Tài Liệu Làm Việc - Đại Hội Dân Chúa (2)
TÀI LIỆU LÀM VIỆC – ĐẠI HỘI DÂN CHÚA VIỆT NAM
Phần I, Chương II (số 11–17) ● Phần II, B (số 35, 36)
CHƯƠNG II
HIỆP THÔNG
GIÁO HỘI NHƯ DẤU CHỈ VÀ KHÍ CỤ
CỦA SỰ HIỆP NHẤT
GIỮA CON NGƯỜI VỚI THIÊN CHÚA
VÀ GIỮA CON NGƯỜI VỚI NHAU
(11) Lịch sử cứu độ hướng đến cùng đích là qui tụ đoàn con cái Thiên Chúa đang tản mác về một mối (x. Ga 11,52) trong sự hiệp thông trọn vẹn giữa con người với Thiên Chúa cũng như giữa con người với nhau. Vì nơi đâu có Thiên Chúa ngự trị thì ở đó có sự hiệp thông và nơi đâu có hiệp thông thì ở đó có Thiên Chúa, nên hiệp thông là quà tặng của Thiên Chúa và cũng là trách vụ của con người. Xuất phát từ sự hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi, Giáo Hội vừa là dấu chỉ vừa là khí cụ của tình yêu hiệp nhất bằng cách trở nên chứng nhân và trường dạy hiệp thông.
1. Hiệp thông với Thiên Chúa: nền tảng và điều kiện của sự hiệp thông giữa con người
(12) Trước khi cầu xin cho các môn đệ được hiệp nhất nên một, Chúa Kitô đã mời gọi họ ở lại trong tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần (x. Ga 15,1-10). Sự hiệp thông theo chiều dọc nối kết con người với Thiên Chúa chính là nền tảng và điều kiện thiết yếu cho mối hiệp thông theo chiều ngang giữa con người với con người. Chỉ khi gắn bó trọn cả con người và cuộc sống của mình với Thiên Chúa nhờ các nhân đức đối thần tin, cậy, mến, người tín hữu mới có thể hoàn thiện mối tương giao với tha nhân nhờ các đức tính nhân bản. Tình yêu hiệp nhất với Thiên Chúa phải trở thành động lực và chuẩn mực cho sự thông hiệp với mọi người chung quanh. Vì thế, không thể kiến tạo sự hiệp thông bền chặt và chân chính nếu sự hiệp thông với Thiên Chúa suy giảm hay thiếu vắng.
Thiên Chúa muốn cho Giáo Hội đáp trả hồng ân hiệp thông với Ngài bằng cách sống và phát huy tình hiệp thông giữa các tín hữu trong Giáo Hội để từ đó trở thành tác nhân kiến tạo sự hiệp thông của cả gia đình nhân loại. Để được như vậy, Giáo Hội được nuôi dưỡng bằng Lời Thiên Chúa và Mình Máu Đức Kitô để nhờ Chúa Thánh Thần tác động, Giáo Hội trở nên Đấng mà Giáo Hội lãnh nhận. Qua các ân điển khác nhau, Thánh Thần liên kết mọi chi thể trong Nhiệm thể bằng mối dây hiệp nhất bền chặt giữa các tín hữu để từng ngày làm cho Giáo Hội tăng trưởng, đạt tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô (Ep 4,11-13). Trong ân phúc cứu độ, Thánh Thần nối kết các dân tộc bằng cách phá vỡ mọi hàng rào ngôn ngữ (x. Cv 2,1-12); đồng thời, Chúa Cha phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù hận (x. Ep 2,16-17) và thâu kết tất cả trong Chúa Kitô để Thiên Chúa là tất cả trong mọi người (x. Ep 2,14-18). Giáo Hội đã được dựng xây như là Nước-Trời-đang-phát-triển để qua đó toàn thể nhân loại và muôn loài thọ tạo sẽ được thâu họp cách viên mãn trong thời cánh chung.
2. Giáo Hội như dấu chỉ Hiệp thông
(13) Giáo Hội nhận ra mình có sứ mạng đáp trả khát vọng yêu thương và hiệp nhất, vốn là khát vọng thâm sâu của con người, nhưng thường xuyên bị tan vỡ do những chia rẽ vì hận thù và ích kỷ. Vì thế, hơn ai hết, Giáo Hội không hề muốn mình trở thành nguyên cớ gây xung đột và bạo lực. Trái lại, trong mọi hoàn cảnh, Giáo Hội Chúa Kitô nhất quyết mở rộng con đường hiệp nhất để đẩy nhanh tiến trình hiệp thông giữa các dân tộc, Giáo Hội muốn tác động như chất xúc tác cho tình hiệp thông, khi mang đến cho thế giới hôm nay chính Chúa Kitô, Con Người Hoàn Hảo, là “hạt nhân” cho một nhân loại mới. Dấu chỉ hiệp thông đó được biểu tỏ cách đặc biệt qua đời sống thờ phượng và mối tương quan giữa các thành phần Dân Chúa trong Giáo Hội, để từ đó Giáo Hội góp phần xây dựng sự hiệp nhất trong cộng đồng nhân loại.
a. Tương quan hiệp thông với Thiên Chúa
(14) Thiên Chúa yêu thương những kẻ thuộc về Ngài, không những muốn cho họ ở trong nhà Ngài luôn mãi (x. Tv 23,6), mà còn cho họ được nên một với Ngài trong Đức Giêsu Kitô. Vì thế, các tín hữu phải luôn khao khát gặp gỡ Thiên Chúa trong đời sống cầu nguyện và không ngừng vun đắp tâm tình thờ phượng tin yêu. Với tâm hồn trong sạch, các tín hữu thông hiệp thường hằng với Thiên Chúa trong ân sủng, họ sốt sắng tiếp nhận Thánh Thể và liên kết với các chi thể khác trong Thân Mình của Chúa Kitô, họ biến tâm hồn mình thành đền thờ của Chúa Thánh Thần, họ nối kết bằng một tình yêu mạnh hơn cả sự chết đối với những người đã an nghỉ trong Chúa Kitô, đang còn phải thanh luyện hay đã được tôn vinh.
Trong một mức độ nào đó, các tín hữu ViệtNam vẫn nổi bật về cách sống đạo siêng năng cầu nguyện và lãnh nhận bí tích. Tuy nhiên, Giáo Hội tại Việt Nam cần xây dựng và canh tân một đời sống thờ phượng có khả năng nối kết đức tin với cuộc sống. Để việc canh tân được sâu xa, các tín hữu Việt Nam được Thiên Chúa mời gọi đọc Thánh Kinh, và như Đức Maria, suy niệm Lời Chúa không ngừng. Chính nhờ Lời được vang lên trong ngôi nhà Giáo hội có truyền thống sống động, không phải như một kiến thức suông nhưng như lời cầu nguyện có sức hoán cải và tạo sự hiệp thông, chúng ta mới nhận ra khuôn mặt đích thực của Đức Kitô, là ngôi vị trung tâm của Mạc khải, chứ không đơn thuần là một học thuyết hay lý tưởng cao cả. Một khi được thấm nhuần Lời Chúa, bám chặt vào Lời Chúa như lương thực trường tồn của mình (x. Ga 6,27; Mt 4,4; Kh 10,9; Gr 15,16; Đnl 8,3), người tín hữu Việt Nam sẽ vững bước trên những nẻo đường của cuộc sống và thế giới khi thi hành sứ mạng của người ngôn sứ. Chính vì thế, trong mọi hoàn cảnh, Giáo Hội tại Việt Nam cần thúc đẩy việc học hỏi, suy niệm và sống Lời Chúa, coi đây như mối ưu tiên hàng đầu của mọi hoạt động mục vụ.
b. Tương quan hiệp thông giữa Giáo Hội tại Việt Nam và Giáo Hội phổ quát
(15) Sách Khải huyền mô tả nền móng của thành Giêrusalem trên cao có khắc tên mười hai Tông Đồ của Con Chiên (x. Kh 21,14). Giáo Hội địa phương chân thật phải mang tính tông truyền, tức là phải liên kết bền chặt với các thánh tông đồ được biểu lộ qua việc gắn bó bền chặt với Đấng Kế vị thánh Phêrô, là “nguyên lý và nền tảng hữu hình và trường tồn của sự hợp nhất, cả của cộng đoàn các Giám mục cũng như của cộng đoàn các tín hữu,” nhằm phục vụ sự hiệp nhất trong đức tin và đời sống của toàn thể Dân Thiên Chúa. Cộng đoàn tín hữu tại Việt Nam luôn thể hiện tình hiệp thông với Giáo Hội phổ quát, với Đức Thánh Cha là Đấng Kế Vị thánh Phêrô, qua thái độ tôn kính vâng phục chân thành. Chính Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã ca ngợi vẻ đẹp đức tin này của Giáo Hội tại ViệtNam. Sự gắn bó trung thành này phát xuất từ chính bản chất đức tin công giáo chứ không chỉ đơn thuần do quan hệ ngoại giao hay xã hội. Do đó, phải nỗ lực duy trì và phát huy sự hiệp nhất với Tòa Thánh; đồng thời, Toà Thánh cũng luôn tôn trọng và nhạy bén với những nét đặc thù trong lịch sử cũng như văn hoá của dân Việt.
Cũng trong viễn tượng hiệp thông, Giáo Hội Việt Nam muốn đẩy mạnh sự gặp gỡ và hợp tác với các Giáo Hội chị em trong các quốc gia khác, đặc biệt tại Á Châu. Sự liên đới hợp tác giữa các Giáo hội tại Á châu vốn có nhiều điểm gần gũi về địa lý, văn hóa, tôn giáo, v.v, sẽ làm nổi bật hơn nữa một Giáo hội duy nhất cũng như giúp ích nhiều cho việc chu toàn sứ mệnh loan báo Tin Mừng trong châu lục mênh mông này, như Thượng Hội Đồng Giám Mục Á châu cũng như Tông huấn Giáo hội tại Á châu mong mỏi.
c. Tương quan hiệp thông giữa mọi thành phần Dân Chúa
(16) Sống mầu nhiệm hiệp thông chính là điều mà các môn đệ Chúa Kitô tại Việt Nam phải thực thi mọi nơi và mọi lúc. Lời nhận định của lương dân về cộng đoàn Giáo Hội sơ khai tại Giêrusalem “kìa họ thương mến nhau biết bao”, hay biệt hiệu “Đạo yêu thương” được gán cho cộng đoàn tín hữu đầu tiên trên đất Thăng Long, vẫn luôn thúc đẩy các tín hữu tại Việt Nam phải thể hiện rõ nét hơn nữa một Giáo Hội hiệp thông bằng cách phát huy mối tương quan trong đức ái giữa các thành phần Dân Chúa.
Sự hiệp thông này được đặt nền trên bí tích Thánh tẩy, theo đó mọi Kitô hữu đều bình đẳng với nhau, chia sẻ cùng một sự sống ơn thánh như trong cây nho và các ngành, chia sẻ cùng một sứ mệnh, do đó đồng trách nhiệm trong việc thi hành sứ mệnh dù có những chức năng khác nhau. Theo đó, mỗi giáo phận cũng như giáo xứ phải là một cộng đoàn đồng trách nhiệm, bình đẳng, và tích cực tham gia vào sứ mạng của Chúa Kitô, nhưng vẫn luôn xác tín và đề cao Giám mục như người lãnh đạo, thầy dạy và bảo vệ đức tin, “nguyên lý và nền tảng hữu hình của sự hiệp nhất trong GH địa phương.” Điều này đòi hỏi Giáo Hội phải làm sao cho mọi thành phần dân Chúa đều được tham gia vào việc phân định và thực thi ý Chúa. Chính vì thế, Liên Hội Đồng Giám Mục Á châu đề xướng và kêu gọi xây dựng Giáo hội tham gia, trong đó mọi thành phần Dân Chúa đều thể hiện được ơn gọi và vai trò riêng của mình, đồng thời tham gia vào sứ mạng chung của Giáo Hội. Mô hình “tham gia” bao hàm thái độ cộng tác chân thành và tích cực trong việc lắng nghe, chia sẻ, thảo luận, duyệt xét, đánh giá về mục tiêu cũng như phương cách thực hiện những đề án mục vụ. Tham gia còn có nghĩa là mọi thành viên trong Giáo Hội, dù có những chức vụ và vị trí khác nhau, sẽ dự phần vào các sinh hoạt trong cộng đoàn với tất cả tinh thần trách nhiệm, không chấp nhận “độc tài” nhưng cũng không đồng hóa “tham gia” với “dân chủ cực đoan”, vì tất cả đều phải vâng phục Thiên Chúa và cùng nhau hướng đến mục đích chung là xây dựng và phát triển cộng đoàn. Mô hình Giáo Hội tham gia cũng sẽ giúp chúng ta tìm ra ý nghĩa của những dấu chỉ thời đại để cùng nhau làm việc cho Nước Chúa hiển trị.
Trong giai đoạn sắp tới, mô hình Giáo Hội hiệp thông và tham gia cần được đề ra như một ưu tiên mục vụ và tìm cách thể hiện sao cho hiệu quả trong linh mục đoàn, trong tổ chức giáo xứ như một gia đình, cũng như thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các giáo phận, giữa các giáo phận và dòng tu, cũng như giữa các dòng tu với nhau. Sự hiệp thông và tham gia này cũng cần được thể hiện bằng những phương án cụ thể như thực hiện những kế hoạch mục vụ chung, nâng đỡ và chia sẻ với nhau về nhân sự cũng như tài chính, v.v.
d. Góp phần xây dựng sự hiệp thông trong cộng d9ồng nhân loại.
(17) Giáo Hội tại Việt Nam muốn thực thi trọn vẹn sứ mạng trở nên dấu chỉ và khí cụ của sự hiệp thông giữa người với người, vượt lên trên mọi khác biệt về giai cấp, văn hóa hay chính kiến. Tuy vẫn còn những thiếu sót do khả năng giới hạn của con người, nhưng kể từ khi có mặt trên đất nước này, các tín hữu Việt Nam thật sự đã và vẫn đang đóng góp tích cực cho sự hiệp thông giữa người với người trên quê hương đất nước này, đặc biệt qua những cách thức phục vụ đa dạng trong các lãnh vực xã hội, y tế và giáo dục. Theo hướng đi này và noi gương các vị tiền nhân và chứng nhân đức tin, các tín hữu Chúa Kitô tại Việt Nam luôn chung tay với những người thành tâm thiện chí nỗ lực xây dựng và phát triển môi trường mình đang sinh sống cho xứng với phẩm giá con người. Đó cũng là cách thức mà Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu đã cổ võ khi nói đến các “cộng đồng nhân sinh cơ bản”, trong đó các Kitô hữu không chỉ quan tâm đến đời sống thờ phượng trong nhà thờ nhưng là những hạt nhân sinh động trong cộng đồng xã hội.
