Những ‘bí bách’ của gia đình thời Covid
TGPSG -- Những khó khăn về thu nhập do thất nghiệp, rồi cứ phải ở trong nhà lâu ngày, khiến bí bách, dẫn đến muôn vàn những khó khăn khác…
“Mỗi nhà, mỗi cảnh” , “ Ở trong chăn mới biết chăn có rận”… Những tục ngữ ông bà xưa để lại thường rất đúng và rất đời thường; đúng trong cuộc sống thường ngày và lại càng đúng trong các gia đình khi đại dịch Covid kéo đến.
Đại dịch Covid ập đến, ảnh hưởng trên thu nhập của rất nhiều người. Có người may mắn vẫn có việc làm. Có người ở nhà lãnh 50% lương. Nhưng đại đa số thì phải ở nhà và không có thu nhập. Khó khăn về kinh tế là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến các khó khăn của các gia đình.
Có câu nói thường được mang ra trêu đùa trong mùa dịch: Tỉ lệ người mất trong tai nạn giao thông giảm đi vì ít người ra đường, nhưng tỉ lệ bạo lực trong các gia đình lại tăng do chán ghét nhau, không muốn nhìn thấy mặt nhau. Những khó khăn về thu nhập do thất nghiệp, rồi cứ phải ở trong nhà lâu ngày, dẫn đến muôn vàn những khó khăn khác. Con người bị nhốt trong nhà, cảm thấy bí bách, không có những khoảng không thư giãn, dễ trở nên cọc cằn, dễ dàng gây sự với chính những người thân yêu của mình.
Ông ở trong nhà nhiều, cảm thấy bức bối, kéo ghế ra trước cửa ngồi hút thuốc. Bà nhắc nhở: “Lại ra ngoài, lại hút thuốc…”. Ông khó chịu: “Bà cũng phải để tôi có khoảng không thư giãn chứ!”
Bà tìm cách đi chỗ này, chỗ kia để kiếm bó rau, con cá, mua lén lút và đôi lúc dừng lại nói chuyện với người này, người kia, đi mãi chưa thấy về… Ông khó chịu, bà nói: “Tôi đi mua thực phẩm về lo cho cả nhà mà! Ông này, lạ chưa?...”
Cháu vui chơi trong nhà, ồn ào… Ông không thể nghe tin tức, lớn tiếng với cháu. Cháu dạ thưa: “Lạy ông, cho con chơi chút đi mà…”
Vợ giặt đồ và phơi quần áo. Chồng vừa mới ngồi xuống, thử bấm điện thoại chơi game, vợ cằn nhằn: “Anh không phụ em được hay sao?...”
Ông giận bà, bà giận ông, cháu giận ông, vợ chồng giận nhau… Có những xích mích to và có những xích mích nhỏ, nhưng cứ để vậy, không giải quyết. Cách giải quyết tốt nhất, đôi khi lại chính là: bỏ đi ra một nơi nào đó cho thoải mái, cho nguôi ngoai, rồi quay lại ôn tồn nói chuyện với nhau. Nhưng trong mùa dịch thì không thể đi ra khỏi nhà…
Chỉ có một cách tốt nhất, đó là ‘sống như những người được Chúa chọn’ như lời Thánh Phaolô: "Như những người được chọn của Thiên Chúa, những người thánh thiện và được yêu thương, anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau và hãy tha thứ cho nhau. Trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là giây ràng buộc mọi điều toàn thiện." (Cl 3,12-17).
Sống đức yêu thương theo cách thế trên đây là phương án tốt để mọi người có thể sống hòa thuận với người thân trong giai đoạn dịch bệnh.
Sự khó chịu, giận dỗi càng lớn thì những người trong gia đình càng cần phải nhẫn nhịn, chịu đựng lẫn nhau nhiều hơn, và phải cùng tìm ra những điểm tốt nơi mỗi việc người thân làm trong giai đoạn khó khăn này.
‘Ánh sáng gia đình’ không tự nó phát ra được, mà cần có sự cố gắng của mỗi thành viên trong gia đình. Có chịu đựng lẫn nhau và có đức yêu thương thì mới nhìn ra được điểm tốt của người khác để xây dựng một gia đình hạnh phúc và bình an như gia đình Thánh Gia xưa.
Jos Trung Toàn (TGPSG)
(Ánh sáng gia đình thời Covid)
bài liên quan mới nhất
- Ba có… yêu không?
-
Thời Covid: Ấm áp sẻ chia lương thực -
Hai tiếng 'Chúa ơi' thời Covid -
Thời Covid: phải luôn tỉnh thức! -
Mẹ và những đứa trẻ... -
Thời Covid: 'Con bé... nó thiệt là...' -
Khoảng lặng thời Covid -
Giáo xứ Hà Đông: Thánh lễ cầu nguyện cho những người qua đời vì dịch Covid-19 -
Ngày Nhà Giáo: tri ân & cầu nguyện -
‘Ngụp lặn’ trong dịch bệnh và ánh sáng…
bài liên quan đọc nhiều
- Chiến thắng Covid: Hít vào 'Giêsu', thở ra 'cứu con'
-
Ánh sáng Lời Chúa trong đêm đen đại dịch -
Tin nhắn bất ngờ thời Covid -
Thời Covid: phải luôn tỉnh thức! -
Gia đình tôi và Thánh lễ online thời Covid -
Thánh lễ của niềm tín thác vào Lòng Chúa Xót Thương trong đại dịch -
Chở bệnh nhân qua chốt gác thời Covid -
Chung cư F0 -
Những người bạn đã ra đi thời Covid -
Mẹ tôi ra đi thời Covid