Hạnh Thánh Vinhsơn Đỗ Yến, tử đạo ngày 30/06/1838
Thánh
Vinhsơn ĐỖ YẾN
Linh mục dòng Đa Minh (1764 - 1838)
Ngày tử đạo: 30 tháng 6
Tôi sẵn lòng chịu chết,
chứ không nói dối để được sống.
Thánh Vinhsơn Đỗ Yến sinh năm 1764 tại Trà Lũ, xứ Phú Nhai, tỉnh Nam Định (nay thuộc giáo xứ Phú Nhai, Giáo phận Bùi Chu). Năm 1798, cha được Đức cha Delgado - Y phong chức linh mục. Sau đó cha từng bị bắt nhưng được tín hữu dùng tiền chuộc về.
Ngày 22/07/1807, cha Vinhsơn Đỗ Yến lãnh áo dòng Đa Minh. Nhiệt tâm với sứ vụ, cha Vinhsơn không nề quản mệt nhọc hiểm nguy, luôn vui tươi, khôn ngoan, bình tĩnh và dịu hiền. Cha từng đảm trách xứ Kẻ Mốt trước khi về Kẻ Sặt, Hải Dương.
Năm 1838, chiếu chỉ cấm đạo của vua Minh Mạng được thi hành triệt để. Cha xứ Kẻ Sặt Vinhsơn Đỗ Yến đau lòng chứng kiến cảnh giáo dân bị cưỡng ép hạ ngôi thánh đường do bao công sức vất vả xây dựng nên. Vì thương đoàn chiên, ngài ở lại giữa họ, nay nhà này mai nhà khác, ban đêm lo cử hành phụng vụ, ban ngày đi thăm giáo dân.
Khi hay tin cha Đỗ Yến vẫn ở Kẻ Sặt, quan quân liền tăng cường việc lùng bắt và đe dọa tàn phá bình địa làng Sặt. Để đoàn chiên được yên ổn, vị chủ chăn âm thầm ra đi, hoàn toàn tín thác vào bàn tay Chúa quan phòng. Tại họ Lực Điền, Hưng Yên, cha Yến bị ông cai Phan cho người bắt và giải về Hải Dương.
Tuần phủ Hải Dương vốn có lòng nhân hậu, đề nghị cha khai mình là lang y để có thể tha. Nhưng cha trả lời: “Không, tôi không phải là thầy lang. Tôi là thầy cả chuyên giảng đạo và tế lễ Thiên Chúa. Tôi sẵn lòng chịu chết vì lẽ đó, chứ không nói dối để được sống”.
Quan tìm cách khác để cứu cha. Ông cho vẽ vòng tròn chỗ cha đứng, bảo ngài bước qua đó như bước qua Thánh Giá vậy. Một lần nữa cha lại cương quyết từ chối: “Làm như thế không khác nào tôi chối đạo”. Quan tuần phủ thấy không thể làm lay chuyển đức tin vị linh mục lão thành, liền làm sớ gửi về kinh. Để khỏi phải đích thân xử án người vô tội, quan xin triều đình cho giải cha về nguyên quán là tỉnh Nam Định, nhưng vua Minh Mạng không chấp thuận và kết án tử hình tại chỗ.
Bản án ký ngày 20/06/1838. Trong ba tuần lễ bị giam, nhờ sự can thiệp của ông lang Hàn, cha Đỗ Yến không phải mang gông xiềng và được giáo hữu đến thăm.
Ngày 30/06/1838, quan tuần phủ thi hành bản án. Cha Vinhsơn hiên ngang tiến ra pháp trường ở gần họ Bình Lao, cách thành Hải Dương một cây số về phía Tây. Gương mặt hiền từ của vị linh mục lão thành đáng kính với dáng điệu thanh cao khiến nhiều người xúc động.
Tới nơi ngài quỳ gối cầu nguyện thật sốt sắng, rồi lý hình thi hành phận sự. Quan tặng một tấm vải để tẩm liệm, truyền khâu đầu vị tử đạo vào cổ, và cho phép tín hữu họ Bình Lao đưa về an táng. Tám tháng sau, tín hữu cải táng thi hài vào nhà thờ Thọ Ninh.
Linh mục Vinhsơn Ðỗ Yến được suy tôn chân phước ngày 27/05/1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19/06/1988.
(Nguồn WHĐ)
bài liên quan mới nhất
- François Pallu: vị Thừa sai nhiệt thành thánh thiện
-
"Hãy theo Thầy": Trở về với đức tin nhờ các vị Giáo Hoàng đương đại -
Quà tặng cuối cùng của cha Carlo Gnocchi -
Hạnh Thánh Phêrô Nguyễn Văn Tự, tử đạo ngày 05 tháng 9 năm 1838 -
Cha cố GB Đoàn Vĩnh Phúc: “Nên mọi sự cho mọi người” -
Ngôi làng hy vọng -
Thánh Giuse Đặng Đình Viên, tử đạo ngày 21 tháng 8 năm 1838 -
Những nơi tử đạo và các chứng nhân cho niềm tin -
Hạnh Thánh Giacôbê Đỗ Mai Năm, tử đạo ngày 12 tháng 8 năm 1838 -
Hạnh Thánh Đaminh Nguyễn Văn Hạnh, tử đạo ngày 01 tháng 8 năm 1838
bài liên quan đọc nhiều
- "Hãy theo Thầy": Trở về với đức tin nhờ các vị Giáo Hoàng đương đại
-
Phong thánh: Chỉ cần một phép lạ thôi -
Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II sống GH Mầu nhiệm, Hiệp thông, Sứ vụ -
Đời sống tâm linh của Đức Gioan Phaolô II -
Đức Gioan Phaolô II: Vị Giáo hoàng của giới trẻ -
Quà tặng cuối cùng của cha Carlo Gnocchi -
Hạnh Thánh Phêrô Nguyễn Văn Tự, tử đạo ngày 05 tháng 9 năm 1838 -
Hạnh Thánh Phanxicô Đỗ Văn Chiểu, tử đạo ngày 26/06/1838 -
Những nơi tử đạo và các chứng nhân cho niềm tin -
Hạnh Thánh Bênađô Vũ Văn Duệ, tử đạo ngày 01 tháng 8 năm 1838