Phụng vụ Lời Chúa: Lễ Mình Máu Thánh Chúa năm B

Phụng vụ Lời Chúa: Lễ Mình Máu Thánh Chúa năm B

Phụng vụ Lời Chúa: Lễ Mình Máu Thánh Chúa năm B

CHÚA NHẬT X MÙA THƯỜNG NIÊN - B
LỄ TRỌNG KÍNH MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KITÔ
Xh 24,3-8; Dt 9,11-15; Mc 14,12-16.22-26

GIAO ƯỚC MỚI TRONG MÁU CHÚA KITÔ
Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy.
Đây là máu Thầy, máu Giao ước, đổ ra vì muôn người
(Mc 14,22.24)

I. CÁC BÀI ĐỌC

Các bài đọc trong Thánh lễ hôm nay làm nổi bật Giao ước giữa Thiên Chúa và con người. Giao ước này được khởi đầu trong lịch sử cứu độ của dân Israel qua trung gian Môsê, và được hiện thực cách trọn vẹn trong Đức Giêsu Kitô. Mỗi khi cử hành Thánh lễ là chúng ta được tham dự và hiện tại hóa Giao ước vĩnh cửu này.

1. Bài đọc 1: Xh 24,3-8

Sách Xuất Hành được xem là “Tin Mừng của dân Israel” vì ghi lại hai cột mốc quan trọng trong lịch sử cứu độ: Cuộc Xuất Hành của dân Israel khỏi Aicập (chương 1-18), và việc Thiên Chúa thiết lập Giao ước với họ tại Núi Sinai (chương 19-40).

Đoạn bài đọc Xh 24,3-8 thuộc về phần II của sách Xuất Hành, vốn tập trung vào việc trình bày Giao ước Thiên Chúa ký kết với Dân Người tại Núi Sinai, sau khi đã giải thoát họ khỏi đất nô lệ Ai cập. Lúc này, dân chúng tụ tập dưới chân núi Sinai, còn ông Môsê, sau khi lên núi để đàm đạo với Thiên Chúa, đã truyền đạt tất cả những lời và mọi điều luật của Thiên Chúa cho dân chúng. Môsê đã lập bàn thờ và cử hành nghi thức lập giao ước bằng việc lấy máu chiên bò rảy trên bàn thờ và trên dân chúng, với lời tuyên bố long trọng “Đây là máu giao ước Đức Chúa đã thiết lập với anh em dựa trên những lời này” (Xh 24,8). Với Giao ước vừa thiết lập, Thiên Chúa trở nên Đức Chúa của dân Israel, Người là Đấng chăm sóc, hướng dẫn và bảo vệ họ; còn Israel trở nên dân của Đức Chúa; họ tuyên hứa sẽ tuân giữ tất cả những gì Đức Chúa phán.

Trong nghi thức thiết lập giao ước, máu là biểu tượng của sự sống. Một nửa máu đó được rảy trên bàn thờ kính Đức Chúa, nửa còn lại được rảy trên dân chúng, biểu thị tương quan hiệp nhất và hiệp thông thâm sâu giữa Thiên Chúa và dân Người. Thế nhưng, trong hành trình lịch sử của mình, dân Do thái đã nhiều lần vi phạm những gì đã cam kết với Thiên Chúa trong Giao ước Sinai. Vì thế, cần phải có Giao ước mới thay thế để đem lại sự sống đời đời.

Giao ước mới mà thư gởi tín hữu Do thái và Tin Mừng Máccô nói tới là Giao ước không còn dùng những nghi thức bên ngoài hay dùng máu chiên bò làm biểu tượng. Giao ước mới là chính thịt và máu của Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa.

2. Bài đọc 2: Dt 9,11-15

Bài đọc I cho thấy Thiên Chúa đã thiết lập giao ước với dân Israel bằng việc lấy máu chiên bò, qua trung gian Môsê. Bài đọc II trích thư Do thái nhấn mạnh đến nghi lễ và ý nghĩa của Tân ước, qua đó trình bày dung mạo tuyệt vời của Đức Giêsu Kitô ngang qua những hình ảnh của Cựu ước. Tác giả thư Do thái muốn làm nổi bật sự trổi vượt của Đức Giêsu Kitô so với các vị ngôn sứ, các thượng tế và hơn cả ông Môsê, vì Người là thượng tế đời đời theo phẩm hàm Menkixêđê. Hy lễ của Tân ước cũng trổi vượt so với hy lễ của Cựu ước, từ đó hiệu quả mà Tân ước đem lại cho dân cũng sẽ trổi vượt so với Cựu ước.

Đoạn trích Dt 9,11-15, làm nổi bật các tư tưởng đó. Trước hết, Đức Giêsu Kitô đã “vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta” (c. 12). Kế đến, “Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Người đã tự hiến tế như lễ vật toàn vẹn dâng lên Thiên Chúa” (c. 14). Như vậy, Đức Giêsu Kitô, vị Thượng Tế Mới, siêu việt hẳn so với các vị thượng tế thời Cựu ước và hy lễ của Đức Giêsu Kitô cũng cao trọng hơn so với hy lễ của các vị thượng tế thời Cựu ước. Chúa Giêsu Kitô siêu vượt vì “Người chỉ vào cung thánh một lần thôi” so với các vị thượng tế thời Cựu ước vào nơi cực thánh mỗi năm một lần. Dân Do thái vào dịp đầu năm mới, họ cử hành lễ “Yom Kippur/ ngày lễ xá tội”. Trong ngày đó, vị thượng tế cử hành nghi thức xá tội và dâng hy lễ. Đỉnh điểm của lễ “Xá tội” là vị thượng tế rảy máu các con vật hiến tế lên hòm bia giao ước và trên dân để biểu thị việc tái lập lại Giao ước giữa Thiên Chúa và Dân Người.

Vị thượng tế thời Cựu ước “đem theo máu chiên, bò để dâng làm của lễ đền tội, còn Đức Giêsu Kitô dùng chính Máu Mình làm hy lễ. Hiệu quả của việc hiến tế trong thời Cựu ước là làm của lễ đền tội cho chính vị thượng tế và cho dân hằng năm; còn việc Đức Giêsu Kitô tự hiến mình sẽ “thánh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết” hầu mang lại sự sống vĩnh cửu cho chúng ta, và làm cho chúng ta biết cách thờ phượng Thiên Chúa cho xứng hợp.

3. Bài Tin Mừng: Mc 14,12-16.22-26

Đoạn Tin Mừng hôm nay trình thuật việc Đức Giêsu thiết lập Giao ước mới trong bữa tiệc Vượt Qua. Bữa tiệc Vượt Qua gợi nhớ đến chương 12 sách Xuất Hành. Tại đó, Thiên Chúa đã truyền cho dân Israel cử hành Đại Lễ này hằng năm cho đến muôn đời (x. Xh 12,14), để mừng kính Đức Chúa, Đấng đã vượt qua các nhà của con cái Israel tại Ai cập khi Người đánh phạt Ai cập và cho các gia đình Israel thoát nạn (x. Xh 12,27). Trong lễ Vượt Qua, cần lưu ý đến hai chi tiết liên quan đến máu: 1) Máu chiên được bôi lên khung cửa những nhà có ăn thịt chiên. Còn thịt sẽ ăn ngay trong đêm ấy, nướng lên, ăn với bánh không men và rau đắng (x. cc7-8); và 2) Khi thấy máu [bôi trên khung cửa], Đức Chúa sẽ vượt qua, nhà ấy không bị tai ương tiêu diệt khi Người giáng họa trên đất Ai cập (x. cc 12-14).

Khi dùng bữa Vượt Qua cuối cùng với các môn đệ trước khi Người bước vào Cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh, Chúa Giêsu đã thiết lập bí tích Thánh Thể. Người đã biến bánh thành Mình Người và rượu thành Máu Người, với mục đích là “Máu Giao ước, đổ ra vì nhiều người” (x. Mc 14,22.24). Trong đoạn văn song song, liên hệ đến Máu Thánh Chúa Kitô, thánh Mátthêu thêm chi tiết nói lên ý nghĩa của việc Máu Đức Kitô đổ ra [phần chữ in nghiêng]: “Máu Giao ước, đổ ra cho nhiều người được tha tội” (x. Mt 26,28); còn thư 1Cr 11, 25 lại thêm chi tiết về ý nghĩa của việc cử hành Thánh lễ: “mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy”.

Qua lời của Đức Giêsu Kitô, chúng ta biết rằng Người thiết lập Giao ước mới bằng chính hy tế cuộc sống Người và vì muôn người. Đức Giêsu Kitô đã không tìm kiếm một vật hiến tế nào để thay thế, mà Người đã tự hiến dâng chính bản thân, trải qua đau khổ thập giá và sự chết một lần thôi, để làm của lễ Giao ước vĩnh cửu, hầu cho muôn người được sống đời đời.

Đối với các Kitô hữu, mỗi khi tham dự Thánh lễ, tức cử hành Bí tích Thánh Thể, là chúng ta đang loan truyền việc Chúa chịu chết, là ăn Mình và uống Máu Thánh Chúa, và nhất là để “tưởng nhớ tới Đức Giêsu Kitô”. Lệnh truyền “tưởng nhớ” rất quan trọng. Nó mở ra ba chiều kích thời gian: nhớ về quá khứ, sống hiện tại và hướng về tương lai, như lời tung hô chúng ta vẫn đọc sau phần truyền phép trong Thánh lễ. Như thế, Bàn tiệc Thánh Thể không phải là “kỷ niệm” một biến cố mà “hiện tại hóa”, là sống biến cố đó trong đời sống chúng ta, là thông phần vào hy tế của Đức Giêsu Kitô để được tha tội và bước vào cuộc sống vĩnh cửu với Người.

II. GỢI Ý MỤC VỤ

1. Đức Giêsu đã thiết lập Giao ước mới, giao ước của tình yêu qua sự hiến dâng chính thân mình làm của lễ cứu độ con người. Hội Thánh vẫn hiện thực hóa Giao ước này trong Bí tích Thánh Thể, như lời Người đã truyền dạy: “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19). Chúng ta có thái độ và tâm tình thế nào đối với Bí tích Thánh Thể? Chúng ta có thực sự ý thức sâu xa về ý nghĩa và tầm quan trọng của Giao ước tình yêu trong Bí tích Thánh Thể cho đời sống thiêng liêng của chúng ta không? Chúng ta nghĩ gì khi có người nói tôi giữ đạo nhưng không cần đi lễ? Là những người được chính Đức Kitô cứu chuộc bằng chính mình và máu của Ngài, chúng ta hãy yêu mến bí tích Thánh Thể, yêu mến Thánh lễ và để máu của Đức Kitô đã đổ ra được thấm vào cuộc đời chúng ta để chúng ta được cứu độ.

2. Chúng ta được Đức Giêsu nuôi dưỡng bằng chính thân thể Người, thế nhưng đôi khi chúng ta có thái độ thờ ơ hay không cảm nhận được ân huệ cao quí này. Có khi nào chúng ta đến tham dự Bí tích Thánh Thể mà lại không chuẩn bị tâm hồn cho xứng hợp hay không ao ước để lãnh nhận của ăn thiêng liêng là Mình và Máu Đức Kitô? Hoặc có khi nào chúng ta mắc chứng “biếng ăn thiêng liêng”, đi lễ mà không dọn mình rước lễ, khiến chúng ta èo ọt về đời sống đạo? Lời Chúa nhắc nhở rằng chúng ta được mời tới tham dự vào bàn tiệc Thánh Thể, chứ không chỉ đến để xem bàn tiệc mà thôi.

3. Được rước Mình và Máu Đức Kitô là được kết hợp với Người, nên chúng ta được mời gọi trở nên “đồng hình đồng dạng với Đức Kitô” trong đời sống với sứ vụ trao ban và yêu thương. Chúng ta có để cho Mình và Máu của Đức Kitô thấm nhập vào chính thân thể và đời sống của chúng ta, và ra đi vào lòng thế giới như một người cảm nhận được có “Đức Kitô sống trong tôi”?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Thánh Thể để ở lại với nhân loại cho đến tận thế và nuôi dưỡng linh hồn chúng ta bằng chính Mình và Máu Người. Cộng đoàn chúng ta hãy đồng thanh cảm tạ Chúa và khẩn khoản cầu xin.

1. Chúa Giêsu là vị Thượng Tế cao cả đã hiến tế chính mình chỉ một lần là đủ đem lại ơn cứu độ muôn đời cho nhân loại. Chúng ta cùng cầu xin cho các vị mục tử trong Hội Thánh biết noi gương Thầy Chí Thánh, hết mình hy sinh phục vụ đoàn chiên mà Chúa trao phó.

2. Chúa Giêsu là tấm bánh bẻ ra cho một thế giới mới. Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người ở mọi quốc gia biết vượt qua những rào cản ngăn cách về sắc tộc, văn hóa và tín ngưỡng, để chân thành hợp tác với nhau nhằm xây dựng một thế giới hòa bình và hạnh phúc.

3. Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và tột đỉnh đời sống Kitô giáo. Chúng ta cùng cầu xin cho các Kitô hữu được thêm lòng mến yêu sùng kính Bí tích cao trọng này, siêng năng tham dự bàn tiệc Thánh Thể hầu tìm thấy nguồn sức mạnh và lẽ sống cho cuộc đời tại thế.

4. Thánh Thể là bí tích của hiệp nhất và bình an. Chúng ta hãy cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta khi cùng chia sẻ một bánh và một chén cũng được hiệp nhất với nhau, làm nên một thân thể để cùng nhau dấn thân xây dựng nước trời trong đức ái.

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã lập Bí tích Thánh Thể để ở cùng chúng con luôn mãi. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện và giúp chúng con khi đón nhận thần lương Chúa ban, biết hăng say phụng sự Chúa và phục vụ mọi người. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

Top