Phong thánh: Chỉ cần một phép lạ thôi
Trong chuyến đi Ad limina vừa qua của HĐGMVN, các giám mục đã gặp gỡ Bộ Phong thánh và xin tuyên phong chân phước cho một số vị như Đức cha Lambert de la Motte, Đức cha François Pallu, Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, cha Phanxicô Trương Bửu Diệp. Riêng Chân phước Anrê Phú Yên thì Bộ Phong thánh trả lời rằng chỉ cần một phép lạ là đủ để tuyên phong hiển thánh.
Ngày 25 tháng 6 năm 2009, các giám mục Việt Nam đến thăm Bộ Phong thánh. Đức Tổng giám mục Angelo Amato, Bộ trưởng và Đức Tổng Giám mục Michele di Ruberto, Tổng thư ký, cùng nhiều vị “niềm nở đón tiếp”. Đức cha Giuse Võ Đức Minh có trình bày ước nguyện xin Tòa thánh tuyên thánh cho thầy giảng An rê Phú Yên và phong chân phước cho các vị khác như Đức cha Lambert de la Motte MEP, Đức cha François Pallu MEP, Đức Hồng y Phanxicô Xaviê; riêng Đức Cha Tri Bửu Thiên xin cho cha Phanxicô Trương Bửu Diệp. Các vị thuộc Bộ Phong thánh lắng nghe và trả lời các câu hỏi. Các giám mục Việt Nam rất ngạc nhiên là hồ sơ phong thánh cho Chân phước Anrê Phú yên đã được tập hợp sẵn trên bàn các vị đặc trách. Nhưng tại sao lại chậm trễ? Các vị chuyên môn đã giải thích rằng, điều cần hiện nay là một phép lạ hiển nhiên qua sự can thiệp của Chân phước. Các giám mục Việt Nam thắc mắc là tại sao trong vụ phong nhiều thánh Tử đạo tại Việt Nam trước đây đã không yêu cầu chuyện phép lạ. Các chuyên viên giải thích rằng nếu phong thánh tập thể cho nhiều vị Tử đạo một lúc cùng một thời kỳ thì quả thật không cần, nhưng trong trường hợp riêng lẻ thì buộc phải có phép lạ.
Phép lạ là gì? Sau đây là ý kiến của Ðức Giám mục José Luis Gutierrez thuộc Bộ Phong thánh (Bản tin trên Zenit ngày 19-10-2003 do Lang Biang dịch)
Trong tiến trình lịch sử, đề tài những phép lạ luôn là một trong những điểm gây ra nhiều tranh chấp giữa khoa học và đức tin. Thực thế, phép lạ dường như thách thức lý trí và thế giới duy lý. Giáo Hội định nghĩa phép lạ như thế nào? Phải có gì để phép lạ được nhìn nhận? Báo cáo viên của Bộ Phong Thánh, Ðức Giám mục José Luis Gutierrez đã đề cập đến những câu hỏi này hôm thứ ba vừa qua (14-10-2003) trong cuộc họp được tổ chức trong bối cảnh chương trình cử nhân “Khoa học và Ðức Tin” tại trường Giáo Hoàng Regina Apostolorum.
Phép lạ là gì? ĐGM Gutierrez giải thích rằng đối với những nhà thần học, phép lạ “thông truyền một thông điệp cứu độ, đó là một điều phi thường đặc biệt làm mọi người khâm phục, một biến cố vượt trên những luật vật chất. Mục đích của phép lạ không nhằm gây thán phục nhưng là thông truyền một thông điệp cứu độ.”
Dưới khía cạnh học thuyết, ĐGM Gutierrez nói rõ rằng “chỉ có Thiên Chúa mới làm phép lạ, Mẹ Maria và các thánh can thiệp vào.” Theo thánh Thomas, “phép lạ vượt trên thiên nhiên được tạo dựng và chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm được,” ngài cũng nói: “những phép lạ thật chỉ có thể xảy ra do nhờ Thiên Chúa.”
Trong những lý do để phong á thánh và phong thánh, những phép lạ được coi như do sự can thiệp của người tôi tớ của Thiên Chúa hay của một vị thánh.
Để giúp hiểu án phong á thánh và phong thánh diễn tiến như thế nào, ĐGM Gutierrez đã mô tả những giai đoạn khác nhau: “Phong á thánh và phong thánh là một hành vi của Đức Giáo Hoàng, dựa trên một nghiên cứu của Bộ Phong thánh trước đó. Một bản án được thiết lập ở mức độ giáo phận qui tụ tất cả những bằng chứng về đạo hạnh của đối tượng. Những bản viết của đối tượng được nghiên cứu, những chứng nhân về đời sống của họ được nghe. Tất cả những bằng chứng được qui tụ lại trong một hồ sơ được gọi là “Positio.” Sau đó là phần khám y tế khoa học để kiểm điểm sự đích thực của phép lạ. Chặng tiếp là thỉnh ý kiến của các nhà thần học. Tất cả được kiểm điểm cặn kẽ. Hồ sơ sau đó được chuyển tới các giám mục và các hồng y rồi tới Đức Giáo Hoàng. Theo những ý kiến khác nhau của những uỷ ban, Ngài quyết định phong á thánh và phong thánh.”
ĐGM Gutierrez nói rõ rằng việc thừa nhận một phép lạ dựa trên điều tra của một uỷ ban y tế khoa học và sự xác thực đạo đức, nghĩa là phép lạ đã diễn ra phải là kết quả của sự cầu khấn xin can thiệp.
ĐGM Gutierrez kết luận: “Thiên Chúa là người Cha rất chú ý đến gia đình của Ngài. Ngài nghe những lời cầu khấn và động lòng. Ngài can thiệp bởi tình yêu của Ngài đối với con cái.”
Như vậy, phép lạ không thể áp dụng rộng rãi theo nghĩa rộng thường dùng: sự lạ, chuyện lạ, chuyện kỳ quặc, v.v… Phép lạ có được nhờ ảnh hưởng siêu nhiên nhưng lại phải được kiểm tra dưới ánh sáng khoa học và thông qua Tòa Án Phong Thánh.
Đọc lại tiểu sử Chân phước Anrê Phú Yên, chúng ta chứng kiến không ít chuyện kể về các sự kiện lạ lùng: thí dụ ba ngày lửa cháy Dinh Trấn Thanh Chiêm, chuyện tàu bè về đến Macau an toàn khi con tàu chở xác thánh không đi theo hải trình được quy định mà có một sức cưỡng chế nào đó phải đi theo hướng mới. Khi về đến Macau mới biết tin cướp biển Hòa lan bắt gọn một số tàu Bồ Đào Nha qua lại theo hải trình định sẵn trong thời điểm đó.
Rồi trong cuộc đón rước xác thánh tại Macau, hai, ba tai nạn nguy hiểm xảy ra: súng “mút kê” nổ tung, quan tài bị ngã nguy hiểm... mà mọi người vẫn an toàn (xem truyện kể của thầy Antonio Torres). Riêng Linh mục Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) trong sách Hành trình và Truyền giáo phần 3, chương 3, đã kể câu chuyện lạ: thuyền ngài bị Hòa Lan bắt giữ, sau đó tiếp tục lên đường và tai nạn xảy ra, tàu va phải đá ngầm. Tưởng là tàu an toàn, không ngờ, sau bảy ngày tàu đến bến, khi kiểm soát mới thấy viên đá cắm chặt vào thân tàu mỏng manh. Ngài quy chiếu phép lạ nầy do việc bầu cử của thầy giảng Anrê, mà thủ cấp đang được ngài mang về Giáo đô Rôma.
Hàng trăm năm qua đã xảy ra biết bao nhiêu phép lạ do sự bầu cử của Á thánh. Chúng ta chỉ kể nhau nghe mà chưa bao giờ làm hồ sơ để được giáo quyền chính thức xác nhận. Tôi đã từng nghe chuyện của anh H. và gia đình, hiện định cư ở Hoa Kỳ kể lại về việc gia nhập Giáo Hội Công Giáo của gia đình anh nhờ, sự bầu cử của Á thánh. Không dễ gì cải đạo mà không có một dấu chứng đặc biệt nào đó. Chính gia đình anh cũng đã tạo điều kiện cho giáo phận Đà Nẵng có được một khoản tiền không nhỏ để thực hiện một ước mơ… mà lúc đầu chỉ nghĩ là chuyện không tưởng. Kể từ hai năm nay, tôi cũng kiểm chứng những sự lạ mà mình không lý giải được về phía giáo dân (lành bệnh ngoạn mục, ước mơ thành hiện thực…)
Nhưng nói gì thì nói, minh chứng gì thì minh chứng... Chuyện quan trọng là phải được Bộ Phong Thánh xác nhận theo một số điều kiện đã được Giáo Hội công bố, ghi trên giấy trắng mực đen.
Huấn thị Sanctorum Mater (Mẹ các Thánh) của Thánh Bộ Phong thánh ghi rõ:
Điều 30, (§2): “Trong một vụ án xưa, các cuộc điều tra sẽ tập chú chính yếu vào việc tra cứu của các chuyên viên lịch sử và văn khố, đồng thời vẫn cần thiết phải chất vấn ít nhiều chứng nhân về hiện trạng tiếng tăm của sự thánh thiện hay cuộc tuẫn đạo và tiếng tăm của các dấu lạ và, nếu có xảy ra, về sự phụng tự đối với tôi tớ Chúa trong những thời gian gần đây hơn.”
Điều 35: “Một khi sắc lệnh thừa nhận việc phụng tự và tính anh hùng của các nhân đức và cuộc tuẫn đạo của Tôi Tớ Chúa đã được công bố, người ta tiến hành việc tuyên thánh khi có một phép lạ xảy ra và được chuẩn nhận là phép lạ.”
Một phép lạ được chuẩn nhận là gì?
Điều 38 (§1): Vị thừa nhiệm sẽ đệ trình lên Đức Giám Mục giáo phận hay giáo tỉnh các tài liệu phụ thuộc sau đây, kèm theo thỉnh nguyện thư mở Điều tra về một phép lạ phỏng đoán.
1. Một bản trình bày vắn gọn và chính xác các hoàn cảnh đặc biệt ghi dấu ấn riêng trên trường hợp.
2. Một bản danh sách các chứng nhân.
3. Tất cả tài liệu liên hệ đến trường hợp
(§2): Đối với những trường hợp được chữa lành coi như là nhờ phép lạ, cần xuất trình các tài liệu về y thuật, về lâm sàng và y cụ (thí dụ: hồ sơ lâm sàng, báo cáo của y sỹ, các kết quả của phòng xét nghiệm và của y cụ xét nghiệm)
Về các nhân sự chuyên môn:
Điều 57: Đốc lý Viên Pháp Tòa phải là một linh mục thông thạo thần học, giáo luật và cả lịch sử nữa, khi vụ án thuộc loại cổ xưa.
Điều 75: Báo cáo phải được ký tên in solidum, tức là cả các chuyên viên của Ủy Ban lịch sử.
Điều 60, (§1): Trong cuộc điều tra về một trường hợp được coi là phép lạ chữa bệnh, Đức Giám mục phải bổ nhiệm một y sĩ giám định.
(§2): Trong trường hợp coi là phép lạ một loại khác, Đức Giám mục phải bổ nhiệm một chuyên gia kỹ thuật.
Chừng ấy điều kiện sơ khởi cũng đủ cho chúng ta biết vấn đề phong thánh không đơn giản chút nào.
Dù vậy, nếu Chúa muốn, việc gì mà không thể được. Vì thế, với tư cách Quản nhiệm Đền Á Thánh Anrê Phú Yên nhỏ bé tại Phước Kiều, xin kêu gọi mọi tín hữu trên toàn thế giới, nếu ai hay biết, chứng kiến hoặc thụ ân nhờ sự cầu bàu của Á Thánh Anrê Phú Yên, hãy mạnh dạn tri ân Ngài bằng cách cung cấp cho Giáo phận Đà Nẵng, Giáo phận Qui Nhơn hoặc qua bất cứ Tòa Giám mục nào của Việt Nam những tài liệu, những thông tin chứng minh được sự lạ hoặc cao hơn một phép lạ đáp ứng những yêu cầu của Giáo Hội Công Giáo.
Chỉ cần một phép lạ đúng nghĩa… và ngày ấy, chúng ta mong ước rằng sẽ không xa!
Hội An, ngày 5 tháng 8 năm 2009
Linh mục Antôn Nguyễn Trường Thăng
Quản nhiệm Đền Á thánh Anrê Phú Yên tại Phước Kiều,
Huyện Điện Bàn, Quảng Nam
bài liên quan mới nhất
- François Pallu: vị Thừa sai nhiệt thành thánh thiện
-
"Hãy theo Thầy": Trở về với đức tin nhờ các vị Giáo Hoàng đương đại -
Quà tặng cuối cùng của cha Carlo Gnocchi -
Hạnh Thánh Phêrô Nguyễn Văn Tự, tử đạo ngày 05 tháng 9 năm 1838 -
Cha cố GB Đoàn Vĩnh Phúc: “Nên mọi sự cho mọi người” -
Ngôi làng hy vọng -
Thánh Giuse Đặng Đình Viên, tử đạo ngày 21 tháng 8 năm 1838 -
Những nơi tử đạo và các chứng nhân cho niềm tin -
Hạnh Thánh Giacôbê Đỗ Mai Năm, tử đạo ngày 12 tháng 8 năm 1838 -
Hạnh Thánh Đaminh Nguyễn Văn Hạnh, tử đạo ngày 01 tháng 8 năm 1838
bài liên quan đọc nhiều
- "Hãy theo Thầy": Trở về với đức tin nhờ các vị Giáo Hoàng đương đại
-
Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II sống GH Mầu nhiệm, Hiệp thông, Sứ vụ -
Đời sống tâm linh của Đức Gioan Phaolô II -
Đức Gioan Phaolô II: Vị Giáo hoàng của giới trẻ -
Quà tặng cuối cùng của cha Carlo Gnocchi -
Hạnh Thánh Phêrô Nguyễn Văn Tự, tử đạo ngày 05 tháng 9 năm 1838 -
Hạnh Thánh Vinhsơn Đỗ Yến, tử đạo ngày 30/06/1838 -
Hạnh Thánh Phanxicô Đỗ Văn Chiểu, tử đạo ngày 26/06/1838 -
Những nơi tử đạo và các chứng nhân cho niềm tin -
Hạnh Thánh Bênađô Vũ Văn Duệ, tử đạo ngày 01 tháng 8 năm 1838