Từ khu cách ly: Đi để trở về…
TGPSG -- Phải chăng chính Ngài muốn tôi thể hiện sự tin tưởng, phó thác trọn vẹn nơi Ngài…
Ngồi bên cửa sổ trong căn phòng nhỏ trên lầu nghỉ dưỡng của khu cách ly, tôi nhìn thấy Sài Gòn hôm nay thật yên tĩnh, không còn cảnh xe cộ tấp nập, không còn cảnh người người vội vã đi học, đi làm...
Sài gòn ốm thật rồi, và tôi cũng ốm. Tôi đã đón nhận một kì nghỉ dưỡng cách miễn cưỡng. Tôi không muốn mình chỉ được đi đi lại lại quanh căn phòng nhỏ bé này, để chỉ có thể nhìn mọi người phục vụ mà tôi lại không thể. Tôi muốn mình mau khỏi bệnh để cũng được góp một chút sức lực nhỏ bé vào chương trình chống dịch mà mọi người đang rất hăng say.
Tuổi trẻ đầy nhiệt huyết mà! Tôi cũng tự nguyện đăng kí và hăng hái lên đường đi thiện nguyện với mong ước có thể đem lại niềm vui cho những bệnh nhân F0 đang cô đơn nơi các bệnh viện dã chiến. Dấn thân chưa được bao lâu thì tôi cũng trở thành người mang bệnh. Tôi không còn được ở đây thực hiện nguyện ước của mình.
Tôi biết mình phải đi cách ly, phải xa chị em, xa bạn bè mới quen trong chiến dịch. Cảm giác cô đơn vây bủa tâm hồn tôi. Bình tĩnh lại, tôi tự hỏi lòng mình, phải chăng chính Chúa muốn tôi nghỉ ngơi, phải chăng chính Ngài muốn tôi thể hiện sự tin tưởng, phó thác trọn vẹn nơi Ngài, Đấng tôi nguyện theo Ngài suốt cả cuộc đời.
Ở khu cách ly, một ngày cũng chỉ có 24 tiếng, nhưng tôi thấy dài hơn nhiều so với khi tôi còn khỏe mạnh. Nằm nghỉ, nhiều suy nghĩ miên man chợt ập đến trong tôi khiến tôi không thể nào chợp mắt khép mi. Cảm giác nhớ gia đình, nhớ cộng đoàn mới da diết làm sao. Chưa bao giờ tôi nhớ đến thế. Nhớ hình ảnh cha mẹ chăm nom, nhớ những kỉ niệm vui buồn với chị em khi cùng nhau chia sẻ những khó khăn, thử thách, niềm vui và hạnh phúc trong cuộc đời dâng hiến. Những kỉ niệm ùa về khiến hai hàng nước mắt khẽ lăn nhẹ trên gò má, kèm theo một chút cô đơn, một chút buồn.
Có trở thành F0, tôi mới thấu hiểu nỗi nhớ, nỗi cô đơn, nỗi sợ không tên của bệnh nhân là thế nào. Nhớ gia gia đình, nhớ những đứa con thơ chưa một ngày được chăm sóc bế bồng, lo lắng cha mẹ già không ai nâng đỡ ủi an. Khao khát lớn nhất của bệnh nhân giờ đây chỉ là muốn khỏe lại để được trở về đoàn tụ với gia đình mà thôi. Một cô bệnh nhân gọi điện thoại cho chồng: “Anh ơi, đăng kí cho con học gần nhà nha, em bị bệnh mới thấy gia đình đoàn tụ là quý giá biết bao!” Có lẽ do phải lo chạy vạy cơm áo gạo tiền nên đã quên thưởng thức hạnh phúc đoàn tụ gia đình rất thiêng liêng, thứ hạnh phúc mà có tiền cũng không mua được.
Các F0 trong khu cách ly theo nhiều tôn giáo khác nhau, nhưng dường như ai cũng sống tròn đầy điều răn yêu thương, bởi họ cảm thông với nhau khi cùng chung một cảnh ngộ. Thời gian này, tôi thấy nhiều cô, nhiều chị giáo dân nghe suy niệm Lời Chúa và tham dự thánh lễ online nhiều hơn. Những anh chị ngoài công giáo thì nghe những bài dạy triết lý về cuộc sống, thật tuyệt vời.
Đi cách ly, mọi người mới có cơ hội trao gửi cho nhau những lời yêu thương mà trước đây cứ nghĩ là bình thường. Những số điện thoại nằm im thật lâu trong danh bạ nay được vang lên những hồi chuông báo hiệu và đầu dây bên kia bắt máy. Hai bên nói chuyện thật lâu về gia đình, về cuộc sống. Trước đây, thời gian vẫn thế, nhưng dường như vẫn là không đủ cho bao nhiêu công việc; ở khu cách ly, cũng có bằng ấy thời giờ, nhưng lại có thể làm được nhiều việc mà trước đây mọi người chưa từng làm được.
Nhìn những tình nguyện viên mang đến cho chúng tôi từng chai nước, từng hộp cơm, thăm hỏi và ân cần giúp đỡ bệnh nhân, tôi nhớ tới hình ảnh của chính mình khi xưa. Các y bác sĩ quá nhiều công việc, họ bận rộn và vội vã trong những bước chân. Các tình nguyện viên lúc này như những người phía sau để giúp cho các y bác sĩ trong việc quan tâm tới nhu cầu của bệnh nhân. Họ thật dũng cảm trong cuộc chiến sinh tử này. Hình ảnh của Chúa đã được lan tỏa xa hơn nữa nơi các tu sĩ thiện nguyện của tuyến đầu chống dịch. Họ như hiện thân của lòng thương xót, được Chúa đánh động tâm hồn và gửi đến nơi đây để làm công việc trao ban tình yêu của Ngài như chính tôi đã từng làm. Giây phút lên đường đi thiện nguyện, chị em chúng tôi đã cùng hát “Bước theo Thầy đừng sợ, đừng sợ!” Chính tình yêu đã giúp chúng tôi vượt qua rào cản của sợ hãi để sẵn sàng rời bỏ nơi an toàn, đến với nơi đầy gian nguy mà không chùn bước vì chúng tôi luôn có Chúa đồng hành.
Những ngày sống ở khu cách ly cho tôi thật nhiều trải nghiệm. Tôi chợt nhớ một bài hát được giới trẻ ưa thích – đó là ca khúc: “Đi thật xa để trở về”. Đúng vậy, thời gian nghỉ ngơi này là một cuộc trở về của chính tôi với Chúa, với tha nhân và với chính mình. Trở về tận cõi lòng thâm sâu của mình để tạ ơn Chúa vì Ngài đã thương tôi đến giây phút này, trong khi bao người đã phải lìa xa những người thân yêu của họ mãi mãi. Trở về với tha nhân để thấy tôi không thể sống một mình mà tôi sống bằng tình thương mà mọi người dành cho tôi. Trở về với lòng mình để biết mình còn nhiều yếu đuối, lỗi lầm để sửa đổi và canh tân.
Cho đi chưa bao giờ là quá muộn. Nhiệt huyết và lòng hăng say phục vụ của chị em chúng tôi chưa bao giờ cạn kiệt. Từ đầu mùa dịch, chị em trong Tu viện Thánh Mẫu đã hằng ngày nấu ba bữa cơm cho các y bác sĩ, cho các chú bộ đội đang ngày đêm chống dịch nơi tuyến đầu, chia sẻ những bịch rau tươi xanh với giá 0 đồng cho những người bị cách ly, vô gia cư nghèo khổ, những gói thuốc miễn phí cũng được trao tặng tới cho nhiều người F0 thân quen.
Tất cả mọi thành viên trong tu viện, ai cũng muốn giúp đỡ và chia sẻ cho các bệnh nhân đang mắc bệnh, nên đã không từ nan bất cứ việc gì. Có những chuyến xe chở hàng về trong đêm, không chút mệt mỏi, chị em chúng tôi chia sẻ và phụ giúp nhau di chuyển xuống hết từng món hàng, nụ cười tươi luôn nở trên môi để làm động lực cho mỗi chị em cùng cố gắng. Nhìn niềm vui của bà con khi nhận những thực phẩm tiếp tế, chúng tôi cảm thấy ấm lòng và có thêm động lực vì đã kịp thời giúp đỡ bà con trong hoàn cảnh khó khăn này.
Sắp hết những ngày cách ly với cộng đoàn, tôi trở về để lại cùng với chị em thực hiện những mơ ước đang dang dở của mình tại hậu phương. Những hy sinh của chị em chúng tôi tuy nhỏ bé nhưng lại đang rất cần vào thời điểm này.
Từng bị bệnh và từng được chữa lành bằng tình yêu thương của Chúa, của chị em và của mọi người, tôi rất khao khát sự chữa lành đó cũng đến với các bệnh nhân để mọi người cũng được trở về đoàn tụ với gia đình trong yêu thương.
Chúa đã yêu tôi theo cách của Ngài và Ngài dùng những người Ngài muốn để dạy tôi bài học yêu thương. Giờ đây Ngài cũng muốn tôi trở thành khí cụ để trao ban tình yêu của Ngài ở nơi hậu phương này.
Biến cố đến một cách bất ngờ nhưng lại trở thành món quà hồng ân mà Chúa đã ban và thử thách đức tin của tôi trong thời gian qua. Tạ ơn Chúa và cảm ơn chị em đã cho con có cơ hội ra đi và được trở về.
Maria Minh Thùy (TGPSG)
Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm