Tham luận của ĐGM Giuse Châu Ngọc Tri
Bài Tham Luận 2
Về Giáo Hội Sứ Vụ
“Nước Trời Như Tấm Lưới” (Mt 13,47)
Trong khuôn khổ một bài tham luận nhỏ, hỗ trợ cho bài thuyết trònh của ngày làm việc thứ ba của Đại Hội Dân Chúa với đề tài Giáo Hội Sứ Vụ, tôi xin được chia sẻ cùng Đại Hội vài ý tưởng cụ thể liên quan đến sứ mạng loan báo Tin Mừng trong hoàn cảnh đặc biệt hiện nay. Từ lệnh truyền của Chúa Giêsu, trở thành bản chất của Giáo Hội, sứ vụ loan báo Tin Mừng không ngừng được Giáo Hội nhắc nhở và thực thi. Đại Hội Dân Chúa đang diễn ra, và mỗi người chúng ta đang hiện diện nơi đây cũng không ngoài mục đích này.
I. Nhiệm vụ truyền giáo là của toàn Dân Chúa
Công đồng Vatican II đã mở ra một trang sử mới với Sắc lệnh về Truyền giáo, Ad Gentes - Đến Với Muôn Dân, đặc biệt là chương VI, nói về sự cộng tác của các thành phần Dân Chúa trong sứ vụ loan báo Tin Mừng. Số 36 của chương này đã xác định và mời gọi: “Nhiệm vụ truyền giáo của toàn Dân Thiên Chúa. Tất cả các Kitô hữu vì là chi thể của Chúa Kitô hằng sồng, được sáp nhập và nên giống Người nhờ Bí Tích Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể, nên họ có bổn phận phải cộng tác vào việc phát triển và bành trướng Thân Thể Người, để Thân Thể này được sung mãn càng sớm càng hay”.
Đã qua rồi hình ảnh những con tàu căng buồn vượt trùng dương mang theo các nhà truyền giáo, rời bỏ quê hương xứ sở, đến với những vùng đất xa xôi. Số 37 của tập Tài Liệu Làm Việc của Đại Hội Dân Chúa chúng ta đang sử dụng, đã đề nghị như một ưu tiên, là làm thế nào để “gây ý thức thừa sai nơi người tín hữu và các cộng đoàn tín hữu Việt Nam, để họ không chỉ bằng lòng với việc chu toàn các việc đạo đức, nhưng còn quan tâm đến việc làm chứng cho Chúa và Tin Mừng”. Như vậy, mỗi thành viên trong gia đình Giáo Hội trở thành những nhà thừa sai tại chỗ, là “muối”, như “men” giữa lòng đời.
Cần thay đổi quan niệm xem truyền giáo chỉ là một trong những hoạt động của Giáo Hội, dành cho một số người, nhưng tinh thần truyền giáo cần thấm nhập vào tất cả mọi lãnh vực trong đời sống Giáo Hội và từng thành phần Dân Chúa, trở thành tiêu chí hàng đầu cho những chương trình và đường hướng mục vụ.
II. Những “dấu chỉ của thời đại”
Chúng ta có thể quan sát một vài hiện tượng trong Giáo Hội Việt Nam chúng ta hôm nay, và có thể nhận ra nơi đây là những “dấu chỉ của thời đại”, để xây dựng một nền mục vụ mới thích ứng cho sứ vụ loan báo Tin Mừng. Tôi xin đề cập đến hai hướng mục vụ cần xây dựng và định hình, đó là “mục vụ nhà trẻ” liên quan đến các nữ tu và “mục vụ nhà đất” liên quan đến các cộng đoàn Giáo Hội. Hai vấn đề này xem ra không liên quan với nhau, nhưng đều gợi mở cho chúng ta thấy sự thay đổi trong lòng xã hội và con người Việt Nam hôm nay, và đòi hỏi Giáo Hội phải thích thời.
1. “Mục vụ Nhà trẻ”: Hầu như ngày nay, ít có một tu viện nào của các nữ tu dòng, lại không có một cơ sở nuôi dạy trẻ. Tu viện lớn, nhà trẻ lớn, tu viện nhỏ, nhà trẻ nhỏ. Có khi tu viện thì nhỏ, nhà trẻ lại lớn. Trước hiện tượng này, có nhiều nhận định khác nhau. Có người khắt khe cho rằng các nữ tu chỉ lo làm ăn, ít dành thời gian cho việc mục vụ. Thậm chí có vị hữu trách tôn giáo còn sẵn sàng trợ cấp cho các nữ tu để các chị khỏi phải giữ trẻ nữa, mà dành trọn thời gian cho việc mục vụ thông thường trong xứ đạo. Thế nhưng, trong giòng duy tư ngày nay về một Giáo Hội Sứ Vụ tổng quát, tại sao chúng ta lại không thể nghĩ đến một nền “mục vụ nhà trẻ”?
Không biết đã có ai thông kê ngày nay trên toàn quốc Việt Nam có bao nhiêu trường mẫu giáo, mầm non hay nhà trẻ do các dòng nữ phụ trách, và con số các cháu là bao nhiêu ? Chắc hẳn là nhiều lắm, và đại đa số các cháu thuộc về các gia đình lương dân. Họ tin tưởng, tự hào và tìm mọi cách để có thể an tâm ký thác cho các nữ tu những đứa con, cháu cưng của mình, mà họ tin rằng các cháu sẽ được hưởng một nền giáo dục tốt nhất. Trong một bối cảnh tôn giáo đặc biệt như tại Việt Nam, đây không phải là một “dấu chỉ thời đại” đáng chúng ta suy gẫm sao? Phần các nữ tu, đây quả là cơ hội lớn để các chị “đến với muôn dân”.
Với lương tâm của một nhà giáo, lại được sự hỗ trợ đắc lực của tinh thần và lý tuởng đời tu, chắc hẳn các nữ tu không thể đơn giản xem đây là kế sinh nhai đơn thuần. Hình ảnh của một nữ tu như người mẹ hiền. luôn yêu thương và tận tình chăm sóc những con người bé nhỏ yếu đuối nhất. Các chị được đụng chạm đến tâm hồn non nớt của các em, và khắc ghi vào đó những âm thanh và hình ảnh tốt lành sẽ ảnh hưởng lâu dài đến nhân cách sống của các em sau này.
Không những chỉ các cháu, mà qua mối liên hệ cần thiết giữa nhà trường và gia đình, bằng việc thăm viếng và tiếp xúc tư vấn, các nữ tu còn có thể trực tiếp quan tâm chăm sóc đến cuộc sống của các gia đình trẻ, với hạnh phúc gia đình cần được bảo vệ, ngăn ngừa trước bao nhiêu nguy cơ bất hạnh đỗ vỡ có thể đang rập rình…Bên cạnh các nữ tu, còn có một đội ngũ các cô nuôi dạy trẻ giúp việc, làm thế nào để huấn luyện lương tâm nghề nghiệp của họ, trang bị cho họ tinh thần yêu thương phục vụ theo nền tảng bác ái Kitô giáo, thì nền “mục vụ nhà trẻ” ẩn tàng bao nhiêu là kết quả tâm linh tốt đẹp, vùng đất màu mỡ cho hạt giống Tin Mừng sinh sôi nảy nở vào đúng ngày mùa.
2. “Mục vụ Nhà đất”: Nhà đất là lãnh vực đầy tế nhị và rất nóng bỏng hiện nay trong đất nước chúng ta, không những giữa chính quyền và nhân dân, mà còn giữa người dân với nhau, với bao nhiều là những tranh chấp, thậm chí dẫn đến xô xát hằng ngày.
Nhưng tế nhị và quan trọng hơn cả vẫn là tranh chấp nhà đất giữa nhân dân và chính quyền. Với chính sách không công nhận quyền tư hữu đất đai lâu dài của người dân như hiện nay, chắc chắn chính quyền trên khắp đất nước này còn phải đối mặt với những khó khăn liên tiếp và có thể ngày càng trầm trọng hơn, khi có đến 70% đơn kiện tụng gửi lên trung ương là liên quan đến tranh chấp nhà và đất.
Đất nước đang từng ngày đổi mới, người dân có quyền trông chờ và tích cực thúc đẩy cho một tiến trình thay đổi luật đất đai cho hợp với lẽ công bằng và hợp với lòng dân hơn. Giáo Hội xét như là một pháp nhận trong xã hội công dân cũng có bổn phận và quyền lợi tham gia vào cuộc vận động chính trị này, bằng việc “quan tâm đến các vấn đề xã hội, nhất là công lý và công ích vốn là nền tảng của lòng bác ái chân thật” (x. Caritas in veritate).
Chuyện nhà đất cũng trở thành những sự kiện nóng bỏng trong Giáo Hội hôm nay, theo nhịp chuyển mình chung của đất nước. Đứng trên góc nhìn mục vụ, những cuộc tranh chấp nhà đất có liên quan đến Tôn giáo đã xảy ra nơi này nơi khác, với những lý do và hoàn cảnh ít nhiều khác biệt, nhưng đều có chung một hậu quả là đã để lại những ảnh hưởng và hình ảnh không mấy sáng sủa về một Giáo Hội Sứ Vụ, vốn là hiện thân cho bình an, hoan lạc, công chính và thánh thiện.
Nghĩ đến một hướng mục vụ cho vấn đề nhà đất hiện nay, gọi nôm nay là “mục vụ nhà đất”, không hề là một ý tưởng đùa nghịch, thậm chí còn phải đặt lên hàng đầu, để mỗi chúng ta cùng suy tư, cầu nguyện. Đây cũng được xem như một “dấu chỉ thời đại” quan trọng được gửi đến cho từng thành phân Dân Chúa trong Giáo Hội Việt Nam ngay trong thời điểm này. Những biến cố vừa qua đã ảnh hưởng sâu sắc đến sinh hoạt của Giáo Hội Việt Nam, đã và đang tiếp tục gây ra bao nhiêu sóng gió, đau thương và cả những đổi thay trong lòng Mẹ Giáo Hội, gây hoang mang chia rẽ và làm thương tổn nặng nề cho tình hiệp thông, làm lu mờ tính cách mầu nhiệm của Giáo Hội, và chắc chắn đã tạo ra không ít bất lợi cho sứ vụ loan báo Tin Mừng của Giáo Hội giữa lòng đất nước dân tộc mình.
Trong những biến cố phức tạp của cuộc sống Giáo Hội hôm nay, bên cạnh những giải pháp hành chánh đối với chính quyền, Dân Chúa mong ước được lắng nghe tiếng nói chính thức của các mục tử, cần được soi sáng hướng dẫn bằng những đường hướng mục vụ thích hợp. Để xây dựng đường hướng mục vụ này, chắc chắn một điều là chúng ta không thể hành xử hoàn toàn như người không có đức tin, lấy quyền lợi vất chất làm cứu cánh, nhưng còn phải qui chiếu vào những giá trị của Tin Mừng. Trong mọi hoàn cảnh, chúng ta luôn phải là chứng nhân can đảm và trung thành nhất cho sự thật, lẽ phải với công tâm xây dựng đất nước trên nền tảng công ly và hòa bình. Đây chính là thực thi sứ vụ rao giảng Tin Mừng “lúc thuận cũng như lúc nghịch”. Trách nhiệm này không chỉ dành riêng cho những mục tử, mà còn là nguyên tắc hành động của mỗi thành phần Dân Chúa, như là những chứng nhân của Tin Mừng trong đời sống hằng ngày. Nhưng để tạo được sự đồng thuận trong những biến cố phức tạp này là cả một vấn đề tế nhỉ và nan giải. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã đề nghị cho Giáo Hội Việt Nam một giải pháp, đó là con đường “đối thoại thẳng thắn và hợp tác chân thành”.
