Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 7: Giáo Hội Việt Nam: mô hình Giáo Hội tham gia
Bài 7: Giáo Hội Việt Nam muốn xây dựng
sự hiệp thông theo mô hình Giáo Hội tham gia
A. Phần trình bày
Dựa trên nền Giáo Hội học về hiệp thông, các Giám mục Á châu thúc đẩy việc xây dựng Giáo Hội như là sự hiệp thông của các cộng đoàn cũng như của các thành phần Dân Chúa trong từng cộng đoàn. Từ đó, các ngài đưa ra một hướng đi mới là làm sao mỗi Giáo Hội địa phương phải trở thành một Giáo Hội Tham Gia, trong đó mọi thành phần Dân Chúa thể hiện được ơn gọi và vai trò riêng của mình, đồng thời tham gia vào sứ mạng chung của Giáo Hội.
Trong tông huấn Người Kitô hữu Giáo dân, Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh đến nhu cầu của con người hôm nay muốn được tham gia vào tiến trình của xã hội mà trong đó họ là thành viên. Ngài coi đó là “một trong những nét đặc thù nhất của nhân loại hôm nay, một dấu chỉ thời đại đang phát triển trong nhiều lãnh vực và bằng nhiều cách khác nhau.” Kế đến, ngài bàn về sự tham gia của người giáo dân vào đời sống của giáo xứ, nhấn mạnh đến vai trò hết sức cần thiết của người giáo dân trong mọi sinh hoạt của cộng đoàn Giáo Hội.
Quan điểm của Đức Thánh Cha được minh họa rõ nét nhất qua cách ngài khai triển dụ ngôn những người thợ làm vườn nho (Mt 20,1-16) trong phần đầu của Tông Huấn. Tất cả mọi người đều được gọi đi làm việc trong vườn nho của Chúa. Không có chuyện thất nghiệp ở đây và cũng không được phép để cho ai thất nghiệp! Nếu hiểu vườn nho ở đây là Giáo Hội thì Giáo Hội phải trở thành một “Giáo Hội Tham Gia,” trong đó mọi người đều tham gia và đồng trách nhiệm, mọi người đều bình đẳng và đều cảm thấy mình thực sự là thành viên.
Dựa trên ý tưởng căn bản này, văn phòng Giáo dân và văn phòng Phát triển Con người thuộc Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu đã triển khai một số chỉ dẫn trong việc xây dựng một Giáo Hội Tham Gia tại Á châu. Theo đó, Giáo Hội Tham Gia trước hết là một cộng đoàn, trong đó mọi tín hữu đều dự phần vào sứ mạng của Dân Chúa trong Giáo Hội cũng như trong thế giới, một cộng đoàn đồng trách nhiệm, bình đẳng, và tích cực tham gia vào sứ mạng Chúa Kitô.
Các Giám mục Việt Nam thì kêu gọi mọi tín hữu ý thức mình thuộc về Gia đình của Chúa Kitô, tích cực tham gia vào các hội đoàn hay nhóm nhỏ Kitô hữu trong giáo xứ, thay đổi tương quan giữa giáo sĩ và giáo dân, tạo điều kiện cho mọi người tham gia nhiều hơn vào việc bàn thảo và quyết định kế hoạch mục vụ chung. (Đề Cương 21).
B. Phần hỏi –đáp
1- H. Giáo Hội Tham Gia là một cộng đoàn như thế nào?
T. Giáo Hội tham gia là một cộng đoàn, trong đó mọi thành phần Dân Chúa thể hiện được ơn gọi và vai trò riêng của mình, đồng thời tham gia vào sứ mạng chung của Giáo Hội.
2- H. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II diễn tả vai trò hết sức cần thiết của người giáo dân trong Giáo Hội và sự tham gia của họ vào đời sống của giáo xứ như thế nào?
T. Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến việc mọi người đều được mời gọi làm việc trong vườn nho của Chúa và xác quyết không có ai thất nghiệp và cũng không được phép để cho ai thất nghiệp.
3- H. Theo Liên Hội đồng Giám mục Á châu, Giáo Hội Tham Gia có những đặc điểm nào?
