghiệm quý báu.

Nhưng trên tất cả, lời mời gọi trở về hé mở niềm hy vọng cho mỗi chúng ta là tội nhân. Nếu chúng ta có can đảm trở về với Chúa là vì chúng ta xác tín nơi lòng nhân hậu của Ngài. Thiếu nền xác tín này, chẳng ai dám nghĩ mình có thể hoàn lương. Nhờ quyền năng và do lòng nhân hậu, Thiên Chúa thực hiện những điều không bao giờ có nơi thế giới loài người: tội lỗi đỏ như son, Ngài có thể tẩy trắng như tuyết; tội lỗi như vải điều, Ngài có thể giặt trắng như bông (x. Is 1, 18). Ngôn ngữ của Chúa trong lời mời gọi trở về còn như một lời hứa hẹn: “Hãy trở về, và Ta sẽ không còn ngoảnh mặt đi” (Gr 3,12). Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh người cha để nói lên lòng nhân hậu của Thiên Chúa: Người cha không nhớ lại những lỗi lầm của con cái, cũng không cần người con phải kể lể trình bày. Điều quan trọng là đứa con “đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay tìm thấy” (x. Lc 15, 32). Trở về được thúc đẩy nhờ niềm hy vọng từ phía con người. Trở về cũng là niềm vui của triều thần thiên quốc. Niềm vui ấy lớn lao đến nỗi “Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần hối cải” (Lc 15,7).

Sau cùng, trở về còn là hành vi có ơn Chúa phù trợ. Người tín hữu tin rằng trên con đường trở về có Chúa dắt dìu, để nhờ đó mà cuộc trở về đi theo đúng định hướng: “Lạy Thiên Chúa, xin dẫn chúng con về, xin đừng hận chúng con” (Tv 84,5). “Xin dẫn chúng con đi theo đường chân lý của Ngài” (Tv 25,5). Có Chúa dẫn đường, chắc chắn chúng ta không lầm lạc. Có Ngài cùng đi, bảo đảm chúng ta sẽ tới đích.

Vâng, tôi đang đi trên con đường trở về. Tôi tin chắc Chúa sẽ đón nhận tôi với vòng tay từ ái. Xin Chúa cho tôi cam đảm bước tiếp những chặng đường hồi hương mà tôi đã khởi đầu, vì ở cuối chặng đường, chắc chắn có Chúa đang chờ đợi tôi với lòng bao dung của người cha và tình âu yếm của người mẹ.

Top