Xây dựng chương trình giáo lý hôn nhân theo tinh thần của Tông huấn Amoris Laetitia
WHĐ (26.6.2020) – Đọc Tông huấn Niềm vui của Tình yêu của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, chúng ta có thể tìm được nhiều cảm hứng và chỉ dẫn để canh tân việc dạy giáo lý hôn nhân cho phù hợp với nhu cầu và hoàn cảnh của các đôi bạn hiện nay. Trong ý hướng này, chúng ta cùng đọc lại Tông huấn để xây dựng một chương trình giáo lý hôn nhân khả dĩ đáp ứng được nhu cầu và hoàn cảnh của các đôi bạn sắp kết hôn.
I. Tông huấn và việc chuẩn bị gần cho hôn nhân
1. Tầm quan trọng của việc chuẩn bị cho các đôi bạn bước vào đời sống hôn nhân
Theo các Nghị phụ Thượng Hội đồng, thực tại xã hội phức tạp và những thách đố mà ngày nay gia đình đang phải đối diện đòi hỏi cộng đoàn phải nỗ lực nhiều hơn trong việc chuẩn bị cho các đôi bạn bước vào đời sống hôn nhân (s.206). Trong việc chuẩn bị này, giáo lý viên cần giúp các bạn trẻ khám phá ra phẩm giá và vẻ đẹp của hôn nhân cũng như sự hấp dẫn của một kết hợp trọn vẹn vốn nâng cao và kiện toàn chiều kích xã hội của cuộc sống, mang lại cho tính dục ý nghĩa cao trọng nhất của nó, đồng thời đem lại thiện ích cho con cái và tạo cho chúng hoàn cảnh tốt nhất để trưởng thành và phát triển (s. 205).
Vẫn theo các Nghị phụ, trong việc chuẩn bị hôn nhân, cần quan tâm đến tầm quan trọng của các nhân đức, cách riêng đức khiết tịnh, đến sự tham gia của cộng đoàn vào công cuộc chuẩn bị hôn nhân. Hơn nữa, cần có một chương trình đặc biệt chuẩn bị hôn nhân nhằm cống hiến cho các đôi bạn kinh nghiệm đích thực về việc tham dự vào đời sống của Giáo Hội cũng như kiến thức căn bản về những khía cạnh khác nhau của đời sống hôn nhân (s.206).
Có nhiều cách thức để xây dựng chương trình chuẩn bị cho các đôi bạn bước vào đời sống hôn nhân. Giáo Hội địa phương sẽ phân định cách tốt nhất, để chuẩn bị cho các đôi sắp kết hôn. Theo Tông huấn, không nhất thiết phải dạy cho các đôi bạn toàn bộ giáo lý hoặc cung cấp cho họ đủ mọi thứ thông tin, vì điều làm cho tâm hồn họ được no thỏa không phải là biết nhiều mà là cảm nếm được thực tại. Giáo lý viên cần quan tâm đến chất lượng hơn số lượng và phải dành ưu tiên cho việc loan báo Tin Mừng đầu tiên (kerygma) cách mới mẻ cũng như truyền đạt thực tại cách hấp dẫn và hữu ích để giúp đôi bạn can đảm và quảng đại dấn thân vào cuộc sống hôn nhân. Việc chuẩn bị hôn nhân nên dẫn vào Bí tích Hôn Phối, bằng cách giúp họ lãnh nhận bí tích cách xứng đáng và khởi sự đời sống gia đình cách vững chắc (s. 207).
2. Việc chuẩn bị cho các đôi bạn bước vào đời sống hôn nhân
Trong chương trình chuẩn bị gần cho hôn nhân, giáo lý viên nên giúp cho các đôi bạn nhận ra những vấn đề và những rủi ro có thể gặp phải, vì trong sự say mê của tình yêu thuở ban đầu, họ thường tìm cách che giấu hoặc tương đối hóa nhiều chuyện và tránh những bất đồng, để rồi sau đó chùn bước khi gặp phải những khó khăn.
Giáo lý viên nên khuyến khích các đôi bạn trao đổi với nhau xem họ mong đợi những gì nơi cuộc hôn nhân, họ hiểu thế nào về tình yêu và cam kết trong hôn nhân, họ muốn gì ở nhau và muốn xây dựng cuộc sống chung theo kiểu nào. Những cuộc trao đổi như thế giúp đôi bạn nhận ra trong thực tế họ có rất ít điểm chung và sự hấp dẫn nhau thôi không đủ liên kết họ với nhau (s.209). Họ phải bộc lộ chính mình và học biết người kia thực sự là ai. Họ phải nhận ra những nguy cơ có thể có trong quan hệ của mình, phải sẵn sàng và quyết tâm đối diện với những hy sinh, những vấn đề và những tình huống xung đột có thể gặp phải (s.210).
Giáo lý viên còn phải giúp cho đôi bạn không coi lễ cưới là điểm kết thúc của hành trình, nhưng coi hôn nhân như một ơn gọi cả đời dựa trên quyết định chắc chắn và thực tế cùng đối diện với những vấn đề và những khó khăn. Điều này đòi hỏi chúng ta phải cống hiến cho họ những chương trình thực tế, những lời khuyên có lý, những chiến thuật đã kiểm chứng và những hướng dẫn tâm lý. Cần nhắc họ về hiệu năng của Bí tích Hòa Giải khả dĩ giúp họ đem cả tội lỗi, sai lầm quá khứ và chính mối quan hệ của họ đến trước mặt Thiên Chúa và nhận lại sự tha thứ đầy thương xót và quyền năng chữa lành của Ngài (s. 211).
Để chuẩn bị cho hôn lễ, đôi bạn cần tập trung vào tình yêu được củng cố và thánh hóa nhờ ân sủng, thay vì tập trung vào hình thức bên ngoài vừa tổn hao sức lực vừa gây tốn kém. Họ phải can đảm lội ngược dòng, để chọn cử hành hôn lễ cách đơn sơ và giản dị, trong đó, tình yêu được đặt trên tất cả mọi thứ khác (s. 212).
Giáo lý viên nên khuyến khích đôi bạn làm cho cử hành phụng vụ trở thành một kinh nghiệm cá nhân sâu xa và hiểu rõ ý nghĩa của từng dấu chỉ của cử hành. Đôi bạn cần hiểu ý nghĩa của những lời ưng thuận. Sự ưng thuận này không thể bị giản lược vào hiện tại mà bao trùm cả tương lai, cho tới khi cái chết chia lìa họ (s. 214).
Các đôi bạn còn phải hiểu bí tích không chỉ là khoảnh khắc, sau đó lùi vào quá khứ và trở thành những kỷ niệm, nhưng tiếp tục ảnh hưởng thường xuyên trên toàn bộ cuộc sống hôn nhân của họ. Ý nghĩa truyền sinh của tính dục, ngôn ngữ của thân xác và những cử chỉ của tình yêu vốn được bày tỏ trong suốt đời sống hôn nhân trở thành sự “tiếp nối không gián đoạn của ngôn ngữ phụng vụ” và “đời sống vợ chồng, theo một nghĩa nào đó, trở thành phụng vụ” (s.215).
Ngoài việc suy niệm dựa trên các bài đọc trong Thánh Kinh và tìm hiểu ý nghĩa của các dấu chỉ trong nghi thức, đôi bạn còn được hướng dẫn cầu nguyện với nhau và cho nhau, để xin Chúa giúp mình sống trung thành và quảng đại, trao ban và hiến dâng cho nhau. Phụng vụ lễ Hôn Phối là cử hành của cả gia đình lẫn cộng đoàn, cử hành Giao ước của Đức Kitô với con người mọi thời (s. 207).
II. Xây dựng chương trình giáo lý hôn nhân
1. Nguyên tắc xây dựng
Dựa vào những chỉ dẫn trên, chúng ta xác định được mục tiêu (goals) của chương trình giáo lý hôn nhân là giúp các bạn trẻ chuẩn bị gần cho các đôi bạn bước vào đời sống hôn nhân và chuẩn bị cho các đôi bạn cử hành Bí tích Hôn Phối.
