Vị “Hướng Đạo”
WGPSG -- Thông thường vào ngày 24 tháng 12, người Kitô hữu có hai địa điểm cần ưu tiên hiện diện, đó là nhà thờ và mái ấm gia đình. Ở nhà thờ để cùng với cộng đoàn Dân Chúa hợp mừng Đại lễ Chúa Giáng Sinh. Tại mái ấm, bên hang đá hoặc cây thông, mọi thành viên trong gia đình sẽ cùng làm nên bữa tiệc mừng Noel vui vẻ và ngọt ngào tình thâm. Riêng Ban Mục Vụ Đối Thoại Liên Tôn chúng tôi năm nay, lại có đến ba địa điểm… và địa điểm thứ ba này là Thánh Thất Bàu Sen, số 59/46 Trần Phú - Phường 4, Quận 5 với lý do “Thánh Thất tổ chức lễ hội Mừng Chúa Giáng Sinh năm 2010”. “Địa điểm thứ ba của chúng tôi có gây một chút ngạc nhiên nào cho quý vị không?”. Nếu có thì tôi xin cảm ơn sự đồng cảm của quý vị nhiều, vì bản thân chúng tôi trước đây còn không tưởng tượng ra được mà!
Lễ hội Mừng Chúa Giáng Sinh thì tất nhiên phải kể về Chúa Giêsu rồi, tôi xin phép Diễn giả để trích một đoạn trong bài nói để hầu quý độc giả: “Vào một đêm đông giá lạnh, khi vạn vật lặng chìm trong màn đêm tĩnh mịch, mọi người đang say sưa trong giấc nồng, Chúa Hài Nhi đã ra đời trong máng cỏ tại Belem, thuộc xứ Giuđê thành Đavít bên cạnh Mẹ Maria, dưỡng phụ Giuse và các con chiên hiền lành.
Phúc Âm Luca 2,1-14 ghi: “…. Trong vùng ấy có những mục tử sống ngoài đồng và ban đêm canh gác đàn vật. một thiên thần của Thiên Chúa xuất hiện trước mặt họ, vinh quang của Thiên Chúa tỏa ánh sáng bao phủ họ và họ kinh khiếp sợ hãi. Thiên thần bảo họ: “Đừng sợ, vì này đây tôi đến báo cho anh em một tin mừng, nó sẽ là niềm vui lớn cho toàn dân” Hôm nay đã sinh ra cho anh em trong thành của Vua Đavít, một Đấng Cứu Độ, Ngài là Đức Kitô, “Một Hài Nhi bọc trong tã và nằm trong một cái máng cỏ”. Bỗng nhiên cùng với các thiên thần, có đạo binh Thiên Quốc đông đảo hát bài tán dương Thiên Chúa rằng: Vinh danh Thiên Chúa trên trời, Bình an dưới thế cho loài người Chúa yêu thương…”.
Chúng tôi được nghe một bài giảng về cuộc đời Chúa Giêsu có nội dung sâu sắc, với giọng nói truyền cảm của nữ Giáo sĩ Hoàng Mai (Cao Đài). Có ai thêm ngạc nhiên cùng chúng tôi không? Cha Giuse Trần Đình Thụy nói: “Chúng tôi rât bất ngờ khi nghe Đạo tỷ thuyết trình, chưa chắc một soeur bên chúng tôi có thể dạy giáo lý hay như thế!” Cả hội trường vang rần tiếng vỗ tay đồng tình.
Ngày mừng lễ Chúa Giáng Sinh năm nay của TT Bàu Sen hoành tráng hơn năm trước cả về tầm vóc quy mô lẫn số thành phần khách mời. Ngoài đại diện các Hội Thánh Cao Đài trong thành phố và các tỉnh thành, các giới chức lãnh đạo chính quyền Tp. HCM và phường 4 quận 5, Ban MVĐTLT…, Ban Cai quản thánh thất còn mời Thượng Tọa Thích Đạt Đạo (Phó Viện trưởng Học Viện Phật giáo Việt Nam tại Tp. HCM) và một Đại Đức cùng chùa với ngài tháp tùng. Về phía Công Giáo có sự góp mặt của linh mục Giuse Trần Đình Thụy (Giám học Đại Chủng Viện Thánh Quý-Cần Thơ).
