Vườn cây - vườn đời
Không có gia đình nào lại vắng cây cảnh hoặc hoa tươi trong dịp tết. Hầu như nội dung mọi cuộc chuyện trò đầu xuân đều xoay quanh các loại cây được trang trí trong nhà khi tết đến xuân về. Người ta bàn luận về giá cả thị trường, về giá trị của cây. Với trí tưởng tượng phong phú, người ta còn nghĩ ra hình dáng, ý nghĩa của những loại cây được trưng bày trong nhà. Trong quan niệm truyền thống và tín ngưỡng bình dân, mỗi loài cây mang một sứ điệp. Mỗi loại quả mang một điều may. Có cây vững chãi như núi non, có cây mạnh mẽ như rồng cuốn; có cây uyển chuyển nhẹ nhàng như mẹ bồng con, có cây lại tình tứ như đôi nam nữ đang nhỏ to tâm sự . Dường như cây cỏ, hoa lá muốn diễn tả một xã hội con người mênh mông đa dạng, muôn vẻ muôn hình.
Trong thời kỳ phát triển hiện nay, xuất hiện một thứ “mốt” chơi cây cảnh. Người ta căn cứ vào cây cảnh của các đại gia nhân dịp xuân mới để định lượng sự giàu có cũng như mức sành điệu của họ. Không ít cây cảnh được định giá tới cả triệu đô, nhờ đó mà chủ nhân được nổi tiếng xa gần. Có một thời, sự giàu có được đánh giá bằng tivi tủ lạnh, rồi bằng nhà lầu xe hơi, nhưng những thứ đó giờ đây xem ra chẳng có giá trị gì, mặc dù rất cần thiết cho nhu cầu cuộc sống. Cũng có một thời, người ta đua nhau nuôi chó cảnh, và loài động vật bốn chân này cũng được coi như tiêu chuẩn để đánh giá sự giàu sang. Trong thời hiện đại này, khái niệm về giá trị đã đổi thay, và thế là mỗi dịp tết đến, dân sành điệu tha hồ mà bàn tán về những loại kỳ hoa dị thảo. Những ai thủ đắc chúng được kính nể và tuyên dương.
Cuộc sống con người cũng là một “vườn đời” rộng lớn mênh mông. Khi sinh ra khỏi lòng mẹ là ta trở nên một cây nhỏ được trồng trong vườn này. Yếu ớt, mong manh, ta lớn lên từng ngày. Bước đi chập chững, ta dần dần lớn khôn. Mỗi cây-cuộc-đời cũng có một thế đứng: có cây cao lớn mạnh mẽ, có cây nhỏ bé gầy còm; có cây được nuôi dưỡng đầy đủ, có cây cằn cỗi thiếu ăn; có cây thế đứng oai phong, có cây lại uyển chuyển mềm mại; có cây được trồng giữa thủ đô, có cây mọc nơi miền thôn dã. Vườn đời thật phong phú là thế. Thiên Chúa thật nhân từ biết bao. Cũng như trong vườn có nhiều loại cây, cuộc đời cũng có đủ mọi thứ người. Có người tốt lành thánh thiện, nhưng cũng còn có người tham vọng mưu mô; có người giàu sang phú quý, nhưng cũng có người lam lũ suốt đời.
Tuy vậy, dù là cây sơn tùng đứng thẳng vươn cao, hay cây thiên lý tựa thân vào giàn gỗ, tất cả đều có sứ mạng đem lại sắc đẹp cho đời. Dù đoá hoa lan khuê các phong lưu, hay đoá hoa cúc chân phương khiêm hạ, tất cả đều nhằm tô điểm và làm cho cuộc sống thêm thi vị hơn. Như thế, mỗi người sinh ra ở đời là một loài cây. Mọi loài đều hút chất dinh dưỡng từ Đất Mẹ, đều lớn lên nhờ Khí Trời và đang cùng nhau ca tụng Tạo Hoá. Cây không hút chất dinh dưỡng từ đất là loài cây chết. Hoa không thể sống nếu không có khí trời. Chính từ vẻ đẹp của thiên nhiên mà ta nhận ra bàn tay Tạo Hoá tài tình và quyền năng kỳ diệu.
Mỗi người sống trong vũ trụ là một loại cây. Có loài sinh ra quả ngọt, nhưng cũng có loài chỉ sinh trái đắng. Có loài được dùng làm linh dược cứu sống bệnh nhân, nhưng cũng có loài chứa chất độc chết người. Hình ảnh một thửa ruộng vừa có những cây lúa đơm bông trĩu hạt, vừa có những cây cỏ lùng chỉ tốt lá hại phân, phản ánh rõ nét cuộc đời này.
Nhạc sĩ Trần Long Ẩn đã cảm nhận những giá trị nhân sinh qua hình ảnh cánh rừng khi ông sáng tác bài hát “Một đời người, một rừng cây”. Giữa cằn khô của đồi núi, cây cối vẫn vươn cao; giữa khắc nghiệt của cuộc đời con người vẫn đứng vững. Cằn khô khắc nghiệt không làm chúng ta quỵ ngã, nhưng lại giúp chúng ta trưởng thành hơn. Mỗi khổ đau là một kinh nghiệm, mỗi vấp ngã là bài học hay.
Cây được trồng trong rừng, như con người sống trong xã hội. Cây chỉ thẳng khi đứng gần nhau, người chỉ thánh khi sống tình liên đới. Cây với cây, tuy dị biệt mà cùng một đất mẹ, Người với người, tuy khác nhau nhưng chung một cuộc đời. Khi nhiều loại cây cùng chung nhau vươn thẳng thì chim trời sẽ về ríu rít hát ca. khi nhiều người cùng sống thuận hoà thì hạnh phúc lên ngôi, lớn mãi.
Cũng như trong một cánh rừng, có những cây cổ thụ già nua mà vững chãi, trong cuộc đời có những bậc lão thành mà kinh nghiệm dẻo dai. Những thế hệ đàn anh đi trước vất vả khai hoang vùng đất mới. Những thế hệ tiếp theo duy trì thành quả của ông cha mình. Một dân tộc quên quá khứ sẽ tự hủy diệt chính mình. Một người con quên cha mẹ chẳng còn chốn đi về.
Thánh nữ Tê-rê-sa Hài đồng Giêsu đã hạnh phúc khi nhận mình là một đoá hoa nhỏ trong vườn hoa cuộc đời. Đoá hoa ấy tuy nhỏ bé nhưng luôn được Thiên Chúa chăm sóc yêu thương. Chính cảm nghiệm đơn sơ ấy đã giúp thánh nữ gần Chúa hơn.
Một đoá hoa dù ở giữa bụi gai cũng vẫn nở, một con người dù giữa vũng bùn cũng vẫn được mời gọi sống thanh tao. Mỗi người chúng ta là một loài cây trong vườn đời, là một bông hoa trong xã hội. Cây cần phải sinh trái, hoa cần phải toả hương. Đó cũng chính là sứ mạng của mỗi người chúng ta.
Lạy Chúa, xin cho con vững tin, dù dòng đời trôi nổi
Xin cho con yêu người, dù trần thế gian ngoan.
Xin cho con chỗi dậy, dù nhiều khi vấp ngã
Xin cho con vươn cao, dù yếu đuối nặng nề
Như cây xanh tươi trong cánh rừng nhân loại
Xin cho con lòng mến Chúa, yêu người.
Ngày cuối năm Canh Dần
+Gm Giuse Vũ Văn Thiên, GP. Hải Phòng
bài liên quan mới nhất
- Cuộc hội nhập văn hoá trong lịch sử dân tộc Việt Nam
-
Quà Tết cho người vô gia cư -
Noel ấm áp tình người -
Đồng hương Thái Bình miền Nam: Họp mặt Tân niên -
Đồng hương Đàn Giản: mừng Xuân đoàn viên -
Nhớ lắm bếp củi ngày xưa! -
Thông điệp của mùa xuân -
Giờ kinh Giao Thừa -
Trăng Rằm miền biên giới -
Vầng Trăng Yêu Thương
bài liên quan đọc nhiều
- Cuộc hội nhập văn hoá trong lịch sử dân tộc Việt Nam
-
Nhớ lắm bếp củi ngày xưa! -
Quà Tết cho người vô gia cư -
Thông điệp của mùa xuân -
Sống tâm tình tạ ơn trong ba ngày Tết -
Tây Tạng: Tết Losar của lòng hiếu khách và từ tâm -
Giờ kinh Giao Thừa -
Năm Thìn, tản mạn chuyện Rồng -
Tất niên và tân niên -
Trăng vàng mùa thu