Nhà thờ Phát Diệm, gỗ và đá và …
Tôi có may mắn đã được tới coi, đã cảm xúc mạnh trước kiến trúc hùng vĩ của toà thánh Vatican và một số nhà thờ Công giáo nổi tiếng thế giới ở châu Âu. Quả thật, không thể tưởng tượng nổi người xưa đã làm như thế nào để vẽ ra được và xây cất nên được những công trình tôn giáo trang nghiêm lớn đến thế và đẹp mê hồn đến thế, rất cổ kính mà không bao giờ cũ...
Cái cảm xúc mạnh ấy bỗng lại trào dâng trong tôi, với cấp độ “khẩu phục tâm phục” còn cao hơn thế, khi được nhìn và ngắm khu Nhà thờ Phát Diệm, thuộc huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình – một công trình kiến trúc có thể gọi là “độc nhất vô nhị” ở ngay trên đất nước mình.
Nhìn từ xa, giữa bạt ngàn ngọn cây thấp thoáng mái chùa cổ, đầu đao cong cong và ngói rêu phong, trên nóc “chùa” lại có cây thập giá. Tới gần, thấy toà phương đình và hai cổng toàn đá của Nhà thờ Lớn hướng chính nam, cũng là hướng trục của quần thể kiến trúc, tầm nhìn nhắm thẳng ra hồ nước vuông vức phía trước, giữa hồ nước là đảo tròn, trên đảo sừng sững tượng toàn thân đức Chúa Giêsu. Trên sơ đồ quy hoạch tổng thể, một đường trục dọc và ba đường trục ngang nối liền các công trình kiến trúc, mà trung tâm là Nhà thờ Lớn - tức Nhà thờ Chính toà Phát Diệm - tạo hình chữ VƯƠNG (Hán tự). Phong cách kiến trúc Đông - Tây phối hợp thật uyển chuyển, thuận theo luật phong thuỷ Á Đông và đằm thắm thần hồn văn hoá Việt.
Theo tài liệu khảo sát, Nhà thờ Lớn dài 76 mét, rộng 24 mét, cao 16 mét – tức chiều ngang bằng 1/3 chiều dài, chiều cao bằng 2/3 chiều ngang – tỷ lệ vàng của kiến trúc phương Tây. Bên trong, nội thất gỗ hoành tráng với nghệ thuật chạm trổ tinh xảo làm sững sờ không ít những nhà chuyên môn khó tính nhất. 52 cây cột gỗ lim xếp thành 6 hàng thẳng tắp, chu vi mỗi cột nhỏ dần, từ 2,65 mét (lớn nhất) xuống 2,26 mét (nhỏ nhất) làm tăng thêm tầm sâu thẳm cho cái nhìn từ cuối nhà thờ lên điện thánh. Các vì kèo, đầu cột đều được chạm hình hoa, lá và hoạ tiết trang trí theo cung cách khắc gỗ đình làng xưa. Ngay gần Nhà thờ Lớn, có Nhà thờ Thánh Phêrô được làm bằng gỗ mít, còn được gọi là Nhà thờ Gỗ Mít, cũng là một công trình điêu khắc gỗ vô giá. Tôi có cảm giác gặp ở đây, trong quần thể nhà thờ này, hồn vía của đình làng và chùa cổ, phảng phất bóng dáng cả Thần lẫn Phật sum vầy cùng Thánh với Chúa.
Tôi đã có dịp tới coi những đình làng, chùa cổ rất lớn ở nhiều nơi, như đình Thổ Tang, đình Bảng, đình Tràng..., chùa Tây Phương, chùa Mía..., không nơi nào có kiến trúc gỗ lớn bằng nơi đây.
Tôi có biết, nhiều nhà thờ ở giáo phận Bùi Chu (như Ninh Mỹ, Phạm Pháo, Quần Liêu, Quất Lâm...), hoặc giáo phận Hưng Yên (như nhà thờ Hưng Yên, Hảo Nho...), cũng có nội thất gỗ khá đẹp, nhưng không nơi nào lớn và đẹp bằng nơi đây.
Tôi đã thấy vài ngôi nhà đá, đền đá ở Thanh Hoá và Ninh Bình, nhưng quá nhỏ nhoi so với nơi đây. Cổng đá thành Nhà Hồ thì khổng lồ thật đấy nhưng không hề có nghệ thuật điêu khắc đá như nơi đây. Những tác phẩm điêu khắc đá nơi đây, từ tượng Chúa, tượng Thánh, đến phù điêu hoặc hoa văn... đều được chế tác khéo léo, công phu và rất sinh động. Chưa thấy nơi đâu trên đất nước này, gỗ với đá giao hoà duyên dáng và “nói” được nhiều điều vừa triết lý sâu sắc vừa mơ màng gợi mở như ở nơi đây.
Nơi đây - một quần thể kiến trúc được xây dựng liền tù tì trong hai thập niên cuối thế kỷ 19: Nhà thờ Trái tim Đức Mẹ - tức Nhà thờ Đá (1883), Nhà thờ Lớn (1891), Nhà thờ Thánh Rôcô (1896), Nhà thờ Thánh Giuse (1896), Nhà thờ Thánh Phêrô (1896), Nhà thờ Trái tim Chúa (1889), hang đá Lộ Đức, cùng những công trình kèm theo như vườn cây, hồ nước, các tượng Chúa, tượng Thánh, hệ thống nhà việc và nhà ở...
Nơi đây - một quy họach tổng thể nhất quán, hài hoà và chặt chẽ đến độ “không thể chê vào đâu được”; một phức hợp xây dựng liên hoàn chất lượng cao vừa tinh xảo vừa tôn nghiêm, vừa tao nhã vừa vững bền; một bằng chứng hùng hồn biểu hiện tầm vóc lớn về tư tưởng nghệ thuật, về quyết đoán táo bạo, về tài năng và trí tuệ của nhà thiết kế, về tài hoa của người thợ lành nghề, về trình độ quán xuyến bậc thầy, và đặc biệt về tâm hồn Việt Nam của người thủ lĩnh.
Người thủ lĩnh - đồng thời là tổng công trình sư, Đức Thầy Phêrô Trần Lục (còn được gọi là cha Sáu, cụ Sáu), sinh năm 1825 tại làng My Quan, huyện Nga Sơn, Thanh Hoá, được phong linh mục năm 1860, làm Chánh xứ Phát Diệm từ 1875 đến 1899. Tương truyền, toàn bộ gỗ, đá và thợ thuyền đều được cụ Sáu đích thân tuyển chọn tại Thanh Hoá và Ninh Bình. Chính giữa phương đình Nhà thờ Lớn còn một cái bàn đá nguyên khối dài 5 mét, rộng 4 mét, nặng khỏang 8 tấn, được cụ Sáu cho chở từ thành nhà Hồ (ở Tây Đô, Thanh Hóa) về đây. Cụ Sáu không được đào tạo chuyên ngành kiến trúc, nhưng thực sự đã trở thành một nhà kiến trúc lỗi lạc của Việt Nam bằng chính công sức và công trình của mình. Cụ đã dành toàn bộ tâm, trí và sức lực cho công cuộc xây dựng quần thể Nhà thờ Phát Diệm trong suốt một phần tư thế kỷ, từ lúc nhậm chức Chánh xứ cho đến khi trút hơi thở cuối cùng tại đây, ngày 6.7.1899.
Phần mộ cụ Sáu được xây bằng đá ngay giữa khoảng sân chính diện Nhà thờ Lớn, một vị trí trang trọng đặc biệt chưa từng thấy trong các nhà thờ ở Việt Nam, như một biểu trưng hoá thạch ghi tạc lòng tri ân của cộng đồng giáo dân đối với người có công tạo tác nên công trình kiến trúc hùng vĩ, độc đáo, đẹp đến độ không thể tưởng tượng nổi và không bao giờ cũ này.
Phần mộ cụ Sáu được xây bằng đá ngay giữa khoảng sân chính diện Nhà thờ Lớn, một vị trí trang trọng đặc biệt chưa từng thấy trong các nhà thờ ở Việt Nam, như một biểu trưng hoá thạch ghi tạc lòng tri ân của cộng đồng giáo dân đối với người có công tạo tác nên công trình kiến trúc hùng vĩ, độc đáo, đẹp đến độ không thể tưởng tượng nổi và không bao giờ cũ này.
Quang Long (Theo SGTT)
bài liên quan mới nhất
- Nhà thờ Bùi Chu thuở bình minh
-
Kiến trúc Công giáo (1) -
Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ La Vang: Lễ đặt viên đá đầu tiên -
Lời giới thiệu Đồ án thiết kế Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang -
Đồ án thiết kế Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang -
Chương trình truyền hình: Nét đẹp kiến trúc Nhà thờ cổ Việt Nam -
Sở Kiện trong dòng thời gian (1862 - 2011) -
Triển lãm về Gaudi và Thánh đường Sagrada Familia -
Kiến trúc Công giáo (2) -
Ngôi nhà nguyện cổ trong Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn
bài liên quan đọc nhiều
- Kiến trúc Công giáo (2)
-
Nhà thờ Bùi Chu thuở bình minh -
Kiến trúc Công giáo (1) -
Ngôi nhà nguyện cổ trong Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn -
Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ La Vang: Lễ đặt viên đá đầu tiên -
Chương trình truyền hình: Nét đẹp kiến trúc Nhà thờ cổ Việt Nam -
Lời giới thiệu Đồ án thiết kế Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang -
Sở Kiện trong dòng thời gian (1862 - 2011) -
Tỉ lệ & Nhịp điệu: hai yếu tố của cái đẹp -
Nhà thờ Phát Diệm: Quần thể kiến trúc đậm đà bản sắc dân tộc