Yêu thương và tha thứ
WGPSG -- Thứ Sáu Tuần Thánh, ngày cả Giáo hội hoàn vũ cùng nhau giữ chay, kiêng thịt để tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giêsu, thông phần đau khổ với Ngài và đặc biệt là để sám hối về những lần chúng ta đã hèn nhát, không dám tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu Kitô là Đấng cứu độ.
Chính vì yêu thương và muốn tha thứ cho con người phạm tội bất tuân, khởi đầu từ trái cấm của Ađam & Evà. Thiên Chúa đã sai con một Ngài là Đức Giêsu Kitô nhập thể, chịu chết và sống lại để mở đường cho nhân loại thoát khỏi ách tội lỗi của ma quỷ.
Khi tưởng niệm cuộc thương khó, chúng ta đau buồn về sự hi sinh không giới hạn và không chút oán hận của Chúa với những người âm mưu giết Ngài. Ngài chấp nhận từ bỏ chính cuộc sống mình để con người được cứu sống. Ngay cả khi bị sỉ nhục, đau khổ, bị hành hạ dã man; tình yêu của Ngài dành cho người mình yêu không hề thay đổi.
Với một tình yêu thương tột cùng sâu thẳm, Ngài đã vâng theo ý Thiên Chúa Cha tự hiến mình cho cả nhân loại. Những việc làm trong bữa tiệc ly đã trở nên một giá trị tuyệt vời cho lòng yêu mến và khiêm hạ: lấy máu, thịt mình để rửa sạch tội lỗi, nuôi dưỡng nhân loại và cúi xuống rửa chân cho từng môn đệ.
Chúa Giê-u trả giá quá đắt và quá đau cho chương trình cứu độ con người. Câu chuyện ấy đã có thật trong lịch sử cứu độ của Thiên Chúa. Ngài đã đón nhận chén đắng, một chén đắng đầy đau khổ đè nặng lên tâm hồn và thể xác. Nỗi khổ này lên đến cực độ khiến Người phải kêu lên trong vườn Giếtsêmani: "Ápba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn." (Mc 14,36).
Đức Kitô phải trải qua đau khổ mới đạt tới vinh quang phục sinh như những lần Ngài báo trước. Tình yêu thương và sự tha thứ của Ngài dành cho con người thật lớn lao. “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15,13)
Cũng chính vì quá đỗi yêu thương mà thân thể Người đã bị nát tan vì roi vọt, bị đóng đinh và chết treo trên thập giá. Đây chính là kết quả của lòng ghen ghét, sự phản bội, sự bất trung và của những lời tố cáo lên án vô cớ.
Bắt đầu từ lòng ghen ghét của các vị thượng tế, kinh sư và kỳ mục mà đứng đầu là Caipha. Họ gán cho Ngài đã làm những điều trái tai gai mắt, ăn nói lộng ngôn, vi phạm lề luật, dám cả gan đánh đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ… và nhất là việc đám đông dân chúng đi theo Ngài vào thành Giêrusalem với tiếng tung hô vang trời: "Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua Đavít, tổ phụ chúng ta. Hoan hô trên các tầng trời!" (Mc 11,9-10).
Chúa Giêsu bị phản bội hai lần, lần thứ nhất là của Giuđa Ítcariốt và cái hôn là dấu hiệu để cho quân lính bắt Đức Giêsu. Thông thường, nụ hôn là cử chỉ thân thiện, là dấu chỉ của tình yêu mà những người thân muốn trao cho nhau. Nhưng nụ hôn của Giuđa là “nụ hôn của thần chết”, là dấu hiệu “bán đứng” Thầy mình lấy 30 đồng bạc.
Lần thứ hai là của Phêrô chối Thầy, dù ông là một người nhiệt tình sôi nổi, là một tông đồ trưởng đầy năng động: “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy” (Mt 26,35). Nhưng chỉ vài giờ sau khi Chúa Giêsu bị bắt, vì sợ nên ông đã chối phăng là không biết Ngài đến ba lần khi có người nhận ra ông là người đi theo Chúa Giêsu.
Ánh mắt đầy lòng trắc ẩn, tha thứ của Chúa Giêsu nhìn ông sau tiếng gà gáy lần thứ hai đã khiến Phêrô bật khóc ăn năn vì tính hèn nhát của mình. Ông đã được Chúa tha thứ, can đảm rao giảng Tin Mừng và hạnh phúc được chết trên thập giá như Thầy mình.
Dân chúng là những người dễ bị kích động hơn bao giờ hết. Mới hôm nào họ còn theo chân Chúa vào thành với những lời chúc tụng hân hoan thì giờ đây họ lại la ó, gào thét : "Đem đi! Đem nó đi! Đóng đinh nó vào thập giá!" và cuồng nhiệt hơn: "Máu hắn cứ đổ xuống đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi!" (Mt 27,25). Kể cả khi đã bị đóng đinh và treo lên trên thập giá, Ngài còn bị người đi đường qua lại bĩu môi khinh bỉ trong cơn hấp hối (x. Mc 15,29-43).
Trong cuộc sống, đã bao lần chúng ta phản bội Chúa khi không dám xưng khai mình là người Công giáo trong các tờ lý lịch xin việc, thăng quan, tiến chức… Đã bao lần chúng ta bất trung với Chúa khi mải mê tìm kiếm tiền tài, danh vọng mà quên đi lương tâm công bằng của người Công giáo. Đã bao lần chúng ta quay lưng lại với Chúa khi tham dự vào những thú vui trần tục mà quên tham dự Thánh lễ Chúa nhật và các ngày lễ trọng.
Người ta đóng đinh vì người ta ghen ghét Ngài, nhưng Ngài không chấp nhất. Chính Thánh giá tình yêu đã nói với chúng ta rằng Ngài đã yêu và tha thứ không chỉ cho người mình yêu mà còn tha thứ cho cả những người tội lỗi tìm đến với Ngài vào giây phút cuối. Đó là tên trộm lành trở về với Chúa một cách muộn màng trên thập giá nhưng lại được vào Nước Trời với Ngài ngay hôm đó.
Cái chết của Ngài là sự hòa giải chúng ta với Thiên Chúa. Thánh giá Ngài là nhịp cầu bắc qua vực thẳm bị khắc sâu bởi tội lỗi, cứu vớt chúng ta thoát khỏi cõi chết vì chống lại Thiên Chúa và kết hiệp chúng ta một lần nữa với tình thương của Chúa Cha.
Tình yêu của Chúa dành cho con người trước sau như một, ngay cả khi bị liệt vào hàng tội nhân, bị treo trên thập tự giá, trái tim của Ngài tuy bị đâm thủng vẫn rộng mở tuôn tràn ơn tha thứ và cứu độ. Sự hi sinh của Ngài là một hi sinh chấp nhận chết để cứu con người tội lội. Ngài chấp nhận bị dày xéo để chúng ta được tràn đầy ơn của Chúa. Chúa Giêsu chấp nhận hi sinh là chấp nhận bỏ mình đi và đi trọn con đường tha thứ không giới hạn.
Trên Thánh giá, sự yêu thương và tha thứ của Thiên Chúa cũng đi tới tận cùng! Tha thứ cho đến cùng có nghĩa là hi sinh cho đến tận cùng của tình yêu, một hi sinh vượt mọi chướng ngại, xuyên thấu không gian và thời gian. Ngài chấp nhận cho người ta đóng đinh cũng chỉ vì muốn làm cho tình yêu tìm lại được dung mạo thật.
Chúa Giêsu đã tha thứ cho những kẻ giết Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Nếu Ngài đã tha thứ cho kẻ thù, chúng ta cũng có thể tha thứ cho nhau. Tình yêu thương sẽ đi đến tột đỉnh khi chúng ta sẵn sàng tha thứ và trao kẻ thù của ta cho Thiên Chúa, để Ngài xử lý.
Năm 1983, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã noi gương Thầy chí Thánh của mình khi đích thân đến nhà giam để nói chuyện và tha thứ cho Ali Agca, kẻ đã mưu sát mình. Còn chúng ta, đã bao lần chúng ta tham dự nghi lễ tưởng niệm, chiêm ngắm Chúa chịu thương khó nhưng lòng ta vẫn khó thương những người làm mình khó chịu; không tha thứ cho họ dù đó là anh em ruột thịt, bạn bè thân thích!
Tam Nhật Thánh 2015
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm