Tương lai sẽ vô vọng nếu sống trong Hiện tại mà lãng quên Quá khứ
WGPSG / Aleteia -- Vì tình yêu của Chúa, xin đừng lãng quên!
Bạn đã dành bao lâu để suy nghĩ hay lo lắng về thời gian của đời mình? Đã có vô số những cuốn sách viết về sự quản lý thời gian. Bạn có thể dành vài khoảng thời gian trong đời để học cách quản lý thời gian của đời bạn cho tốt hơn.
Bạn thấy đâu là quãng thời gian tươi đẹp, đâu là lúc tồi tệ, đâu là khỏang thời gian bạn đã lãng phí? Và có lẽ điều quan trọng hơn, đấy là bạn đánh giá thế nào về thời đại của chúng ta? Đây có phải là thời điểm đẹp nhất hay tồi tệ nhất trong dòng chảy của thời gian? Có phải là sắp đến Thế chiến thứ ba hay là sắp bước vào một kỷ nguyên mới của sự tiến bộ?
Rồi bạn đã dành bao lâu để đánh giá về thời gian hiện tại của Giáo hội? Có phải chúng ta đang ở mùa Xuân mới của Giáo hội hay đang ở trong một thời kỳ khủng hoảng tồi tệ nhất từ trước đến giờ?
Trước khi thảo luận cách thức đạo Công giáo hiểu về thời gian, hãy nắm vững điều này: Kể từ khi Adam và Eva phạm tội, chưa có thời kỳ nào thực sự là thời kỳ hoàng kim, cũng chưa thực sự có khoảng thời gian nào hoàn toàn tốt đẹp. Tội lỗi đã làm u tối trí khôn và suy nhược ý chí của chúng ta.Tuy nhiên, tôi xin được nhấn mạnh rằng Thiên Chúa vẫn mãi là chủ tể trên toàn bộ lịch sử đến muôn đời.
Đối với những tín đồ công giáo, nét đặc biệt của thời đại chúng ta có lẽ chính là thói quen nhìn thời gian theo cung cách “phi tôn giáo”. Tôi muốn đặt vấn đề như thế này: “Chúng ta đang sống trong một thời Hiện tại không cần biết đến Quá khứ, và kết quả là chúng ta phải đối mặt với một Tương lai vô vọng”. Bản chất của sai lầm này là gì, và chúng ta có thể khắc phục được nó như thế nào?
Một ‘Hiện tại không cần biết đến Quá khứ’ có nghĩa là: Nhiều kẻ đang kế thừa di sản Công giáo nhưng lại không có hoặc có rất ít cảm thức về di sản này – một di sản do các thánh, các vị anh hùng và các vị tử đạo hiến dâng cả mạng sống mình để tạo ra và truyền lại cho đời sau.
Chúng ta có thể than khóc khi thiên hạ chẳng biết gì đến nghệ thuật, lịch sử, văn hóa Công giáo… Chúng ta còn nên than khóc nhiều hơn thế nữa khi người ta cũng chẳng còn biết đến sự Quan phòng, Trung Tín, Thương xót và Công lý của Chúa, là điều xảy ra do sự thiếu hiểu biết về văn hóa Công giáo.
Khi việc cử hành lễ Giáng Sinh chỉ là để tiêu thụ hơn là để thờ phượng Ngôi Lời Nhập Thể, khi Đại lễ đó chỉ là dịp để tiệc tùng hơn là để phủ phục trước Đấng Emmanuel (Thiên Chúa ở cùng chúng ta), thì đấy chính là một bằng chứng của sự lãng quên dưới góc nhìn văn hóa và thần học - nghĩa là, một ‘Hiện tại lãng quên Quá khứ’ sẽ dẫn đến một Tương lại vô vọng.
Hãy nhìn vào phương Tây, nơi đã sống trong một nền hòa bình tương đối và một sự thịnh vượng vô song kể từ lúc kết thúc Thế chiến thứ hai, 75 năm về trước. Người ta có thể nghĩ rằng những người ở phương Tây sẽ cảm thấy mình được chúc lành và mong muốn trao tặng phúc lành ấy (cũng như những kiến thức và tình yêu của nguồn phúc lành này) cho hậu thế.
Nhưng thay vì vậy, phương Tây đang phải đối mặt với sự “khan hiếm sinh sản” và “mùa đông nhân khẩu”, kết quả của một tỷ lệ sinh sản thấp hơn nhiều so với mức độ sinh sản thay thế cần có. Không còn thấy mình là những người được chúc phúc, những tín đồ của nền văn hóa tiêu thụ sẽ cảm thấy mình không cần phải cống hiến cho ai bất cứ điều gì trong tương lai.
Đây là những người không vang vọng được lời Thánh vịnh: “Tôi sẽ lấy gì mà đền đáp Thiên Chúa vì muôn hồng ân Chúa ban cho tôi” (Tv 116:12).
Đối với những người như vậy - không còn quan tâm đến Chúa và Giáo hội do Đức Kitô thiết lập - thì không ai có thể trông mong được nơi họ điều gì nữa. Sống trong một ‘Hiện tại lãng quên Quá khứ’, họ chỉ có thể thấy được một Tương lai vô vọng - và rồi sẽ hành động tương ứng như thế.
Đâu sẽ là điều mà Công giáo cần thay thế để vượt qua được quãng thời gian vô trí và vô tâm - một cuộc sống không còn lòng biết ơn và hy vọng?
Chúng ta hãy thăng hoa cho những nhận định mang tính triết lý của Tiến sĩ Rein Staal ở Đại học Wiliam Jewell: “Truyền thống bám chặt vào những trải nghiệm thời gian trong kí ức và chiếu rọi nó vào tương lai nhờ niềm hy vọng”. Nói cách khác, đây là một sợi chỉ liên kết chúng ta trong hiện tại với quá khứ và tương lai. Nếu không có sợi chỉ đó thì mỗi khoảnh khắc trong đời chỉ là những chuỗi hiện tại chả liên quan gì đến nhau, cuối cùng rồi sẽ dẫn chúng ta đến khóc than trong tuyệt vọng: “Làm sao bây giờ đây?”
Chúng ta có thể bắt đầu bằng cách thiết lập những thói quen như xét mình mỗi ngày, để tìm kiếm những dấu chỉ của Chúa - mà do bận rộn hay vô tình, ta không nhận ra vào thời điểm Chúa tiếp xúc với ta.
Chúng ta có thể tìm hiểu sâu hơn về lịch sử Giáo hội, và thấy rằng ở đó có cả một nền văn hóa và kiến thức phong phú đang chờ chúng ta khám phá. Và chúng ta hãy đắm mình trong Kinh Thánh để thấy được rằng, Thiên Chúa vẫn luôn hằng tín trung.
Vượt qua được sự lãng quên quá khứ đó sẽ giúp chúng ta có thể nhìn ra được ta là ai và ta là của ai. Khi đó chúng ta sẽ nhận ra lời Chúa hứa quả là chính xác: “Vì chính Ta biết các kế hoạch Ta định làm cho các ngươi - sấm ngôn của Đức Chúa -, kế hoạch thịnh vượng, chứ không phải tai ương, để các ngươi có một tương lai và một niềm hy vọng. Bấy giờ các ngươi kêu cầu Ta, các ngươi đến cầu nguyện với Ta, Ta sẽ nhận lời các ngươi.” (Giêrêmia 29, 11-12)
Được bảo đảm trong quá khứ, chúng ta sẽ sống vững vàng trong hiện tại và tràn trề niềm hy vọng cho tương lai.
Lm Robert McTeigue, SJ. (Aleteia) / Trung Nhân chuyển ngữ / Nguồn: WGPSG
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm