13 thói quen lành mạnh cho thể xác và tâm hồn
Chương trình Spotlight English có một bài viết khá hay với tựa đề 13 Healthy Habits, tạm dịch là 13 Thói Quen Lành Mạnh. Những thói quen này giúp chúng ta có được sức khỏe thể lý tốt. Khi nghe chương trình này, tôi lại liên tưởng đến những thói quen giúp chúng ta có sức khỏe thiêng liêng tốt. Muốn có được một thói quen tốt, chúng ta phải kiên trì tập luyện để chúng trở thành một sự quen thuộc đối với bản thân. Các bậc cha mẹ nếu giúp con mình từ bé có được những thói quen này, chắc chắn chúng sẽ dễ dàng trở thành những con người quân bình, khỏe mạnh không những về thể lý mà nhất là về đời sống đức tin, đời sống đạo hạnh. Bài viết này nhấn mạnh đến việc luyện tập những thói quen cho đời sống tâm linh nên không phân tích sâu những thói quen liên quan đến sức khỏe thể lý.
Chúng ta cùng nhau tìm hiểu xem sao. Thiết tưởng, dù ở lứa tuổi nào, dù ở bậc sống nào, những chia sẻ dưới đây cũng đều hữu ích cho chúng ta.
Ăn sáng mỗi ngày. Việc này giúp chúng ta cảm thấy tràn đầy năng lượng thể lý lẫn tinh thần cho một ngày làm việc. Còn đối với học sinh, nếu chúng có bữa ăn sáng tốt, việc học hành có điều kiện thuận lợi gặt hái kết quả tốt đẹp. Thói quen này gợi cho chúng ta thói quen đọc kinh sáng mỗi ngày. Cha mẹ hãy là người dạy và nhắc nhở con cái duy trì thói quen này. Khởi đầu một ngày mới chúng ta hãy dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì một giấc ngủ bình yên, đồng thời, xin Chúa thánh hóa mọi việc chúng ta sẽ thực hiện trong ngày. Một khởi đầu tươi đẹp sẽ giúp cho hành trình một ngày sống nảy sinh nhiều điều thú vị và tốt lành.
Ăn cá. Những nhà khoa học chuyên ngành dinh dưỡng khuyên chúng ta ăn cá ít là 2 lần một tuần. Cá có lợi cho hệ thống tim mạch và cho những người hay bị dị ứng (vd. phấn hoa, lông thú vật…). Hình ảnh cá giúp chúng ta liên tưởng đến phép lạ Chúa Giêsu hóa bánh và cá ra nhiều để nuôi dân chúng. Phép lạ này lại là hình ảnh tiên trưng báo trước việc Chúa sẽ thiết lập bí tích Thánh Thể. Thế nên, thói quen ăn cá giúp chúng ta liên kết với thói quen tham dự bàn tiệc Thánh Thể sốt sắng mỗi ngày. Thánh Thể sẽ giúp chúng ta có trái tim biết yêu thương như Chúa và giúp chúng ta đề kháng tốt hơn với những độc hại từ môi trường luân lý xấu. Cha mẹ hãy tập cho con cái thói quen siêng năng tham dự thánh lễ, không chỉ ngày Chúa Nhật, mà cả ngày thường trong tuần nữa.
Ăn những thứ lành mạnh giữa các bữa ăn chính. Tránh những thứ có quá nhiều đường, nhiều muối hay nhiều chất béo. Trái cây tươi là chọn lựa tốt cho bữa ăn vặt. “Mỗi ngày ăn một quả táo sẽ giúp phòng bệnh tốt.” Thói quen này giúp chúng ta nhớ đến thói quen thực hành các việc đạo đức bình dân. Những việc này chắc chắn sẽ mang lại sức mạnh tinh thần cho những ai siêng năng thực hành chúng. Theo Đức thánh cha Phanxicô, trong thực hành đạo đức bình dân, người Kitô hữu đã sống mối tương quan trực tiếp đầy lòng sốt mến với Đức Giêsu, Đức Maria và các thánh ở những đền thánh, trong những cuộc hành hương, rước kiệu, dâng hoa, ở những buổi cầu nguyện chung với nhau tại các nhà nguyện. Đây là ân huệ vô cùng cao quý mà Thiên Chúa đã thương giữ gìn cho toàn thể Giáo Hội.
