Trung Thu nghèo
WGPSG -- Không thể nào phủ nhận được tình hình kinh tế ngày một xấu đi bởi sức ép của thị trường, bởi sự nghiệt ngã của cuộc đấu tranh sinh tồn. Những năm tháng khủng hoảng kinh tế vẫn chưa nguôi để rồi đời sống ngày càng phải đối diện với muôn vàn khó khăn.
Từ Tết năm vừa rồi, hai vợ chồng người quen đã ngao ngán với tình hình kinh doanh ế ẩm. Đó là anh chị có quầy hàng bán ba cái thứ bánh kẹo cùng ít rượu bia giải khát nhỏ, doanh thu của dịp Tết vừa rồi chẳng được là bao sau khi bỏ vào số vốn cũng không nhỏ. Tết xong rồi nhưng vẫn chưa lấy lại những gì đã bỏ ra. Hàng thì vẫn còn đó nhưng cứ "ngậm" mãi chẳng ai mua.
Những ngày đầu chuẩn bị vào tháng bán bánh Trung Thu, người này người kia ghé hỏi sao chưa thấy anh chị kiếm ít hàng về bán. Lạ thay là khi nhận hàng về thì lại chẳng còn mấy người hỏi và cũng quá ít người mua. Không chậm trễ, anh chị phải gửi lại lò bánh vì nếu không cứ để mãi đó thì lại "ngậm hàng". Hàng gì có thể "ngậm" lại chờ nhưng bánh Trung Thu làm sao có thể chờ được.
Ở thành thị may ra mấy đứa nhỏ còn biết được chiếc bánh Trung Thu là gì, chỉ cần ra vùng ven của mảnh đất Sài Thành này một chút thôi cũng thấy được sự thiếu thốn của trẻ em nghèo. Cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, và cha mẹ chạy cơm từng bữa cũng như các em nương náu ở những mái trường tình thương thì làm gì nghĩ đến vui Tết Trung Thu. May ra những em đó gặp những tấm lòng thảo sẻ chia trong khả năng cho phép. Những phần bánh ngọt và chiếc lồng đèn giấy hoặc xếp đã là quý lắm rồi, làm gì các em có thể nghĩ đến chiếc bánh Trung Thu chi cho cao sang.
Một người quen nọ, cũng vì chạnh thương những em nghèo vùng Tánh Linh đã đi vận động cho các em nghèo một số bánh Trung Thu. Hỏi anh giá của mỗi chiếc bánh là bao nhiêu, anh cho biết là 7.000 đồng. Vùng quê nghèo đó có 100 em, như vậy anh xin 700 ngàn để mỗi em được chiếc bánh cho vui. Chắc có lẽ như mọi năm anh cũng đi xin thêm ít chiếc lồng đèn giấy hoặc đèn xếp rẻ tiền cho các em có một đêm Hội Trăng Rằm đơn giản nơi vùng quê nghèo.
Ở mảnh đất Sài Thành, chiếc bánh Trung Thu thường lắm cũng mất mấy chục ngàn chứ làm gì có cái chuyện chỉ là 7000 đồng được.Nhìn những hộp bánh vài trăm ngàn, thậm chí vài triệu bạc lại nghĩ đến những chiếc bánh nướng có giá 7.000 đồng của những em nghèo kia. Nhìn những mâm cao cỗ đầy lại nghĩ đến những gia đình nghèo chạy ăn từng bữa.
Thật đau lòng khi nhìn thấy khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày một lớn. Có kẻ ăn không hết, lại có kẻ bòn không ra. Có những căn nhà biệt thự cả triệu đô, nhưng cạnh đó, vẫn có những căn nhà ổ chuột cũng chẳng đáng gọi là nhà. Nơi những căn nhà ổ chuột nghèo đó lại cưu mang những con người nghèo đến tận cùng của xã hội.
Vẫn còn đâu đó những người của thừa của đổ và vẫn còn đâu đó những trẻ nghèo ước mong có chút Hội Trăng Rằm. Hình ảnh của những trẻ em của những vùng nghèo tôi đã hơn một lần gặp gỡ, chung sống vẫn còn đó. Thèm lắm một chút tình thương và sự sẻ chia của những người may mắn hơn mình.
Vẫn thầm ước có những tấm lòng thơm thảo rảo bước về những vùng nghèo để mang chút niềm vui cho những trẻ em nghèo để các em cũng có được cái Tết Trung Thu trong cảnh nghèo của thân phận.
bài liên quan mới nhất
- Cuộc hội nhập văn hoá trong lịch sử dân tộc Việt Nam
-
Quà Tết cho người vô gia cư -
Noel ấm áp tình người -
Đồng hương Thái Bình miền Nam: Họp mặt Tân niên -
Đồng hương Đàn Giản: mừng Xuân đoàn viên -
Nhớ lắm bếp củi ngày xưa! -
Thông điệp của mùa xuân -
Giờ kinh Giao Thừa -
Trăng Rằm miền biên giới -
Vầng Trăng Yêu Thương
bài liên quan đọc nhiều
- Cuộc hội nhập văn hoá trong lịch sử dân tộc Việt Nam
-
Nhớ lắm bếp củi ngày xưa! -
Quà Tết cho người vô gia cư -
Thông điệp của mùa xuân -
Sống tâm tình tạ ơn trong ba ngày Tết -
Tây Tạng: Tết Losar của lòng hiếu khách và từ tâm -
Giờ kinh Giao Thừa -
Năm Thìn, tản mạn chuyện Rồng -
Tất niên và tân niên -
Trăng vàng mùa thu