T. Theo Liên Hội đồng Giám mục Á châu, Giáo Hội Tham Gia có bốn đặc điểm này:
– Một là mọi tín hữu đều dự phần vào sứ mạng của Dân Chúa;
– Hai là mọi tín hữu đều bình đẳng với nhau;
– Ba là mọi tín hữu đều chia sẻ trách nhiệm chung;
– Bốn là mọi tín hữu đều dấn thân trong sứ mạng yêu thương và phục vụ của Chúa Kitô.
4- H. Để xây dựng một Giáo Hội tham gia, Giáo Hội Việt Nam cần phải thực hiện những gì?
T. Để xây dựng một Giáo Hội tham gia, Giáo Hội Việt Nam:
– Trước tiên, phải giúp các tín hữu có được cảm thức sâu xa về Giáo Hội và tích cực tham gia vào các hội đoàn hay nhóm nhỏ Kitô hữu trong giáo xứ,
– thứ đến, mạnh dạn thay đổi cách hành sử theo kiểu giáo sĩ cung ứng mọi sự và giáo dân phải lệ thuộc giáo sĩ, bằng cách lãnh đạo dựa trên tinh thần đồng trách nhiệm và tập đoàn tính,
– cuối cùng, tạo điều kiện cho mọi người tham gia nhiều hơn vào việc bàn thảo và quyết định kế hoạch mục vụ chung.
5- H. Để xây dựng Giáo Hội tham gia, cần canh tân thành phần nào trong Giáo Hội?
T. Để xây dựng Giáo Hội tham gia, chúng ta không thể canh tân một chiều từ giáo sĩ hoặc giáo dân nhưng phải canh tân cả hai trong cả khối óc lẫn con tim.
C. Phần gợi ý trao đổi
1. Bạn có nghĩ nhu cầu tham gia vào đời sống xã hội là “một trong những nét đặc thù của nhân loại hôm nay, một dấu chỉ thời đại đang phát triển trong nhiều lãnh vực và bằng nhiều cách khác nhau” không? Nếu có thì xây dựng Giáo Hội Tham Gia là một đòi hỏi của thời đại?
2. Trong các việc Giáo Hội Việt Nam cần thực hiện để xây dựng Giáo Hội tham gia (xem phần hỏi đáp, câu 4), theo bạn, đâu là việc quan trọng và khẩn thiết hơn cả? Tại sao?
3. Bạn thử đề nghị một cách thức giúp mọi thành phần trong giáo xứ tham gia vào các sinh hoạt chung của giáo xứ hoặc tham gia vào việc bàn thảo và quyết định chung trong giáo xứ.
bài liên quan mới nhất
- Câu hỏi tìm hiểu Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010
-
Thư Mục vụ Gp. Hải Phòng nhân dịp công bố Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa -
Tọa đàm về “Mục vụ Giới Trẻ và nền Văn minh tình thương & sự sống” -
ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm trả lời phỏng vấn của Tuần báo Công Giáo & Dân Tộc về Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 -
Thư Chung Hậu Đại hội Dân Chúa 2010 gửi toàn thể cộng đoàn Dân Chúa Việt Nam -
Giới thiệu “Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010” -
Lời Chủ Chăn tháng 04.2011 -
Cơn mưa và Tiếng trống -
Lễ Bế Mạc Năm Thánh 2010 - Tạ ơn Mẹ La Vang -
Lế Bế Mạc Năm Thánh 2010 - Niềm vui và lòng tri ân của đoàn con
bài liên quan đọc nhiều
- Câu hỏi tìm hiểu Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010
-
Sứ Vụ - Missio -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 1(1): Giáo Hội là Dân Thiên Chúa -
Đại hội Dân Chúa 2010 tại Việt Nam -
Tọa đàm về “Mục vụ Giới Trẻ và nền Văn minh tình thương & sự sống” -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 2: Giáo Hội là một thực tại Hữu Hình -
Thư Mục vụ Gp. Hải Phòng nhân dịp công bố Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 1 (3) Giáo Hội là Đền Thờ Chúa Thánh Thần -
ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm trả lời phỏng vấn của Tuần báo Công Giáo & Dân Tộc về Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 -
Thư Chung Hậu Đại hội Dân Chúa 2010 gửi toàn thể cộng đoàn Dân Chúa Việt Nam