Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm A
Is 42,1-4.6-7 – Cv 10,34-38 – Mt 3,13-17
BẢN CHẤT - TƯ CÁCH - SỨ VỤ
CỦA CHÚA GIÊSU, NGƯỜI TÔI TRUNG
“Này là Con yêu dấu của Ta, Con đẹp lòng Ta”
(Mt 3,17)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I – Is 42,1-4.6-7
Trong bối cảnh lưu đày bên Babylon, ngôn sứ Isaia đã phác họa nên chân dung của người Tôi Trung của YHWH qua bốn bài ca khác nhau. Những nét chính yếu của Người Tôi Trung này được phác họa trong bài ca thứ nhất là:
- Bản chất của Người Tôi Trung: là người được Thiên Chúa nâng đỡ, tuyển chọn, ban Thần Khí để xét xử, còn người luôn làm đẹp lòng Thiên Chúa.
- Tư cách của Người Tôi Trung: không lớn tiếng, không thiên vị, ‘không bẻ gẫy cây lau bị giập, không dập tắt tim đèn còn khói’, không buồn phiền, không nao núng, trung thành kiến tạo công bình và xây dựng công lý.
- Sứ mạng của Người Tôi Trung: là giao ước của dân, nên ánh sáng của chư dân, mở mắt người mù, giải thoát người tù tội và bị xiềng xích.
2. Bài đọc II – Cv 10,34-38
Đây là nội dung chính của bài giảng mà Thánh Phêrô đã trình bày trước những cử tọa ngoại giáo tại gia đình của viên sĩ quan Rôma Cornêliô ở Cêsarêa miền duyên hải. Bản chất và sứ mạng của Chúa Giêsu được thánh Phêrô triển khai cách rõ nét:
- Bản chất của Chúa Giêsu Kitô Nagiarét: là Lời của Thiên Chúa, được xức dầu tấn phong bằng Thánh Thần và quyền năng để trở nên Đấng Mêsia.
- Sứ mạng của Ngài không chỉ bó hẹp trong phạm vi dân Israel, nhưng mang tính phổ quát vì được mở ra cho tất cả mọi người, mọi dân tộc. Trong tư cách là ‘Đấng được Thiên Chúa ở với’, Ngài ban bố ơn lành khắp nơi và cứu chữa những kẻ bị qủy ám.
3. Bài Phúc âm – Mt 3,13-17
Sứ mạng chính của Gioan Tẩy giả là kêu gọi mọi người lãnh nhận phép rửa như dấu chỉ hữu hình để diễn tả lòng sám hối ăn năn; do vậy ông đã can ngăn Chúa Giêsu lãnh nhận phép rửa này vì ông ý thức rõ Chúa Giêsu là ai. Hơn thế, trong mẩu đối thoại ngắn sau đó giữa ông với Chúa Giêsu mà chỉ mình thánh sử Matthêu thuật lại, thánh Gioan Tẩy giả cũng ý thức rằng chính ông phải cần được Chúa Giêsu làm phép rửa trong ‘Thánh Thần và lửa’ như lời ông đã loan báo trước đó về ‘Đấng phải đến.’
Việc Chúa Giêsu đề nghị ông làm phép rửa cho không phải như dấu chỉ diễn tả lòng sám hối, nhưng như Chúa Giêsu đã giải thích: thật là phải lẽ cho chúng ta để làm trọn mọi điều chính đáng. Nhưng tại sao nói: việc Chúa chịu phép rửa lại là một việc chính đáng đang khi Chúa không vướng mắc một tội lỗi nào? Hành động chịu phép rửa của Chúa Giêsu diễn tả thái độ muốn liên đới với thận phận tội lỗi của con người để cứu chuộc họ bằng giá máu mà Ngài đổ ra trên thập giá.
Những chi tiết xảy ra ngay sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa: Thần Khí Thiên Chúa như chim bồ câu ngự xuống, và đến trên Người – và có tiếng Chúa Cha phán: ‘Đây là Con yếu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.’ đã đồng hóa Chúa Giêsu với chính Người Tôi Trung mà Isaia II đã phác họa trước đó.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Dù chỉ là một Tôi Tớ của Đức Chúa, nhưng tiên tri Isaia đã minh định rõ rằng: Người Tôi Tớ này được chính Thiên Chúa tuyển chọn, ban Thần Trí, nâng đỡ. Đây chính là một bảo đảm chắc chắn cho người Tôi Trung về tư chất tốt đẹp: hiền lành, nhu mì, dịu dàng cũng như sứ mạng cao cả: tái lập công bình, giải thoát kẻ cùng khổ.
Khi nhớ về Bí tích Rửa tội đã lãnh nhận, người Kitô hữu được mời gọi để ý thức thân phận của mình: họ được chính Thiên Chúa tuyển chọn, hiến thánh qua việc xức dầu để ban Thánh Thần và nâng đỡ qua các bí tích. Ý thức một cách nghiêm túc về thân phận của mình, mỗi tín hữu sẽ nỗ lực hơn để sống tư chất tốt đẹp ‘Người Tôi Trung’ là hiền lành và khiêm nhường, cũng như hăng say chu toàn sứ vụ làm chứng cho Chúa trong môi trường sống của mình.
2. Nội dung sứ mạng của Đức Giêsu theo cách mô tả của Thánh Phêrô là: “Người đi qua mọi nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám, bởi vì Thiên Chúa ở với Người.” Điều này mở ra cho người môn đệ những chuẩn mực khi thực thi sứ vụ: Mọi nơi – Ban phát điều thiện hảo – Trừ quỷ và ‘luôn có Chúa ở cùng’ là một bảo đảm chắc chắn cho mọi hoạt động của người môn đệ.
3. Mặc dù không có tội, hành vi cùng đồng hàng để lãnh nhận phép rửa của Đức Giêsu nói lên tính liên đới của Ngài với mọi người. Như thế, liên đới để cảm thông chia sẻ vừa là sứ mạng của người môn đệ cần phải thực hiện mà cũng vừa là bước khởi đầu thích hợp nhất cho việc chuyển tải nội dung sứ điệp Tin mừng sau đó. Chính vì thế Công đồng Vatican II đã mời gọi “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô” (GS 1).
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa đã yêu thương ban tặng Đức Giêsu Kitô là Con Một Yêu Dấu của Người cho nhân loại, để những ai tin nhận người con ấy sẽ được sống dồi dào và trở nên con cái Thiên Chúa. Chúng ta vui mừng cảm tạ Chúa và tha thiết cầu xin.
1. “Này là tôi tớ Ta mà Ta nâng đỡ, là người Ta chọn.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, các Đức Giám mục và hàng linh mục luôn được ơn Chúa nâng đỡ để chu toàn mọi trách nhiệm và trở nên những mục tử như lòng Chúa mong ước.
2. “Ai kính sợ Thiên Chúa và thực hành sự công chính, đều được Người đón nhận.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho những người đang thành tâm tìm kiếm chân lý, được ơn soi sáng để họ nhận biết Thiên Chúa là Cha và Đức Giêsu Kitô là Đấng cứu độ nhân loại.
3. “Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho những ai đã được tái sinh trong phép Rửa Tội, luôn tràn đầy ân sủng Thánh Thần, hầu can đảm tuyên xưng và làm chứng cho Đức Kitô trong mọi hoàn cảnh.
4. “Đây là Con yêu dấu của Ta, Con đẹp lòng Ta.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn trung thành với ơn gọi làm con Thiên Chúa, sống xứng đáng với tư cách người môn đệ, và nên dấu chỉ yêu thương của Chúa giữa mọi người.
Chủ tế: Lạy Chúa là Cha giàu lòng thương xót, xin thương nhận những ý nguyện mà chúng con tha thiết dâng lên; cùng xin ban Thánh Thần giúp chúng con sống đời chứng tá luôn đẹp lòng Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật Lễ Lá năm C
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 5 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 4 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 2 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 8 Thường niên năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 7 Thường niên năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 6 Thường niên năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Mùng Ba Tết - Thánh hóa công ăn việc làm
bài liên quan đọc nhiều
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật IV Mùa Chay - năm A
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 6 Thường niên - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật III Mùa Chay - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật V Phục Sinh - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 5 Thường niên - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 Phục sinh năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 30 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Lễ Mình Máu Thánh Chúa năm B