Tài liệu học hỏi Năm Thánh: Bài 11 (3): Thực trạng tôn giáo
11.3 Thực trạng tôn giáo
A. Phần trình bày
Không ai có thể phủ nhận người Việt Nam có một cảm thức tôn giáo thật mạnh mẽ. “Ông Trời” là tiếng gọi quen thuộc trong đời sống hằng ngày, nhất là khi gặp khó khăn, đau ốm, bệnh tật. Các tôn giáo quả thực đã ảnh hưởng rất nhiều đến nếp sống đạo đức và luân lý của dân tộc Việt Nam. Các tôn giáo đã nên như những cột trụ nâng đỡ tinh thần dân tộc qua bao thăng trầm xã hội, cũng chính các tôn giáo đã in khắc vào lương tâm của người dân Việt một ý thức bén nhạy về điều thiện điều ác. Lịch sử đã để lại cho ta không biết bao nhiêu bằng chứng về sự đóng góp của các tôn giáo trong việc hình thành và phát triển đất nước. Hơn nữa, ưu điểm của đời sống tôn giáo tại Việt Nam là không có, hay rất hiếm có, những hình thức bạo lực hay cực đoan có thể gây nên những căng thẳng tôn giáo.
Tuy nhiên, cảm thức tôn giáo trong giới bình dân thường thiên về tình cảm, không để tâm suy xét, tìm hiểu điều mình tin tưởng, nên dễ dàng chấp nhận cả những hình thái lộn xộn, mập mờ, mê tín và dị đoan trong tôn giáo. Thêm vào đó, chủ trương “đạo tại tâm” cũng là một lý do thường được nại đến để biện minh cho việc không muốn thực hành hay tham dự các nghi lễ tôn giáo. Não trạng này có khi vẫn còn tồn đọng cách nào đó nơi những tín hữu chưa đủ xác tín về ý nghĩa và giá trị của các bí tích Kitô giáo. Hơn nữa, dân chúng thường hiểu cách đơn giản về các tôn giáo như là những nhân bản thuyết, cốt yếu chỉ liên quan đến nếp sống luân lý đạo đức. Chính vì thế, rất phổ biến ở Việt Nam quan niệm cho rằng đạo nào cũng tốt như nhau, vì đạo nào cũng dạy ăn ngay ở lành. Nhận thức này có thể gây cản trở trong việc tiếp nhận những mạc khải siêu nhiên trong giáo lý Kitô giáo. Có thể nói, chính cảm thức tôn giáo nặng tính tình cảm và thực tiễn này phần nào làm tan loãng nỗi khát khao truy tìm chân lý. Điều này có thể trở thành bất lợi cho việc đối thoại tôn giáo đúng nghĩa, vì thật ra, càng thực sự khao khát những giá trị tinh thần cách sâu xa, con người càng dễ gặp gỡ để đối thoại. Ngay cả các Kitô hữu, cách riêng các tân tòng, cũng có thể vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi những cảm nhận tôn giáo như thế.
Nhìn về các tôn giáo, Giáo Hội luôn xác tín rằng “Thiên Chúa không ở xa, ở trên hay tách khỏi con người, nhưng Ngài ở rất gần, kết hiệp với mọi người và cả nhân loại trong tất cả những trạng huống của đời sống” (GHCA 12). Chắc chắn Thánh Thần Thiên Chúa vẫn âm thầm hoạt động trong các truyền thống tôn giáo và văn hoá và những thăng trầm của lịch sử nhân loại. Chính Thánh Thần làm nảy sinh những lý tưởng sống cao đẹp làm thăng tiến con người. Nhờ sự soi dẫn của Ngài, các tôn giáo, các nền văn hoá và triết lý có thể giúp con người, cá nhân cũng như tập thể, trong nỗ lực chống lại sự dữ để phục vụ sự sống và mọi điều tốt lành. Vì vậy, Giáo Hội luôn tôn trọng và tìm cách đối thoại với các tôn giáo, vì biết rằng những giá trị tâm linh nơi những truyền thống tốt đẹp ấy sẽ được tiếp nhận và kiện toàn trong chân lý mạc khải của Đức Giêsu Kitô (Đề Cương 4).
B. Phần hỏi -đáp
1- H. Người Việt Nam có một cảm thức tôn giáo như thế nào?
T. Người Việt Nam có một cảm thức tôn giáo thật mạnh mẽ. “Ông Trời” là tiếng gọi quen thuộc trong đời sống hằng ngày, nhất là khi gặp khó khăn, đau ốm và bệnh tật.
2- H. Các tôn giáo đã đóng góp những gì cho dân tộc và xã hội Việt Nam?
T. Các tôn giáo đã ảnh hưởng đến nếp sống đạo đức và luân lý của dân tộc Việt Nam, đã nên như vai trò cột trụ nâng đỡ tinh thần dân tộc qua những thăng trầm xã hội, đã giúp cho lương tâm người dân Việt thêm bén nhạy về điều thiện điều ác, và có những đóng góp đáng kể trong việc hình thành và phát triển đất nước.
3- H. Cảm thức tôn giáo của người Việt thường có những hạn chế nào?
T. Cảm thức tôn giáo của người Việt thường có những hạn chế này:
– Một là thiên về tình cảm, ít tìm hiểu điều mình tin tưởng, nên dễ dàng chấp nhận cả những hình thái mê tín dị đoan;
– Hai là chủ trương “Đạo tại tâm” để biện minh cho việc không muốn thực hành hay tham dự các nghi lễ tôn giáo;
– Ba là chủ trương “Đạo nào cũng tốt như nhau” do hiểu tôn giáo cốt yếu chỉ liên quan đến nếp sống luân lý đạo đức.
4- H. Giáo Hội nhận định về các tôn giáo như thế nào?
T. Giáo Hội luôn xác tín rằng Chúa Thánh Thần vẫn âm thầm hoạt động trong các truyền thống tôn giáo. Chính Ngài làm nảy sinh những lý tưởng sống cao đẹp giúp thăng tiến con người. Nhờ sự soi dẫn của Ngài, các tôn giáo có thể giúp con người nỗ lực chống lại sự dữ để phục vụ sự sống và mọi điều tốt lành.
5- H. Giáo Hội có thái độ như thế nào đối với các tôn giáo?
T. Giáo Hội luôn tôn trọng và tìm cách đối thoại với các tôn giáo vì biết rằng những giá trị tâm linh nơi những truyền thống tốt đẹp ấy sẽ được tiếp nhận và kiện toàn trong chân lý mặc khải của Đức Giêsu Kitô.
C. Phần gợi ý trao đổi
1. Bạn nghĩ thế nào về những đóng góp của các tôn giáo cho dân tộc và xã hội Việt Nam? Liệu có thể phát triển đất nước mà không cần đến tôn giáo không?
2. Bạn nghĩ thế nào về những hạn chế trong cảm thức tôn giáo cũng như trong cách sống đạo của người Việt? Chúng ta cần làm gì để khắc phục?
3. Dẫn chứng để minh hoạ cho chân lý “Thánh Thần vẫn âm thầm hoạt động trong các truyền thống tôn giáo và làm nảy sinh những lý tưởng sống cao đẹp giúp thăng tiến con người.”
bài liên quan mới nhất
- Câu hỏi tìm hiểu Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010
-
Thư Mục vụ Gp. Hải Phòng nhân dịp công bố Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa -
Tọa đàm về “Mục vụ Giới Trẻ và nền Văn minh tình thương & sự sống” -
ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm trả lời phỏng vấn của Tuần báo Công Giáo & Dân Tộc về Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 -
Thư Chung Hậu Đại hội Dân Chúa 2010 gửi toàn thể cộng đoàn Dân Chúa Việt Nam -
Giới thiệu “Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010” -
Lời Chủ Chăn tháng 04.2011 -
Cơn mưa và Tiếng trống -
Lễ Bế Mạc Năm Thánh 2010 - Tạ ơn Mẹ La Vang -
Lế Bế Mạc Năm Thánh 2010 - Niềm vui và lòng tri ân của đoàn con
bài liên quan đọc nhiều
- Câu hỏi tìm hiểu Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010
-
Sứ Vụ - Missio -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 1(1): Giáo Hội là Dân Thiên Chúa -
Đại hội Dân Chúa 2010 tại Việt Nam -
Tọa đàm về “Mục vụ Giới Trẻ và nền Văn minh tình thương & sự sống” -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 2: Giáo Hội là một thực tại Hữu Hình -
Thư Mục vụ Gp. Hải Phòng nhân dịp công bố Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 1 (3) Giáo Hội là Đền Thờ Chúa Thánh Thần -
ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm trả lời phỏng vấn của Tuần báo Công Giáo & Dân Tộc về Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 -
Thư Chung Hậu Đại hội Dân Chúa 2010 gửi toàn thể cộng đoàn Dân Chúa Việt Nam