Khi quan tâm đến việc lành mạnh hóa và phát triển môi trường xã hội, Giáo Hội tại Việt Nam không chủ trương chính trị đảng phái, nhưng chỉ quan tâm đến sự sống và sự phát triển toàn diện của mỗi người và mọi người, nhất là những người nghèo khổ và bị bỏ rơi. Chính vì thế, một đàng Giáo Hội không chấp nhận thỏa hiệp với những gì là tội lỗi và bất công; đàng khác, Giáo Hội vẫn luôn mong muốn giúp mọi người đón nhận lòng nhân hậu xót thương và tha thứ của Thiên Chúa trong Đức Kitô. Bằng cách đó, Giáo Hội cống hiến cho quê hương một tình hiệp nhất dân tộc vượt lên trên những dị biệt về chủng tộc, giai cấp xã hội hay chính kiến.
|
B. HIỆP THÔNG
(35) III. ĐỀ NGHỊ MỤC VỤ 3: PHÁT HUY SỰ HIỆP THÔNG VÀ THAM GIA TRONG ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI
1. Định hướng
Cắm rễ sâu trong bí tích Rửa tội, được củng cố nhờ bí tích Thêm Sức và được thường xuyên nuôi dưỡng nhờ bí tích Thánh Thể, tất cả mọi tín hữu công giáo – giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân – đều có trách nhiệm tham gia vào việc xây dựng Giáo Hội và chu toàn sứ vụ của Giáo Hội là loan báo Nước Thiên Chúa. Để thực hiện được yêu cầu này, Giáo Hội cần đánh giá lại và canh tân những cơ cấu hiện có, đồng thời đặt ra những cơ cấu mới nhằm thúc đẩy sự tham gia và hợp tác rộng rãi hơn giữa mọi thành phần Dân Chúa. Có như thế, Giáo Hội tại Việt Nam mới thực sự là Giáo Hội hiệp thông và tham gia.
2. Ưu tiên mục vụ
a) Thúc đẩy và hình thành những cấu trúc tạo điều kiện cho sự hợp tác giữa giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân. Cổ võ và phát huy những đoàn sủng nhằm phục vụ sự hiệp nhất sinh động của Giáo Hội.
b) Thúc đẩy và hình thành những cấu trúc tạo điều kiện cho sự hợp tác giữa các giáo phận với nhau, giữa các giáo phận và các dòng tu cũng như giữa các dòng tu với nhau.
3. Kế hoạch thực hiện
a) Cấp giáo xứ
- Hoàn chỉnh cơ cấu Hội đồng giáo xứ theo đúng giáo luật và thích hợp với hoàn cảnh địa phương.
b) Cấp giáo phận
- Trong giáo phận hãy làm sao để mức sống của các linh mục phải tương đối bằng nhau;
- Giáo phận cần có kế hoạch mục vụ chung với định hướng và quy định cụ thể, thay cho lối làm mục vụ riêng rẽ tùy vào mỗi địa phương hay mỗi giáo xứ.
- Thành lập những cơ cấu hoạt động và tham vấn của giáo phận, bắt đầu từ những tổ chức theo quy định của giáo luật như Hội đồng linh mục, Hội đồng mục vụ, Hội đồng tài chính…
c) Cấp quốc gia
- Các giáo phận hãy hỗ trợ nhau về nhân lực cũng như tài chánh, nếu có thể;
- Các Ủy ban trực thuộc Hội đồng Giám mục cần hợp tác với nhau chặt chẽ hơn. Hội đồng Giám mục cần đầu tư nhân lực và tài lực cho các Ủy ban nhiều hơn. Trong các ủy ban này, hãy cố gắng sao cho sắc thái và tiếng nói được đa dạng hơn, nhưng cũng không bỏ qua tính chất hiệu quả.
- Xây dựng trụ sở chính thức của Hội đồng Giám mục với Văn phòng Tổng thư ký HĐGM và các văn phòng của các Ủy ban để dễ làm việc chung.
- Hãy làm sao để sự hợp tác của các dòng tu trong các giáo phận được phong phú hơn.
- Hội đồng Giám mục cần đặt một phát ngôn viên chính thức để kịp thời thông tin và bày tỏ lập trường của HĐGM trước những vấn đề liên quan đến đời sống Giáo Hội.
(36) IV. ĐỀ NGHỊ MỤC VỤ 4: ĐÀO TẠO NHÂN SỰ
1. Định hướng
“Chức tư tế thừa tác là để phục vụ chức tư tế cộng đồng, giúp làm tăng trưởng ân sủng Phép Rửa nơi mọi Kitô hữu” (GLHTCG số 1547). Ân sủng Phép Rửa này vừa là nền tảng vừa là bầu khí quyển bao trùm mọi công việc phục vụ và lãnh đạo trong Giáo Hội. Do đó những người được trao trách nhiệm phục vụ và lãnh đạo trong Giáo Hội – giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân – cần được đào tạo kỹ lưỡng và thường xuyên, để họ có thể chu toàn sứ mạng cao cả là phục vụ sự tăng trưởng của ân sủng Phép Rửa nơi mọi tín hữu và loan báo Lời Chúa cho mọi người.
2. Ưu tiên mục vụ
a) Thúc đẩy mạnh mẽ hơn sự cộng tác giữa giáo sĩ, tu sĩ và linh mục trong việc điều hành giáo xứ cũng như trong các công tác mục vụ.
b) Trong chương trình đào tạo linh mục, tu sĩ và giáo dân, cần nhấn mạnh đến tinh thần hợp tác và làm việc chung. Nên để ý đến vai trò và sự tham gia của giáo dân vào tiến trình đào tạo linh mục tu sĩ.
3. Kế hoạch thực hiện
a) Các giáo xứ đầu tư cho việc dạy giáo lý như ưu tiên hàng đầu.
b) Thiết lập và tổ chức học viện thần học trực thuộc Hội đồng Giám mục nhằm thúc đẩy việc nghiên cứu, đào tạo và giảng dạy khoa học thánh cách chuyên sâu hơn.
c) Giáo Hội Việt Nam nên hình thành Học viện Giáo lý để đào tạo các chuyên viên giáo lý cũng như nghiên cứu những phương thế thích hợp trong việc giáo dục đức tin.
d) Các Trung tâm mục vụ tại các giáo phận tạo điều kiện cho những anh chị em tín hữu muốn nâng cao kiến thức Thánh Kinh, thần học và mục vụ, để họ tham gia vào đời sống của Giáo Hội cách tích cực và hiệu quả hơn.
|
bài liên quan mới nhất
- Câu hỏi tìm hiểu Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010
-
Thư Mục vụ Gp. Hải Phòng nhân dịp công bố Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa -
Tọa đàm về “Mục vụ Giới Trẻ và nền Văn minh tình thương & sự sống” -
ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm trả lời phỏng vấn của Tuần báo Công Giáo & Dân Tộc về Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 -
Thư Chung Hậu Đại hội Dân Chúa 2010 gửi toàn thể cộng đoàn Dân Chúa Việt Nam -
Giới thiệu “Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010” -
Lời Chủ Chăn tháng 04.2011 -
Cơn mưa và Tiếng trống -
Lễ Bế Mạc Năm Thánh 2010 - Tạ ơn Mẹ La Vang -
Lế Bế Mạc Năm Thánh 2010 - Niềm vui và lòng tri ân của đoàn con
bài liên quan đọc nhiều
- Câu hỏi tìm hiểu Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010
-
Sứ Vụ - Missio -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 1(1): Giáo Hội là Dân Thiên Chúa -
Đại hội Dân Chúa 2010 tại Việt Nam -
Tọa đàm về “Mục vụ Giới Trẻ và nền Văn minh tình thương & sự sống” -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 2: Giáo Hội là một thực tại Hữu Hình -
Thư Mục vụ Gp. Hải Phòng nhân dịp công bố Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 1 (3) Giáo Hội là Đền Thờ Chúa Thánh Thần -
ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm trả lời phỏng vấn của Tuần báo Công Giáo & Dân Tộc về Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 -
Thư Chung Hậu Đại hội Dân Chúa 2010 gửi toàn thể cộng đoàn Dân Chúa Việt Nam