Trường Chuyên Biệt Gia Định: Ngày Thế giới Hội chứng Down
WGPSG -- Ngày Thế giới Hội chứng Down 21/03/2017 tại trường Chuyên Biệt Gia Định là một ngày hội vui của các học sinh. Tuy không hoành tráng nhưng các giáo viên đã đặt trong đó trọn tình yêu và nhiệt huyết của mình. Ngoài ra, còn có sự hiện diện của 4 thành viên nhóm Alphabet de l’Amour ở Pháp.
Sau phần Văn Nghệ các em được ra ngoài dã ngoại thăm thành phố, Vương Cung Thánh Đường và cuối cùng ăn gà rán Lotteria trên lầu Diamond Plaza. Các em thật vui vì được thương yêu và vui chơi trong ngày này. Sự kiện các lễ hội cũng là một nội dung trong chương trình giáo dục của trường.
Hội Chứng Down
Ngày Hội chứng Down lần đầu được tổ chức vào ngày 21 tháng 3 năm 2006 tại Genève. Ban đầu, ngày 21 tháng 3 muốn nhắc đến tình trạng một người có 3 nhiễm sắc thể thứ 21 do Stylianos E. Antonarakis – nhà di truyền học của Trường Y học Đại học Genève đưa ra.
Tên hội chứng Down được đặt theo John Langdon Down, một thầy thuốc đã mô tả hội chứng này vào năm 1866. Nhà di truyền học kiêm bác sĩ khoa nhi người Pháp Jérôme Lejeune xác định lần đầu năm 1959 là một rối loạn nhiễm sắc thể.
Bình thường, người ta có 46 nhiễm sắc thể (NST), đi thành từng cặp. Một nửa số này được thừa hưởng từ cha, nửa kia được thừa hưởng từ mẹ. Còn trẻ bị Down lại có 47 NST, nghĩa là có thêm một nhiễm sắc thể 21.
Hội chứng này thường gặp nhất trong số các bệnh do rối loạn nhiễm sắc thể. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ 1.000 trẻ sinh ra thì có 1 trẻ bị hội chứng Down. Chỉ riêng Hoa kỳ đã có khoảng hơn 400.000 bị hội chứng Down. Tại nước ta, dù đã được tầm soát trước khi sinh, mỗi năm vẫn có 2.000 trẻ bị hội chứng Down ra đời.
Dù khả năng tiếp thu bị hạn chế nhưng trẻ bị bệnh Down vẫn có thể học tập, chăm sóc bản thân. Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ mắc hội chứng Down có thể phát triển như người thường nếu được can thiệp kịp thời. Còn thực tế cho thấy, nhiều người có thể sống, làm việc, cống hiến cho xã hội như những người bình thường.
Cùng với những thay đổi tích cực trong công tác chăm sóc sức khỏe y tế, công tác giáo dục đặc biệt cũng có những tiến triển tốt trong việc hỗ trợ bệnh nhân mắc hội chứng Down hòa nhập xã hội. Tuy nhiên, những thành quả từ công tác giáo dục cũng đặt ra những thách thức mới trong việc huy động sức mạnh công đồng tiếp sức cho bệnh nhân Down.
Trường Chuyên Biệt Gia Định
Vào đầu thập kỷ 90, Cha cố sở Antôn đã có những ý tưởng thật tiến bộ khi lập ngôi trường Chuyên Biệt Thánh Mẫu Gia Định (nay đổi tên là trường Chuyên Biệt Gia Định). Vào thời mà người ta chưa hiểu hội chứng Down kỳ lạ này, các phụ huynh rất lo âu và buồn chán khi sinh ra một đứa con như thế. Với tấm lòng mục tử, thấu hiểu tình cảm các con chiên, nhằm can thiệp sớm hầu giúp các em cải thiện tình trạng khiếm khuyết của bản thân, để sau này các em có thể hòa nhập với xã hội, Cha cố sở Antôn đã thành lập trường vào năm 1991. Từ đó, từng bước, các giáo viên đã cùng với Cha cố sở làm nên những điều vi diệu cho các em.
Hoạt động trị liệu là vui chơi mà học: Vui chơi để giao tiếp. Vui chơi để làm quen với qui luật. Vui chơi để phát triển tư duy nhận thức. Vui chơi để phát triển ngôn ngữ. Thời khóa biểu trong tuần: Âm nhạc trị liệu, Yoga, Vận động trị liệu, Đi xe đạp, Vẽ Tranh, Gia Chánh và nhiều sinh hoạt tùy theo lứa tuổi và khả năng tiếp thu của các em. Thêm vào những kiến thức phổ thông, trường còn tổ chức những hoạt động hướng nghiệp.
Không chỉ sinh hoạt tại trường, các thầy cô còn tạo điệu kiện cho các em ra ngoài giao tiếp với xã hội bằng những chuyến dã ngoại, tắm biển, hồ bơi vào mùa Hè, đi siêu thị, tham quan, mua sắm và làm quen với cung cách ăn uống tại các nhà hàng: Hamburger, Gà Rán...
Qua 26 năm, hiện nay, có những em sau khi được can thiệp tại trường đã tiếp tục học tại các trường phổ thông, đã trưởng thành có thể hội nhập với xã hội, có khả năng làm việc và có thu nhập. Trong số đó, có các em trong đội phục vụ đặc biệt Regina Coffee, là những học sinh xuất thân từ trường. Đây là một trong những thành quả rất vui và đáng được khích lệ của trường vì các em vốn đã từng khiến phụ huynh nản lòng xem là “Đồ bỏ đi” vì không làm được việc gì. Thật vậy, ngày đầu tiên khi đến trường, các em rất thụ động nhưng ngày nay kết quả thật đáng trân trọng. Ở giáo xứ các em cũng được đón nhận như các trẻ bình thường. Có em là Nghĩa sĩ trong đoàn Thiếu nhi Thánh Thể. Các cô giáo cũng giúp các em trong những phạm vi tâm linh, giúp lãnh nhận các bí tích khai tâm.
Giáo hội không ngừng triệt để thực hiện lời Chúa phán “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau yếu mới cần” (Mt 9,12), “Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng” (Mt 25, 35) và mở ra chân trời hy vọng cho người có hoàn cảnh không may, không chỉ bằng lý thuyết mà bằng dấn thân phục vụ.
Qua các thời của quý cha sở: Cha cố sở Antôn, Cha Inhaxiô Hồ Văn Xuân, Cha Giuse Mai Thanh Tùng, trường luôn phát triển. Các cộng sự cũng như các ân nhân đã can đảm mở con tim và đôi mắt để khám phá nét đẹp đặc biệt nơi các em Down. Phụ huynh cũng hiểu rõ hơn giá trị đặc biệt của con mình và hợp tác với nhà trường.
Mỗi người chỉ cần góp “Một chút cánh tay kết liền. Một chút những phút ủi an. Vâng, một chút trong đời trở thành một chút thật tuyệt vời. Chắt chiu từng chút ấy cho đời này thêm sáng tươi” (Một Chút, Cố Đức cha Giuse Vũ Duy Thống).
bài liên quan mới nhất
- Thư ngỏ về việc tổ chức Ngày Thế giới Người nghèo 2020
-
Phóng sự: Caritas Việt Nam đồng hành cùng người khuyết tật -
Caritas Việt Nam: Tập huấn “di cư an toàn và phòng tránh buôn người” -
Tin mừng cho người khuyết tật -
Thư ngỏ của Hội Saint Lucas và Caritas Việt Nam -
Caritas Việt Nam: Ngày thứ III – Bế Mạc Hội Nghị 2019 -
Caritas Việt Nam: Khai mạc Hội nghị Thường niên 2019 -
Caritas Việt Nam: Bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta -
Caritas Việt Nam: Gieo niềm hy vọng -
Caritas Việt Nam: Phóng sự Caritas Việt Nam đồng hành cùng sự nghiệp trồng người
bài liên quan đọc nhiều
- Caritas Việt Nam: Khai mạc Hội nghị Thường niên 2019
-
Đêm nhạc gây quỹ 'Nhịp cầu Caritas 6' -
Caritas Việt Nam: Thư ngỏ chương trình Nhịp Tim Yêu Thương -
Caritas Tổng Giáo phận Sài Gòn tĩnh tâm Mùa Chay -
Caritas TGP. Sài Gòn trao tặng xe lăn, xe lắc cho người già, người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn -
Tin mừng cho người khuyết tật -
Thư ngỏ của Hội Saint Lucas và Caritas Việt Nam -
Thư ngỏ về việc tổ chức Ngày Thế giới Người nghèo 2020 -
Caritas Việt Nam: Gieo niềm hy vọng -
Caritas Việt Nam: Tập huấn “di cư an toàn và phòng tránh buôn người”