Từ câu chuyện bên bờ giếng (Ga 4,7-15)
Chiều nay, Chúa dắt tôi vào một căn phòng nhỏ ở Trung tâm Mục vụ của Tổng giáo phận Sài gòn. Ở đó, tôi được tham dự một buổi tọa đàm của Ban mục vụ đối thoại liên tôn. Chủ đề trao đổi là kinh nghiệm đại kết Kitô giáo, một vấn đề mà theo tôi thì trái tim Chúa Giêsu đang vô cùng trăn trở.
Cha Sinh, người được giới thiệu như là một linh mục có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động này ở Thụy sĩ, đã tóm lược cho chúng tôi biết về bối cảnh dẫn đến mối tương quan hiện nay, giữa các tín hữu Công giáo và Tin lành, tại khu vực nơi Cha quản nhiệm. Nghe Cha kể về những sinh hoạt mang tính chất giao lưu và hợp tác giữa các cộng đoàn tín hữu Công giáo và Tin lành, lòng tôi vừa chứa chan hy vọng vừa thoáng chút ưu tư khi nghĩ về công cuộc đối thoại đại kết ở xứ sở của mình. Tại Thụy sĩ, một đôi nam nữ có thể chọn một nhà thờ Tin lành để cử hành lễ cưới của họ, hoặc một tín hữu Tin lành có thể xin học giáo lý tại nhà thờ Công giáo. Đôi khi, các linh mục được mời giảng lễ tại nhà thờ Tin lành, và ngược lại bên Tin lành họ cũng mời linh mục sang giảng tại giáo đường của họ. Những mẩu chuyện của cha Sinh đã vẽ nên một bức tranh với gam màu đầy hy vọng về công cuộc đại kết giữa các cộng đồng Kitô giáo. Tuy vậy, cha cũng “bỏ nhỏ” với chúng tôi rằng không phải là không có những trở ngại. Với lối nói chuyện dí dỏm, ngài nói, cần phải có những động thái mềm dẻo và tế nhị để có thể vượt qua những trở ngại đó. Cha còn cho biết thêm, thật sự nơi sở tại cha hoạt động cũng còn nhiều vấn đề khó khăn, nhưng ngài tin rằng mọi sự đều hệ tại ở hai chữ “yêu thương”, như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta, với tấm lòng thương yêu, thì những vấn đề nan giải rồi cũng sẽ có những cách riêng để giải quyết.
Một vị trong Ban Mục vụ đối thoại liên tôn hỏi:
- Thưa Cha! Những mối quan hệ giữa các tín hữu Công giáo và Tin lành như trong câu chuyện của Cha đã kể, có được phép của đấng bản quyền hay không?
Cha Sinh cho biết, sở dĩ có được sự thuận lợi như vậy trong mối quan hệ giữa hai bên là do chủ trương của Giáo phận, với sự đồng thuận của vị giám mục địa phương. Thật là một thuận lợi lớn lao cho phong trào Hiệp nhất các Kitô giáo ở Thụy sĩ! Tôi nghĩ vậy, và trong lòng cảm thấy lo ngại, thương cho Ban mục vụ đối thoại liên tôn Tổng giáo phận Sài gòn, khi nhớ lại câu nói của cha Trưởng ban: “Chính thức thì hoạt động đại kết ở Việt Nam coi như chỉ là con số Zero!” Tôi thấy cả một núi khó khăn trước mặt, những thành kiến về Công giáo và Tin Lành ở Việt Nam đã ăn sâu vào não trạng các tín hữu, chưa kể đến quan điểm khác nhau nơi các nhà lãnh đạo của các Hội Thánh. Song, tôi tin rằng mọi nỗ lực trong tình yêu thương nhau sẽ luôn được Chúa chúc phúc.
Tôi nhớ đến câu chuyện trong Tin Mừng của thánh sử Gioan, câu chuyện kể về việc Chúa Giêsu xin nước uống từ một thiếu phụ Samari, một việc mà theo luật lệ thì Chúa Giêsu bị kể là đã vi phạm. Vì theo luật, người Do thái không được tiếp xúc với người Samari. Thế nhưng, không gặp gỡ nói chuyện với người Samari, thì làm sao Chúa Giêsu loan báo Tin Mừng của Chúa Cha đến với người Samari được? Chúa Cha muốn cứu độ hết thảy nhân loại, tất nhiên Ngài rất vui khi Chúa Giêsu làm thế, có đâu mà bắt tội. Và, chính Chúa Giêsu đã đến trong thế gian, để kiện toàn lề luật, và lề luật của Chúa được tóm gọn lại bằng hai chữ “yêu thương”. Tôi hiểu ra điều này, và thấy lời của cha Sinh thật là hợp lẽ Trời.
Không còn lo ngại gì nữa, tôi thầm cầu nguyện với Chúa:
Lạy Chúa! Con tin Chúa là vị Cha chung của tất cả chúng con, người Công giáo, Tin Lành hay không Công giáo, Chúa là vị Cha nhân từ và hay thương xót, xin thương xót chúng con. Con biết Chúa rất đau lòng vì chúng con đang chia năm xẻ bảy, chẳng khác gì thân thể Chúa đang bị chia cắt, xin Chúa tha thứ cho sự hững hờ và cố chấp của chúng con. Xin Chúa hãy biến đổi tâm hồn mỗi người trong chúng con, để chúng con mỗi người luôn biết nhìn nhau bằng ánh nhìn yêu thương. Xin giải thoát chúng con khỏi những thành kiến cố chấp, để rồi chúng con có thể nỗ lực bắt tay vào vun đắp cho công cuộc hiệp nhất các Kitô giáo nên một thân thể của Chúa Kitô, như lòng Chúa ước mong, Chúa nhé!
TTMV (27.01.2015)
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm