Tài liệu học hỏi Năm Thánh: Bài 11 (1): Thực trạng xã hội
11.1 Thực trạng xã hội
A. Phần trình bày
Đất nước ta hiện nay không còn chiến tranh, kinh tế đã phần nào phát triển và trên đà cất cánh. Việt Nam đã gia nhập khối ASEAN, gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và ngày càng hội nhập thêm hơn vào nền kinh tế toàn cầu. Nhờ đầu tư nước ngoài, dân chúng có thêm nhiều việc làm, ngành du lịch cũng tiếp nhận được nhiều du khách ngoại quốc hơn, người dân quan tâm hơn đến vấn đề giáo dục.
Tuy nhiên, không thể làm ngơ trước những tác động tiêu cực của tiến trình toàn cầu hoá kinh tế: nhiều tiểu thương bị phá sản, cạnh tranh không xót thương trở thành phương châm hành động, đầu cơ tích trữ thao túng thị trường, số thiếu niên lao động trước tuổi cũng không ít. Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu nhận định: “Tiến trình toàn cầu hoá kinh tế làm phương hại đến người nghèo, nhắm đẩy các quốc gia nghèo khổ hơn ra bên lề những tương quan kinh tế và chính trị” (GHCA 39). Nhận định này được thể hiện rõ ràng khi nhìn vào hố ngăn cách ngày càng rộng sâu hơn giữa giàu và nghèo, nông dân và thị dân, dân lao động và giới đại gia. Trong thực tế, ta có thể thấy cảnh ăn chơi xa xỉ đối nghịch với cảnh thiếu thốn cơ cực, trong khi một số người giàu lên nhờ thu nhập chính đáng thì cũng có người thu lợi bất chính với tệ nạn tham nhũng, bất kể đạo đức và trách nhiệm, thái độ vô cảm và ích kỷ của kẻ giàu trước nỗi khốn cùng của người nghèo khổ.
Đất nước cũng đang chứng kiến cảnh bùng phát về di dân. Làn sóng di dân đổ về các thành phố lớn để kiếm kế sinh nhai, làm thay đổi nhanh chóng khung cảnh sinh hoạt xã hội và phát sinh những vấn đề không nhỏ: đô thị trở nên quá tải đến độ nghẹt thở, nhiều băng đảng nảy sinh từ tình trạng hỗn độn không được dự phòng và không sao kiểm soát, đất nước mở ngỏ trở thành mồi ngon cho nạn buôn bán ma túy, trẻ em và phụ nữ.
Vấn đề ô nhiễm môi trường cũng đang gây nhiều âu lo: các hoá chất độc hại sử dụng bừa bãi trong công nghệ thực phẩm, chất thải công nghiệp không được xử lý thích hợp, nước bẩn và rác rưởi tàn phá môi sinh. Chương trình y tế cộng đồng mỏng manh, nhiều bệnh viện đã bị quá tải.
Việt Nam hiện là một cộng đồng dân số trẻ. Thế hệ trẻ ngày càng tham gia nhiều hơn vào các lãnh vực hoạt động trong xã hội. Các phong trào và sinh hoạt dành cho giới trẻ và thiếu nhi ngày càng được quan tâm, nhằm chuẩn bị cho tương lai vận mệnh của tổ quốc và Giáo Hội. Cũng trong lúc này, xã hội Việt Nam đang chứng kiến ảnh hưởng của nền công nghệ thông tin hiện đại với sức thay đổi xã hội của nó. Khoa tin học là niềm đam mê thu hút nhiều học sinh, sinh viên. Giáo Hội không thể phủ nhận giá trị của công nghệ thông tin trong việc nêu lên những mẫu sống và phổ biến những giá trị nhân bản và đạo đức. Tuy nhiên, công nghệ này cũng bị lạm dụng không ít cho những mục đích xấu xa, nếu không nói là vô luân, trong việc phổ biến quá nhanh các tin tức thường khi là bất cẩn và không chọn lọc, vì thế gây ra những xáo trộn cũng như những ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ. Các dịch vụ internet nở rộ ngay cả ở vùng thôn quê và qua đó phổ biến những hình thức văn hoá đồi trụy. Những người “nghiện” trò chơi trên mạng không phải ít trong giới thanh thiếu niên đang lứa tuổi học trò.
Chúng ta không thể không quan tâm đến anh chị em dân tộc thiểu số, những người còn bị kỳ thị cách nào đó trên đất nước. Họ thường bị coi như những người kém cỏi, hơn là như những con người đang cần được nâng đỡ. Họ chưa được hưởng đầy đủ những phúc lợi xã hội. Văn hoá của nhiều bộ tộc có nguy cơ bị mai một.
Đứng trước thực trạng xã hội kinh tế phức tạp với cả dáng vẻ hỗn độn như thế trên quê hương, Giáo Hội tại Việt Nam biết mình đang đối diện với những thách đố lớn lao, những thách đố mà chúng ta chỉ có thể vượt qua trong niềm xác tín vững vàng rằng “Thiên Chúa của lịch sử hoạt động trong thế giới của nghèo khổ ấy”, ngay cả giữa “những hình thức ngẫu tượng hiện đại (chủ nghĩa tiêu thụ, ích kỷ), và lối sống loại trừ Thiên Chúa (chủ nghĩa duy vật và những hệ tư tưởng vô thần)” (x. Đề Cương 3).
B. Phần hỏi -đáp
1- H. Xã hội Việt Nam tiến triển thuận lợi như thế nào?
T. Xã hội Việt Nam đang có những thuận lợi sau đây:
– Một là đất nước không còn chiến tranh;
– Hai là nền kinh tế đang trên đà phát triển và ngày càng hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu;
– Ba là người dân ngày càng quan tâm hơn đến vấn đề giáo dục, số du học sinh ngày càng gia tăng, góp phần chuẩn bị cho việc phát triển đất nước trong nhiều lãnh vực.
2- H. Xã hội Việt Nam đang phải đối diện với những thách đố nào?
T. Xã hội Việt Nam hiện nay đang phải đối diện với những thách đố sau đây:
– Một là những tác động tiêu cực của tiến trình toàn cầu hoá kinh tế;
– Hai là hố ngăn cách giữa người giàu và người nghèo ngày càng sâu rộng;
– Ba là sự bùng phát về di dân và các tệ nạn xã hội;
– Bốn là vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng;
– Năm là sự yếu kém của hệ thống an sinh xã hội và chăm sóc y tế;
– Sáu là sự lạm dụng nền công nghệ thông tin hiện đại tác hại trên nhiều bộ phận xã hội, nhất là giới trẻ;
– Bảy là tình trạng bị thiệt thòi của những anh chị em dân tộc thiểu số.
3- H. Giáo Hội quan tâm đến tác động tiêu cực của tiến trình toàn cầu hoá kinh tế như thế nào?
T. Giáo Hội quan tâm nhiều hơn đến vấn đề đạo đức và luân lý trong tiến trình toàn cầu hóa kinh tế, chẳng hạn tiến trình này làm phương hại đến người nghèo, nhắm đẩy các quốc gia nghèo khổ hơn ra bên lề những tương quan kinh tế và chính trị.
4- H. Giáo Hội quan tâm đến ảnh hưởng của nền công nghệ thông tin hiện đại như thế nào?
T. Giáo Hội Việt Nam quan tâm đến khả năng thay đổi xã hội của nền công nghệ thông tin hiện đại. Các dịch vụ thông tin có thể nêu lên những mẫu sống và phổ biến những giá trị nhân bản và đạo đức nhưng cũng có thể gây ra những xáo trộn và phổ biến những hình thức văn hóa đồi trụy.
5- H. Đứng trước những thuận lợi và khó khăn của xã hội, Giáo Hội Việt Nam có thái độ nào?
T. Giáo Hội Việt Nam không bi quan và thất đảm, nhưng tin rằng đây là bối cảnh trong đó Thiên Chúa là chủ của lịch sử vẫn đang hoạt động để các biến cố của hồng ân cứu độ lại được thực hiện cho dân tộc Việt Nam hôm nay.
C. Phần gợi ý trao đổi
1. Địa phương của bạn đang có những thuận lợi nào về mặt kinh tế và xã hội?
2. Địa phương của bạn đang phải đối diện với những thách đố nào về mặt kinh tế và xã hội?
bài liên quan mới nhất
- Câu hỏi tìm hiểu Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010
-
Thư Mục vụ Gp. Hải Phòng nhân dịp công bố Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa -
Tọa đàm về “Mục vụ Giới Trẻ và nền Văn minh tình thương & sự sống” -
ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm trả lời phỏng vấn của Tuần báo Công Giáo & Dân Tộc về Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 -
Thư Chung Hậu Đại hội Dân Chúa 2010 gửi toàn thể cộng đoàn Dân Chúa Việt Nam -
Giới thiệu “Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010” -
Lời Chủ Chăn tháng 04.2011 -
Cơn mưa và Tiếng trống -
Lễ Bế Mạc Năm Thánh 2010 - Tạ ơn Mẹ La Vang -
Lế Bế Mạc Năm Thánh 2010 - Niềm vui và lòng tri ân của đoàn con
bài liên quan đọc nhiều
- Câu hỏi tìm hiểu Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010
-
Sứ Vụ - Missio -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 1(1): Giáo Hội là Dân Thiên Chúa -
Đại hội Dân Chúa 2010 tại Việt Nam -
Tọa đàm về “Mục vụ Giới Trẻ và nền Văn minh tình thương & sự sống” -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 2: Giáo Hội là một thực tại Hữu Hình -
Thư Mục vụ Gp. Hải Phòng nhân dịp công bố Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 1 (3) Giáo Hội là Đền Thờ Chúa Thánh Thần -
ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm trả lời phỏng vấn của Tuần báo Công Giáo & Dân Tộc về Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 -
Thư Chung Hậu Đại hội Dân Chúa 2010 gửi toàn thể cộng đoàn Dân Chúa Việt Nam