Trong việc chuẩn bị gần cho hôn nhân, cần giúp cho đôi bạn khám phá ra phẩm giá và vẻ đẹp của hôn nhân cũng như sự hấp dẫn của một kết hợp trọn vẹn trong hôn nhân (objectives), nhờ đó, họ hiểu được thế nào là một tình yêu đích thực trong hôn nhân và gia đình cũng như những vấn đề, những khó khăn, những hy sinh mà họ có thể gặp phải trong quan hệ (knowledge), đồng thời biết cách thể hiện tình yêu của người vợ người chồng (gắn liền với cảm xúc và tính dục) trong hôn nhân và tình yêu của người cha người mẹ (gắn liền với sinh sản và giáo dục con cái) trong gia đình (skills).
Trong việc chuẩn bị cho việc cử hành Bí tích Hôn Phối, cần giúp cho đôi bạn tập trung vào tình yêu được thánh hóa nhờ ân sủng và làm cho cử hành phụng vụ trở thành một kinh nghiệm cá nhân sâu xa (objectives), bằng cách giúp họ hiểu rõ ý nghĩa của sự ưng thuận và từng dấu chỉ của cử hành (knowledge), biết giữ đức khiết tịnh cũng như biết sống và thông truyền đức tin cho con cái (skills).
Sau khi xác định rõ mục tiêu và tiêu điểm của chương trình, chúng ta còn phải xác định những chứng cứ (evidences) cho thấy đôi bạn tiếp nhận được thành quả mong đợi của chương trình huấn luyện, đồng nghĩa các mục tiêu và tiêu điểm của chương trình đang từng bước được thực hiện. Chứng cứ đầu tiên là đôi bạn có được niềm vui chiêm ngắm và trân trọng giá trị cao quý của nhau, đồng thời biết biểu lộ tình yêu qua ba từ thiết yếu: “làm ơn”, “cảm ơn” và “xin lỗi”. Chứng cứ tiếp theo là đôi bạn biết cộng tác với kế hoạch của Thiên Chúa qua việc đón nhận và giáo dục con cái trở thành những người Kitô hữu trưởng thành.
Cuối cùng, chúng ta thiết kế (design) các hoạt động chính yếu hay kinh nghiệm học tập (learning experiences) theo một tiến trình (sequence) hợp lý để đôi bạn có được sự hiểu biết (understanding) mà chúng ta muốn trang bị cho họ (x. Grant Wiggins and Jay McTighe, Understanding by Design, Expanded 2nd ed., (2005). Virginia: Association for Supervision and Curriculum Development).
2. Chương trình đề nghị
Trong hoạt động mục vụ của các giáo xứ hiện nay, chúng ta nhận thấy các giáo xứ thường tổ chức mỗi năm hai khóa Giáo lý Hôn nhân, và Giáo lý Hôn nhân thường được tổ chức song song với Giáo lý Dự tòng, nhưng thời lượng chỉ bằng một nửa; chẳng hạn Giáo lý Dự tòng được tổ chức vào thứ Hai và thứ Sáu, còn Giáo lý Hôn nhân được tổ chức vào thứ Tư, từ 18g30-20g00, để các đôi bạn - nếu muốn - có thể tham dự cả hai. Vì thế, chúng tôi đề nghị một chương trình Giáo lý Hôn nhân gồm 12 buổi gặp gỡ chính, ngoài 2 buổi mở đầu và kết thúc, mỗi buổi kéo dài khoảng một giờ ba mươi phút.
1. Đồng hành gặp gỡ, bắc chung nhịp cầu
Mục đích: Tạo bầu khí yêu thương và tôn trọng giữa các đôi bạn, giúp họ làm quen với nhau, chia sẻ niềm mong đợi và ước muốn góp phần vào việc xây dựng buổi gặp gỡ giáo lý.
Lời Chúa: Lc 24, 13 - 35: Hai môn đệ đi Em-mau
A. Niềm vui và vẻ đẹp của tình yêu
2. Yêu thương thực lòng, sống tình vị tha
Mục đích: Giúp đôi bạn khám phá lại tình yêu và tìm kiếm một tình yêu đích thực.
Lời Chúa: 1 Cr 13, 1-13: Bài ca đức mến.
3. Xây đắp tình bạn, kết mối tâm giao
Mục đích: Giúp đôi bạn nhận ra tầm quan trọng của tình bạn trong tình yêu, khám phá tha tính, xây dựng tương quan bạn hữu.
Lời Chúa: Ga 15, 12-15: Anh em là bạn hữu của Thầy.
4. Cùng với Giêsu, học sống yêu thương
Mục đích: Giúp đôi bạn nhận ra tình yêu đích thực, qua việc lắng nghe Lời Chúa và chiêm ngắm Chúa Giêsu, để học biết yêu thương như Ngài đã yêu thương.
Lời Chúa: Ga 15, 9 - 14: Thầy là cây nho, các con là cành.
B. Niềm vui và vẻ đẹp của tình yêu trong hôn nhân
5. Giới tính khác biệt, ý định nhiệm mầu
Mục đích: Giúp đôi bạn nhận ra những khác biệt về giới tính, để học biết tôn trọng, đối thoại, cảm thông, phong phú hóa lẫn nhau, giúp nhau hoàn thiện con người của mình.
Lời Chúa: St 1, 26-28: Thiên Chúa dựng nên con người có nam có nữ.
6. Thân xác thánh thiêng, ngôn ngữ tuyệt vời
Mục đích: Giúp đôi bạn biết tôn trọng thân xác của mình và bạn đời, sử dụng thân xác mình như là dấu chỉ và khí cụ tạo nên sự hòa hợp, thể hiện tình yêu và hiệp thông.
Lời Chúa: 1Cr 6, 12-20;7,4: Thân xác của anh em là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần.
7. Sống đời hôn nhân, thách đố hiện nay
Mục đích: Giúp đôi bạn nhận ra những thử thách không thể tránh khỏi trong đời sống hôn nhân cũng như những thử thách trong đời sống hiện đại.
Lời Chúa: Ep 6, 11: Cuộc chiến đấu thiêng liêng.
C. Niềm vui và vẻ đẹp của tình yêu trong gia đình
8. Sống đạo vợ chồng, tình nghĩa bền lâu
Mục đích: Giúp đôi bạn nhận ra những bổn phận của vợ chồng và những xung đột trong đời sống chung, đồng thời biết vượt qua những xung đột ấy, để cùng nhau xây dựng mái ấm hạnh phúc.
Lời Chúa: Ga 4, 1-30: Đức Giêsu và người phụ nữ Sa-ma-ri.
9. Giáo dục con cái, thực hành nêu gương
Mục đích: Giúp đôi bạn nhận thức về sứ mạng cao cả của người cha, người mẹ, để cộng tác với Thiên Chúa trong công trình tạo dựng và cứu độ qua việc truyền sinh, nuôi nấng và giáo dục con cái.
Lời Chúa: Mt 18, 10; Mc 10, 13-16: Đức Giêsu và trẻ em.
10. Trở nên hoàn thiện, thánh hóa gia đình
Mục đích: Giúp đôi bạn nhận biết gia đình là môi trường giúp ta nên thánh, để mọi thành viên trong gia đình ngày một nên hoàn thiện trong tình yêu.
Lời Chúa: 1Pr 2, 9: Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là Dân Thánh.
11. Hướng đến liên đới, xây dựng hiệp thông
Mục đích: Giúp đôi bạn ý thức về tầm quan trọng của mối quan hệ của gia đình với xã hội và Giáo Hội để sống tình liên đới và tương trợ, góp phần thăng tiến Giáo Hội và xã hội.
Lời Chúa: Ga 2, 1-10: Tiệc cưới Ca-na.
Phần II. Chuẩn bị cho cử hành Bí tích Hôn Phối
12. Bí tích Hôn phối, Giao ước Tình yêu
Mục đích: Giúp đôi bạn nhận ra và sống ý nghĩa của Bí tích Hôn Phối như một cam kết yêu thương và chung thủy trọn đời, để trở nên dấu chỉ và chứng nhân tình yêu của Thiên Chúa đối với mọi người.
Lời Chúa: Ep. 5,25-32: Chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh, và hiến mình vì Hội Thánh.
13. Cử hành Bí tích Hôn phối
Mục đích: Giúp đôi bạn nhận ra và sống ý nghĩa các dấu chỉ của cử hành, tìm hiểu các bài đọc và làm quen với các nghi thức trong Thánh lễ Hôn Phối, nhờ đó lãnh Bí tích cách sốt sáng và khởi sự đời sống hôn nhân cách vững chắc.
Lời Chúa: Mc 10,6-9: Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.
14. Tĩnh tâm cầu nguyện, thánh hóa tình yêu
Mục đích: Giúp đôi bạn nhận ra tầm quan trọng của việc canh tân tình yêu nhờ việc hồi tâm cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa và lãnh nhận các bí tích.
Lời Chúa: Mt 5, 13-16: Anh em là muối, là ánh sáng cho đời.
III. Tiến trình và cách thực hiện
1. Tiến trình
Trước khi tiến hành buổi gặp gỡ, giáo lý viên cần nắm vững mục đích và yêu cầu trên các bình diện nhận thức, tâm tình và hành động mà buổi gặp gỡ phải đạt tới. Kế đến, giáo lý viên nên suy niệm Lời Chúa và tìm hiểu giáo huấn của Giáo Hội có liên quan đến chủ đề. Sau hết, đọc ý chính và dàn ý để nắm vững nội dung cũng như cách khai triển chủ đề.
Trong phần đón tiếp và chuẩn bị cho buổi gặp gỡ giáo lý, giáo lý viên có thể tập một bài hát sẽ dùng đến trong buổi gặp gỡ, nhắc lại trọng tâm của buổi gặp gỡ giáo lý trước và giới thiệu chủ đề của buổi gặp gỡ này.
Buổi gặp gỡ khởi sự với phần cầu nguyện mở đầu nhằm giúp tham dự viên đặt mình trước sự hiện diện của Chúa, Đấng đã hứa rằng “ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở giữa họ” (Mt 18,20). Ngài đang hiện diện giữa mọi người và sẵn sàng dấn mình vào cuộc gặp gỡ cũng như trò chuyện với từng người.
Sau đó, giáo lý viên cùng với tham dự viên nhìn vào cuộc sống và trao đổi với nhau về một kinh nghiệm ít nhiều có liên quan đến chủ đề. Dựa trên những kinh nghiệm mà các tham dự viên vừa chia sẻ, giáo lý viên giúp mọi người cùng nhau suy nghĩ về chủ đề của buổi gặp gỡ. Dưới ánh sáng của lý trí, tham dự viên tìm hiểu ý nghĩa của chủ đề. Ý nghĩa này còn được soi dẫn dưới ánh sáng của Lời Chúa. Giáo lý viên mời tham dự viên lắng nghe Lời Chúa, rồi tiếp cận, quan sát và tìm hiểu ý nghĩa của bản văn, qua đó khám phá ra lời mời gọi của Chúa đang âm vang trong lòng và thôi thúc họ nghiệm lại bản thân, chấp nhận biến đổi con người và cuộc sống của mình cũng như môi trường sống cho phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa.
Nhờ sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, vị Thầy của nội tâm, và sự đồng hành của giáo lý viên, mọi việc diễn ra như thể bàn tay Chúa nâng đỡ và dẫn đưa từng tham dự viên bước vào cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa trong cầu nguyện, đỉnh cao của buổi gặp gỡ.
Tiếp đến, giáo lý viên nhắc lại nội dung chính của buổi gặp gỡ giáo lý được thâu tóm trong phần ghi nhớ và kết thúc buổi gặp gỡ với một kinh nguyện chung như Kinh Lạy Cha hay một bài hát bày tỏ lòng yêu mến, tin tưởng và cậy trông vào Thiên Chúa, Đấng hằng sống và luôn đồng hành với chúng ta trong cuộc sống hằng ngày.
Theo Tông huấn, giáo lý viên cần làm nổi bật lên mục đích kết hợp của hôn nhân, lời mời gọi triển nở trong tình yêu và lý tưởng tương trợ lẫn nhau; tránh trình bày một thứ lý tưởng thần học hôn nhân quá trừu tượng, được xây dựng hầu như nhân tạo, xa rời hoàn cảnh cụ thể và các khả năng thực tiễn của các đôi bạn (s.36).
Giáo lý viên không chỉ nhấn mạnh những vấn đề đạo lý, đạo đức sinh học và luân lý, nhưng còn khuyến khích đôi bạn mở lòng ra với ân sủng, để tình yêu của họ được củng cố và thánh hóa. Hơn nữa, cần trình bày hôn nhân như một hành trình năng động của phát triển và thực hiện, hơn là gánh nặng phải chịu đựng suốt cả cuộc đời (s.37); cũng đừng phung phí năng lượng mục vụ cho việc lên án một thế giới suy đồi, mà ít có khả năng đề ra cho đôi bạn những con đường mang lại hạnh phúc. Hãy học với Đức Giêsu cách vừa đề xuất một lý tưởng rất đòi hỏi, vừa gần gũi và cảm thương với những con người yếu đuối (s.38).
Giáo lý viên cần nhận ra thứ văn hóa không cổ võ cho tình yêu và sự hiến dâng, như “văn hóa tạm bợ”, “văn hóa vứt bỏ”, “lối sống tốc độ” khiến đôi bạn sợ viễn cảnh của một sự dấn thân vĩnh viễn (s.39); đồng thời tìm ra những ngôn ngữ, những lý lẽ và những chứng từ thích hợp có khả năng chạm tới trái tim những người trẻ, những người có thừa khả năng sống quảng đại, dấn thân, yêu thương, thậm chí sống anh hùng, để mời gọi họ đón nhận những thách đố của đời sống hôn nhân và gia đình với cả lòng nhiệt thành và can đảm (s.40).
Nhìn chung, chúng ta thấy nội dung chuẩn bị gần cho các đôi bạn bước vào đời sống hôn nhân không có gì mới, so với nội dung của giáo lý hôn nhân trong các giáo xứ hiện nay, mới chăng là ở cách trình bày nội dung trên. Theo Tông huấn, giáo lý viên phải trình bày thế nào để hôn nhân trở thành hấp dẫn và đáng khao khát hơn và để các bạn trẻ nếm hưởng được niềm vui và vẻ đẹp của tình yêu trong hôn nhân và gia đình, nhờ đó nhiệt tâm và quảng đại dấn thân vào đời sống này. Một khóa học ngắn hạn chuẩn bị gần cho các đôi bạn bước vào đời sống hôn nhân chắc chắn không đủ. Họ cần được quan tâm nâng đỡ, đồng hành, khích lệ để vượt qua những khó khăn trong những năm đầu đời sống hôn nhân, và bền vững trong giao ước hôn phối.
Trích Tập san HiệpThông / HĐGM VN, Số 101 (tháng 7 & 8 năm 2017)
bài liên quan mới nhất
- Giáo hội và sứ vụ giáo dục
-
Khi con bạn học hành khó khăn, hãy nhớ 6 vị Thánh này -
Ủy ban Giáo dân: Bài huấn luyện số 16 -
Ủy ban Giáo dân: Bài huấn luyện số 15 -
Đêm Canh Thức Vượt Qua 2019 tại Nhà thờ Chính Tòa Đức Bà Sài Gòn -
“Một nền giáo dục tốt bao giờ cũng là một truyền đạt từ trái tim đến trái tim” -
Học viện Công giáo Việt Nam khai giảng niên khoá 2017-2018 -
Nghệ thuật giáo dục con cái -
Thiếu nhi giáo xứ Vĩnh Hòa thực hành yêu thương -
Khóa học: Tìm hiểu Phúc Âm Nhất Lãm
bài liên quan đọc nhiều
- Đêm Canh Thức Vượt Qua 2019 tại Nhà thờ Chính Tòa Đức Bà Sài Gòn
-
Khi con bạn học hành khó khăn, hãy nhớ 6 vị Thánh này -
Ủy ban Giáo dân: Bài huấn luyện số 16 -
Giáo dục Kitô giáo theo tinh thần Thánh Phaolô (2) -
Giáo hội và sứ vụ giáo dục -
Câu chuyện giáo dục cảm động -
7 yếu tố giúp giáo dục Phần Lan thành công -
Nghệ thuật giáo dục con cái -
Dự án giáo dục cho thanh niên khuyết tật nghèo -
Ủy ban Giáo dân: Bài huấn luyện số 15