Tài liệu học hỏi Năm Thánh: Bài 8 (1): Đời sống Kinh nguyện và Bí tích
8.1 Phát huy sự tham gia của giáo dân
Vào đời sống Kinh nguyện và Bí tích
A. Phần trình bày
Trong Tông huấn Kitô Hữu Giáo Dân, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nói về ơn gọi nên thánh của giáo dân như sau:
“Trong Giáo Hội, tất cả mọi người, vì là phần tử của Giáo Hội, nên lãnh nhận và vì vậy tham dự vào ơn gọi chung là nên thánh. Không hề có sự khác biệt nào so với các thành phần khác của Giáo Hội, các giáo dân đương nhiên được mời gọi nên thánh: Tất cả các Kitô hữu, bất cứ theo bậc sống hay địa vị nào, đều được kêu gọi tiến đến sự viên mãn của đời sống Kitô giáo và tiến đến sự trọn lành đức Ái; mọi Kitô hữu đều được kêu mời và có bổn phận nên thánh và nên trọn lành theo bậc sống mình.
Ơn gọi nên thánh có gốc rễ trong Bí tích Thánh Tẩy và được khơi lại nhờ các Bí tích khác; chủ yếu là Bí tích Thánh Thể: được mặc lấy Đức Kitô và được tràn đầy Thánh Thần, các Kitô hữu là “những vị thánh”, nhờ đấy, họ có năng cách và nỗ lực bày tỏ sự thánh thiện của hữu thể trong sự thánh thiện của mọi hoạt động của họ. Thánh Phaolô không ngừng khuyên các Kitô hữu sống “xứng đáng là các thánh” (Ep 5,3).
Đời sống theo Thần Khí, mà hoa trái là sự thánh hóa (Rm 6,22 ; x. Gl 5,22) khơi lên nơi tất cả và từng người đã lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy khát vọng và đòi hỏi phải nối gót và noi gương Đức Giêsu Kitô, qua việc đón nhận các Mối phúc thật của Ngài, lắng nghe và suy gẫm Lời Chúa, tham dự cách có ý thức và chủ động vào đời sống phụng vụ và Bí tích của Giáo Hội, chuyên chăm việc cầu nguyện cá nhân, gia đình và cộng đồng, đói khát sự công chính, thực hành giới luật yêu thương trong mọi hoàn cảnh đời sống và trong việc phục vụ các anh em, đặc biệt những người hèn kém, nghèo khó và đau khổ” (KTHGD 16).
Như thế, bằng cầu nguyện và cử hành phụng vụ, nhất là Bí tích Thánh Thể, bằng nỗ lực chu toàn mọi bổn phận của bậc sống, các tín hữu sẽ làm cho cuộc sống hằng ngày, dù thuận lợi hay khó khăn, trở thành của lễ thiêng liêng được Chúa chấp nhận trong Đức Kitô nhờ Chúa Thánh Thần. Theo ý hướng này, việc thờ phượng Thiên Chúa không chỉ đóng khung trong nhà thờ với những giờ kinh lễ, nhưng phải được thực thi liên lỉ ngay trong cuộc sống qua việc chu toàn bổn phận hằng ngày.
Mỗi Chủ nhật, mọi tín hữu cùng đến nhà thờ cử hành Thánh lễ. Tuy nhiên, họ có thể nhìn nhau như những người xa lạ, và sau Thánh lễ, không hề có quan hệ gì với nhau. Một cộng đòan phượng tự như thế chưa thể là hình ảnh của Giáo Hội Tham Gia. Vì vậy, các giám mục Á châu kêu gọi anh chị em tín hữu nối dài cử hành phượng tự bằng việc cầu nguyện chung và chia sẻ Phúc Âm, cũng như có những việc làm chung với nhau, nâng đỡ nhau để có thể thể hiện tinh thần Phúc Âm trong cuộc sống. Có như thế, các tín hữu mới nên một trong tâm trí và những ân huệ khác nhau mà Thánh Thần ban cho mỗi người mới được khơi dậy và hoạt động.
B. Phần hỏi -đáp
1- H. Phải chăng ơn gọi nên thánh là ơn gọi dành riêng cho giáo sĩ và tu sĩ?
T. Mọi người trong Giáo Hội đều được tham dự vào ơn gọi chung là nên thánh. Do đó, giáo dân đương nhiên được mời gọi và có bổn phận nên thánh theo bậc sống của mình.
2- H. Ơn gọi nên thánh bắt nguồn từ đâu và được canh tân như thế nào?
T. Ơn gọi nên thánh bắt nguồn từ Bí tích Thánh Tẩy và được canh tân nhờ các Bí tích khác; chủ yếu là Bí tích Thánh Thể.
3- H. Ơn gọi nên thánh đòi hỏi chúng ta phải sống như thế nào?
T. Ơn gọi nên thánh đòi hỏi chúng ta phải sống xứng đáng là các thánh của Chúa, nghĩa là phải nối gót và noi gương Đức Giêsu-Kitô, qua việc lắng nghe và suy gẫm Lời Chúa, tham dự cách có ý thức và chủ động vào đời sống phụng vụ và Bí tích của Giáo Hội, chuyên chăm việc cầu nguyện cá nhân, gia đình và cộng đồng, thực hành giới luật yêu thương trong mọi hoàn cảnh đời sống và trong việc phục vụ anh chị em, đặc biệt những người hèn kém, nghèo khó và đau khổ.
4- H. Phải chăng việc thờ phượng Thiên Chúa chỉ đóng khung trong nhà thờ với những giờ kinh lễ?
T. Việc thờ phượng Thiên Chúa không chỉ đóng khung trong nhà thờ với những giờ kinh lễ, nhưng phải được thực thi liên lỉ ngay trong cuộc sống qua việc chu toàn bổn phận hằng ngày.
5- H. Các giám mục Á châu kêu gọi mọi tín hữu nối dài cử hành phượng tự bằng cách nào?
T. Các giám mục Á châu kêu gọi anh chị em tín hữu nối dài cử hành phượng tự bằng việc cầu nguyện chung và chia sẻ Phúc Âm, có những việc làm chung với nhau và nâng đỡ nhau để thể hiện tinh thần Phúc Âm trong cuộc sống.
C. Phần gợi ý trao đổi
1. Các Kitô hữu là những vị thánh. Câu này gợi lên cho bạn những gì?
2. Nên thánh, theo bạn, nghĩa là gì? Giáo dân có được mời gọi và có bổn phận phải nên thánh không? Làm sao giáo dân có thể nên thánh khi không có được những điều kiện như giáo sĩ và tu sĩ?
3. Có nhiều “vị thánh” đang sống xung quanh bạn trong cuộc sống hằng ngày. Hãy chọn lựa và chia sẻ một chứng từ mà bạn tâm đắc nhất ?
bài liên quan mới nhất
- Câu hỏi tìm hiểu Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010
-
Thư Mục vụ Gp. Hải Phòng nhân dịp công bố Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa -
Tọa đàm về “Mục vụ Giới Trẻ và nền Văn minh tình thương & sự sống” -
ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm trả lời phỏng vấn của Tuần báo Công Giáo & Dân Tộc về Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 -
Thư Chung Hậu Đại hội Dân Chúa 2010 gửi toàn thể cộng đoàn Dân Chúa Việt Nam -
Giới thiệu “Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010” -
Lời Chủ Chăn tháng 04.2011 -
Cơn mưa và Tiếng trống -
Lễ Bế Mạc Năm Thánh 2010 - Tạ ơn Mẹ La Vang -
Lế Bế Mạc Năm Thánh 2010 - Niềm vui và lòng tri ân của đoàn con
bài liên quan đọc nhiều
- Câu hỏi tìm hiểu Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010
-
Sứ Vụ - Missio -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 1(1): Giáo Hội là Dân Thiên Chúa -
Đại hội Dân Chúa 2010 tại Việt Nam -
Tọa đàm về “Mục vụ Giới Trẻ và nền Văn minh tình thương & sự sống” -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 2: Giáo Hội là một thực tại Hữu Hình -
Thư Mục vụ Gp. Hải Phòng nhân dịp công bố Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 1 (3) Giáo Hội là Đền Thờ Chúa Thánh Thần -
ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm trả lời phỏng vấn của Tuần báo Công Giáo & Dân Tộc về Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 -
Thư Chung Hậu Đại hội Dân Chúa 2010 gửi toàn thể cộng đoàn Dân Chúa Việt Nam