Kinh nghiệm Thơ

Kinh nghiệm Thơ

Kinh nghiệm Thơ

Người ta thường bảo ngôn ngữ thơ ca là ngôn ngữ thầm kín, ngôn ngữ của trực giác, không dễ gì lấy triết lý mà hiểu được, vì ngôn ngữ thơ trước hết là ngôn ngữ của trái tim. “Trái tim có những lý lẽ mà lý trí không hiểu được” (Pascal). Chẳng hạn hình ảnh cô gái mù với ly cà phê trắng Vũ Thuỷ. Ngay cả thi sĩ, làm thơ rồi, có khi chẳng hiểu hết thơ của mình, đang lúc nhà phê bình có thể tìm hiểu và nhận ra được. Cho nên không thể soi mói thơ bằng các hệ thống lý luận triết học hay thần học.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà thơ là cái gì dễ dãi. Người ta có nói, mỗi tài năng đều gồm 1% do bẩm sinh và 99% do đào luyện. Một phần trăm của thiên tài không thể thiếu. Nếu thiếu, dù có làm cả trăm bài văn vần cũng chẳng ra thơ. Thế nhưng chỉ một phần trăm ấy thôi chưa đủ, cần phải dụng công, phải khổ luyện.

Nhà thơ Giả Đảo có ghi lại một kinh nghiệm:

Nhị cú tam niên đắc

Ngâm thành song lệ lưu,

Được Trăng Thập Tự dịch là:

Ba năm tìm được hai câu,

Ngâm lên nhỏ lụy tuôn châu đôi dòng.

Người Pháp có nói: “Phải luyện tay nghề hai mươi lần, tác phẩm của bạn mới ra hồn” (Vingt fois sur le métier, reprenez votre ouvrage).

Làm thơ là sáng tạo. Khi Xuân Diệu viết: “Bữa nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm”, Tản Đà đòi lôi ra chém vì Xuân Diệu dám bảo mặt trời đi ngủ. Thế nhưng làm thơ là phải vậy, phải sáng tạo.

Cùng một mặt trăng nhưng với óc tưởng tượng, mỗi tác giả nhìn một khác: Trăng cười, trăng khóc, trăng rỉ máu, trăng có thể là người thiếu nữ nằm lả lơi cợt nhả mà trăng cũng có thể là Đức Mẹ.

Ngôn ngữ thơ phải sinh động, biết cười, biết khóc, biết nhảy múa. Phải biết chọn từ, đảo ngữ. Phải có nhịp điệu và nhạc điệu theo luật bằng trắc của âm thanh.

Bài thơ tả cục phân mà hay thì vẫn là thơ; còn tả cô công chúa tuyệt trần mà không hay thì cũng chẳng phải là thơ. Bài thơ ví được như một bầu trời. Bài thơ dở, đọc lên như bầu trời im lìm bất động. Bài thơ hay thì nhiều câu, nhiều chữ rực lên như trăng sao chớp nháy. Bầu trời thơ Nguyễn Du góc nào cũng chớp nháy, câu nào, chữ nào cũng hay.

Người làm thơ cần đọc thơ của nhiều tác giả, đọc những tác phẩm giá trị, để thấy những nét tân kỳ và độc sáng trong hình ảnh và ngôn ngữ.

Cần học thêm những phong cách mới của thơ Pháp, thơ Anh, thơ chữ Hán, để làm giàu cho hồn thơ. Cần đọc những sách chuyên môn về thơ để trau giồi kiến thức và kỹ năng thơ.

Cần giao lưu nhiều với các tác giả thơ, nhạc, hoạ… để làm cho tâm hồn luôn tươi mới, tránh khỏi bị “cô lậu quả văn”, nghĩa là “hẹp hòi, tầm thường, không đẹp”.

Nhất là phải đọc, nghiền ngẫm và thuộc lòng Thánh Kinh, cách riêng là các Thánh vịnh, sách Diễm ca, Tin mừng Gioan.

Bước vào chức linh mục, thấy mình được gọi rao giảng Tin Mừng bằng thơ ca, tôi đã chăm chú học làm nghệ thuật, nghiền ngẫm quyển “Lý thuyết về văn chương và các nghệ thuật” bằng tiếng Pháp (không còn nhớ tên sách và tên tác giả). Tôi đã đọc rất nhiều thơ, từ Kiều, Chinh Phụ, Cung Oán, Nguyễn Công Trứ, Trần Tế Xương cho đến Tản Đà rồi các nhà thơ mới. Có những bài thơ tôi thuộc nằm lòng. Gặp sách chuyên môn về văn chương là tôi đọc. Có những quyển tầm thường nhưng vẫn gặt hái được đôi điều, đôi dòng đáng nhớ. Cũng phải học lại tiếng Việt. Tôi vẫn thường xuyên tra cứu Hán Việt Từ Điển của Nguyễn Văn Khôn.

Người làm thơ phải đau khổ. Alfred de Musset có nói: “Cứ đánh vào tim tôi, thiên tài sẽ trào vọt”. Hàn Mạc Tử: “Không rên siết là thơ vô nghĩa lý!” Một tác giả khác: “Mà câu tuyệt vọng là câu tuyệt vời”. Một tác giả thơ Đường: “Đản thị thi nhân đa bạc mệnh” (Thôi Hiệu hay Lý Bạch?)

Đừng tự ti mặc cảm. Cứ viết, cứ đăng báo, cứ in, trong sự khôn ngoan dè dặt.

Cuối cùng, cần hai chữ thành thực và khiêm nhường, đừng tự tôn vinh mình. Thời gian sẽ sàng lọc và đào thải những gì không phải là thơ.

Chúc anh chị em về ăn tết vui.

Nguồn: 

 http://www.dunglac.org/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=125&ia=3121

Top