Sự thật về nguồn gốc bức hình “Đức Mẹ Việt Nam” của cố họa sĩ Nam Phong (1917 - 1994)
WGPPD (27.5.2021) – Trong Cuốn phim tài liệu về Nhà Chung Phát Diệm được làm nhân dịp khánh thành Nhà Chung Phát Diệm - Công trình Hiệp thông ngày 18.01.2021, có nói tới bức hình nổi tiếng “Đức Mẹ Việt Nam” của cố họa sĩ Nam Phong, một người con của giáo xứ Chính tòa Phát Diệm, được triển lãm ở Roma năm 1953; cũng như sau khi coi lại hai bài báo được đăng trên báo điện tử Dân Trí ngày 24.5.2016 với tựa đề “Chuyện chưa biết về bức tranh Đức Mẹ Việt Nam giá 5.000USD” của tác giả Thái Bá, và bài được đăng trên báo Pháp Luật ngày 26.7.2016 của tác giả Phạm Quân với tựa đề “Câu chuyện ít biết về bức tranh Đức Mẹ Việt Nam được trưng bày ở thành Roma”. Một lần nữa chúng tôi đã trực tiếp phỏng vấn họa sĩ Hòa Bình là con trai của cố họa sĩ Nam Phong, cũng như các linh mục người Việt lớn tuổi đã từng sống và hiện đang sống lâu năm ở Roma, và truy tìm những tài liệu đáng tin cậy hiện có ở Roma để biết thực hư về bức tranh này.
Trong bài viết này chúng tôi không có ý bàn luận về đường nét nghệ thuật của bức tranh. Chúng tôi chỉ muốn tìm hiểu về nguồn gốc của bức tranh này. Ai là người đã đưa bức tranh tới Roma? Tại Roma, bức tranh đã được triển lãm và lưu trữ ở đâu? Có đúng đây là bức tranh duy nhất được treo trong phòng khách của Đức Thánh Cha hay không? Những gì người ta nghĩ và đồn đoán về bức tranh có đúng sự thật hay không? Tại sao bức tranh hiện được trưng bày ở nhà Foyer Phát Diệm?
Họa sĩ Hòa Bình cho biết thân phụ của ông, cố họa sĩ Nam Phong đã ấp ủ từ lâu ý tưởng vẽ hình Đức Mẹ mang phong cách duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam. Có thể ý tưởng này đã phát xuất từ mỗi khi ông đi lễ, đứng chiêm ngắm những vòm cuốn, những mái cong mềm mại của Phương đình, của mái nhà thờ Chính tòa Phát Diệm, của mỗi lần quỳ gối cầu nguyện trước bàn thờ hay trước núi Đức Mẹ Lộ-đức ở Phát Diệm.
Năm 1953 lúc đó họa sĩ Nam Phong 36 tuổi, ông đã mang hết tâm huyết để vẽ bức tranh này với kích thước 100x140cm và đem đến dự cuộc triển lãm tranh mở rộng do chính quyền bảo hộ tổ chức tại thị trấn Phát Diệm cho các họa sĩ mọi miền với chủ đề: “Tôn - Quân - Dân - Chính”. Bức tranh đã thu hút được sự chú ý của nhiều người. Cuộc triển lãm diễn ra một tuần tại phố Phú Vinh, cạnh cầu ngói Phát Diệm. Nhiều giáo dân đi lễ qua khu vực triển lãm tranh, họ coi và rất thích thú. Có người nói: Họa sĩ Nam Phong vẽ bức tranh Đức Mẹ giống như người phụ nữ đang bồng con. Có người nói giống như đang cho con bú. Điều này tới tai Đức Cha Ta-đê-ô Lê Hữu Từ là chủ chăn của Giáo phận Phát Diệm ngày đó. Ngài cho mời họa sĩ Nam Phong vào Tòa Giám Mục để giải trình.
Sau tuần triển lãm, họa sĩ Nam Phong đã đưa bức hình vào giải thích ý nghĩa của bức hình cho Đức Cha Lê và ngài rất hài lòng về bức hình này. Ngài ngỏ ý muốn đưa bức hình qua Roma để trưng bày, nhân dịp ngài đang chuẩn bị đi Roma, và họa sĩ Nam Phong đã đồng ý liền. Ông cuộn bức tranh lại trao cho Đức Cha Lê Hữu Từ đưa qua Roma vào cuối năm 1953.
Chúng tôi tự đặt câu hỏi. Trong bối cảnh xã hội Việt Nam vào cuối năm 1953 có nhiều biến động phức tạp, liệu Đức Cha Lê Hữu Từ có đi Roma vào cuối năm đó không? Ngày đó phương tiện đi lại và thông tin liên lạc không mau lẹ và thuận tiện như ngày nay. Vào thập niên 50 của thế kỷ XX, phương tiện đi lại giữa Việt Nam và Châu âu chủ yếu bằng tàu thủy. Một số cha lớn tuổi đã từng đi du học cho biết tới thập niên 60 của thế kỷ XX từ Sài gòn đi Châu âu vẫn có hai lựa chọn đi bằng tàu thủy hoặc tàu bay. Đi bằng tàu bay cũng mất cả tuần lễ vì phải dừng lại ở nhiều nơi để lấy khách, hoặc tiếp nhiên liệu, hoặc đợi chuyến bay tiếp theo.
Nếu Đức Cha Lê tới Roma trong một thời gian ngắn vào cuối năm 1953, liệu ngài có thể tổ chức cuộc triển lãm tranh tại Roma đúng nghĩa như người ta tưởng không? Năm 1950 Đức Cha Lê Hữu Từ cùng một số Giám mục, nhiều Linh mục và một số giáo dân Việt Nam đã tới Roma mừng Năm Thánh. Liệu cuối năm 1953 Đức Cha Lê có đi Roma nữa hay ngài đã gửi ai đó đưa bức hình tới Roma vào năm đó?
Chúng tôi đã tìm tài liệu và thông tin về những cuộc triển lãm nghệ thuật nói chung và nghệ thuật Công giáo nói riêng vào những năm 1953-1954 tại các thư viện và các bảo tàng nổi tiếng ở Roma, nhưng không hề thấy chút thông tin nào về bức hình “Đức Mẹ Việt Nam” của họa sĩ Nam Phong. Thật may mắn, chúng tôi tìm thấy một chút tài liệu xác minh Đức Cha Lê có tới Roma vào cuối năm 1953. Đó là trong cuốn kỷ yếu của các linh mục và chủng sinh Việt Nam tại trường truyền giáo Urbano-Roma, ghi lại các sinh hoạt của nhóm linh mục và chủng sinh Việt Nam du học tại Roma và một số sự kiện liên quan tới Giáo hội Việt Nam.
Cuốn kỷ yếu viết tay dày 325 trang, ghi các sự kiện từ ngày 20.8.1937 tới ngày 04.3.1973. Trang 244 của cuốn kỷ yếu ghi “ngày 11.12.1953: Đức Cha Lê tới thăm trường”. Như vậy, có thể tạm kết luận rằng việc Đức Cha Lê có mặt ở Roma cuối năm 1953 là chính xác, và việc cố họa sĩ Nam Phong đã trao tận tay Đức Cha Lê bức hình Đức Mẹ Việt Nam như gia đình cố họa sĩ cho biết là đúng sự thật. Việc Đức Cha Lê rất hài lòng về bức hình và ngỏ ý với tác giả là muốn đưa bức hình đi trưng bày ở Roma là đúng.
Foyer Phát Diệm- Roma
Nhưng trưng bày hay triển lãm ở đâu tại Roma? Thành phố Roma cổ kính, có đường kính rộng khoảng 30km. Phải chăng Đức Cha Lê chỉ muốn đưa bức hình tới trưng bày tại nhà Quản lý Việt Nam, tên tiếng Ý là “Procura Vietnamita” sau đó được đổi tên là nhà Foyer Phát Diệm tại Roma mà ngài mới ủy quyền cho cha Luca Trần Văn Huy (qua đời 1993) thành lập ngày 19.3.1949 như làm tôn vẻ đẹp đặc biệt của Việt Nam tại Roma?
Trong chuyến đi Châu Âu và tới Roma của Đức Cha Lê vào những tháng cuối năm 1953 khi xã hội Việt Nam đang có nhiều biến động, cùng với bộn bề công việc; chắc chắn ngài không có chủ đích đi Roma để triển lãm ảnh, cũng không có đủ giờ để làm thủ tục với nhà in tại Roma để in ảnh giấy ngay trong dịp đó. Ngài vội vàng trở về Việt Nam vào đầu năm 1954 lo liệu công việc và vào tháng 6.1954 ngài di cư đi miền Nam cùng với hầu hết linh mục đoàn và đông đảo bà con giáo dân Giáo phận Phát Diệm. Từ đó cho tới khi ngài qua đời tại Xóm Mới, Gò Vấp ngày 24.4.1967 ngài mất liên lạc hoàn toàn với tác giả của bức hình Đức Mẹ Việt Nam.
Kể từ tháng 7.1954 người dân miền Bắc Việt Nam không còn được tự do liên lạc với thế giới bên ngoài. Miền Nam còn được tự do cho tới cuối tháng 4.1975. Từ sau biến cố di cư năm 1954, Đức Cha Lê vẫn tiếp tục đặt các linh mục trông coi và điều hành nhà Foyer Phát Diệm tại Roma. Trong thời gian này, mỗi khi có dịp qua Roma hội họp hoặc dưỡng bệnh, các Đức Giám Mục miền nam Việt Nam vẫn cư ngụ tại nhà Foyer Phát Diệm. Chính Đức Cha Lê sau khi di cư cũng đã nhiều lần qua Roma. Chẳng hạn, ngài đã cùng các Đức Giám Mục miền nam Việt Nam tới Roma dự Công đồng chung Vaticano II (khai mạc ngày 11.10.1962 - bế mạc ngày 8.12.1965), hoặc ngài qua Roma để dưỡng bệnh. Trước khi ngài qua đời vào tháng 4.1967 ngài đã cậy nhờ Đức Tổng Phaolô Nguyễn Văn Bình, Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Sài Gòn coi sóc giúp nhà Foyer Phát Diệm tại Roma.
Sau biến cố năm 1975, lần đầu tiên Hội Đồng Giám Mục Việt Nam do Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn (1921- 1990), Tổng Giám Mục, Tổng Giáo Phận Hà nội dẫn đầu đi “Ad Limina” theo Giáo luật, thăm Tòa Thánh và viếng mộ hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô vào tháng 6.1980. Trong thời gian thực hiện Ad Limina, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã cư ngụ tại nhà Foyer Phát Diệm. Tại đây, Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình (1910-1995), đã chính thức trao lại quyền điều hành nhà Foyer Phát Diệm tại Roma cho Đức Cha Giáo phận chủ nhà là Đức Cha Phaolô Bùi Chu Tạo (1909-2001) Giám mục Chính tòa Giáo phận Phát Diệm.
HĐGM Việt Nam tiếp đón Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tại Foyer Phát Diệm 22.06.1980
Tại sao người ta lại tưởng bức hình Đức Mẹ Việt Nam được đặt trong phòng khách của Đức Giáo Hoàng? Như chúng tôi vừa đề cập ở trên về chuyến đi Ad Limina của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam tới Roma năm 1980; trong chuyến đi này, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (1920-2005) đã tiếp phái đoàn Hội Đồng Giám Mục Việt Nam tại Vatican, phủ Giáo Hoàng ngày 17.6.1980. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vốn xuất thân từ nước cựu cộng sản Ba-lan, ngài rất có cảm tình với Việt Nam. Ngài ngỏ ý được tới thăm đất nước Việt nam, nhưng vì bối cảnh lịch sử chưa thể thực hiện được chuyến đi này. Ngài có sáng kiến tới thăm nhà Foyer Phát Diệm tọa lạc tại số 45 đường Pineta Sacchetti, cách đồi Vatican khoảng 04km là cơ sở duy nhất của Giáo hội Việt Nam tại Roma và là nơi các Đức Giám Mục Việt Nam hiện đang cư ngụ trong chuyến viếng thăm này. Chuyến viếng thăm tới Foyer Phát Diệm như là một nghĩa cử thân thương ngài muốn gửi tới quê hương Việt Nam.
Ngày 22.6.1980, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tới thăm nhà Foyer Phát Diệm, trước sự vui mừng khôn tả của hàng Giám mục, đông đảo linh mục, tu sĩ, và kiều bào Việt Nam tại Roma. Những hình ảnh chuyến viếng thăm lịch sử này của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II còn được gìn giữ cẩn thận tại nhà Foyer Phát Diệm, trong đó có bức hình Đức Thánh Cha ngồi giữa hàng Giám Mục Việt Nam tại phòng khách nhà Foyer Phát Diệm dưới bức hình Đức Mẹ Việt Nam. Điều này đã khiến người ta tưởng lầm là tấm hình Đức Mẹ Việt Nam được đặt trong phòng khách của Đức Thánh Cha. Ngay phía trên cửa chính vào nhà Foyer Phát Diệm ngày nay còn có dòng chữ Latinh được khắc trên tấm bia đá ghi nhớ sự kiện đặc biệt này “CUM BENEDICTIONE, JOANNES PAULUS P.P.II, 22.VI.1980”, là dòng chữ do chính Đức Giáo Hoàng viết và ký tên (nghĩa là Cha Chúc Lành, Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, ngày 22.6.1980).
Phòng khách nhà Foyer Phát Diệm
Bức hình Đức Mẹ Việt Nam vẫn còn y nguyên ở vị trí đó tại phòng khách nhà Foyer Phát Diệm cho tới ngày nay. Và nó đã được treo ở đó trước khi Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tới thăm ngày 22.6.1980. Cha Gioan Trần Mạnh Duyệt, hiện là giám đốc nhà Foyer Phát Diệm cho biết: ngài tới Roma năm 1965 lúc đó ngài 22 tuổi, là Chủng Sinh của Giáo phận Sài Gòn được gửi đi học tại trường Truyền giáo Roma. Ngài đã ở Roma từ đó cho tới ngày nay. Ngài gắn bó với nhà Foyer Phát Diệm từ khi ngài tới Roma, vì khi đó cha cố Phêrô Vũ Kim Điện là cha nghĩa phụ của ngài đang làm giám đốc nhà Foyer Phát Diệm. Ngài cho biết khi ngài tới Roma thì đã thấy bức hình đó ở nhà Foyer Phát Diệm rồi.
HĐGM Việt Nam ngày 04.03.2018 tại Foyer Phát Diệm
Bác sĩ Trần Hoành (là em họ của Đức Ông Vinh-sơn Trần Ngọc Thụ) hiện đang sống ở Đức, ông là cựu chủng sinh của trường Truyền giáo Roma những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, ông cho biết khi còn nhỏ nhà ông ở gần Phát Diệm. Vào năm 1953, ông được 10 tuổi. Ông đã tận mắt thấy và rất lấy làm thích thú khi thấy họa sĩ Nam Phong vẽ bức hình Đức Mẹ lớn như người thật. Ông lại càng ngạc nhiên hơn khi tới Roma lại thấy bức hình đó ở nhà Foyer Phát Diệm.
Ở Việt Nam nhiều người chỉ biết tới bức hình Đức Mẹ Việt Nam kể từ sau năm 1980. Sau khi các Đức Giám Mục Việt Nam đi Ad limina trở về. Các ngài đã đem về Việt Nam những hình ảnh chụp về chuyến đi Roma vừa qua cùng với rất nhiều ảnh Chúa, Đức Mẹ và các Thánh được thêu hoặc in trên giấy đẹp. Trong đó hình ảnh Đức Mẹ là nhiều hơn cả, những mẫu hình in rất đẹp: Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Đức Mẹ Lộ-đức, Đức Mẹ Fatima v.v… trong đó có ảnh in Đức Mẹ Việt Nam của họa sĩ Nam Phong.
Gia đình cố họa sĩ Nam Phong cho biết khi từ Roma trở về Việt Nam vào đầu năm 1954, Đức Cha Lê Hữu Từ đã trao cho họa sĩ Nam Phong hai vạn (hai mươi ngàn) tiền Đông dương. Ngài nói là tiền lời in bức hình. Theo tài liệu chúng tôi tìm hiểu trong thời gian Đức Cha Lê đi Châu Âu vào cuối năm 1953 đầu năm 1954, ngài chỉ ở Roma trong thời gian rất ngắn. Một ít tuần lễ không thể đủ thời gian làm thủ tục với nhà in để in bức tranh và bán kiếm lời. Tại sao ngài lại nói là tiền lời? Cũng gia đình cố họa sĩ cho biết. Sau khi triển lãm ở Phú Vinh cuối năm 1953, có người ở Hà nội đã trả năm ngàn tiền Đông dương để mua bức tranh đó mà họa sĩ Nam Phong không bán. Vì để Đức Cha đưa đi Roma.
Có thể vì lẽ công bằng và để tán thưởng cho ý tưởng của họa sĩ mà sau khi từ Roma về Đức Cha Lê đã trả số tiền đó (hai mươi ngàn) cho họa sĩ Nam Phong. Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, vào thời điểm đầu năm 1954 tiền Đông dương bắt đầu mất giá so với năm 1953, nhưng hai mươi ngàn Đông dương lúc đó là số tiền không phải nhỏ. Có thể vì “tế nhị” và để con chiên của mình không phải “nghĩ ngợi” là bán tấm hình cho Đức Cha với giá cao, khi nhận số tiền lớn như vậy. Nên Đức Cha Lê đã nói khéo là “tiền lời từ nhà in bức tranh”.
Cha giám đốc Gioan Trần Mạnh Duyệt cho biết, bức ảnh Đức Mẹ Việt Nam của họa sĩ Nam Phong được in lần đầu tiên trên giấy tại Roma vào năm 1969. Khi cha cố Phêrô Vũ Kim Điện giám đốc nhà Foyer hoàn tất việc tái thiết và mở rộng nhà Foyer Phát Diệm để đón khách hành hương tới Roma. Ngài đã cho in hình Đức Mẹ Việt Nam với 03 kích cỡ khác nhau như những tấm card, không phải vì lý do thương mại, nhưng chỉ để tặng cho khách hành hương mỗi khi tới cư ngụ tại nhà Foyer Phát Diệm.
Sau một thời gian dài không có thông tin gì về bức hình, cho tới khi biết được một ít thông tin từ các Đức Cha và những tấm hình các ngài đưa về sau chuyến đi Ad limina năm 1980. Người ta nghĩ là bức hình đang được treo trong phòng khách của Đức Thánh Cha. Năm 1990 họa sĩ Nam Phong biết tin Đức Cha Phaolô Bùi Chu Tạo chuẩn bị đi Roma. Ông đã vào Tòa Giám Mục gặp Đức Cha Bùi Chu Tạo có ý nhờ ngài tìm hiểu về bức tranh hiện ở Roma và ngỏ ý muốn bán bức tranh với quyền tác quyền. Ông đồng ý “ủy quyền” để Đức Cha Phaolô Bùi Chu Tạo lo liệu mọi thủ tục để bán bức tranh.
Cũng cha Giám đốc Gioan Trần Mạnh Duyệt cho biết, khi tới Roma năm 1990, Đức Cha Phaolô Bùi Chu Tạo mang theo yêu cầu của gia đình họa sĩ Nam Phong là bán bức tranh. Đức ông Đaminh Vũ Văn Thiện (1932-2011) là giám đốc nhà Foyer ngày đó đã trả một khoản tiền. Khi trở về Việt Nam, Đức Cha Phaolô Bùi Chu Tạo đã trao số tiền 5.000USD (năm ngàn Mỹ kim) cho họa sĩ Nam Phong coi như tiền bán bức hình cùng với tác quyền. Chính gia đình cố họa sĩ Nam Phong cũng xác nhận điều này.
Tượng Đức Mẹ Việt Nam tại Nhà Chung Phát Diệm - chuyển thể từ bức tranh của cố họa sĩ Nam Phong
Như vậy, từ khi được đưa tới Roma vào cuối năm 1953 tới nay bức hình Đức Mẹ Việt Nam của cố họa sĩ Nam Phong vẫn được trưng bày và gìn giữ cẩn thận tại nhà Foyer Phát Diệm trong thành Roma. Chẳng dám sánh với những tác phẩm kinh điển của những thiên tài nghệ thuật như Leonardo da Vinci, Michelagelo, Raphael, Picasso… Nhưng giữa “Kinh Thành Muôn Thuở”, giữa cái nôi của nghệ thuật Châu Âu và thế giới, với hàng trăm bảo tàng lớn nhỏ nổi tiếng khắp thế giới, có thể coi đây là một tác phẩm của người con đất Việt, của Giáo phận Phát Diệm như một đóng góp khiêm tốn làm phong phú thêm cho nghệ thuật Công giáo, cho vẻ đẹp kiều diễm của Mẹ Maria và sự hoàn mỹ của Thiên Chúa.
Nguồn: phatdiem.org
bài liên quan mới nhất
- Đại lễ 'Lòng Chúa Thương Xót' và bức tranh 'Tôma cứng lòng'
-
Người ta nghĩ Da Vinci sai, nhưng khoa học chứng minh là ông đúng -
Triển lãm Mỹ Thuật “Máng Cỏ Nhân Sinh” 2014 -
Cảm mến tình yêu nghệ thuật “Về Nguồn” -
Triển lãm Tranh, Tượng mỹ thuật với chủ đề: Lời ngỏ tình yêu -
Triển Lãm Mỹ Thuật Tôn Giáo & Nhân Văn 5 Năm Nhìn Lại -
Ánh Sáng – Lửa Tin Yêu Trong Gió -
Khai mạc triển lãm Tranh, Ảnh Tượng "Ánh sáng, lửa tin yêu trong gió" -
“Hành trình Emmaus” trong hội họa -
Ban Mỹ thuật Đaminh: Triển lãm nghệ thuật “Đêm Thánh Vô Cùng”
bài liên quan đọc nhiều
- Người ta nghĩ Da Vinci sai, nhưng khoa học chứng minh là ông đúng
-
Chuyện lạ từ Bích họa Bữa Tiệc Ly và Danh họa Leonardo Da Vinci -
Lịch sử hội hoạ Hiện Đại và Hậu Hiện Đại tại Việt Nam -
Đại lễ 'Lòng Chúa Thương Xót' và bức tranh 'Tôma cứng lòng' -
“Hành trình Emmaus” trong hội họa -
Họa sĩ Lê Văn Đệ: người đầu tiên khám phá tranh lụa truyền thống Việt Nam -
Người đầu tiên khai phá tranh Mỹ thuật Sơn mài Việt Nam -
CÁC TÁC PHẨM HỘI HỌA VÀ ĐIÊU KHẮC TRONG TRIỂN LÃM "DẤU ẤN ĐỨC TIN II" -
Hoạ sĩ Kim Long và cõi tâm linh -
Năm Dần nói chuyện cọp trong nghệ thuật