Trường Chuyên Biệt Gia Định: mừng lễ Quan thầy Đại Chủng Viện Thánh Giuse

Trường Chuyên Biệt Gia Định: mừng lễ Quan thầy Đại Chủng Viện Thánh Giuse

WGPSG -- Vào lúc 9g00, ngày 19/03/2010, đại diện Ban Giám hiệu, các giáo viên và học sinh trường Chuyên biệt Gia Định, đã đến mừng lễ Quan thầy của Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sàigòn.

Cha Giám đốc Ernest Nguyễn Văn Hưởng, quý cha giáo cũng như quý thầy đang tham dự Hội Thao mừng lễ Quan Thầy. Nhưng khi thấy phái đoàn xuất hiện, tất cả đã dừng cuộc chơi và nồng nhiệt đón tiếp các em bằng những tràng pháo tay rộn rã.

Cắt tóc tạo mẫu

Trường đã dâng tặng cha Giám Đốc những bông hoa tươi thắm. Đồng thời, cũng tặng cho mọi người hiện diện những giây phút thư giãn và những tiếng cười giòn giã qua hai tiết mục văn nghệ.

Một thầy được chọn làm người mẫu đã phải gồng mình cho một nhóm “chuyên gia tạo mẫu tóc” hành nghề. Hai em kềm chặt tay, một em thủ thỉ dỗ dành; đặc biệt, thợ chánh vừa cắt tóc vừa bịt mắt. Còn những dụng cụ như dao, kéo, tông đơ rất đặc biệt, chưa có hiệu cắt tóc nào trên thế giới sở hữu.

Biểu diễn thời trang

Sau khi cắt tóc xong, thầy còn được nhuộm tóc với ba màu: xanh, đỏ, vàng, trông rất ư là model. Chưa hết, thầy còn phải trình diễn thời trang chung với các em. Những động tác rất ngây ngô “vô số tội” đó, đã làm cho những người có mặt dù khó tính nhất cũng phải bật cười.

Xem xong màn trình diễn, cha Giám đốc vui cười phát biểu: “Cắt tóc kiểu này chắc cha phải để tóc dài, chứ không dám đi cắt tóc”. Lời nói vui rất đơn sơ này hàm chứa tấm lòng yêu thương của cha dành cho các em.

Hiểu biết và cảm thông

Cô hiệu trưởng tâm sự: “Nhà trường rất biết ơn tấm lòng ưu ái của quý cha và quý thầy dành cho các em. Dù chương trình mừng lễ của các thầy có nhiều tiết mục hay hơn, nhưng mỗi năm, cha giám đốc luôn bật đèn xanh cho phép các em ‘đến hẹn lại lên’. Đó là một trong những cơ hội giúp các em hoà nhập với xã hội, tạo những mối tương quan mới.

Được chấp nhận, được thể hiện mình, được yêu thương và yêu thương, đó là những nhu cầu tối cần thiết đối với trẻ có hoàn cảnh đặc biệt như các em. Vì vậy, thái độ hiểu biết và sự cảm thông của quý cha và quý thầy đối với những hành động khác người của các em là một khích lệ cho nhà trường và cho cả phụ huynh các em. Được biểu diễn văn nghệ, được quý cha và quý thầy yêu thương, tiếp đón là niềm hạnh phúc lớn lao cho các em. Đó sẽ là những dấu ấn, những hoài niệm đẹp giúp các em xây dựng, phát triển và hình thành nhân cách, xoá bỏ mặc cảm khuyết tật nơi bản thân.

Cho đi và nhận lãnh

Sau khi lăng xăng hành nghề, các “chuyên gia” được quý thầy chiêu đãi nước, bánh ngọt và những que kem chuối đặc biệt. Đáp lại, khách mời rất “tự nhiên và chân tình” mang về những chiếc bánh còn lại cho các bạn ở nhà không được chọn làm “đại diện”.

Nhìn nét mặt rạng ngời hạnh phúc của chủ và khách, mọi người càng cảm nghiệm rõ hơn câu nói của thánh Phanxicô Assisi: “Chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh”. Cả chủ và khách là người cho, đồng thời cũng là người nhận.

“Cứ để trẻ em đến với Thầy”

Trong ngày mừng Ngân Khánh Linh mục của mình, cha Giám đốc bộc bạch: “Phải chăng 25 năm qua tôi làm việc vì lòng mến Chúa? “Phải chăng lòng mến Chúa là động lực duy nhất thúc đẩy tôi làm việc cho Chúa hay còn động lực nào khác?

Qua buổi tiếp đón hôm nay, thiết nghĩ, cha đã làm việc là do lòng mến thúc đẩy. Đối với cha, các thiếu nhi bình thường hay khuyết tật đều là những con người được Thiên Chúa yêu thương. Cha đã thực hiện điều Chúa Giêsu đã dạy và đã nêu gương: “Cứ để trẻ em đến với Thầy…” (Mc 10,14).

Lòng mến Chúa mời gọi chúng ta đối xử tốt với tha nhân, vì tất cả mọi người đều được Thiên Chúa yêu thương. Xin Chúa gia tăng lòng mến nơi mỗi người chúng ta.

Top