Uống nước. Nước chiếm tới 60-70% trọng lượng cơ thể. Nước giúp cơ thể hoạt động tốt và giúp thanh lọc những chất có hại cho cơ thể. Muốn loại trừ những độc chất của tâm hồn là những tội lỗi, chúng ta đừng ngần ngại đến với bí tích Hòa Giải mỗi tháng một lần. Bí tích này như nguồn nước trong lành và hữu hiệu tẩy trừ mọi vết bẩn của cõi lòng. Xưng tội đều đặn với lòng thành thực còn giúp chúng ta luyện tập nhân đức khiêm nhường, là nhân đức đối nghịch với mối tội đầu sỏ là tội kiêu ngạo.
Uống trà. Trà giúp cải thiện trí nhớ, bảo vệ răng, ngăn ngừa ung thư và bệnh tim mạch. Ly trà đá hay tách trà nóng cũng đều hữu ích. Nhâm nhi một tách trà gợi cho tôi hình ảnh về giá trị của những lời nguyện tắt. Tôi có thói quen đọc những lời nguyện tắt trước khi học, trước khi làm việc, trước khi ra đường… Quả thật, những lời nguyện tắt như những chất xúc tác giúp cho những công việc, dù đơn sơ nhỏ bé, cũng trở nên tươi thắm, tỏa đầy hương thơm thánh thiện trước mặt Chúa.
Ngủ đủ giấc. Thiếu ngủ sẽ ảnh hưởng trí nhớ và học hành, dễ gây tai nạn giao thông. Thế nên, mỗi tối chúng ta nên dành 7 tiếng để ngủ. Tôi liên tưởng thói quen này với thói quen đọc kinh và xét mình trước khi đi ngủ. Trong giờ kinh tối, chúng ta dành ít phút để hồi tâm, tạ ơn Chúa vì những ơn lành Người ban cho ta, đồng thời cũng để xin lỗi Chúa vì những thiếu sót đã mắc phạm trong một ngày sống. Làm tốt việc xét mình hằng ngày chắc chắn sẽ giúp chúng ta thăng tiến trên con đường trọn lành.
Chăm sóc răng định kỳ (mỗi 6 tháng). Máu cung cấp cho bộ phận răng và miệng cũng kết nối với toàn bộ phần còn lại của cơ thể. Vi khuẩn hiện diện nơi khoang miệng sẽ xâm lấn vào hệ thống tim mạch. Thế nên, răng chắc, khỏe là điều kiện cần thiết để có sức khỏe tốt. Việc chăm sóc răng như thế có thể liên hệ với thói quen luôn nói tốt, nói tích cực về người khác. Hãy dùng lời nói để đem niềm vui, sự đỡ nâng, an ủi, khích lệ đến cho người khác thay cho việc nói hành, nói xấu và xét đoán họ.
Bảo vệ da. Tia cực tím từ ánh nắng mặt trời làm tổn hại da và gây ung thư da nếu tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mà không được bảo vệ đúng mức. Thế nên, cần tránh ánh nắng trực tiếp từ 10g00-15g00. Nếu muốn mình khỏe mạnh về đời sống thiêng liêng, chúng ta cũng cần tránh các dịp tội. Mỗi người có những dịp tội khác nhau. Biết mình dễ sa ngã về phương diện gì thì chúng ta hãy tránh những dịp tội liên quan đến phương diện đó. Càng tránh xa dịp tội càng tốt. Đừng tự tin vào bản thân cách thái quá!
Tạo kết nối xã hội. Kết nối xã hội hài hòa sẽ giúp chúng ta tránh được stress độc hại. Thế nên, nếu chúng ta có tương quan tốt về mặt xã hội, tại sao chúng ta lại không tạo cho mình một thói quen tốt về mặt tâm linh khi tích cực tham gia một công tác, một hội đoàn nào đó tại giáo xứ? Tương tác xã hội, tương tác giáo xứ như thế chắc chắn giúp chúng ta rất nhiều trong đời sống thể lý, xã hội và tâm linh.
Có những sở thích lành mạnh, ví dụ: nghe nhạc, đọc sách, làm vườn, chơi đàn… Những sở thích này đem lại niềm vui và giúp chúng ta thư giãn. Có được những thói quen lành mạnh như thế là tốt, nhưng muốn tốt hơn nữa, chúng ta hãy tập cho mình những sở thích “cao cấp” hơn, chẳng hạn: đọc hạnh các thánh, xem phim giáo dục, nghe thánh ca, vẽ tranh đề tài tôn giáo… Đời sống thánh thiện của các thánh sẽ là nguồn động lực để chúng ta noi gương đời sống thánh thiện của các ngài.
Tập thể dục đều đặn: giúp hệ cơ, xương, khớp hoạt động tốt. Nó còn giúp giảm nguy cơ cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tim mạch, béo phì, giúp cải thiện cảm xúc, khống chế stress… Thói quen này phải chăng cũng giống việc chúng ta thực hành những hy sinh lớn nhỏ trong ngày, ăn chay, tham dự sốt sắng những buổi tĩnh tâm, những kỳ linh thao? Những thực hành như thế được ví như việc tăng cường dưỡng chất tâm linh, giúp đề kháng tốt trước những căn bệnh của tâm hồn.
Đi bộ mỗi ngày. Đi bộ là một hình thức đơn giản của việc tập thể dục. Tập thói quen đi bộ thay cho việc đi thang máy, đi bộ ra chợ, đi bộ đến nhà thờ (nếu chợ hay nhà thờ không quá xa nhà)... Thói quen này cũng giống như việc chúng ta lần chuỗi mỗi ngày. Những bước chân đều đặn khi đi bộ cũng khá giống lời kinh Kính Mừng ngọt ngào, nhịp nhàng mà chúng ta dâng lên Mẹ Maria khi lần chuỗi Mân Côi. Không có vị thánh nào mà không có lòng kính mến Đức Mẹ. Nếu muốn nên thánh, chúng ta hãy dành cho Mẹ một chỗ trang trọng trong tâm hồn chúng ta qua việc lần chuỗi Mân Côi sốt sắng hằng ngày.
Lên kế hoạch cho những hoạt động thể lý vừa kể. Đôi khi, chúng ta gặp khó khăn khi muốn có sức khỏe tốt. Chúng ta bận, chúng ta quên, chúng ta mệt mỏi… và nhiều lý do khác. Nhưng cũng có nhiều lý do để chúng ta tạo dựng cho mình sức khỏe tốt. Cuộc sống chúng ta tùy thuộc vào việc chúng ta lên kế hoạch thực hiện. Nếu có kế hoạch cho thân xác, chúng ta cũng cần có kế hoạch cho đời sống đức tin, đời sống tâm linh. Đó mới chính là sự khôn ngoan đích thực để được hạnh phúc ngay từ đời này và chuẩn bị cho hạnh phúc đời sau nữa. Quả là thú vị, hạnh phúc và tràn đầy niềm vui sống khi chúng ta có một thân xác khỏe mạnh hòa quyện với một tâm hồn đạo hạnh. Đây là khởi điểm để chúng ta có thể hưởng nếm chút gì đó về “sự công chính và thánh thiện nguyên thủy” mà Tổ Tông loài người đã từng tận hưởng trước khi phạm tội bất phục tùng. Vậy, chúng ta còn chần chờ gì nữa. Hãy lên kế hoạch và bắt đầu ngay thôi!
Cầu chúc mọi người, trong năm mới 2020, này có được ngày càng nhiều những thói quen tốt đẹp kể trên.
Lm Giuse Đặng Chí Lĩnh / Nguồn: Sách Nhịp Sống Tin Mừng 38
bài liên quan mới nhất
- Phụng vụ tháng Mười Hai 2020
-
Bình thường mới và Cảnh giác -
Ra đi thanh thản -
Phụng vụ tháng Mười Một 2020 -
Kinh Mân Côi đổi mới cuộc đời -
Phụng vụ tháng Mười 2020: Tháng Mân Côi -
Tu sĩ Công giáo góp phần phòng chống Covid-19 -
Covid-19 ảnh hưởng lâu dài đến An ninh Mạng -
Phụng vụ tháng Chín 2020 & Lễ Mẹ Sầu Bi -
Phụng vụ tháng Tám 2020
bài liên quan đọc nhiều
- Ba 'thị chứng nhân' và Bí mật Fatima
-
Đại dịch 1918-1920: Cái chết của hai vị Thánh trẻ ở Fatima -
ĐGM Luy Nguyễn Anh Tuấn nói về 'Ngoại tình và Tha thứ' -
Hậu quả của quan hệ tình dục ngoài hôn nhân -
Kinh Mân Côi đổi mới cuộc đời -
Tháng Hoa thời Đại dịch -
Ra đi thanh thản -
Chữa lành những vết thương lòng -
Ơn gọi nên thánh trong hôn nhân -
Tư duy tích cực về bản thân