Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Chay năm C

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Chay năm C

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Chay năm C

(Xh 3,1-8a.13-15; 1 Cr 10,1-6.10-12; Lc 13,1-9)

THIÊN CHÚA KIÊN NHẪN ĐỢI CHỜ

Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa.
Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó.
May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi”

(Lc 13,8-9)

Xuyên suốt chặng đường dài của lịch sử cứu độ, Thiên Chúa cho thấy Người là Đấng yêu thương và thành tín (Xh 34,6; Tv 25,10; Tv 36,6), dù nhiều lúc Người cũng trừng phạt dân Israel để sửa dạy họ (Ds 14,20-38; 21,4-9). Dù Thiên Chúa vẫn hằng kiên nhẫn đợi chờ con người sám hối và thay đổi để được sống (Ed 33,10-11), nhưng thời gian đối với mỗi người không phải là vô hạn.

I. CÁC BÀI ĐỌC

1.Bài đọc 1:

Qua bài trích sách Xuất Hành, Thiên Chúa mặc khải cho Môsê về chính bản thân Người và kế hoạch của Người dành cho dân Israel.

Trước hết, qua câu chuyện bụi gai bốc cháy mà không bị thiêu rụi, Thiên Chúa mặc khải cho Môsê biết về một Thiên Chúa Chí Thánh. Thật vậy, Thiên Chúa là Đấng rất thánh (x. Is 6,3), là Đấng siêu việt vượt trên mọi loài thụ tạo. Đồng thời, Người cũng là một Thiên Chúa ở giữa con người nhưng không hoà lẫn với con người, trở nên gần con người phàm tục nhưng vẫn là Thiên Chúa chí thánh. Vì Thiên Chúa là Đấng thánh nên dân thuộc về Chúa cũng phải là dân thánh (Lv 11,44-45; Lv 19,2), nghĩa là được dành riêng để thuộc về Người (Lv 20,26).

Hơn nữa, Thiên Chúa còn mặc khải cho Môsê biết rằng Người là Đấng Hằng Sống. Người không chỉ là Chúa của Môsê mà đã là Chúa của tổ tiên của ông là các tổ phụ Ápraham, Isaác và Giacóp (x. Xh 3,6.15) và vẫn mãi là Chúa của dân Israel. Danh của Người là Đấng Hiện Hữu, là “Anpha và Omêga, là Đấng hiện có, đã có, và đang đến, Đấng Toàn Năng” (Kh 1,8), nghĩa là một Thiên Chúa độc nhất và thực sự hằng hữu. Người là Thiên Chúa vượt trên thời gian nhưng lại đang hoạt động trong lịch sử của dân Chúa và lịch sử nhân loại.

Quả vậy, Thiên Chúa đã “thấy rõ cảnh khổ cực” của dân Người bên Ai Cập, đã “nghe tiếng kêu than” và đã “biết các nỗi đau khổ” của họ (Xh 3,7). Một Thiên Chúa mà ông Môsê sợ đến nỗi không dám nhìn (x. Xh 3,6b), vì con người không thể thấy Thiên Chúa mà còn sống (x. Xh 33,20) cũng lại là một Thiên Chúa có thể “thấy”, “nghe” và “biết” những nỗi cực nhọc, vất vả, đau khổ của dân Người khi họ đang chịu cảnh nô lệ. Một Thiên Chúa Hằng Sống, Hằng Hữu và Toàn Năng, Đấng siêu việt trên thời gian và không gian, lại đang thật sự hoạt động trong lịch sử dân Chúa để giải thoát họ khỏi cảnh đau khổ của kiếp nô lệ.

2. Bài đọc 2:

Thánh Phaolô nêu lên bài học của các bậc cha ông khi họ cùng ông Môsê ra khỏi Ai Cập để cảnh báo và răn dạy các bậc con cháu.

Thế hệ cha ông đã được Thiên Chúa, dưới sự lãnh đạo của ông Môsê, dẫn đi qua Biển Đỏ, và được Người nuôi dưỡng bằng manna, chim cút (x. Xh 16,1-36) và nước từ tảng đá (x. Xh 17,1-7) trong thời gian đi trong sa mạc. Hình ảnh dân đi qua giữa lòng biển là dấu chỉ tiên trưng của bí tích Thanh Tẩy; cũng vậy, thức ăn và của uống linh thiêng ám chỉ thân mình Đức Kitô, Đấng trở nên Thánh Thể mà các tín hữu Côrintô đang được thụ hưởng.

Qua đây, thánh Phaolô kêu gọi các tín hữu Côrintô phải thận trọng và khiêm tốn: Nếu trong sa mạc dân Israel đã được hưởng những ân huệ thiêng liêng, thế rồi họ cũng bị loại (x. Ds 14,16), thì những ân huệ mà họ đang được hưởng cũng có thể bị mất đi nếu họ không học được bài học của cha ông. Nếu họ không nhận ra những ân huệ của Thiên Chúa, lại “chiều theo những dục vọng xấu xa”, và “lẩm bẩm kêu trách”, như dân Israel xưa cũng vì lẩm bẩm kêu trách mà không được vào đất hứa (x. Ds 14,21-23), thì họ cũng sẽ chịu chung số phận. Vì thế, điều cần thiết là khiêm tốn đón nhận ân huệ mà Thiên Chúa ban, mà không coi đó như điều để tự hào, vì “ai tưởng mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã” (1 Cr 10,12).

3. Bài Tin Mừng:

Nhân hai biến cố lịch sử bi thương, Chúa Giêsu cho thấy sự cần thiết của việc sám hối. Đồng thời, qua dụ ngôn cây vả, Người nhấn mạnh việc Thiên Chúa vẫn luôn chờ đợi con người sinh hoa trái.

Quan niệm nhân quả thông thường phổ biến trong dân Do Thái vẫn cho rằng chỉ những người tội lỗi mới bị Thiên Chúa phạt nhãn tiền (x. Ga 9,2). Trái lại, những người bình an vô sự được xem như những người công chính (x. G 4,7; 8,4.20; 22,4-5). Chúa Giêsu bác bỏ qua niệm sai lầm này (x. Ga 9,3) và cảnh báo rằng mọi người đều cần phải sám hối vì ai cũng có những lỗi lầm (Lc 13,3.5).

Thật vậy, những báo cáo về cái chết của những người cùng thời trở thành chủ đề để Chúa Giêsu cảnh báo những người còn sống. Những người chết không hẳn đáng chết hơn những người khác. Người ta không thể gán cho cái chết bất ngờ của ai đó là do tội của họ. Điều mà Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đó là: cái chết là một thực tại rất gần với bất kỳ ai; nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nó xảy ra đột ngột và không hề có bất kỳ dấu hiệu nào báo trước để kịp sám hối.

Như cây vả được cho thêm thời gian để được chăm sóc và vun xới để có thể sinh hoa trái, mọi người cũng đang được cho thêm thời gian để sám hối. Điều cần thiết là “hãy sinh những hoa quả xứng với lòng sám hối” (Lc 3,8). Đối với tác giả Luca, lúc mà Chúa Giêsu vẫn đang hành trình lên Giêrusalem, trước khi Người bị bắt và bị kết án, là thời gian thuận tiện cho việc sám hối. Tuy vậy, thời gian sẽ không kéo dài mãi. Người ta sẽ bị loại bỏ nếu không sám hối và thay đổi đời sống, vì “cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (Lc 3,9).

