Vui vẻ và khiêm tốn phục vụ
WGPSG -- Lối sống công nghiệp, đô thị hóa hiện đại, thực dụng, vật chất và hưởng thụ đã đem đến cho con người hôm nay nhiều niềm vui thú. Người ta vui thú bởi những khám phá khoa học, kỹ thuật tiến bộ vượt bậc như phóng những phi thuyền lên tới mặt trăng, sao hỏa; như việc chế tạo những robot kỹ thuật cao; hay như việc thụ tinh nhân tạo, sinh sản vô tính mà không cần đến bàn tay của Đấng Tạo Hóa v.v….
Cuộc sống văn minh hưởng thụ làm người ta vui thú “thâu đêm suốt sáng” với những bữa yến tiệc linh đình nơi các nhà hàng, quán xá khắp nơi trong thành phố này. Hơn thế nữa, người ta còn tìm đến sự sảng khoái, và vui thú của ma túy, tình dục, thuốc lắc, để khỏa lấp những khoảng trống bất an kinh khủng trong tâm hồn của họ.
Thế nhưng, những niềm vui thú ấy tồn tại trong bao lâu và sẽ dẫn con người về đâu? Một cuộc sống như thế, những sự vui thú như thế làm cho con người rơi vào chủ nghĩa thực dụng, hưởng thụ, cá nhân, rơi vào sự trống rỗng, cô đơn đến tột cùng. Đó là hệ quả tất yếu của việc con người kiêu căng xây dựng một cuộc đời không cần đến Thiên Chúa, hoàn toàn chống lại và loại trừ Thiên Chúa. Vậy thì, đâu mới là niềm vui, sự khiêm tốn và hạnh phúc đích thực cho con người hôm nay?
Trước hết, để trả lời cho những câu hỏi nêu trên, chúng ta dựa vào các bài đọc trong thánh lễ Chúa nhật III mùa Vọng, năm B hôm nay. Điểm nhấn cốt lõi, xuyên suốt mà Lời Chúa hôm nay đề cập đến đó chính là sự vui vẻ và khiêm tốn phục vụ vương quốc tình yêu của Thiên Chúa.
Niềm vui ấy đã được ngôn sứ Isaia diễn tả nơi dân tộc Israel được Chúa yêu thương dẫn đưa về đất hứa sau kiếp sống lưu đày bên Babylon (một kiếp sống lầm than vất vả, không nhà cửa đất đai, không đền thờ, phụng tự, không được thỏa mãn nhu cầu tâm linh, tôn giáo): “Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Đức Chúa, nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao!” (Is 61,10). Vâng, đó là một niềm vui sâu thẳm, đáp ứng mọi khát vọng hồi hương trở về với miền đất hứa, và trở về với Thiên Chúa nơi tâm thức của dân tộc Israel. Đó là một niềm vui gắn liền với vận mệnh của cả dân tộc cũng như gắn liền với vận mệnh của từng người Israel. Như thế chúng ta nhận ra: chỉ có Thiên Chúa mới là Đấng đem lại niềm vui đích thực và bất tận cho con người qua việc “băng bó những tấm lòng tan nát” và mặc cho những tâm hồn “hồng ân cứu độ.”
Niềm vui ấy còn được khởi đi từ tình thương và hồng ân của Thiên Chúa trong dòng chảy lịch sử cứu độ của loài người. Niềm vui ấy là một hồng ân nhưng không và lớn lao vượt quá tài năng và đạo đức của con người. Vì thế, con người cần khiêm tốn đón nhận và không ngừng tạ ơn Thiên Chúa vì hồng ân cứu độ Chúa đã dành cho mình, như lời thánh Phaolô mời gọi các tín hữu Thexalônica trong bài đọc 2 hôm nay: “Thưa anh em, anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh.” (1 Tx 5,16-24). Và nếu như nói theo ngôn ngữ của Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm trong một lần chia sẻ với quý thầy Đại Chủng Viện thì “Cả cuộc đời của người Kitô hữu được dệt nên bởi muôn vàn ơn Chúa”.
Nói tóm lại, niềm vui đích thực của con người mọi thời đại phải được khởi đi từ hồng ân và tình thương của Thiên Chúa, phải được khởi đi từ một cuộc trở về với Thiên Chúa và thật sự gặp gỡ được Thiên Chúa: “Con sẽ bước tới bàn thờ Thiên Chúa, tời gặp gặp Thiên Chúa, nguồn vui của lòng con.” (x. Tv 43,4)
Tiếp đến, chúng ta cần phải khiêm tốn đón nhận hồng ân của Thiên Chúa như thế nào? Tại sao chúng ta phải khiêm tốn?
Bài Tin Mừng hôm nay trả lời cho chúng ta một cách sâu sắc với gương mặt của Gioan Tẩy Giả, vị tiền hô dọn đường cho Đức Giêsu Kitô, Đấng “là ánh sáng, là đường, là sự thật và là sự sống”, Đấng cứu độ trần gian.
Đến đây, chúng ta có thể nhận thấy đích điểm của niềm khao khát mong đợi Chúa đến của con người mọi thời đại, được vận hành theo dòng chảy lịch sử cứu độ. Thánh Gioan Tiền Hô, vị tiên tri đóng vai trò như một bản lề nối kết dòng chảy lịch sử cứu độ giữa hai thời cựu ước và tân ước, đã khiêm tốn nhận ra thân phận thấp hèn của mình trước Thiên Chúa: “Tôi không phải là Đấng Kitô… Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” Vậy thì, ý nghĩa tận căn của thái độ sống khiêm tốn nơi con người đó chính là nhận ra thân phận con người yếu đuối, tội lỗi của bản thân và luôn trông cậy vào ơn Chúa nâng đỡ.
Tựu trung lại, sứ điệp Lời Chúa hôm nay được khởi đi từ cái nhìn quy vào Kinh Thánh, vào dòng chảy lịch sử cứu độ và cái nhìn quy vào thực tại hiện sinh của con người hôm nay: Chúng ta cần vui vẻ và khiêm tốn phục vụ Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô. Càng tin tưởng nhận ra hồng ân và tình thương của Thiên Chúa, chúng ta càng cảm nhận một niềm vui sâu thẳm trong tâm hồn. Phải chăng chính nhờ việc khởi đi từ những cảm thức đức tin như thế mà Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Giám mục giáo phận Mỹ Tho, đã chọn câu Kinh Thánh “Chúa là nguồn vui của con” để làm phương châm cho đời giám mục của Ngài. Vì thế, bà con bổn đạo và nhiều người luôn cảm nhận nơi Đức cha nét tươi cười với hết tất cả mọi người. Khi tiếp xúc với ngài, người ta cảm nhận được một niềm vui, cảm nhận được sự hiện diện của một người mục tử gần gũi, vui tươi, hòa nhã với tất cả mọi người.
Cuối cùng, phải chăng sứ điệp Lời Chúa hôm nay còn mời gọi mỗi người chúng ta một thái độ vui vẻ dấn thân phục vụ mọi người? Xã hội hôm nay vẫn có rất nhiều tấm lòng bác ái, phục vụ và chia sẻ cho những người nghèo khổ với những tấm thiệp, món quà nhỏ bé nhân dịp Giáng sinh, tết đến. Phải chăng, càng khiêm tốn phục vụ người khác chúng ta càng cảm nhận được một niềm vui, cảm nhận được một điều gì đó thật ý nghĩa khi con người ta biết sẻ chia, biết nghĩ tới người khác? Vậy thì, chúng ta cần phải làm gì để bản thân chúng ta gặp được Chúa và giới thiệu Chúa cho những người anh em nghèo khổ, cô đơn và túng thiếu xung quanh chúng ta?
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm