Tưởng nhớ nhà văn Công giáo: Phêrô Phạm Đình Khiêm
WGPSG -- Vào lúc 10g00 ngày 15/6/2013, Thánh lễ cầu nguyện 100 ngày cho nhà văn, nhà nghiên cứu, dịch giả Phêrô Phạm Đình Khiêm đã được cử hành trang trọng tại nhà nguyện tầng bốn thuộc giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp do Cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành - Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế - chủ tế. Đồng tế với ngài có quý cha Dòng Chúa Cứu Thế và Dòng Đồng Công.
Đầu lễ, Cha Vinh Sơn đã nhắc tới ông cố Phêrô như một người con ưu tú của dân tộc Việt Nam, một người tín hữu mến mộ đạo Chúa, một nhà văn hóa Công giáo đã đóng góp cho Giáo hội rất nhiều kiến thức uyên bác về xã hội, thần học… Sự ra đi của ông đã để lại nhiều luyến tiếc, mất mát không chỉ của gia đình mà còn của Giáo hội. Thế nhưng, trong niềm tin Kitô giáo, “Sự sống không mất đi nhưng chỉ đổi thay” đã khiến cái chết của ông cố trở nên dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa.
Trong bài giảng, Cha Giuse Vũ Hoàng Phúc đã kể lại quãng thời gian mà cha và ông cố Phêrô cùng làm việc chung với nhau. Qua những câu chuyện về “Đức Mẹ hoa hồng mầu nhiệm”, cha đã cảm nhận lòng yêu mến Đức Mẹ của ông cố Phêrô và sự đáp trả của Đức Mẹ khi ban những ơn thiêng xuống cho ông cố Phêrô và những người thân của ông.
Sau Thánh lễ, những người thân quen, bạn hữu và gia đình ông cố Phêrô đã cùng nhau ôn lại những kỷ niệm của ông. Đặc biệt, qua cách kể chuyện dí dỏm của con gái ông, mọi người như sống lại hình ảnh một ông cụ già giản dị, thánh thiện, có tấm lòng sùng đạo vô biên. Hơn nữa, ông cố còn là một người chồng, người cha gương mẫu, thương yêu và có trách nhiệm với gia đình. Một tấm gương lao động miệt mài, qua việc dùng ngòi bút để ca ngợi và giữ gìn đạo Chúa.
“Nghĩ mình dụng cụ bất toàn
Phận hèn yếu đuối kiếp tằm nhả tơ”.
(Giấc mơ cuối đời, Dục Đức)
Những tư tưởng, suy nghĩ và phong cách của ông cố chính là mẫu gương cho con cháu và mọi người khi sống và làm việc theo gương Chúa Giêsu nhân từ, như lời ông đã từng hát: “Giêsu, Giêsu, con muốn yêu Ngài tha thiết”.
Sơ lược tiểu sử ông cố Phêrô Phạm Đình Khiêm
Sinh ngày 2/8/1920 tại Ninh Bình (Giáo phận Phát Diệm) trong một gia đình nông dân nghèo. Thời thơ ấu ông đã được giáo dục và hấp thụ nền tảng Đức tin Kitô giáo tại Tiểu Chủng viện Thánh Giuse - Ba Làng (Thanh Hóa). Ông là một người có năng khiếu về viết lách và ham học hỏi. Năm 22 tuổi, ông đã là chủ bút bán nguyệt san Thanh Niên. Sự nghiệp cầm bút của ông đã có những bước đi đầy lòng ham mê với nghệ thuật văn chương và báo chí. Đặc biệt, những tác phẩm có giá trị như: “Hành động xã hội của Giáo hội qua các thời đại và ở Việt Nam”. Năm 1949, tại Sàigòn, ông tiếp tục tham gia vào công việc truyền thông Công giáo, và tác phẩm “Người chứng thứ nhất” chính là “chứng cứ” có giá trị trong việc phong Chân phước cho Thầy giảng Anrê Phú Yên.
Năm 1993, ông đã yết kiến Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, và dâng Ngài cuốn sách “Người chứng thứ nhất” với bản tóm lược bằng tiếng Pháp và thỉnh nguyện về việc tôn phong Chân phước Anrê Phú Yên.
Năm 2000, ông đến Vatican lần thứ hai, và dâng kính Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cuốn sách “Thánh Giuse trong Dân Chúa” với ý nghĩa tri ân Đức Thánh Cha và hai vị tiền nhiệm đã đặt Thánh Giuse làm đấng bảo trợ cho Giáo hội Việt Nam.
Ông còn là một nhà dịch giả nhiều tác phẩm như: Mẹ tôi, Tình Cha, Thánh Giuse tuyệt diệu, Đức Giêsu quang lâm giữa dòng thời gian theo các văn bản Tân Ước…
Những độc giả yêu mến có thể nhận ra ông qua các bút danh: Kiêm Ngôn, Hưng Bình, Thanh Nghị, Dục Đức, Đức Khiêm.
Ông được Chúa gọi về vào ngày 13/3/2013.
Có thể nói những đóng góp của ông cho Giáo hội Công giáo Việt Nam rất đáng khích lệ. Những gương mẫu sống động cũng như những tác phẩm của ông là tài sản quý giá cho lịch sử và công cuộc phát triển đạo Chúa tại quê hương Việt Nam.
bài liên quan mới nhất
- Sứ vụ và hoạt động của Hội đồng Toà Thánh về Văn hóa
-
Định hướng văn học trong mục vụ truyền giáo thời đầu tại Việt Nam -
Tủ Sách Nước Mặn: Những tác giả văn thơ cần in sách -
Léopold Michel Cadière 1869-1955 -
Ban Mục vụ Văn hóa TGP Sài Gòn: thông báo hai cuộc trưng bày các hiện vật cổ -
Những đóng góp của Kitô giáo Việt Nam cho nền văn hóa và văn học dân tộc -
Giáo hội Công Giáo dấn thân trong sứ mạng Giáo dục -
Trương Vĩnh Ký - Thầy dạy chữ quốc ngữ đầu tiên -
Ban Văn hoá TGP: Cuộc trưng bày Ấn phẩm Văn hóa Kitô giáo -
Lễ Giỗ đầu của Giám Mục Giuse Vũ Duy Thống
bài liên quan đọc nhiều
- Ban Mục vụ Văn hóa TGP Sài Gòn: thông báo hai cuộc trưng bày các hiện vật cổ
-
Những đóng góp của Kitô giáo Việt Nam cho nền văn hóa và văn học dân tộc -
Toàn cầu hóa: cơ hội và thách đố của giới trẻ ngày nay -
Ban Văn hoá TGP: Cuộc trưng bày Ấn phẩm Văn hóa Kitô giáo -
Giáo hội Công Giáo dấn thân trong sứ mạng Giáo dục -
Trương Vĩnh Ký - Thầy dạy chữ quốc ngữ đầu tiên -
Léopold Michel Cadière 1869-1955 -
Tưởng nhớ một người anh em: Đức cha Giuse Vũ Duy Thống -
Hội nhập văn hóa và tính cách đa văn hóa -
Văn hóa, văn minh