Tài liệu học hỏi Năm Thánh: Bài 10 (2): Đối thoại với văn hóa dân tộc
10.2 Đối thoại với văn hóa dân tộc
A. Phần trình bày
Văn hoá được hiểu như là hệ thống giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo trong quá trình lịch sử và tích luỹ qua nhiều thế hệ liên tục. Chúng làm thành một hệ thống chặt chẽ và chi phối đời sống của một cộng đoàn, một dân tộc.
Trong Tông huấn Giáo Hội tại Châu Á, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II hiểu các nền “văn hoá” như là những hệ thống giá trị của một dân tộc và “hội nhập văn hoá” như là nỗ lực “hoà mình vào” hay “gặp gỡ và đối thoại với” nền văn hoá của một dân tộc nào đó. Các thừa sai nước ngoài khi đến Việt Nam giảng đạo đã học tiếng nói của người Việt, ăn mặc như người Việt, trình bày giáo lý theo cách hiểu của người Việt. Như thế là các ngài đang hội nhập hay gặp gỡ và đối thoại với nền văn hoá Việt Nam. Trong quá trình gặp gỡ và đối thoại này, một đàng, các vị thừa sai tiếp nhận các giá trị tốt đẹp của nền văn hoá Việt Nam để đào sâu sứ điệp Tin Mừng và làm cho việc rao giảng nên dễ dàng và hiệu quả hơn; đàng khác, các ngài truyền đạt cho người Việt chân lý và giá trị của Tin Mừng để đổi mới nền văn hoá của chúng ta từ bên trong.
“Một thí dụ cụ thể, khi Kitô giáo được truyền vào Việt Nam cách đây ba, bốn thế kỷ, dân tộc ta đang chịu ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo và nền quân chủ độc tài, phong kiến. Nho giáo dạy người dân phải trung với vua vì vua là thiên tử thay trời trị dân, có toàn quyền sinh sát đến độ “quân sử thần tử, thần bất tử bất trung.” Người Công giáo lại được dạy chỉ có Chúa Trời làm chủ của sự sống, là Cha hết mọi người và tất cả đều là anh em nên đều bình đẳng với nhau về giá trị làm người dù vẫn có tôn ti trật tự trong xã hội. Họ không chống đối, phản loạn đối với vua, nhưng họ không thể tuân lệnh vua bỏ đạo được. Giáo Hội đã thực sự truyền đạt các chân lý về tự do, về giá trị làm người cho nền văn hoá Việt Nam và cuộc hội nhập này mang lại nhiều lợi ích cho dân tộc Việt.”
Chính “Giáo Hội Việt Nam cũng phải đối thoại với những giá trị tốt đẹp trong nền văn hoá Việt Nam. Văn hoá ấy có thể cống hiến cho Giáo Hội nhiều cơ hội đào sâu sứ điệp Tin Mừng và làm cho việc rao giảng nên dễ dàng và hiệu quả hơn. Thật vậy, hội nhập văn hoá là công trình của Thiên Chúa, trong đó Chúa Thánh Thần sử dụng Giáo Hội như dấu chỉ và phương thế hữu hiệu để làm cho Đức Kitô và Tin Mừng của Ngài nhập thể vào nền văn hoá, làm cho nền văn hoá này có thể tiếp thu những giá trị Tin Mừng để được phong phú hơn và trở thành dụng cụ để công bố hiệu quả những công trình của Thiên Chúa. Một đàng, Giáo Hội tại Việt Nam hiểu rằng thích ứng đức tin Kitô hữu vào văn hoá để đối thoại không có nghĩa là công bố một Đức Kitô phiến diện hay bị giản lược vào những đòi hỏi văn hoá và nhân loại. Đàng khác, Giáo Hội sẽ phải Tin Mừng hoá, phải gạn đục khơi trong những yếu tố tội lỗi và hạ thấp nhân phẩm, cũng như sẽ làm thăng tiến những điều thiện hảo và tích cực trong văn hoá Việt Nam. Hội nhập văn hoá như thế không chỉ là việc tìm cách thích ứng văn hoá hay chuyển dịch những tác phẩm thần học, mặc dù công việc này cũng khá cần thiết, nhưng còn là một công trình đòi những nỗ lực tiệm tiến và lâu dài (Đề Cương 31).
B. Phần hỏi -đáp
1- H. Văn hóa và Hội nhập Văn hóa là gì?
T. Văn hóa được hiểu như là một hệ thống giá trị vật chất và tinh thần do con người tạo ra và tích luỹ qua nhiều thế hệ; còn Hội nhập Văn hóa là gặp gỡ và đối thoại với nền văn hoá của một dân tộc nào đó.
2- H. Trong cuộc gặp gỡ và đối thoại với nền văn hoá Việt Nam, các thừa sai nước ngoài đã làm gì?
T. Một đàng, các thừa sai nước ngoài tiếp nhận các giá trị tốt đẹp của nền văn hoá Việt Nam để đào sâu sứ điệp Tin Mừng và làm cho việc rao giảng nên dễ dàng và hiệu quả hơn; đàng khác, truyền đạt cho người Việt chân lý và giá trị của Tin Mừng để đổi mới nền văn hoá của chúng ta từ bên trong.
3- H. Tác nhân chính của cuộc đối thoại giữa Đức tin và Văn hoá là ai?
T. Tác nhân chính của cuộc đối thoại giữa Đức tin và Văn hoá là Chúa Thánh Thần, Đấng sử dụng Giáo Hội như dấu chỉ và phương thế hữu hiệu để làm cho Đức Kitô và Tin Mừng của Ngài nhập thể vào nền văn hóa đồng thời làm cho nền văn hoá này nên phong phú hơn và trở thành dụng cụ hữu hiệu cho việc loan báo Tin Mừng.
4- H. Vì sao Giáo Hội Việt Nam phải đối thoại với văn hoá dân tộc?
T. Giáo Hội Việt Nam phải đối thoại với văn hoá dân tộc vì Giáo Hội không thể loan báo Đức Kitô và Tin Mừng của Ngài cho đồng bào của mình mà không hiểu họ là ai, thuộc nền văn hoá nào. Hơn nữa, văn hóa dân tộc có thể cống hiến cho Giáo Hội nhiều cơ hội đào sâu sứ điệp Tin Mừng và làm cho việc rao giảng trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.
5- H. Giáo Hội Việt Nam đối thoại với văn hoá dân tộc như thế nào?
T. Một đàng, Giáo Hội tiếp nhận những giá trị tốt đẹp của văn hoá và thu dụng những yếu tố tích cực tìm thấy trong văn hoá; đàng khác, gạt bỏ những yếu tố trong văn hoá không phù hợp với Tin Mừng và thăng tiến những điều thiện hảo tìm thấy trong văn hóa dân tộc.
C. Phần gợi ý trao đổi
1. Trong công cuộc hội nhập văn hoá, các thừa sai nước ngoài đã có được những thuận lợi và gặp phải những khó khăn nào? Các ngài đã đạt được những thành công và hứng chịu những thất bại nào?
2. Khi loan báo Tin Mừng, bạn và giáo xứ của bạn ý thức về tầm quan trọng của hội nhập văn hoá hay gặp gỡ và đối thoại với nền văn hoá dân tộc như thế nào? Cần phải làm gì để giúp mọi người ý thức hơn vai trò của văn hoá trong việc sống và thông truyền đức tin?
3. Theo bạn, đâu là những giá trị căn bản của đức tin Kitô giáo? Đâu là những giá trị căn bản của văn hoá Việt Nam? Và đâu là những giá trị tốt đẹp cần hội nhập? Để hội nhập, có nhất thiết phải mặc áo thụng, đội khăn đống, đi hài cong trong một cuộc dâng lễ vật hoặc xây dựng nhà thờ có mái cong theo kiểu chùa hay đình nào đó không?
bài liên quan mới nhất
- Câu hỏi tìm hiểu Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010
-
Thư Mục vụ Gp. Hải Phòng nhân dịp công bố Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa -
Tọa đàm về “Mục vụ Giới Trẻ và nền Văn minh tình thương & sự sống” -
ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm trả lời phỏng vấn của Tuần báo Công Giáo & Dân Tộc về Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 -
Thư Chung Hậu Đại hội Dân Chúa 2010 gửi toàn thể cộng đoàn Dân Chúa Việt Nam -
Giới thiệu “Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010” -
Lời Chủ Chăn tháng 04.2011 -
Cơn mưa và Tiếng trống -
Lễ Bế Mạc Năm Thánh 2010 - Tạ ơn Mẹ La Vang -
Lế Bế Mạc Năm Thánh 2010 - Niềm vui và lòng tri ân của đoàn con
bài liên quan đọc nhiều
- Câu hỏi tìm hiểu Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010
-
Sứ Vụ - Missio -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 1(1): Giáo Hội là Dân Thiên Chúa -
Đại hội Dân Chúa 2010 tại Việt Nam -
Tọa đàm về “Mục vụ Giới Trẻ và nền Văn minh tình thương & sự sống” -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 2: Giáo Hội là một thực tại Hữu Hình -
Thư Mục vụ Gp. Hải Phòng nhân dịp công bố Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 1 (3) Giáo Hội là Đền Thờ Chúa Thánh Thần -
ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm trả lời phỏng vấn của Tuần báo Công Giáo & Dân Tộc về Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 -
Thư Chung Hậu Đại hội Dân Chúa 2010 gửi toàn thể cộng đoàn Dân Chúa Việt Nam