II. GỢI Ý ÁP DỤNG:

1/ Qua hình ảnh bụi gai bốc cháy mà không bị thiêu rụi, Thiên Chúa mặc khải cho ông Môsê biết Người là Đấng Chí Thánh, Hằng Hữu, Hằng Sống và Siêu Việt trên mọi loài thụ tạo. Đồng thời, Người cũng là Đấng “nghe”, “thấy” và “biết” những nỗi vất vả, khổ cực của dân Israel trong cảnh lưu đày và nhờ trung gian ông Môsê để giải thoát họ. Thiên Chúa không chỉ là Đấng rất thánh, tách biệt khỏi những gì là phàm tục, tội lỗi của con người, nhưng còn là một Thiên Chúa xót thương và hằng quan tâm, lắng nghe những nỗi thống khổ của nhân loại. Có khi Thiên Chúa ở thật gần con người mà con người chẳng hay biết (x. St 28,16).

2/ Thánh Phaolô nhắc các tín hữu Côrintô về những ân huệ lớn lao mà họ đang được thụ hưởng trong Đức Kitô: đó là phép Thánh Tẩy ban ơn tha tội nhờ Đức Kitô và lương thực thiêng liêng là chính Thánh Thể của Người. Cha ông họ xưa kia đã được Thiên Chúa cho vượt qua biển đỏ an toàn và dưỡng nuôi trong sa mạc, nhưng vẫn không tin Người nên đã bị hư vong. Nếu các tín hữu Côrintô không khiêm tốn đón nhận ân huệ thiêng liêng cao quý mà họ được Thiên Chúa ban qua Đức Giêsu, thì họ cũng có nguy cơ bị hư vong như vậy. Thiên Chúa vẫn tiếp tục đổ tràn ân sủng của Người, nhờ Đức Giêsu Kitô, cho những ai tin cậy nơi Người.

3/ Đối với Chúa Giêsu, những biến cố đau thương xảy đến cho người khác không phải là cách Thiên Chúa lên án tội lỗi của họ, nhưng là cơ hội để mỗi người sám hối về những lỗi lầm của mình. Thiên Chúa không muốn bất kỳ ai phải hư vong trong tội lỗi của họ, nhưng kiên nhẫn chờ đợi để mỗi người biết sám hối và thay đổi đời sống để sinh hoa trái xứng với lòng sám hối của mình. Mỗi phút giây trên đời đều là cơ hội quý giá để con người tạ lỗi trước mặt Thiên Chúa và làm những việc lành phúc đức đối với tha nhân.

III. LỜI NGUYỆN CHUNG:

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa là Cha nhân từ đã sai Con Một là Đức Giêsu Kitô đến trần gian để mời gọi những người tội lỗi trở về hiệp thông với Người. Với niềm tin yêu hy vọng và lòng sám hối chân thành, cộng đoàn chúng ta cùng dâng lời cầu xin:
1. Hội Thánh có sứ mạng làm chứng cho tình thương cứu độ của Thiên Chúa. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các vị chủ chăn luôn là hiện thân của Đấng giàu lòng thương xót và hay tha thứ, qua việc quảng đại đón nhận và tận tâm giúp đỡ những người lầm lỗi.
2. Thiên Chúa luôn kiên nhẫn chờ đợi và sẵn sàng tha thứ cho những người sám hối. Chúng ta cùng cầu nguyện cho những ai đang lầm đường lạc lối, biết nhận ra tình trạng tội lỗi bất xứng của mình, mà quyết tâm quay về với tình thương tha thứ của Thiên Chúa.
3. Sám hối tích cực phải nhất thiết đưa đến việc canh tân đời sống. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi kitô hữu trong mùa Chay thánh này biết ý thức đào sâu đức tin, gia tăng việc lành, và nhiệt tâm sửa đổi bản thân để ngày càng trở nên hoàn thiện hơn.
4. Thánh Phaolô nhắn nhủ: “Ai tưởng mình đang đứng vững, hãy ý tứ kẻo ngã.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn có thái độ khiêm tốn quảng đại, không bao giờ xét đoán hay chỉ trích gây thiệt hại cho người chung quanh.
Chủ tế: Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, xin nhậm lời chúng con cầu nguyện và ban ơn nâng đỡ giúp chúng con thành tâm sám hối, canh tân đời sống, và luôn gắn bó mật thiết với Đức Giêsu Kitô, Con Chúa. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Top