Rượu chè và tội ác tấn công giới trẻ người dân tộc
Chị Hồ Thị Quơ, một phụ nữ 20 tuổi người dân tộc Tà Ôi, sẽ khó lòng quên được nỗi khổ nhục mà mình đã trải qua do bàn tay bạo lực của chồng gây ra cách đây năm tháng.
Lúc chị mang thai hai tháng, chồng chị đã chặt đứt bốn ngón tay của chị và hành hung chị nhiều lần. Lưng chị còn hằn sâu 26 vết dao. Nay chồng chị đang thụ án sáu năm tù vì tội cố ý gây thương tích cho người khác, nhưng chị Quơ, đang được các nữ tu chu cấp thuốc men và lương thực, cho biết: “Tôi vẫn còn lo sợ anh ta sẽ đánh tôi sau khi mãn hạn tù.”
Không chút miễn cưỡng, người mẹ có hai đứa con đổ lỗi hành vi bạo lực của chồng là do rượu chè. Người Kinh từ nơi khác đến bán rượu ở vùng này trong những năm gần đây. “Trước đây anh ấy chăm chỉ làm ăn và thương yêu vợ con lắm – chị kể – Anh đánh đập tôi vì tôi không có tiền cho anh mua rượu”.
Đây là vụ điển hình của làn sóng bạo lực gia đình đáng báo động ở huyện miền núi A Lưới của tỉnh Thừa Thiên – Huế.
“Chúng tôi rất lo lắng trước các tệ nạn xã hội ngày càng tăng nơi giới trẻ người dân tộc thiểu số” – Linh mục Giuse Dương Bảo Tịnh, chánh xứ Sơn Thủy, cho biết. “Chúng trộm cắp của người dân để có tiền ăn nhậu, bài bạc và chơi games” – ngài nói thêm.
Cha Tịnh kể: “Có chừng 30 thanh thiếu niên xuất hiện ở các đường lộ của thị trấn A Lưới vào buổi tối và chặn người đi đường xin tiền hoặc đe dọa và cướp xe máy của họ. Một số còn bỏ mặc vợ con lao động vất vả, hoặc bắt nạt, đánh đập và dọa đuổi vợ con khỏi nhà”.
“Năm ngoái đã có năm giáo dân bị bọn cướp trấn lột hết tiền trên đường đến nhà thờ. Vì thế, các ca viên và trẻ em không dám đến nhà thờ vào buổi tối” – Cha Tịnh nói.
Giáo xứ của ngài đang làm những gì có thể để ngăn chặn làn sóng tệ nạn xã hội bằng cách mở các lớp xóa mù cho giới trẻ, dạy các giá trị nhân bản và tôn giáo, dạy đàn cho học sinh và dạy nghề may và thêu đan.
Nhưng phần lớn người thiểu số mù chữ nên giáo dục cho họ là cuộc chiến không dễ dàng. Ban đầu có 30 người đi học xóa mù nhưng nay chỉ còn 6 người.
Cha Tịnh cho rằng tệ nạn xã hội là mặt trái của chủ nghĩa hưởng thụ. Những năm 1990 thị trấn này bắt đầu tiến trình đô thị hóa: đường xá được mở rộng, chợ A Lưới được thành lập, trước đó người dân phải đi bộ hơn 30 cây số mới về được trị trấn Bình Điền trao đổi hàng hóa. Rồi quán ăn và nhà hàng mọc lên, thanh niên sang Lào làm ăn có tiền, đua đòi mua xe gắn máy, cờ bạc, rượu chè.
Bà Marie Goretti Nguyễn Thị Liễu, tổ trưởng tổ phụ nữ thôn 5, cho biết chính quyền xã Hồng Thủy phần lớn là cán bộ người Tà Ôi đổ lỗi cho các hoạt động kinh doanh của người Kinh làm suy đồi đạo đức giới trẻ. Dân tộc Tà Ôi hiện có 25.000 người trong dân số 45.000 của huyện A Lưới.
Theo sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế, năm 2011 có 430 vụ bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em. Nguyên nhân là do suy đồi đạo đức, hoàn cảnh sống khó khăn và thiếu hiểu biết.
bài liên quan mới nhất
- Tròn một năm Covid-19: Phản tỉnh từ nhãn quan Thần học Luân lý Y Sinh học Công giáo
-
Đồng tính & Hôn nhân đồng tính: Quan điểm của Giáo hội Công giáo -
Bác thằng bần -
Lắng nghe những suy tư của Đức Bênêđictô XVI về vấn đề giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ em -
“Quyền phá thai” coi thường các tiêu chuẩn luân lý và luật pháp -
ĐTC cổ võ nền luân lý thương xót và có tinh thần truyền giáo -
Thư của Bộ Giáo lý Đức Tin gởi các Giám Mục về đồng tính -
Hội nghị Quốc tế của các Thần học gia Luân Lý tại Sarajevo, Bosnia và Thư của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi Hội nghị -
Đức Thánh Cha gửi sứ điệp cho Hội nghị quốc tế về thần học luân lý -
Khi bác sĩ sản phụ là kẻ vô lương
bài liên quan đọc nhiều
- Vấn đề “Sống thử” của giới trẻ ngày nay
-
Vấn đề nạo phá thai trong giới trẻ ngày nay -
Lương tâm của giới trẻ ngày nay -
Vấn đề đạo đức của giới trẻ ngày nay -
Có phải tiền là tất cả ? -
Thai nhi bị dị tật: Bỏ hay giữ? -
Bác thằng bần -
Đồng tính & Hôn nhân đồng tính: Quan điểm của Giáo hội Công giáo -
Đồng tính luyến ái và chuyển giới tính: một nhận định trên phương diện Khoa học và Luân lý Công giáo -
Giới thiệu sách: “Thần học về Thân xác” của Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II