Phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm
Lời ngỏ
Bài viết này nhằm để trả lời thắc mắc cho chị Nguyễn Thị Hương, đọc gỉả của tờ báo điện tử khoa học@ đời sống – hiện đang cư ngụ và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong điện thư gởi cho tôi gần đây.
Nội dung của bức thư được ghi như sau:
“Tôi tên Hương, 37 tuổi, hiện sống và làm việc tại thành phố HCM. Tình cờ đọc bài viết của anh trên khoa học đời sống về tế bào gốc và quan điểm của Giáo Hội, tôi cảm thấy rất thú vị, vì có thêm thông tin bổ ích về vấn đề này (do tìm hiểu đã lâu nhưng chưa đọc thấy tài liệu nào rõ ràng và cụ thể, đa số người ta viết chung chung), tuy còn nhiều chỗ chưa hiểu hết, do có nhiều từ ngữ chuyên môn, nhưng không sao, tôi sẽ đọc lại nhiều lần và sẽ cố gắng tìm hiểu thêm nữa. Tôi muốn hỏi anh về vấn đề này: tôi là người Công Giáo, vì bạn trai vô sinh không thể có con con theo cách tự nhiên được nhưng có thể thụ tinh trong ống nghiệm. Vậy tôi có được phép thực hiện không? Nếu không được thì xin nói lý do vì sao? Còn có thể được thì như thế nào?
Cám ơn anh dành thời gian đọc thư này. Chúc anh nhiều sức khỏe và thành công.”
Mến chào anh,
Nguyễn Thị Hương
Dẫn nhập
Trong bài viết này, tôi muốn cùng với qúi bạn đọc bốn phương, chúng ta cùng nhau tìm hiểu và xem xét đến những kỹ thuật mới mang tính hiện đại về việc sinh sản. Ở đây chúng ta tập trung chú ý vào những can thiệp y học và những kỹ thuật tiên tiến nhằm khắc phục điều kiện vô sinh hoặc gia tăng cơ hội thụ thai. Đó chính là việc cấy tinh nhân tạo, việc thụ tinh trong ống nghiệm và vấn đề mang thai hộ. Đây là những vấn đề tương đối khá phức tạp và gây nhiều tranh cãi trong suốt những năm, qua thậm chí cho đến ngày nay.
Trước khi bước vào các suy tư thần học và khía cạnh luân lý về việc sử dụng các kỹ thuật mới về sinh sản, trước hết, tôi muốn trình bày với quí vị độc giả, một trường hợp nan giải diễn ra cho cặp vợ chồng mắc chứng vô sinh, như một cách giới thiệu những vấn nạn liên quan đến lãnh vực Đạo Đức Sinh Học, đồng thời cũng là «tư-liệu để suy nghĩ». Tôi hy vọng trường hợp điển hình này sẽ được coi là khởi điểm cho việc suy tư cá nhân về những vấn nạn mà ngày nay chúng ta thường xuyên gặp phải.
TRƯỜNG HỢP ĐẶC TRƯNG: ĐỨA TRẺ ỐNG NGHIỆM
Thắng và Nguyệt kết hôn với nhau vào những năm đầu của độ tuổi ba mươi. Cuộc hôn nhân của họ quả là hạnh phúc và đã kéo dài được chín năm. Họ đã có được tất cả những gì họ muốn trong cuộc sống. Cả hai đều có việc làm ưng ý và đạt ý nguyện. Nguyệt là giáo sư toán rất nổi tiếng ở trường Trung học phổ thông cấp III, còn Thắng là một kế toán chuyên nghiệp cần mẫn của xí nghiệp do chính bố ruột làm chủ ở trên tỉnh. Họ còn có một căn nhà xinh xắn, có tiền tiết kiệm gửi ngân hàng; họ còn có một nhóm bạn bè rất tốt và nhiều họ hàng ruột thịt rất thân thương.
Thế nhưng, điều họ đang mong mỏi là có được đứa con của hai người. Sau khi đã nỗ lực trì hoãn việc có con suốt sáu năm trời, Thắng và Nguyệt thấy rằng họ đã đủ vững về tài chính để có thể có con và để Nguyệt ở nhà nuôi con trong vài năm. Vì thế họ đang cố gắng để Nguyệt có thể thụ thai. Vì cả hai đều xuất thân từ những gia đình ‘đông con nhiều cháu’, và vì các chị em của Nguyệt, ai cũng có đến hai đứa con trong vòng ba năm đầu sau khi cưới, nên đâu có điều gì đáng ngại đối với Thắng và Nguyệt, vì thế họ đâu cần phải giữ bí mật toan tính này của họ.
Thế nhưng năm tháng trôi qua mà Nguyệt chẳng có một dấu hiệu gì là có thai cả. Lúc đầu Thắng và Nguyệt còn bán tín bán nghi, nhưng rồi họ bắt đầu lo lắng và phát hoảng. Các chị em của Nguyệt cũng hết sức ủi an và động viên. Cha mẹ của Nguyệt dù có tỏ ra vững vàng cũng bắt đầu nhuốm buồn và thất vọng. Mẹ của Thắng hứa sẽ khấn xin với thánh Giêrađô (DCCT) mà người ta cho là bổn mạng của những cặp hiếm muộn. Những tranh luận về việc chuyển phòng khách thành phòng em bé thưa dần rồi ‘tịt hẳn’. Chuyện ái ân vì tập trung vào việc có thai nên mất đi tính ngẫu hứng và thích thú. Tháng nào họ cũng hy vọng để rồi thất vọng, khiến cho bầu khí gia đình ngày càng lúng túng và buồn thảm. Hố ngăn cách giữa họ với những bạn bè và bà con có con đang lớn dần. Thế giới như phân chia làm đôi, một bên là những người có con và một bên là những người hiếm muộn, khó lòng cảm thông nhau. Rốt cuộc, họ quyết định nhờ sự trợ giúp của y học, điều này khiến họ phải trải qua hàng loạt đợt khám bệnh và xét nghiệm lâu dài. Mấy tháng trước, bác sĩ của trung tâm sinh sản thông báo cho họ biết họ bị trở ngại trong việc có con vì hai vòi trứng của Nguyệt bị nghẽn, và bác sĩ khuyên họ nên cứu xét chuyện thụ tinh trong ống nghiệm. Quy trình này đòi hỏi phải cho thụ tinh một số trứng của Nguyệt với tinh trùng của Thắng trong phòng thí nghiệm, sau đó đưa trứng đã thụ tinh vào tử cung của nàng, có như vậy mới mong họ có con được.
Nhưng giải pháp này có những vấn đề của nó, chí ít là đối với Thắng và Nguyệt, cả hai là những Kitô hữu sống đạo tích cực. Nguyệt đã từng trao đổi chuyện này với vị linh mục dạy học ở trường Thánh Tâm, và nàng được biết rằng Giáo Hội Công Giáo không chấp nhận việc thụ tinh trong ống nghiệm, vì nó tách rời việc ái ân với chuyện thụ thai, và vì nó thường dính dáng đến việc làm tê liệt hoặc giết chết một số trứng đã thụ tinh. Cả Thắng lẫn Nguyệt không tin lắm vào lập luận đấy, nhưng nàng lo lắng khi nghĩ đến những trứng đã thụ tinh mà Giáo Hội dạy đấy là mầm sống của con người.
Nguyệt nói: « Tôi biết rằng một phôi gồm hai hay bốn tế bào thì chưa phải là em bé. Nhưng nó hẳn là một thứ gì đó, có thể đã là một con người rồi, nên chuyện làm tê liệt hoặc giết đi cái được coi là sự sống ấy hẳn là điều sai trái. Tôi không thể không tự hỏi là có nên nhận con nuôi hoặc có nên làm cha mẹ nuôi của các trẻ em vô gia cư không. Có lẽ chúng tôi chỉ là những người ích kỷ. Tôi biết mặt mũi đứa con nuôi sẽ chẳng giống chúng tôi, nhưng có biết bao nhiêu đứa bé như thế cần có cha mẹ; còn chúng tôi đây, là những người khoẻ mạnh, may mắn, và đang khao khát có con.
Thắng không có ý kiến về những dẫn giải này. Anh ấy cũng bối rối lắm. Cũng như Nguyệt, anh muốn có một bé trai hay bé gái đúng là con ruột của hai người, là xương thịt và máu huyết của hai vợ chồng. Anh muốn cho cha mẹ anh một đứa cháu, và trên hết, anh muốn xoá bỏ ‘vết nhơ’ trong đầu óc của mọi người cho rằng họ vô sinh, muốn gột sạch nỗi ám ảnh cứ phải câu nệ vào chuyện làm sao phải có thai mỗi lần ân ái với vợ.
Nhưng họ phải làm gì đây? Ngay cả chuyện « thụ tinh trong ống nghiệm » chưa hẳn đã thành công. Người chị em bà con của Nguyệt là Hằng đã thử phương pháp này mấy năm nay mà có thành công đâu, để rồi phí tổn và nỗi căng thẳng càng làm cho đời sống hôn nhân của họ xáo trộn thêm. Thế nhưng, một trong những khách hàng của Thắng lại sinh đôi hai cô bé xinh đẹp, khỏe mạnh ngay lần thử đầu tiên, và hai năm sau lại thêm một trẻ sơ sinh nữa cũng từ chính ‘mẻ trứng’ ấy. Nếu những người này mà nhận con nuôi thì có phải là ‘rách việc’ không. Ồ, nếu thế thì không biết bây giờ họ phải ‘xoay xở’ ra sao? (1)
Vì thế, trong bài khảo luận này, tôi muốn xem xét về những can thiệp của kỹ thuật sinh sản, tức việc cấy tinh nhân tạo, việc thụ tinh trong ống nghiệm và vấn đề người mẹ mang thai hộ . Những vấn đề này đã từng được coi như là một sự thách thức lớn nhất trong đạo đức sinh học suốt ba thập niên vừa qua, do sự ra đời của việc sinh sản nhân tạo, đặc biệt vào những năm cuối của thập niên 1970, khi hai khoa học gia, kiêm bác sĩ, Patrick Steptoe và Paul Edwards thành công, trong việc cho ra đời một đứa trẻ được thụ tinh trong ống nghiệm và được chuyển vào tử cung của người mẹ sau vài ngày thụ tinh. Vì thế, với sự ra đời của bé gái Louise Brown, ngày 25 tháng Bảy 1978 tại Anh Quốc, một phương cách sinh sản mới đã trở thành sự thật: việc thụ tinh trong ống nghiệm.
I. NHỮNG CAN THIỆP VÀO SỰ SINH SẢN CỦA CON NGƯỜI
Chúng ta bắt đầu với bối cảnh lịch sử.
Trước thế kỷ XX người ta chưa chú ý nhiều về chuyện không đậu thai. Thế nhưng, vào thập niên 1920, Kyusako Ogino của Nhật Bản và Herman Knaus của Áo đã nghiên cứu về những giai đoạn đậu hay không đậu thai theo chu kỳ kinh của phụ nữ. Cả hai nhà nghiên cứu khẳng định rằng «sự rụng trứng xảy ra từ các ngày từ mười sáu tới mười hai trước ngày đầu tiên theo dự đoán của kỳ kinh sau».
Trong vòng một thập niên, hiểu biết này dẫn tới việc triển khai «phương pháp tiết dục định kỳ» để điều hòa việc sinh đẻ. Mặc dù nhiều đôi vợ chồng dùng phương pháp này để tránh thai, tuy nhiên sự hiểu biết về thời gian rụng trứng chính xác chỉ cung cấp cho nhiều đôi vợ chồng vô sinh, một phương pháp kỹ thuật-thấp, để gia tăng cơ hội thụ thai.
Với thời gian, ba cuộc cách mạng tính dục chính đã diễn ra ở Mỹ. Cuộc cách mạng đầu xảy ra hồi thập niên 1950, giới thiệu viên thuốc ngừa thai. Thuốc uống ngừa thai này đã tách tình dục khỏi sự sinh sản; người ta có thể yên tâm vui hưởng thú vui ân ái mà không sợ mang thai. Cuộc cách mạng thứ hai giới thiệu việc thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) hồi năm 1978, khi ông và bà Brown ở Anh cho ra đời đứa con đầu tiên bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Louise Brown, được thụ tinh bên ngoài cơ thể. Việc này cũng tách sự sinh sản khỏi tình dục; lúc này người ta có thể sinh con mà không cần giao cấu. Sự sinh sản của con người đã bị thay đổi mãi mãi. Cuối cùng, việc người mẹ mang thai hộ được giới thiệu hồi thập niên 1980. Việc này đánh dấu sự tách rời tình dục khỏi sự sinh sản, sự sinh sản khỏi tình dục, và cả tình dục lẫn sự sinh sản khỏi mô hình gia đình truyền thống. Những can thiệp này chuẩn bị cho cuộc cách mạng trong các cách thức thụ thai và sinh đẻ.(2) Hiện nay có khá nhiều phương cách và kỹ thuật về việc sinh sản nhân tạo, phần lớn chỉ là sự khác biệt nào đó từ những kỹ thuật chính. Vì khuôn khổ của bài viết có giới hạn, nên tôi chỉ mạn phép trình bày ba phương pháp chủ yếu đã được sử dụng trong kỹ thuật sinh sản, đó chính là việc cấy tinh nhân tạo, việc thụ tinh trong ống nghiệm và vấn đề mang thai hộ.
II. CÁC KỸ THUẬT MỚI VỀ VIỆC SINH SẢN
1. Thụ tinh nhân tạo
Lần đầu tiên ứng dụng thành công nơi con người vào cuối thế kỷ XIX, được giới thiệu rộng rãi hơn hồi thập niên 1930. Theo quy trình này, tinh trùng của người đàn ông được đưa vào đường sinh sản của người phụ nữ bằng ống tiêm hay ống thông, và sự thụ tinh xảy ra khi một trong các tinh trùng kết hợp với tế bào trứng (noãn) của người phụ nữ. Như thế sự thụ tinh xảy ra trong cơ thể người phụ nữ. Sự thụ tinh nhân tạo có thể là đồng tính (homologous artificial insemination) hay dị tính (heterologous artificial insemination).
Thụ tinh nhân tạo đồng tính sử dụng tinh trùng và noãn của đôi vợ chồng thành hôn với nhau, trong khi thụ tinh nhân tạo dị tính sử dụng các tế bào giao tử (nghĩa là tinh trùng hay noãn) của những cá nhân không phải là vợ chồng của nhau, thường bởi người cho hay hiến tặng.
a) Thụ tinh nhân tạo đồng tính hay thụ tinh nhân tạo bởi người chồng (AIH) là đưa tinh trùng của người chồng vào cửa mình của người vợ bằng ống tiêm hay những dụng cụ khác. Thông thường người ta lấy tinh trùng của người chồng bằng cách cho thủ dâm hoặc dùng bao cao su có túi chứa ở phần qui đầu để thu hoạch tinh trùng khi vợ chồng giao hợp với nhau.
Một số đôi vợ chồng phải nhờ tới phương pháp cấy tinh nhân tạo đồng tính này để có thai khi mà, vì lý do nào đó người chồng không thể phóng tinh trong âm đạo. Nó cũng được sử dụng khi người chồng bị tình trạng ít tinh trùng (oligospermia), khó có thể thụ tinh qua việc giao hợp bình thường hoặc khi có sự dị ứng nào đó không thể điều trị bằng nội tiết tố.
Với khả năng ướp lạnh và dự trữ tinh trùng (bảo quản lạnh tinh trùng), sự thụ tinh nhân tạo đồng tính còn có thể được dùng để giúp một góa phụ có con bằng tinh trùng của người chồng sau khi ông ta đã qua đời.(3)
b) Thụ tinh nhân tạo dị tính còn được gọi là thụ tinh nhân tạo bởi người hiến tặng. Theo truyền thống, hình thức thụ tinh nhân tạo này được sử dụng bởi cặp vợ chồng hiếm muộn để người vợ có thể mang thai về mặt di truyền đứa con của chị ta, nếu chồng chị ta không có khả năng sinh sản hay nếu có «sự không tương hợp di truyền» giữa hai vợ chồng; nghĩa là, khi cặp vợ chồng là những người mang khiếm khuyết di truyền tính và khả năng là đứa con được cưu mang sẽ có thể chịu ảnh hưởng bởi sự hư hại di truyền ấy.
Ngày nay quy trình này còn thường được sử dụng cho những mục đích nói trên, nhưng hiện nó còn được sử dụng cho những phụ nữ đơn chiếc muốn có con và những ai, như Walter Wadlington nói, «không lập gia đình hoặc không có người phối ngẫu chắc chắn hay người phụ nữ sống chung với một người phụ nữ khác».(4) Phương pháp này cũng được dùng trong những thỏa thuận mang thai hộ mà theo đó người phụ nữ sẽ thụ thai và sinh con, sau đó đứa con sẽ được chuyển giao cho người cung cấp tinh trùng hay một người khác sau khi sinh. Cần ghi nhận là hiện nay vì mối nguy có thể là tinh trùng được cung cấp bởi ‘người bán’ mang vi rút HIV nên sẽ trở thành mối đe dọa cho người phụ nữ và đứa bé sơ sinh có thể mang bệnh AIDS, ngày nay phần lớn bác sĩ tham gia vào cách thức thụ tinh nhân tạo này chỉ dùng tinh trùng đông lạnh từ ngân hàng tinh trùng thương mại đã được kiểm dịch các mẫu để tìm HIV. (5)
2. Thụ tinh trong ống nghiệm và chuyển cấy phôi
Thụ tinh trong ống nghiệm được giới thiệu ở Anh năm 1978 và dẫn tới kết quả là sự ra đời của Louise Brown – «đứa bé ống nghiệm» đầu tiên. Từ đó đã có 45.000 đứa trẻ ở Mỹ được cưu mang bằng quy trình này.(5) Phương pháp này được sử dụng chủ yếu để để điều trị những phụ nữ không có vòi trứng hoặc vòi trứng bị nghẽn.
Thoạt đầu, thụ tinh trong ống nghiệm và chuyển cấy phôi được thực hiện bằng cách lấy một trứng từ người phụ nữ qua phép soi ổ bụng (laparoscopy), một quy trình cần gây mê tổng quát. Khi thực hiện phép soi ổ bụng, bác sĩ hút lấy trứng của người phụ nữ qua cây kim rỗng được cài vào bụng và được hướng dẫn bởi dụng cụ quang học hẹp được gọi là ống soi ổ bụng (laparoscope. Sau khi lấy được trứng qua phép soi ổ bụng, nó được cho thụ tinh bằng tinh trùng của người chồng trong đĩa kính (tiếng La tinh gọi là ống thủy tinh hay ống nghiệm – in vitro). Khoảng hai ngày sau thì tiến trình thụ tinh được hoàn tất, phôi lúc đó phát triển tới giai đoạn tế bào bốn-tới-tám, sẵn sàng để chuyển cấy vào tử cung của người phụ nữ. Và nếu việc cấy này thành công, phôi sẽ tiếp tục phát triển cho tới lúc sinh.(6)
Ngày nay, quy trình thụ tinh trong ống nghiệm thường bao gồm bốn bước.
1. Người phụ nữ được cho dùng thuốc (7) để kích thích và qua đó có thể sản sinh ra nhiều trứng.
2. Trứng được thu hoạch bằng phẫu thuật hay qua ống đặc biệt đuợc đưa qua âm đạo và tử cung. (8)
3. Sau đó trứng được thụ tinh trong đĩa kính với tinh trùng của người chồng hay của người cho/ hiến tặng và để cho phát triển trong vài ngày.
4. Tiếp theo, một vài trứng đã thụ tinh này được chuyển cấy vào tử cung của người phụ nữ. Theo như phương pháp thực hành hiện nay thì bác sĩ thông thường chuyển cấy từ 2 đến 4 tiền-phôi này vào tử cung để gia tăng khả năng trứng đã thụ tinh có thể làm tổ ở vách tử cung và như thế việc thụ thai có thể thành công. Số trứng thụ tinh còn lại sẽ được đem đông lạnh và dự trữ cho việc sử dụng để cấy sau này, nếu lần cấy đầu không thành công. Những phôi lạnh «dự trữ» này cũng có thể được «hiến tặng» cho những mục đích nghiên cứu. Sau cùng, nếu như cặp vợ chồng xét thấy không có nhu cầu để sử dụng các phôi ấy nữa, thì các phôi đông lạnh này sẽ được huỷ đi.(9) Việc thụ tinh trong ống nghiệm và chuyển cấy phôi có thể là đồng tính (10) hay dị tính.(11)
Ban đầu, việc thụ tinh trong ống nghiệm và chuyển cấy phôi đồng tính được dùng hầu như chỉ dành cho những người vợ có vòi trứng bị tổn thương hoặc hư hại, để tạo điều kiện và giúp họ có thể mang thai và sanh con do tinh trùng của người chồng cung cấp. Nhưng hiện nay quy trình này được mở rộng cho cả tình trạng vô sinh do người đàn ông (chẳng hạn tình trạng ít tinh trùng). Nó còn được dùng để giúp đôi vợ chồng tránh thụ thai đứa con có thể bị ảnh hưởng bệnh di truyền. Thí dụ, vào mùa hè năm 1988, các nhà khoa học đã thành công trong việc nhận dạng và tách tinh trùng chịu trách nhiệm trong việc thụ tinh để sanh ra đứa trẻ là trai hay gái. Chỉ những bé trai mới chịu ảnh hưởng chứng huyết hữu (chứng máu khó đông) [Hemophilia]. Do đó, đôi vợ chồng có lý do chính đáng để lo lắng về việc thụ thai đứa con trai sẽ bị ảnh hưởng chứng bệnh như vậy, thì bây giờ có thể chọn cách thụ tinh trong ống nghiệm để bảo đảm việc chọn tinh trùng thụ tinh là bé gái.(12)
Thụ tinh trong ống nghiệm và chuyển cấy phôi dị tính hiện nay có thể được sử dụng thay cho sự thụ tinh nhân tạo, trong những trường hợp khi người chồng hoàn toàn không có khả năng làm cho người bạn phối ngẫu của mình thụ thai hay khi người vợ không có buồng trứng hoặc khi có sự bất tương hợp về di truyền giữa hai người (còn được gọi là sự loạn sinh [dysgenesis]). Thụ tinh trong ống nghiệm và chuyển cấy phôi đồng tính hoặc dị tính cả hai đều bao gồm việc cấy phôi vào tử cung của người phụ nữ, ngay cả người phụ nữ ấy đã không cung cấp trứng, hiện tượng này được coi như là việc mang thai hộ hoặc mướn. Bây giờ chúng ta cùng nhau tìm hiểu về vai trò của người mẹ mang thai hộ hay còn được gọi là người mẹ thay thế.
3. Vai trò của người mẹ thay thế/ mang thai hộ
• Các loại mang thai hộ
Trong mô hình mang thai hộ, cơ bản là người vợ không có khả năng sinh con. Người chồng hợp đồng với một phụ nữ khác – tạm gọi là người mẹ thay thế – để thụ tinh nhân tạo cho chị ta. Sau đó chị ta thụ thai, mang thai cho tới ngày sinh, và rồi trao trả đứa trẻ sơ sinh cho hai vợ chồng. Đây là mô hình chuẩn mang thai hộ với chi phí khoảng 10.000 mỹ kim cho người phụ nữ bằng lòng làm công việc thay thế mang thai. Nhưng cũng có khi, người mang thai hộ làm việc này hoàn toàn vì lòng vị tha. Chẳng hạn đã từng có những trường hợp người mẹ hay người chị em, hoặc có khi là bạn bè của người phụ nữ ấy nhận phôi (từ trứng và tinh trùng của cặp vợ chồng) và mang thai cho tới ngày sinh. (13)
Những vấn đề về việc mang thai hộ
1. Sự khách quan hóa người phụ nữ
Những người mang thai hộ thường được chọn dựa vào cơ sở dáng vẻ bề ngoài và tình trạng sức khỏe tinh thần và thể chất của họ. Hơn nữa, họ cũng cần chứng minh khả năng sinh sản của họ. Những phương pháp chọn lựa như thế mở ngõ cho việc đánh giá và xem xét người phụ nữ như là một đồ vật hoặc như là một phương tiện để đạt tới mục đích. Lẽ đó, dẫn đến mối nguy cơ là ta có thể xem thường phẩm giá người phụ nữ.
2. Bán trẻ
Một trong những khía cạnh gây tranh cãi đối với việc mang thai hộ là đó có thể được xem như một tình trạng bán trẻ. Người phụ nữ ký hợp đồng bằng lòng mang thai mướn và sinh con; sau đó chị ta nhận tiền để giao con lại cho thân chủ. Có lập luận cho rằng việc này mang tính chất mua bán. Nhưng cũng có những người cho rằng đấy là một loại chi phí dịch vụ. Cũng có ý kiến cho rằng đứa con thường được thụ tinh do tinh trùng của người chồng, đứa con ấy là của anh ta mà anh ta không cần phải mua.
3. Những dính líu gia đình
Người chồng của người phụ nữ mang thai mướn thường hay bị lãng quên, mặc dầu anh cũng có liên quan vì anh là người giúp ổn định và hỗ trợ tiền bạc trong thời gian mang thai. Anh ta phải đành lòng chấp nhận trong thời gian vợ anh ta mang thai đứa con của người đàn ông khác. Ở đây còn có vấn đề pháp lý. Nếu người chồng đồng ý để vợ mình thụ tinh nhân tạo bằng tinh trùng của người đàn ông khác, về mặt pháp lý, đứa con sinh ra được coi là con của người chồng, không phải con của người cung cấp tinh trùng, đây là một vấn đề rắc rối về mặt pháp lý chưa giải quyết được về việc mang thai hộ.
4. Quyền của người phụ nữ
Mặc dù có những vấn đề này hay vấn đề khác liên quan tới việc mang thai hộ, nhiều lập luận cho rằng: nếu từ chối không để phụ nữ có cơ hội này là từ chối không cho phép họ hành động như là một người trưởng thành đầy đủ về mặt xã hội. Từ chối khả năng này của họ là đối xử với phụ nữ một cách chuyên quyền bằng lập luận ngầm cho rằng họ không thể tự quyết định. (14)
III. NHỮNG HIỂU BIẾT VỀ VAI TRÒ LÀM CHA MẸ
Vì các khả năng kỹ thuật mới của chúng ta, nhất là khi vai trò người mẹ mang thai hộ được giới thiệu hồi thập niên 1980, vì thế, giờ đây cần tái xác định tận căn vai trò làm cha mẹ. Đối với phụ nữ, khả năng làm mẹ có bảy loại:
1. mẹ theo nghĩa di truyền là người sản sinh trứng;
2. về việc cưu mang, là người mang thai;
3. về nuôi dưỡng, là người nuôi đứa bé lớn;
4. về mang thai-và-di truyền, người sản sinh trứng và mang thai nhưng không nuôi đứa bé (surrogate mother);
5. về nuôi dưỡng-và-di truyền, người sản sinh trứng và nuôi đứa bé nhưng không mang thai. Ví dụ trong trường hợp thuê người khác mang thai hộ;
6. về nuôi dưỡng-và-mang thai, người mang thai và nuôi đứa bé nhưng không cung cấp trứng;
7. người mẹ theo nghĩa toàn diện là người thực hiện hết các chức năng trên, người sản sinh trứng, mang thai, và nuôi đứa bé.(15)
Đối với đàn ông khả năng làm bố chỉ có ba loại:
1. về di truyền, người sản sinh tinh trùng;
2. về nuôi dưỡng, người nuôi đứa bé;
3. người cha đầy đủ, người cung cấp tinh trùng và nuôi đứa bé.(16)
Về mặt lịch sử, việc nhận con nuôi cũng phát sinh những vấn nạn tương tự (chẳng hạn như vai trò làm cha mẹ), vì cha mẹ nuôi không có quan hệ gì với đứa bé mà họ nhận nuôi. Tuy nhiên, những khả năng mới này dựa trên những can thiệp kỹ thuật rõ ràng làm cho vấn đề làm cha mẹ trở nên phức tạp hơn, nhất là khi những cá nhân khác dính dáng đến việc bán 17 trứng, tinh trùng hay mang thai hộ. Những khả năng này đã làm phát sinh những tranh luận thật nóng bỏng về bản chất tự nhiên, sự nuôi dưỡng, hay một sự kết hợp nào đó về cả hai phương diện này có thể được coi như là cơ sở cho việc xác định vai trò làm cha mẹ, nhất là về khía cạnh chính sách xã hội.
IV. NHỮNG VẤN ĐỀ XUNG QUANH SỰ THỤ TINH TRONG ỐNG NGHIỆM
1. Tỉ lệ thành công
Có lẽ cách dễ nhất để nói về vấn đề chính của việc thụ tinh trong ống nghiệm là dẫn chứng sự cân nhắc của khoa học hồi năm 1993: «Việc thụ tinh trong ống nghiệm lại chẳng thành công lắm đâu. Ở Mỹ, tỉ lệ toàn thể ca sinh đẻ qua sự thụ tinh trong ống nghiệm là 14% từ 16.405 trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm». Điều này có nghĩa là trong 16.405 trứng được thu thập và cố làm cho thụ tinh, chỉ 14 phần trăm tồn tại tới ngày sinh và sinh ra vẫn còn sống.(18)
2. Chi phí
Tại Hoa Kỳ một số Tiểu bang có dịch vụ bảo hiểm y tế và sức khỏe bao gồm dịch vụ bảo hiểm sinh sản, kể cả thụ tinh trong ống nghiệm, dù đã có đóng bảo hiểm y tế thì các công ty bảo hiểm chỉ bằng lòng trả các khoản phí tổn cho một số lần thụ tinh trong ống nghiệm nhất định nào thôi, vì thế phần lớn chi phí là do cá nhân hay gia đình phải gánh vác.
Theo Hiệp hội Y học Sinh sản, chi phí trung bình cho một quy trình này là 7.800 mỹ kim. Tại Bệnh viện Từ Dũ ở Sài Gòn, theo tôi được biết, thì mỗi lần thực hiện việc thụ tinh trong ống nghiệm, cá nhân phải trả là 40 triệu đồng, dù thành công hay không. Vì khó có phụ nữ nào có thể thụ thai trong lần cấy phôi đầu tiên, nên do đó phí tổn có thể lên cao. Vì thế, khi phân tích vấn đề này, chúng ta cần tính cả những yếu tố nói trên.
Trước hết, người nghèo làm sao có thể kham nổi các kỹ thuật sinh sản này. Ba lần thực hiện trả hết cả 20.000 mỹ kim, nhưng thường đâu có được bảo hiểm y tế chi trả hết, mà chỉ những người giàu mới chi phí được số tiền lớn như vậy.
Thứ đến, một số phụ nữ đã bày tỏ sự quan tâm cho rằng những tiến bộ về kỹ thuật sinh sản đã đặt thêm áp lực lên phụ nữ để họ (phải) thụ thai và sinh con, bất kể lý do gì. Kết quả là nhiều phụ nữ phải chịu những quy trình gian khổ, nản lòng, và xa xỉ để được ‘bằng chị bằng em’ theo khuôn mẫu văn hóa và thành kiến giới tính.
Thứ nữa, cần phải hỏi rằng những can thiệp này có cho chúng ta cảm nhận để nhìn đứa con của mình là quà tặng của Thượng đế và mang tính thánh thiêng cần được trân trọng và chăm sóc, hoặc như một sản phẩm mà mọi người đều có quyền. Liệu có nguy hại gì khi cho rằng những kỹ thuật này làm mờ nhạt nỗi sợ và sự trân trọng mà chúng ta dành cho con cái, dẫn chúng ta tới chỗ xem chúng như những vật phẩm được sản xuất và được tậu theo sở thích của chúng ta? (19)
3. Các nguy cơ của quy trình thụ tinh trong ống nghiệm
Nguy cơ đặc trưng của sự thụ tinh trong ống nghiệm cần được đề cập, đó chính là khả năng đa thai. Vì tính chất cần chuyển cấy đến ba hay bốn phôi-có khi còn phải chuyển cấy nhiều hơn-nên khả năng đa thai là khả thể. Mà tình trạng đa thai rõ ràng gây ra vấn đề cho bà mẹ vì nó ảnh hưởng hệ sinh sản của chị ta, sức khỏe chung của chị ta, gây khó chịu khi mang thai và khó khăn lúc sinh. Còn có ảnh hưởng lên các bào thai vì tình trạng thiếu chỗ sẽ gây ra tình trạng đẻ non, mà như thế sẽ đưa đến một số vấn đề về sức khỏe của chúng. Thêm nữa, các chi phí xã hội sẽ tăng do phải tăng cường việc Chăm sóc Đặc biệt.
Vì điều này, người ta thường đưa ra giải pháp được gọi là sự khử thai có chọn lọc (selective reduction of the pregnancies) cho vấn đề đa thai do sự thụ tinh trong ống nghiệm, nghĩa là phá bớt một số bào thai. Đây lại là một ‘nỗi đau’ đối với bà mẹ, nhất là đối với những ai nặng lòng về mặt đạo lý. Ngay cả cho dù việc này được chấp nhận về mặt đạo đức, những người này sẽ vẫn chịu sự dằn vặt.(20)
Chú thích
1. Xem Patrick T. McCormick & Russell B. Connors, Jr. Facing Ethical Issues (Đối diện với những vấn đề đạo đức). (New York: Paulist Press, 2002), các trang 338-340.
2. Thomas A. Shannon, An Introduction to Bioethics – Dẫn Nhập vào Đạo Đức Sinh Học, xuất bản lần thứ ba. (New York: Paulist Press, 1997), trang 57.
3. William E. May, William E. May, Catholic Bioethics and the Gift of Human Life – Đạo Đức Sinh Học Công giáo và Tặng phẩm Sự Sống Con Người. (Huntington, Indiana: Our Sunday Visitor, Inc., 2000), trang 73-74.
4. Walter Wadlington, “Reproductive Technologies, Artificial Insemination – Các kỹ thuật sinh sản, sự thụ tinh nhân tạo,” Warren T. Reich chủ biên, Encyclopedia of Bioethics. Tái bản lần thứ hai có sửa chữa. (New York: McGraw-Hill, 1995) trang 2217.
5. Xem William E. May, Catholic Bioethics and the Gift of Human Life (Huntington, Indiana: Our Sunday Visitor, Inc., 2000), trang 75.
6. American Society for Reproductive Medicine – Hiệp hội Y học Sinh sản Mỹ, www.asrm.Org/Patients/faqs.html#Q7.
7. William E. May, William E. May, Catholic Bioethics and the Gift of Human Life (Huntington, Indiana: Our Sunday Visitor, Inc., 2000), chương 3.
8. Các loại thuốc gây rụng trứng như Clomid, Pergonal, và Metrodin giúp phụ nữ sản sinh khá nhiều noãn (oocyte/ovum) để thu hoạch và cho những lần thụ tinh kế tiếp.
9. Thí dụ, bằng cách hút qua âm đạo được hướng dẫn bằng siêu âm, phương pháp không cần gây mê tổng quát.
10. William E. May, William E. May, Catholic Bioethics and the Gift of Human Life (Huntington, Indiana: Our Sunday Visitor, Inc., 2000), các trang 75-76; cũng xem Patrick T. McCormick & Russell B. Connors, Jr. Facing Ethical Issues – Đối diện với những vấn đề đạo đức. (New York: Paulist Press, 2002), trang 308.
11. Homologous artificial insemination.
12. Heterologous artificial insemination
13. Xem William E. May, Catholic Bioethics and the Gift of Human Life (Huntington, Indiana: Our Sunday Visitor, Inc., 2000), các trang 75-76; cũng xem Patrick T. McCormick & Russell B. Connors, Jr. Facing Ethical Issues (New York: Paulist Press, 2002), trang 77.
14. Thomas A. Shannon, An Introduction to Bioethics, xuất bản lần ba, có sửa chữa và cập nhật. (New York: Paulist Press, 1997), trang 62.
15. Thomas A. Shannon, An Introduction to Bioethics, xuất bản lần ba, có sửa chữa và cập nhật. (New York: Paulist Press, 1997), trang 62-64.
16. Thomas A. Shannon, An Introduction to Bioethics, xuất bản lần ba, có sửa chữa và cập nhật. (New York: Paulist Press, 1997), trang 61-62.
17. Sđd., trang 62.
18. Về mặt kỹ thuật, những cá nhân này không là người cho vì họ nhận phí dịch vụ. Tiêu biểu như đàn ông nhận từ 25 đến 50 mỹ kim cho một mẫu tinh trùng, còn phụ nữ nhận tới 1.300 đến 2.000 mỹ kim hay cao hơn cho mỗi lần bán trứng. Như Walter Wadlington nhận xét chính xác, “từ ‘người cho tinh’ là từ dùng sai vì trong thực tế đã có sự bù đắp.” Xem Walter Wadlington, “Các kỹ thuật sinh sản, sự thụ tinh nhân tạo,” Warren T. Reich biên tập, Encyclopedia of Bioethics – Bách khoa về Đạo Đức Sinh Học. Tái bản lần thứ hai có sửa chữa (New York: McGraw-Hill, 1995) trang 2220.
19. Thomas A. Shannon, An Introduction to Bioethics, xuất bản lần ba, có sửa chữa và cập nhật. (New York: Paulist Press, 1997), trang 58.
20. Patrick T. McCormick & Russell B. Connors, Jr. Facing Ethical Issues – Đối diện với những vấn đề đạo đức. (New York: Paulist Press, 2002), trang 309.
Chúng con xin cám ơn cha Phêrô Trần Mạnh Hùng đã cho phép chúng con đăng lại các bài này. XBVN
Nguồn:
Xuân Bích Việt Nam
bài liên quan mới nhất
- Tròn một năm Covid-19: Phản tỉnh từ nhãn quan Thần học Luân lý Y Sinh học Công giáo
-
Đồng tính & Hôn nhân đồng tính: Quan điểm của Giáo hội Công giáo -
Bác thằng bần -
Lắng nghe những suy tư của Đức Bênêđictô XVI về vấn đề giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ em -
“Quyền phá thai” coi thường các tiêu chuẩn luân lý và luật pháp -
ĐTC cổ võ nền luân lý thương xót và có tinh thần truyền giáo -
Thư của Bộ Giáo lý Đức Tin gởi các Giám Mục về đồng tính -
Hội nghị Quốc tế của các Thần học gia Luân Lý tại Sarajevo, Bosnia và Thư của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi Hội nghị -
Đức Thánh Cha gửi sứ điệp cho Hội nghị quốc tế về thần học luân lý -
Khi bác sĩ sản phụ là kẻ vô lương
bài liên quan đọc nhiều
- Vấn đề “Sống thử” của giới trẻ ngày nay
-
Vấn đề nạo phá thai trong giới trẻ ngày nay -
Lương tâm của giới trẻ ngày nay -
Vấn đề đạo đức của giới trẻ ngày nay -
Có phải tiền là tất cả ? -
Thai nhi bị dị tật: Bỏ hay giữ? -
Bác thằng bần -
Đồng tính & Hôn nhân đồng tính: Quan điểm của Giáo hội Công giáo -
Đồng tính luyến ái và chuyển giới tính: một nhận định trên phương diện Khoa học và Luân lý Công giáo -
Giới thiệu sách: “Thần học về Thân xác” của Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II