Ba 'thị chứng nhân' và Bí mật Fatima
WGPSG -- Sắp đến tháng Hoa đặc biệt trong đại dịch corona, người ta bắt đầu nhắc đến Bí mật Fatima cùng với các thị chứng nhân: Nữ tu Lucia, Thánh Franciso và Thánh Jacinta. Đây cũng là các mẫu gương sống của thời đại dịch.
Nữ tu Lucia
Hồng y Jose Saraiva Martins - từng là Tổng trưởng của Bộ Phong Thánh và quen biết Lucia trong những năm cuối đời của chị - đã nhận xét Lucia là một nữ tu rất thông minh và giản dị, rất cụ thể và hài hước, rất dễ chịu và đôn hậu…
Là con út trong một gia đình có 7 người con - 6 gái và 1 trai, Lucia đã được cha mẹ là Antonio và Maria Rosa dos Santos sinh ra vào ngày 28-3-1907 (wikipedia, ewtn)tại làng Aljustrel thuộc giáo xứ Fatima, Bồ Đào Nha.
Lucia được rửa tội ngày 30-3-1907, và rước lễ lần đầu khi lên 6 tuổi. Từ lúc 8 tuổi, cô bé đã suốt ngày ở ngoài đồng chăn chiên cùng với những mục đồng khác trong làng.
Và chính trong thời điểm này - khi Lucia đang chăn chiên cùng với hai em họ của mình là Jacinta và Francisco Marto, thì một vị thiên thần đã vài lần hiện đến với ba trẻ này, để chuẩn bị cho các em một sứ mạng đặc biệt: đón tiếp một vị khách lớn sẽ đến từ trời. Đó là Đức Trinh nữ Maria.
Vào ngày 13-5-1917 (lúc ấy Lucia được 10 tuổi), cô và hai em họ đang chăn chiên ở Cova de Iria thì Mẹ Maria đã hiện ra lần đầu với ba em. Mẹ tiếp tục hiện ra với các em vào ngày 13 hằng tháng cho đến tháng Mười năm 1917 (trừ tháng Tám, các em đã không đến được vì bị những viên chức chống Giáo hội ngăn cản và nhốt tù). Trong những lần hiện ra này, Đức Trinh Nữ khuyến khích ba trẻ cầu nguyện, đặc biệt là lần chuỗi Mân Côi, và hy sinh hãm mình. Mẹ cũng truyền đạt một số lời tiên tri về tương lai (kết thúc Thế chiến I, sự gia tăng lầm lạc ở Nga lan rộng khắp thế giới, một số quốc gia bị hủy diệt, một cuộc đại chiến với dấu hiệu báo trước vì con người không sửa đổi, tín hữu bị bách hại…) Vào ngày 13-10-1930, Đức Giám mục José Alves Correia da Silva của Leiria-Fatima đã tuyên bố những lần Đức Mẹ hiện ra ở Fatima là sự kiện đáng tin và cho phép cử hành lòng tôn sùng Đức Trinh Nữ với danh hiệu Đức Mẹ Mân Côi Fatima.
Jacinta và Francisco đã qua đời trong đại dịch Cúm Tây Ban Nha năm 1919. Còn Lucia tiếp tục sống để thực hiện nhiệm vụ Đức Mẹ giao cho mình. Năm 14 tuổi, Lucia vào nội trú trường Các Nữ tu Thánh Dorothée ở Vilar, gần Oporto ở phía bắc Bồ Đào Nha. Vào ngày 24-10-1925, Lucia vào tập tu ở Dòng Thánh Dorothée ở Tuy, vùng Galicie (Tây Ban Nha), cách biên giới Bồ Đào Nha không xa. Tại đây, nữ tu Lucia tiếp tục được Đức Mẹ hiện ra giải thích các thông điệp của Fatima. Lucia khấn lần đầu vào ngày 3-10-1928, và khấn trọn đời vào ngày 3-10-1934 với tên dòng là Nữ tu Maria của Mẹ Sầu Bi.
Vì mong có đời sống chiêm niệm sâu xa hơn, năm 1946, với sự cho phép của Đức Giáo Hoàng, Lucia gia nhập dòng kín Thánh Têrêsa ở Coimbra, và khấn dòng vào ngày 31-5-1949 với tên dòng là Maria Lucia của Chúa Giêsu và Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ.
Năm 1967, nữ tu Lucia đến Fatima để tham dự buổi lễ cử hành kỷ niệm 50 năm Đức Mẹ hiện ra, do ĐTC Phaolô VI chủ tọa. Chị Lucia cũng trở lại Fatima vào ngày 13-5-1982, khi ĐTC Gioan Phaolô II đến đây để cảm ơn Mẹ Maria đã cứu sống ngài trong cuộc ám sát ngày 13-5-1981. Chị Lucia còn trở lại đây đây hai lần nữa: khi ĐTC đến Fatima vào năm 1991; rồi năm 2000, khi ĐTC phong chân phước cho Jacinta và Francisco.
Nữ tu Lucia đã viết hai cuốn sách: sách “Hồi Ký” - kể lại các lần hiện ra của Đức Mẹ Fatima, và sách “Lời Kêu Gọi Từ Thông Điệp Fatima”- trả lời cho nhiều câu hỏi về cách sống thông điệp Fatima.
Trong cuộc hiện ra lần thứ hai ngày 13-6-2017, khi Lucia hỏi "Mẹ có đưa chúng con lên trời không?", Đức Maria đã trả lời: “Mẹ sẽ sớm đưa Jacinta và Francisco về trời. Nhưng con sẽ còn ở lại trái đất này lâu hơn, vì Chúa Giêsu muốn con làm cho người ta hiểu biết và yêu mến Mẹ nhiều hơn nữa. Chúa cũng muốn con cổ động lòng tôn sùng Trái tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ”.
Như vậy, Lucia là một thị chứng nhân khá lâu dài của Đức Mẹ Fatima. Hồng y Jose Saraiva Martins - từng là Tổng trưởng của Bộ Phong Thánh và quen biết Lucia trong những năm cuối đời của chị - đã nhận xét Lucia là một nữ tu rất thông minh và giản dị, rất cụ thể và hài hước, rất dễ chịu và đôn hậu: “Nếu Lucia không phải là một người cụ thể, thông minh, thì chắc tất cả các tài liệu quan trọng về Fatima đã không được viết ra. Nhờ những tài liệu đó mà chúng ta biết được toàn bộ câu chuyện về Đức Mẹ Fatima”.
Sứ mạng thị chứng nhân tại thế của vị nữ tu này đã kết thúc vào ngày 13-2-2005: Lucia qua đời sau nhiều tuần bị suy nhược vì tuổi già sức yếu (thọ 98 tuổi). Một ngày sau khi Lucia về với Chúa, trong lá thư đề ngày 14-2-2005 gửi ĐGM Albino Mamede Oleto (giáo phận Coimbra), ĐTC Gioan Phaolô II [1] viết:
“Nữ tu Lucia để lại cho chúng ta một tấm gương tuyệt vời về lòng trung thành với Chúa và tuân theo ý Chúa với tràn trề niềm vui. Tôi rất xúc động khi nhớ đến những lần gặp gỡ và mối liên hệ thân hữu thiêng liêng ngày càng được được tăng cường thêm với vị nữ tu này. Tôi luôn được những lời cầu nguyện của chị hỗ trợ, đặc biệt là trong những giai đoạn chịu thử thách và đau khổ khắc nghiệt. Nguyện xin Chúa ân thưởng dồi dào cho chị vì đã phục vụ Giáo Hội cách âm thầm mà rất tuyệt vời...” [2]
Thánh lễ an táng nữ tu Lucia được cử hành tại nhà thờ chính tòa Coimbra và linh cữu của chị được chôn cất tại tu viện, sau đó được chuyển đến Vương cung Thánh đường Fatima, bên cạnh mộ phần của Francisco và Jacinta.
Thánh Francisco Marto
Trong bài giảng lễ phong chân phước cho Francisco và Jacinta[3] vào ngày 13-5-2000, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã ví Francisco như Môsê, thấy ngọn lửa bốc cháy mà không bị thiêu rụi.
Chúa đã cho Francisco thấy nỗi “buồn sầu” lớn lao của Chúa! Nên chân phúc đã chỉ có một nguyện ước là “an ủi Chúa Giêsu và làm cho Người vui” bằng cách luôn cố gắng sống tốt, không ngừng dâng lên các hy sinh và lời cầu nguyện.
Francisco sinh ngày 11-6-1908, là người con thứ sáu trong số 7 đứa con của ông bà Manuel và Olimpia Marto.
Khá đẹp trai với mái tóc sáng, Francisco thích các trò chơi, thích gặp gỡ bạn bè, nhưng không thích cạnh tranh. Cậu không hề phàn nàn khi bị đối xử bất công, sẵn sàng từ bỏ một sở hữu quý giá (nhường một chiếc khăn tay đóng dấu hình Đức Mẹ cho một cậu bé, không muốn tranh đấu để giữ lấy nó). Cậu thích hòa hoãn, nhưng lại rất can đảm, ví dụ như khi phải đối đầu với cuộc thẩm vấn của ông thị trưởng. Cậu đã từng là một đứa trẻ nghịch ngợm, có lần đã bỏ những vật lạ không ăn được vào miệng anh trai đang ngủ! Cậu yêu thiên nhiên và động vật, chơi với thằn lằn và rắn, rồi mang về nhà, khiến mẹ cậu phải khó chịu. Có lần, tài sản chỉ có một xu thôi, cậu đã dùng tất cả tài sản nhỏ nhoi đó mà chuộc lấy một con chim trong tay bạn mình, rồi thả cho chú chim được bay tự do. Cậu hay thổi sáo cho Lucia và Jacinta múa hát. Tóm lại, cậu là người tử tế, hiền lành, chưa phải là thánh, nhưng sẵn sàng đón nhận những ân sủng sớm được ban cho cậu.
Khác với Lucia và Jacinta, Francisco chưa bao giờ nghe được những lời của Mẹ Fatima, mặc dù cậu đã nhìn thấy Mẹ hiện ra và cảm nhận sự hiện diện của Mẹ.
Sau khi Đức Mẹ hiện ra lần đầu, Lucia đã truyền tải thông điệp của Mẹ, rằng cậu sẽ được lên thiên đàng nếu siêng năng lần hạt Mân Côi.
Khi Đức Mẹ hiện ra lần thứ hai, Lucia xin Mẹ cho mình được lên thiên đàng, Đức Mẹ đã trả lời rằng Francisco và Jacinta sẽ được sớm đưa về trời, nhưng Lucia sẽ phải đợi một thời gian (Lucia qua đời ngày 13-2-2005 ở tuổi 97).
Khi Đức Mẹ hiện ra lần thứ ba, các em được cho biết một bí mật - trông thấy hỏa ngục - khiến các em thay đổi, trở nên như những người lớn hơn là trẻ em.
Vào thời điểm ấy, ông Artur de Oliveira Santos - là thị trưởng thành phố cũng là một thành viên Tam Điểm - đã đưa ra kế hoạch khủng bố các em. Ông bắt các em phải tự nhận mình nói dối, đe dọa bỏ các em vào chảo dầu sôi. Ông nhốt các em lại khiến ba trẻ không đến được điểm hẹn khi Đức Mẹ hiện ra lần thứ tư (ngày 13-8-1917). Khi ấy Francisco đã tỏ ra hết sức dũng cảm, sẵn sàng chịu chết để được về trời.
Sau đó, các em vẫn tiếp tục đến điểm hẹn với Đức Mẹ trong hai ngày 13 của hai tháng kế tiếp.
Khi Đức Mẹ hiện ra lần thứ năm, bất chấp những lời đe dọa của ông Thị trưởng được đăng trên báo chí, hàng chục ngàn người đã kéo đến xem. Trong số những người tò mò ấy, có giáo sư tiến sĩ Manuel Formigao, người sau đó sẽ thẩm vấn ba trẻ em và đã tin vào tính xác thực của các em.
Khi công chúng biết Đức Mẹ hứa thực hiện một phép lạ trong lần hiện ra kế tiếp, nhiều người quyết định ở đó, và vào ngày 13-10-1917, khoảng 70 ngàn người đã có mặt để chứng kiến phép lạ “mặt trời quay”.
Sau các lần Đức Mẹ hiện ra, cậu bé Francisco đã đến tuổi đi học. Tuy nhiên, cậu cũng dành rất nhiều thời gian cầu nguyện với Chúa Giêsu ẩn mình trong Nhà Tạm. Mối quan tâm lớn của cậu là an ủi cho Chúa được bớt ưu phiền và an ủi Trái Tim Đức Mẹ. Khi được hỏi cậu muốn gì khi lớn lên, Francisco trả lời: "Tôi không không muốn gì cả. Tôi muốn chết và lên trời."
Tháng 8-1918, khi Thế chiến I sắp kết thúc, cả Francisco và Jacinta đều mắc dịch bệnh cúm Tây Ban Nha. Bệnh trở nặng chỉ trong thời gian ngắn. Vào tháng Tư năm sau, Francisco - biết mình không còn sống được bao lâu - đã xin được rước lễ lần đầu. Sáng hôm sau, lúc 10g ngày 4-4-1919, cậu đã từ trần với ánh sáng rực rỡ trên khuôn mặt. Francisco được mai táng vào ngày hôm sau trong nghĩa trang nhỏ ở Fatima, phía bên kia nhà thờ giáo xứ, và sau đó được đưa đến chôn trong Thánh đường ở Cova da Iria.
Thánh Jacinta Marto
Bé Jacinta cảm nhận sâu sắc nỗi buồn đau của Đức Mẹ, nên đã anh dũng hiến thân làm của lễ hy sinh đền tội thay cho các tội nhân.
Một ngày kia, em và Francisco ngã bệnh liệt giường… Đến lúc Francisco hấp hối, Jacinta nói với anh trai: “Cho em gửi lời kính chào Chúa và Đức Mẹ, và thưa với các Đấng rằng em chịu mọi sự các Đấng muốn để các người tội lỗi ăn năn trở lại”.
Jacinta đã từng xúc động sâu xa vì thị kiến hỏa ngục trong cuộc hiện ra ngày 13-7-1917 đến nỗi, để cứu các người có tội, không một việc hãm mình hay đền tội nào bị em coi là quá lớn… (Trích bài giảng lễ của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong dịp phong chân phước cho Francisco và Jacinta [4] vào ngày 13-5-2000)
Jacinta là em út của Francisco, sinh vào ngày 11-3-1910. Cô luôn chiếm được cảm tình của những ai quen biết cô. Xinh đẹp và tràn đầy sức sống, cô bé rất có duyên, thích khiêu vũ, và yêu các loài hoa. Và cô yêu Chúa cách đặc biệt. Lúc 5 tuổi, rớt nước mắt khi nghe kể về cuộc Thương khó của Chúa, cô thề sẽ không bao giờ phạm tội khiến Chúa phải đau buồn.
Jacinta có nhiều bạn, nhưng cô yêu người chị họ Lucia nhiều nhất. Khi Lucia lên mười tuổi, phải đi chăn chiên, không đến chơi với cô được nữa, Jacinta đã năn nỉ mẹ cho cô và Francisco dắt vài con chiên đi ra đồng mà chăm sóc chiên với Lucia. Chiên cũng đã trở thành bạn bè của cô. Cô đặt tên cho chúng, ôm những chiên con trên đùi, và cố vác một con trên vai, giống như những hình ảnh về mục tử nhân lành mà cô đã trông thấy.
Những ngày sống của Jacinta luôn vui tươi và hân hoan, vì cô luôn cùng với Lucia và Francisco thích thú thưởng thức mọi sự chung quanh mình. Các em gọi mặt trời là “ngọn đèn của Đức Mẹ” và gọi những ngôi sao là "lồng đèn của các thiên thần", rồi ra sức đếm những vì sao khi trời về tối. Các em thường hay la lớn những tên gọi để nghe được giọng nói của mình vang vọng qua thung lũng, và cái tên vang vọng rõ nhất chính là "Maria".
Các em đọc Kinh Mân Côi hằng ngày sau khi ăn trưa, nhưng để có thời gian vui chơi nhiều hơn, các em đã rút ngắn Kinh Mân Côi lại: Kinh Lạy Cha chỉ còn vài chữ "Lạy Cha chúng con" đọc vào đầu mỗi chục kinh, tiếp theo là vài chữ “Kính mừng Maria” được đọc mười lần! Việc ‘tầm phào’ này sẽ sớm được thay đổi.
Vào mùa Xuân năm 1916, khi bọn trẻ đang chăn chiên, một thiên thần đã hiện ra với chúng trong một khu rừng ô liu. Thiên thần yêu cầu các em cùng cầu nguyện với ngài. Thiên thần hiện ra một lần nữa vào mùa Hè tại một cái giếng trong vườn nhà Lucia, thúc giục các em hy sinh để đền tội thay cho các kẻ tội lỗi. Trong lần hiện ra cuối cùng vào cuối mùa Hè, thiên thần cầm Bánh thánh bên trên một chén thánh, rồi trao Mình Chúa cho các em. Trải nghiệm này đã tách các em ra khỏi các bè bạn khác và chuẩn bị cho các em biết đón nhận những cuộc hiện ra sắp tới của Đức Mẹ.
Các chuyến viếng thăm sau đó của vị Nữ vương thiên đàng đã làm cho ba trẻ hoàn toàn thay đổi. Jacinta, đôi khi bép xép, đã trở nên điềm đạm và ý tứ hơn. Sau khi Đức Mẹ hiện ra lần đầu, Lucia và Francisco đã thề giữ bí mật và đã thực sự giữ kín, không cho ai biết. Nhưng Jacinta, quá phấn khích, buột miệng kể hết những gì mình nhìn thấy cho người nhà, và sau đó người nhà kể lại cho cả làng. Nhiều người tiếp nhận tin tức này với sự hoài nghi, nhạo báng. Riêng mẹ của Lucia thì rất tức giận. Vì thế, Jacinta hết sức ân hận, cô hứa sẽ không bao giờ tiết lộ thêm bất kỳ bí mật nào khác nữa.
Việc nhìn thấy hỏa ngục trong lần thứ ba Đức Mẹ hiện ra, dường như đã ảnh hưởng nhiều nhất trên Jacinta. Để giải cứu những người tội lỗi khỏi lửa hỏa ngục, cô bé là người đã tự nguyện hãm mình hy sinh nhiều nhất trong ba trẻ: khi thì nhịn ăn trưa, nhịn uống nước trong những ngày nóng nực, lúc thì đeo một sợi dây thừng có nhiều nút thắt rất khó chịu chung quanh bụng. Những hy sinh đau đớn khác mà Jacinta - cùng với Lucia và Francisco - phải gồng mình đón nhận, chính là những nhạo báng của những kẻ không tin, những quấy rầy của những giáo sĩ hoài nghi, và những khiêu khích của những tín đồ muốn ba trẻ phải tiết lộ bí mật.
Sau phép lạ mặt trời quay, Jacinta đã nhận được nhiều ơn đặc biệt. Có một lần cô bé dường như ở hai nơi cùng một lúc để giúp cho một chàng trai trẻ tìm thấy đường về nhà. Lạc trong một khu rừng rậm, anh đã quì gối cầu xin, và Jacinta đã xuất hiện để cầm tay chàng trai dắt đi, trong khi cô bé cũng vẫn đang ở nhà cầu nguyện cho chàng trai này.
Khi mắc dịch bệnh Cúm Tây Ban Nha, Jacinta đã phải rời gia đình đến một bệnh viện cách đó vài dặm. Cô không phàn nàn, vì Đức Mẹ đã báo trước với Jacinta rằng cô sẽ đi đến hai bệnh viện, không phải để được chữa trị, mà để chịu đau khổ vì yêu Chúa và đền tội thay cho những kẻ tội lỗi. Cô ở lại bệnh viện thứ nhất trong hai tháng, chịu những cuộc điều trị đau đớn, sau đó, trở về nhà. Rồi bị lao phổi, cô được gửi tới Lisbon, trước tiên vào một cô nhi viện Công giáo. Ở đó, cô cảm thấy thật hạnh phúc vì có thể tham dự Thánh lễ và viếng Chúa. Nhưng chỉ ở đấy một thời gian rất ngắn, cô bé đã nhanh chóng được chuyển đến một bệnh viện thứ hai như Đức Mẹ đã báo trước, nơi đó Jacinta đã đón nhận một hy sinh cuối cùng là chết cô đơn một mình vào ngày 20-2-1920. Thân xác cô được nghỉ yên trong Thánh đường ở Cova da Iria, nơi Đức Mẹ đã từng hiện ra với cô.
Bí mật Fatima
Trong 6 lần hiện ra của Đức Mẹ tại Fatima, từ tháng 5 đến tháng 10 năm 1917, Đức Trinh Nữ Maria đã giao phó ba bí mật cho ba trẻ chăn chiên.
Bí mật đầu tiên là nhìn thấy hỏa ngục, khiến các em vô cùng sợ hãi để rồi sau đó đã không ngừng gia tăng lời cầu nguyện, mong xin được ơn sám hối cho kẻ có tội. Lucia đã kể lại cảnh rùng rợn này của hỏa ngục: "Có những quỷ dữ và những linh hồn chìm trong biển lửa mênh mông… giữa những tiếng kêu đau đớn và rên rỉ tuyệt vọng. Cảnh đó khiến chúng tôi hết sức kinh hoàng và run rẩy sợ hãi."
Bí mật thứ hai mang tính tiên tri. Đức Mẹ nói với ba trẻ rằng nếu con người không ngừng xúc phạm đến Thiên Chúa, thì sẽ có Thế chiến II. Mẹ cũng báo trước những lầm lạc ở nước Nga sẽ lan rộng, dẫn đến việc bách hại Giáo hội và Đức Giáo hoàng. Để tránh bớt những tệ nạn này, Đức Mẹ đã kêu gọi siêng năng lần hạt Mân Côi, sám hối và thực hiện trên toàn thế giới việc tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria.
Bí mật thứ ba liên quan đến Giáo hội và Giáo hoàng. Ba trẻ trông thấy một giám mục mặc áo trắng, được xác định là Đức Giáo hoàng, bị bắn giết cùng với nhiều tu sĩ, linh mục và giáo dân thuộc nhiều tầng lớp xã hội khác nhau. Bí mật này được diễn giải như là những cuộc bách hại mà Giáo Hội đã phải trải qua trong thế kỷ 20. Chính Đức Gioan Phaolô II đã được nhận ra trong thị kiến của bí mật này - khi ngài bị bắn ngã gục vào ngày 13-5-1981, bị thương nặng và nhờ Đức Mẹ ra tay cứu chữa mới thoát chết trong gang tấc.
Mặc dù có tới ba bí mật Fatima, nhưng chỉ có ‘một sợi chỉ đỏ’ xuyên suốt tất cả, đó là lời mời gọi sám hối tội lỗi, thay đổi cách sống mỗi ngày một tốt hơn, vì chính những hành vi xấu xa của con người là nguyên nhân gây nên tất cả những điều tồi tệ được nhắc đến trong ba bí mật của Fatima.
Vi Hữu chuyển ngữ và tổng hợp từ PIERCED HEARTS, EWTN (Eternal Word Television Network ) và CNA (Catholic News Agency) / Nguồn: Sách Nhịp Sống Tin Mừng 10.2017
[1] ĐTC Gioan Phaolô II cũng qua đời sau chị Lucia khoảng 2 tháng (ngày 2-4-2005), thọ 85 tuổi.
bài liên quan mới nhất
- Phụng vụ tháng Mười Hai 2020
-
Bình thường mới và Cảnh giác -
Ra đi thanh thản -
Phụng vụ tháng Mười Một 2020 -
Kinh Mân Côi đổi mới cuộc đời -
Phụng vụ tháng Mười 2020: Tháng Mân Côi -
Tu sĩ Công giáo góp phần phòng chống Covid-19 -
Covid-19 ảnh hưởng lâu dài đến An ninh Mạng -
Phụng vụ tháng Chín 2020 & Lễ Mẹ Sầu Bi -
Phụng vụ tháng Tám 2020
bài liên quan đọc nhiều
- Đại dịch 1918-1920: Cái chết của hai vị Thánh trẻ ở Fatima
-
ĐGM Luy Nguyễn Anh Tuấn nói về 'Ngoại tình và Tha thứ' -
13 thói quen lành mạnh cho thể xác và tâm hồn -
Hậu quả của quan hệ tình dục ngoài hôn nhân -
Kinh Mân Côi đổi mới cuộc đời -
Tháng Hoa thời Đại dịch -
Ra đi thanh thản -
Chữa lành những vết thương lòng -
Ơn gọi nên thánh trong hôn nhân -
Tư duy tích cực về bản thân