Yêu là cho đi tất cả
Kết thúc Năm Đời Sống Thánh Hiến 2.02.2016 nhưng tất cả tu sĩ chỉ mới bắt đầu “nhà tập” sống thánh hiến.
Câu chuyện chứng từ
“Vậy mà đã ba mươi năm nay tôi ở trong cộng đoàn Nữ Tử Chúa Giêsu! Trong siêu thị nơi tôi làm việc, các đồng nghiệp biết... cuộc sống của tôi là cuộc sống mang dấu ấn của Chúa: không có chồng, không có bạn trai, không có con... không có truyền hình, không máy vi tính, không có cả điện thoại cầm tay. Còn nghỉ hè? không đến những nơi sang trọng, nhưng tôi đi vài ngày ở nơi vắng vẻ, trên núi, một mình với quyển Thánh Kinh! Dù vậy, điều này không có nghĩa là tôi có một đời sống khắc khổ nhưng đúng hơn là tôi đi tìm điều thiết yếu, một niềm vui đích thực. Đúng, cuộc sống của tôi mang dấu ấn của Chúa. Từ bao giờ? “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi...”
Tôi còn nhớ... khi tôi còn chưa đến trường, tôi chơi trong xưởng mộc của cha tôi. Có một nụ cười... Nụ cười của một nữ tu sáng lên, in dấu trong lòng đứa trẻ, là tôi. Từ đó, ước muốn của tôi là được giống như dì: “Khi lớn lên, tôi sẽ là một “nữ tu!” Dĩ nhiên lúc đó, tôi không biết đời sống thánh hiến là đời sống như thế nào. Tôi không biết thế nào là một “nữ tu”. Nhưng trực giác cho tôi biết, người đàn bà này hạnh phúc, tôi cũng muốn được hạnh phúc như vậy! Vài năm sau, tôi có một cuộc gặp gỡ mới. Một cuộc gặp gỡ quyết định với Chúa Giêsu trên thập giá: Ngài đã yêu tôi đến mức như thế nào! Chúa bị sỉ nhục: một tình yêu được trao ban, một tình yêu không áp đặt. Tình yêu chờ câu trả lời. Và tôi sẽ trả lời như thế nào đây? Tận đáy lòng tôi có lời mời gọi: “Cho đi tất cả, cho cả giấc mơ có chồng, có con...”. Đấu tranh... Từ chối... Bỏ trốn...
Cho đến ngày tôi hiểu, hạnh phúc của tôi chỉ có thể bắt đầu bằng chữ VÂNG... Một chữ “vâng” vừa mới thì thầm thì đã là một nguồn vui tuôn trào...”[1]
“Con có yêu mến Thầy không?” (Ga 21,15)
“Hội Thánh phát triển không bởi chiêu dụ nhưng bởi sức thu hút”
Ngày nay để nói với con người thời đại, nhất là người trẻ, sao cho thuyết phục về đời dâng hiến, Hội Thánh không thể chỉ nêu lên một lý do “duy lợi”: đi tu thì “được” cái này, “có” cái kia, kể cả để “được rỗi linh hồn”. Như thế là không đủ đối với con người thời “hậu-hiện-đại” này vốn sống theo xu hướng chấp nhận đa nguyên, chịu ảnh hưởng của thuyết duy tương đối, và nhất là rất khát khao “cái đẹp”. Khuôn mặt an vui, rạng rỡ, tràn trề sức sống của một người sống đời tận hiến tỏ lộ kinh nghiệm gặp gỡ một Ai đó vốn là nguồn hạnh phúc, tình yêu, sự sống sung mãn, rất lặng lẽ thu hút. “Ở đâu có những người thánh hiến, ở đó luôn có niềm vui” (ĐGH Phanxicô). Có một cái gì đó tuyệt diệu như ân sủng xảy ra trong con người tận hiến ấy. Chúng ta nhớ Simone Weil[2] nói: “Cái Đẹp là mồi dẫn, bẫy dụ Thần Khí hay dùng để bắt chụp các con tim”[3]. Độc thân dâng hiến là sự hấp dẫn của một đời sống vén mở ra những chân trời bất ngờ của niềm vui thích, vừa khác cũng vừa hứa hẹn cho “một cuộc sống dồi dào hơn, quyết liệt hơn”[4]. Con người thời đại hôm nay thường nghĩ chân lý thuyết phục và gắn liền với cái đẹp và sự tinh tế dịu dàng. Bởi thế, không ai gắn bó với một ý nghĩa tối hậu nếu không do được thu hút bởi vẻ đẹp cảm nhận được và có thể thưởng thức trước được như thế nào đó của thực tại ấy, ngay lúc này và tại đây (hic et nunc), qua thân xác với giác quan và tri giác của người nam hay người nữ này.
Nét xuân tươi muôn đời thể hiện trên nét mặt và bản thân người tận hiến, không chỉ có ở nơi tính cách năng động của người tu sĩ trẻ tuổi, nhưng cách rất đặc biệt, còn có ở nơi người tu sĩ cao niên xuyên qua các nếp da nhăn nheo rạng ngời nét nhân hậu, tính cách khôn ngoan, và sự thông cảm của kẻ đã trải nghiệm sâu sắc.
Nét đẹp của họ thể hiện qua “đời độc thân” tự nguyện không phải ở chỗ từ chối sinh con: họ không “hiếm muộn” (sterile). Trái lại, “đời độc thân” của họ hấp dẫn vì tràn đầy sức sống phong nhiêu (fertility). Nét đẹp tỏa ra từ tâm hồn khiết tịnh muốn chia sẻ, dâng hiến của họ trước hết, chứ không phải bởi họ từ chối tính dục nhân bản của mình để ở đơn thân. Họ tuyệt vời vì nhờ ơn Chúa, dù thi thoảng có thất bại, họ có thể điều hướng các dòng xung năng, cảm xúc, ý nghĩ tự nhiên đi vào kênh yêu thương mà không muốn chiếm hữu.
Nét đẹp của họ thể hiện qua “đời nghèo khó” không phải trước hết vì họ từ khước không có của cải hay tài sản gì, mà là vì họ có được sự tự do nội tâm đích thật của kẻ không bị xiềng xích bởi chiếm hữu nhiều của cải vật chất cũng như tinh thần: họ có mà như không có. Tất cả những gì họ có, của cải vật chất và cả những tài năng hay khả năng nghề nghiệp riêng tư, được họ như nhà quản lý tài ba của Thiên Chúa quy hướng về cùng đích cuối cùng: chia sẻ huynh đệ cho con người (ưu tiên cho người nghèo) được sống và sống dồi dào, tức là cho vinh quang Chúa (Irênê). Nét hấp dẫn của họ thể hiện ra qua con người “hành khất” thong dong, an nhiên, tự tại vì cậy trông phó thác nơi Thiên Chúa.
Nét đẹp của họ thể hiện qua “sống vâng phục” trước hết không bởi sự phục tùng mù quáng, tuyệt đối ở một bề trên, nhưng như một trợ giúp phân định, tìm kiếm thánh ý Chúa qua người trung gian đại diện hợp pháp, và chọn lựa tự do của lương tâm cá nhân. Họ đẹp vì là một con người vẫn tự do đi trong an bình giữa các ràng buộc (luật Chúa, luật Hội Thánh, luật dòng,...) vốn bao giờ cũng có đó của mọi phận người.
Họ đẹp rực rỡ vì mỗi ngày mỗi yêu mãnh liệt hơn, và học cho đi tất cả, xuyên qua nước mắt và tiếng cười, cống hiến cho cuộc đời sự sống qua tập chết đi mỗi ngày, vì trong họ có Đức Lang Quân - Đấng đã cho họ tất cả chỉ vì yêu.
––––––––––––––––––––––––––––––––––––––
[1] Yêu là cho đi tất cả, từ tiếng Pháp “Aimer, c’est tout donner” đã được dịch trong 15 thứ tiếng, bản dịch Việt ngữ do Marta An Nguyễn, Nxb Tôn giáo 2015.
[2] Simone Weil (sinh 3.02.1909; chết 24.08.1943), là triết gia người Pháp, theo khuynh hướng thần bí Kitô giáo và là nhà hoạt động chính trị.
[3] SIMONE WEIL, in E. RONCHI, Tu sei bellezza, Paoline, Milano 2008, 73.
[4] Ibid., 73.
(Nguồn: WHĐ)
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm