Tài liệu học hỏi Năm Thánh: Bài 12: Giáo Hội Việt Nam quan tâm đến giáo dục
Bài 12: Giáo Hội Việt Nam
Quan tâm đến giáo dục
A. Phần trình bày
Dù hiện nay Giáo Hội Việt Nam vẫn chưa thể đóng góp tích cực hơn vào việc giáo dục học đường, thì cản trở đó không thể làm cho Giáo Hội lãng quên căn tính của mình là giáo dục con người. Thật thế, giáo dục tiên quyết và tối hậu không phải là trao ban kiến thức khoa học hay kỹ thuật, cũng không phải là đào tạo những người thợ cho nền công nghiệp mới. Trước hết và trên hết, giáo dục làm cho một người trở nên người hơn, biết luôn khao khát chân lý và tự do ôm ấp sự thiện cũng như sẵn sàng mở rộng trước mầu nhiệm cứu độ và đời sống Giáo Hội. Giáo dục Kitô hữu bao gồm giáo dục ở bình diện văn hoá (phúc âm hoá văn hoá) và ở bình diện đức tin (giáo dục đức tin). Tin Mừng không chỉ có tính cách thông tin, song cốt yếu có năng lực biến đổi và làm cho con người nên người hơn... Vì thế, phải thực thi “giáo dục bằng phúc âm hoá và phúc âm hoá bằng giáo dục.” Chúng ta phải cho thấy là người Kitô hữu tốt lành không hề nghịch lại với việc là người công dân ngay chính và lương thiện.
Theo ánh sáng này, Giáo Hội tại Việt Nam nhất thiết phải tập trung nỗ lực vào việc giáo dục lương tâm. Chính việc giáo dục lương tâm cho tinh tế sẽ phải là trách nhiệm hàng đầu của Giáo Hội, dù chưa được cộng tác tích cực vào việc giáo dục học đường. Nhờ một lương tâm chân chính, là đền thờ của Thiên Chúa và ở đó tiếng Chúa luôn vang lên, con người có thể vượt lên những cám dỗ duy vật, khoái lạc và hưởng thụ, và tích cực góp phần xây dựng sự phát triển vững bền của đất nước…
Cha mẹ là những nhà giáo dục đầu tiên và không thể thay thế trong việc giáo dục con cái... Các linh mục, tu sĩ nam nữ có tầm ảnh hưởng quan trọng trên các thanh thiếu niên đang hình thành nhân cách ở lứa tuổi có nhiều tiềm năng nhưng cũng thật bồng bột, mỏng giòn... Các giáo viên công giáo, các giáo lý viên, các huynh trưởng cũng đóng góp phần tích cực của mình trong việc đào tạo quan trọng và cốt yếu này cho tương lai sáng đẹp của quê hương đất nước...
Giáo Hội Việt Nam hiểu rõ môi trường và khung cảnh giáo dục cũng quan trọng không kém. Môi trường lành mạnh của gia đình và xứ đạo sẽ giúp ích rất nhiều cho việc giáo dục thanh thiếu niên... Nhiều người con ưu tú của đất nước cũng như của Giáo Hội Việt Nam đã xuất thân từ những môi trường tốt lành như thế. Một cách cụ thể, giáo xứ cần giúp cho các hội đoàn và các nhóm nhỏ trở thành môi trường hữu ích hơn nữa trong việc sống đạo bằng chia sẻ lời Chúa và cầu nguyện. Cần khuyến khích các hội đoàn không chỉ tụ họp cầu nguyện song còn nâng đỡ nhau trong hoạt động tông đồ và bác ái, làm cho môi trường sinh sống nên tốt đẹp hơn. Gia đình và các hội đoàn trong giáo xứ phải cộng tác với nhau hơn nữa để tạo nên những môi trường học tập lành mạnh cả về văn hoá lẫn các nhân đức. Nhờ đó, các thanh thiếu niên có thể gặp được những nhóm bạn tốt và giúp nhau nên tốt hơn, vì “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.”
Giáo Hội Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa việc đào tạo anh chị em giáo dân. Giáo Hội Việt Nam cần những giáo dân nhiệt tình dành cho Đức Kitô và Giáo Hội Ngài, vì có những nơi chốn và lãnh vực mà chỉ anh chị em giáo dân mới có thể có mặt và hoạt động, và chỉ nhờ họ Giáo Hội mới hiện diện được mà thôi. Giáo Hội Việt Nam cần làm cho chỗ đứng của giáo dân được đề cao hơn nữa như Tông huấn Kitô hữu Giáo dân mong đợi. Chính các Giám mục Việt Nam cũng đã nhận ra nhu cầu khẩn thiết này: “Có một sự mâu thuẫn nội tại nào đó trong chính công việc loan báo Tin Mừng. Một đàng Giáo Hội dường như tăng trưởng nhanh… Trong khi đó, các tác nhân rao giảng Tin Mừng lại có một trình độ rất giới hạn trong hiểu biết về tín lý, một kết quả còn rất nhiều thiếu sót của việc học tập giáo lý… Vì thế, Giáo Hội Việt Nam cần đẩy mạnh việc đào tạo thần học và giáo lý cho giáo dân cũng như quan tâm hơn nữa đến việc đào tạo giáo lý viên qua các trung tâm mục vụ của các giáo phận (Đề Cương 35-38).