Chẳng hay quý vị có ngạc nhiên như chúng tôi nghĩ khi lần lượt nghe hết vị Trưởng Ban Cai quản TTBS, Giáo sĩ Hoàng Mai, Thượng Tọa Thích Đạt Đạo, Giáo Sư Thượng Nhân Thanh (TT Cầu kho Tam Quan ở Bình Định), Cha Giuse … phát biểu mà nội dung đều được khởi đi từ Thầy Giêsu Chí Thánh hoặc từ Giáo Hội. Chẳng hạn Bài thuyết trình giáo lý chính yếu của Giáo sĩ Hoàng Mai mang chủ đề: “Học tập lời dạy của Đức Chúa Giêsu” hoặc lời tâm sự của một chư tăng Phật giáo về lý do có mặt hôm nay là nhờ dự bữa cơm chay với Đức Hồng Y Gioan Baotixita ngày 15.12.2010 tại Tòa TGM Tp. HCM. Thượng Tọa Thích Đạt Đạo gặp gỡ và tình cờ ngồi cạnh đạo huynh Đạt Tịnh. Buổi hội ngộ ấy cộng thêm cái duyên trùng tên “Đạt”, thế là hân hoan nhận lời đến dự lễ Mừng Chúa Giáng Sinh với bạn. Thượng Tọa còn nhắc đấn nhiều lần giao duyên của ngài với Đạo Công Giáo qua các người bạn linh mục (Chủ, Huỳnh…) ở giáo xứ Xóm Thuốc, Bến Cát…
Tôi thích nhìn và đánh giá mọi việc xảy ra trên quan điểm “nhân duyên” và tâm đắc với câu nói của tiền nhân: “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”. Từ góc nhìn này, tôi thấy mọi người đều có duyên và duyên dẫn mọi người hữu duyên được tương phùng. Như thế, Chúa Hài Đồng hẳn có duyên ơi là duyên, mới thu hút bao người vốn xa lạ trước đây, tề tựu tại TT Bàu sen để nói về Người. Giáo Hội Công giáo cũng duyên thật là duyên mới có những Vị như Đức Hồng Y và Đức Cha Phụ Tá nhà mình với nghĩa cử “mời Bạn dùng cơm chay”. Duyên dẫn Duyên, duyên chung và duyên riêng dẫn mọi người đến với nhau mừng như những bạn thâm giao tri kỷ.
Hay thật! Người viết chợt nhớ đến chuyện: Ông Philipphê làm phép rửa cho một viên quan thái giám (sách Công Vụ Tông Đồ 8,26-40). Ông Philipphê được Thiên Sứ của Thiên Chúa sai đi về hướng nam, dọc đường Ngài gặp Viên Thái Giám người Êthióp, làm quan tổng quản kho bạc, đang đọc Kinh Thánh do Ngôn sứ Isia viết mà không hiểu, ông Philipphê giải thích và loan báo về Tin Mừng Đức Giêsu cho ông. Viên quan đã tự nguyện xin chịu phép rửa. Xong việc, Thần khí Chúa đem ông Philipphê đi mất và người ta thấy ông đang giảng Đạo nơi khác …
Câu chuyện trên gợi lên trong tôi những câu hỏi: nhờ đâu hai vị này gặp nhau? Họ nói cho nhau nghe về Ai? Sự “giác ngộ” tạo biến đổi nơi cuộc đời của viên quan nhờ sức thiêng nào bổ trợ? Xong việc, ông Philipphê lại được Ai đưa đi nơi khác? Câu trả lời đối với tôi là: “Thần Khí Thiên Chúa đã đưa mọi người có lòng khao khát Đức Giêsu đến với nhau và tạo nên bước ngoặt cuộc đời của mỗi người”. Nhìn vào cơ duyên của những người đang hiện diện đây, tôi nghĩ rằng “Duyên” của mọi người đều được Thần Khí Chúa dẫn dắt. Duyên ấy tự nhiên như hơi thở, bất ngờ như tình cờ, nhưng lại sâu xa như huyền nhiệm Thiên Chúa quan phòng …
Thú vị thay, Ngôi Ba Thiên Chúa, Chúa của tất cả chúng sanh, Vị Hướng Đạo siêu vời!
Huyền diệu quá những nẻo đường thẳng ngắn nhất được Ngài vẽ từ những đường cong rối mắt nhân loại! Tôi xúc động quá, bèn hát lên mới được: “Này Chính Chúa đã sai tôi đi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng. Này Chính Chúa đã thánh hiến tôi, sai tôi đi Ngài sai tôi đi …. (Lạy Chúa, con khóc rồi!!!)
Kết thúc buổi lễ là phần “thi” văn nghệ Giáng sinh. Không kể tiết mục đồng ca của cả hội trường bài “Kinh Hòa Bình” (nhạc của Linh mục nhạc sỹ Kim long), vì đây là bài truyền thống mà Ban Mục vụ Đối Thoại Liên Tôn thường dùng, thì có hai tiết mục đạt giải “trên cả ước mơ”: đó là ca khúc “Mùa đông năm ấy” của cố linh mục nhạc sỹ Hoài Đức do chị Hồng Đỉnh (Ban MVĐTLT) hát và bài “Tiếng hát Thiên thần” (nhạc ngoại lời Việt Kim Long) do ca đoàn Thánh Thất Bàu Sen trình bày (gồm khoảng 10 đạo huynh đạo tỷ) với tiếng đệm đàn organ rất khí thế.
Chẳng thấy ai trao giấy bút cho ban giám khảo để chấm điểm, nhưng mọi người trong hội trường đều liên tục vỗ tay và thể hiện nét mặt hân hoan với đôi môi nở nụ cười tươi của Chúa Hài Đồng.
“Giây phút tưng bừng” không chỉ được cảm nhận trong “Đêm Thánh vô cùng” mà còn cả trong… “Ngày Thánh vô cùng!”.
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm