Bình thường mới và Cảnh giác
WGPSG -- Cần cảnh giác và nhanh nhạy nhận ra ý Chúa nơi các dấu chỉ thời đại...
Bình thường mới
‘Bình thường mới’ là một cụm từ đã trở nên phổ biến và quan trọng, muốn cảnh báo với mọi người rằng: “Cuộc chiến chống Covid-19 còn lâu mới hết. Đại dịch chưa chấm dứt. Khi chưa có vắc-xin hay thuốc trị liệu, mỗi người đều có nguy cơ bị lây nhiễm. Vì thế, cuộc sống bình thường trong hiện tại chính là luôn phải đối diện và phòng chống virus corona.”
Cụm từ này nhắc nhở: “Ở một số nơi, các ca lây nhiễm có vẻ giảm bớt, một số biện pháp phòng ngừa được bãi bỏ. Nhưng như thế không có nghĩa là chúng ta nên trở về với tình trạng ‘bình thường cũ’ như trước đây. Nếu chúng ta không cảnh giác để bảo vệ mình và người khác, các ca lây nhiễm sẽ gia tăng trở lại.”
Điều này vừa xảy ra cho các nước ở châu Âu: Vào cuối tháng 10-2020, hàng loạt nước châu Âu đã phải tái phong tỏa toàn quốc, và người ta phải cay đắng thốt lên: Biện pháp ‘không thể tưởng tượng nổi’ này đã trở thành ‘không thể tránh khỏi’.
Ngày 28-10, trong bài phát biểu từ điện Elysée và được truyền hình trực tiếp, Tổng thống Pháp thông báo: Kể từ 0g thứ Sáu 30-10-2020, nước Pháp áp dụng trở lại biện pháp phong tỏa ít nhất là cho đến ngày 1-12.
Như vậy, sáu tháng sau đợt phong tỏa đầu tiên, lại một lần nữa nguyên thủ Pháp Macron phải chọn biện pháp cũ kỹ, lạc hậu nhất, tốn kém nhất và hàm chứa sự phá hủy cao nhất: “nhốt người dân trong nhà để bảo vệ họ”. Hậu quả là các công ty sẽ ồ ạt phá sản, hàng trăm ngàn lao động sẽ bị sa thải, giới trẻ sẽ không thể tìm được việc làm… Biện pháp mà chức trách Pháp từng coi là “không thể nghĩ tới” nay được coi là “không thể không làm”!
Tất cả đều chệch hướng
Báo Le Figaro than thở: “Từ giải tỏa đến suy sụp: Làm thế nào mà chúng ta lại đi đến nỗi này?” Tờ báo đã giải thích bằng một câu chuyện có 5 chương, dài 5 tháng:
Vào tháng 6, sau khi nước Pháp ra khỏi phong tỏa, dịch bệnh không bùng phát ngay lập tức khiến mọi người khi đó nghĩ rằng cơn ác mộng Covid-19 đã kết thúc.
Đến tháng 7, Hè về, virus corona vẫn thầm lặng tiến bước, nhiều người trong giới trẻ nhiễm bệnh nhưng ít ca bệnh nặng khiến mọi người cảm thấy ‘vô lo’.
Qua tháng 8, dịch bệnh tiếp tục lây lan nhưng không mạnh như hồi mùa Xuân, vì thế không ai muốn nghe những lời cảnh báo của các chuyên gia. Chiến dịch xét nghiệm đại trà khiến các cơ sở xét nghiệm và cơ quan theo dõi tìm kiếm người nhiễm virus đều quá tải. Người Pháp thiếu ý thức kỷ luật, còn chính phủ vẫn kiên trì theo quan điểm ‘phải sống chung với virus’. Với cung cách và quan điểm như thế, cả hai đều đã chệch hướng.
Đến tháng 9, virus corona lây lan nhanh chóng, các khoa hồi sức tiếp nhận ngày càng nhiều bệnh nhân, nhiều vùng chuyển sang cấp báo động đỏ.
Và cuối cùng, vào tháng 10 “dịch bệnh đã diễn biến ngoài tầm kiểm soát”. Nước Pháp đành phải tái phong tỏa cho dù hậu quả về kinh tế sẽ hết sức nặng nề.
Cùng chung nhận định với báo Le Figaro, tờ báo thiên tả Libération cho rằng tình hình dịch bệnh tạm lắng dịu hồi mùa Hè vừa qua đã tạo ra một ảo ảnh và “sau ảo ảnh mùa Hè, các ca tử vong bùng nổ”.
Từ thả lỏng đến mất kiểm soát
Với bài viết “Covid: Từ thả lỏng đến mất kiểm soát”, Báo La Croix đã tổng hợp nhận định của nhiều chuyên gia dịch tễ: Làn sóng dịch thứ hai không phải là điều đáng ngạc nhiên, nhưng Pháp đã đánh giá quá thấp tốc độ lây lan của virus, dẫn đến bị bất ngờ. Các biện pháp phòng dịch không phải là vô ích nhưng là không đủ. Việc không duy trì phương thức làm việc từ xa sau khi gỡ bỏ phong tỏa là một sai lầm đáng tiếc…
Tinh thần cảnh giác của mùa Vọng
Bài viết “Covid: Từ thả lỏng đến mất kiểm soát” chính là lời cảnh báo mạnh mẽ, nhắc nhở mọi người luôn phải cảnh giác vì virus corona - với sức lây nhiễm khủng khiếp - vẫn đang hoành hành trên thế giới.