B. Phần hỏi -đáp
1- H. Vì sao Giáo Hội Việt Nam quan tâm cách riêng đến giáo dục?
T. Giáo Hội Việt Nam quan tâm cách riêng đến giáo dục vì giáo dục hôm nay liên quan đến tương lai của Giáo Hội và Tổ Quốc. Giáo dục không những giúp cho Tin Mừng được lan rộng và thấm sâu vào lòng người, mà còn là cánh cửa mở ra sự hưng thịnh của đất nước.
2- H. Giáo Hội Việt Nam quan niệm thế nào về giáo dục?
T. Giáo dục trước hết và trên hết không phải là trao ban kiến thức khoa học hay kỹ thuật, cũng không phải là đào tạo những người thợ cho nền công nghiệp mới, nhưng là nỗ lực giúp con người trở nên người hơn, biết khao khát và tìm kiếm những điều chân thiện mỹ, sẵn sàng mở rộng tâm hồn đón nhận ơn cứu độ.
3- H. Những ai trong Giáo Hội có trách nhiệm giáo dục người trẻ?
T. Trước hết là cha mẹ, những nhà giáo dục đầu tiên và không thể thay thế trong việc giáo dục con cái; kế đến là các linh mục và tu sĩ, những nhà giáo dục có ảnh hưởng quan trọng trong việc huấn luyện nhân cách cho thanh thiếu niên; cuối cùng là các giáo viên công giáo, các giáo lý viên và huynh trưởng, những người góp phần tích cực trong việc đào tạo quan trọng và cốt yếu này cho tương lai của Giáo Hội và Tổ Quốc.
4- H. Gia đình và giáo xứ phải làm gì để trở nên những môi trường giáo dục lành mạnh về văn hoá và đức tin cho người trẻ?
T. Gia đình phải sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa, yêu thương, tha thứ, phục vụ nhau và trung thành với truyền thống cầu nguyện chung mỗi ngày. Còn giáo xứ phải giúp nhau sống đạo bằng chia sẻ lời Chúa và cầu nguyện, nâng đỡ nhau trong hoạt động tông đồ và bác ái.
5- H. Vì sao Giáo Hội Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa việc đào tạo anh chị em giáo dân?
T. Giáo Hội Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa việc đào tạo anh chị em giáo dân, vì có những nơi chốn và lãnh vực mà chỉ anh chị em giáo dân mới có thể có mặt và hoạt động, và chỉ nhờ họ, Giáo Hội mới hiện diện được mà thôi.
C. Phần gợi ý trao đổi
1. Giáo xứ của bạn đánh giá ra sao về trình độ văn hoá của các thành viên và có phương sách nào để tăng triển giáo dục cho các thành viên?
2. Giáo xứ của bạn gặp trở ngại nào trong việc huấn luyện lương tâm cho các thành viên hoặc có thể chia sẻ và đóng góp gì cho vấn đề này?
3. Giáo xứ của bạn cần phải làm gì để có thể trở nên môi trường giáo dục lành mạnh cho giới trẻ về đức tin?
bài liên quan mới nhất
- Câu hỏi tìm hiểu Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010
-
Thư Mục vụ Gp. Hải Phòng nhân dịp công bố Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa -
Tọa đàm về “Mục vụ Giới Trẻ và nền Văn minh tình thương & sự sống” -
ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm trả lời phỏng vấn của Tuần báo Công Giáo & Dân Tộc về Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 -
Thư Chung Hậu Đại hội Dân Chúa 2010 gửi toàn thể cộng đoàn Dân Chúa Việt Nam -
Giới thiệu “Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010” -
Lời Chủ Chăn tháng 04.2011 -
Cơn mưa và Tiếng trống -
Lễ Bế Mạc Năm Thánh 2010 - Tạ ơn Mẹ La Vang -
Lế Bế Mạc Năm Thánh 2010 - Niềm vui và lòng tri ân của đoàn con
bài liên quan đọc nhiều
- Câu hỏi tìm hiểu Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010
-
Sứ Vụ - Missio -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 1(1): Giáo Hội là Dân Thiên Chúa -
Đại hội Dân Chúa 2010 tại Việt Nam -
Tọa đàm về “Mục vụ Giới Trẻ và nền Văn minh tình thương & sự sống” -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 2: Giáo Hội là một thực tại Hữu Hình -
Thư Mục vụ Gp. Hải Phòng nhân dịp công bố Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 1 (3) Giáo Hội là Đền Thờ Chúa Thánh Thần -
ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm trả lời phỏng vấn của Tuần báo Công Giáo & Dân Tộc về Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 -
Thư Chung Hậu Đại hội Dân Chúa 2010 gửi toàn thể cộng đoàn Dân Chúa Việt Nam