Cảnh giác cũng là tinh thần của mùa Vọng. Bài Tin Mừng của Chúa nhật I Mùa Vọng năm B mời gọi chúng ta:
“Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng. Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ.” (Mc 13,35).
Cần cảnh giác thường xuyên vì không biết ta sẽ chết lúc nào. Lúc đó, ta sẽ ra trước tòa Chúa với tình trạng tội lỗi hay thánh thiện? Ta sẽ vào thiên đàng hay sẽ bị trầm luân, khốn khổ…?
Cần cảnh giác thường xuyên để đón nhận được Chúa cùng với những ơn Chúa ban cho ta vào những thời điểm bất ngờ. Không đón nhận được những ơn này là đánh mất đi những cơ hội tuyệt vời của cuộc sống.
Cần cảnh giác thường xuyên để tránh được những cơn cám dỗ của tội lỗi và ma quỷ - được Kinh Thánh mô tả như sư tử hằng rình mò xâu xé ta. Chỉ cần một chút lơ đãng là ta trở thành mồi ngon của chúng.
Cần cảnh giác thường xuyên để đừng sống trong ảo tưởng về bản thân và thế giới, hầu không phải rơi vào hoàn cảnh tương tự như điều được nói đến trong một bài báo của Libération: “Tình hình dịch bệnh tạm lắng dịu hồi mùa Hè vừa qua đã tạo ra một ảo ảnh và sau ảo ảnh mùa Hè, các ca tử vong đã bùng nổ.”
Nếu không cảnh giác, ta sẽ phải cay đắng thấy bản thân mình suy sụp, để thốt lên: “Làm thế nào mà tôi lại phải đi đến nỗi này?” Nếu phải thốt lên câu này sau khi bất ngờ phải chết, thì quả là đã quá muộn màng…
Cần cảnh giác và nhanh nhạy nhận ra ý Chúa nơi các dấu chỉ thời đại, giống như các nhà đạo sĩ phương Đông - đã nhận ra ánh sao để đi theo mà đến được với Chúa, và sau đó cũng đã nhận ra lời cảnh báo để không trở lại gặp vua Hêrôđê nữa, nhưng “đi lối khác mà về xứ mình”.
Trên đây là trích đoạn của Bài Chủ đề được đăng trong sách Nhịp Sống Tin Mừng tháng Mười Hai 2020 - do Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn thực hiện và Truyền Thông Công Giáo Việt Nam biên soạn - với các nội dung phong phú, đặc biệt là các phần sau đây:
Lời chúc Mùa Vọng và Giáng Sinh của vị Chủ Chăn
Bối cảnh Tin Mừng
Suy niệm Lời Chúa hằng ngày
Phụng vụ tháng Mười Hai 2020
Chủ đề: Bình thường mới và Cảnh giác
Ơn gọi làm đẹp
Liệu pháp ‘Thân Chủ - Trọng Tâm’
Thời sự Công giáo đáng nhớ
Giáo xứ Trung Bắc
Đất với Người
Không hối tiếc.
Bước vào Năm Phụng vụ mới, khởi đi từ tháng 12-2020, Sách Nhịp Sống Tin Mừng sẽ có thêm phần Suy niệm Lời Chúa hằng ngày.
Đặc biệt, ở trang đầu tiên sẽ có Lời Chủ Chăn của Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng.
Sách dày 124 trang (12 trang 4 màu, 112 trang 2 màu), giá bán: 16.000đ.
Kính mời Quý Độc giả đón xem và ủng hộ để cùng nhau cộng tác vào việc loan báo Tin Mừng.
Kính chúc Quý Độc Giả luôn được tràn đầy ân lộc của Thiên Chúa.
Ban Biên tập NSTM
Liên lạc:
Toà Tổng Giám mục TP.HCM
180 Nguyễn Đình Chiểu, P.6, Q.3, TP.HCM
ĐT: (028)3930.0492, (028)3930.4523
Email: nhipsongtinmung@gmail.com
Trung tâm Mục vụ TGP.TPHCM,
6bis Tôn Đức Thắng, P. Bến Nghé, Q.1, TP.HCM
ĐT: 0909 495 222 (Cô Thăng), 0908 103 157 (Cô Nga)
(028)3600.7654, (028)3911 8864
bài liên quan mới nhất
- Phụng vụ tháng Mười Hai 2020
-
Ra đi thanh thản -
Phụng vụ tháng Mười Một 2020 -
Kinh Mân Côi đổi mới cuộc đời -
Phụng vụ tháng Mười 2020: Tháng Mân Côi -
Tu sĩ Công giáo góp phần phòng chống Covid-19 -
Covid-19 ảnh hưởng lâu dài đến An ninh Mạng -
Phụng vụ tháng Chín 2020 & Lễ Mẹ Sầu Bi -
Phụng vụ tháng Tám 2020 -
Mục vụ Không gian Mạng thời Covid-19
bài liên quan đọc nhiều
- Ba 'thị chứng nhân' và Bí mật Fatima
-
Đại dịch 1918-1920: Cái chết của hai vị Thánh trẻ ở Fatima -
ĐGM Luy Nguyễn Anh Tuấn nói về 'Ngoại tình và Tha thứ' -
13 thói quen lành mạnh cho thể xác và tâm hồn -
Hậu quả của quan hệ tình dục ngoài hôn nhân -
Kinh Mân Côi đổi mới cuộc đời -
Tháng Hoa thời Đại dịch -
Ra đi thanh thản -
Chữa lành những vết thương lòng -
Ơn gọi nên thánh trong hôn nhân