“Mục vụ nhà đất” càng quan trọng và tế nhị hơn, khi ảnh hưởng đến toàn xã hội dân sự mà chúng ta là thành phần, cũng như các tôn giáo khác, chứ không riêng gì cho Giáo Hội Công Giáo chúng ta.
III. “Nước Trời như một tấm lưới”
Những vấn đề đặt ra trên đây không phải chỉ nhắm vào các vị lãnh đạo trong Giáo Hội, nhưng là cho toàn Dân Chúa, những người được mời gọi tham gia vào sứ vụ loan báo Tin Mừng trong mọi môi trường, hoàn cảnh sống của mình. Vì thế, chúng ta không phải chỉ là những người thụ động thực thi, nhưng cũng được mời gọi tích cực tham dự vào việc xây dựng đường hướng mục vụ truyền giáo của Giáo Hội với tinh thần và trách nhiệm cao nhất.
Một Giáo Hội Mầu Nhiệm đầy tình Hiệp Thông và cùng nhau thi hành Sứ Vụ loan báo Tin Mừng, chính là hình ảnh Nước Trời tại thế mà chúng ta đang xây dựng. “Nước Trời như một tấm lưới thả xuống biển”. Vâng, mỗi người chúng ta như một mắt lưới cũng vững chắc đan kết vào nhau làm thành tấm lưới thả xuống biển đời. Đừng ai tiêu cực nghĩ rằng mình chẳng quan trọng gì trong sứ vụ loan báo Tin Mừng, vì “không có mợ, chợ cũng đông”. Như một mắt lưới bị rách, mẻ lưới sẽ thất thu; nhiều mắt lưới bị thủng, mẻ lưới chẳng còn con cá nào. Phải vá lưới ngay thôi.
Sự hiện diện của các đại biểu đến từ Hoa Kỳ trong Đại Hội Dân Chúa lần đầu tiên này nhắc chúng ta hướng về đông đảo các linh mục và anh chị em tu sĩ giáo dân Việt Nam đang sinh sống và thực thi sứ vụ rao giảng Tin Mừng rải rác khắp trên thế giới. Tôi nghĩ đến tấm lưới truyền giáo của Giáo Hội Việt Nam không chỉ thả xuống biển quê Việt Nam này.
IV. Kết luận:
Việc xây dựng Giáo Hội được bắt đầu với việc “đến với muôn dân”. Những suy nghĩ, cử chỉ, lời nói phản Tin Mừng của chúng ta trong đời sống hằng ngày đối với mọi người, là những trở ngại lớn cho Giáo Hội trong việc thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng.
+ Giuse Châu Ngọc Tri
Giám mục Giáo phận Đà Nẵng
bài liên quan mới nhất
- Câu hỏi tìm hiểu Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010
-
Thư Mục vụ Gp. Hải Phòng nhân dịp công bố Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa -
Tọa đàm về “Mục vụ Giới Trẻ và nền Văn minh tình thương & sự sống” -
ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm trả lời phỏng vấn của Tuần báo Công Giáo & Dân Tộc về Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 -
Thư Chung Hậu Đại hội Dân Chúa 2010 gửi toàn thể cộng đoàn Dân Chúa Việt Nam -
Giới thiệu “Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010” -
Lời Chủ Chăn tháng 04.2011 -
Cơn mưa và Tiếng trống -
Lễ Bế Mạc Năm Thánh 2010 - Tạ ơn Mẹ La Vang -
Lế Bế Mạc Năm Thánh 2010 - Niềm vui và lòng tri ân của đoàn con
bài liên quan đọc nhiều
- Câu hỏi tìm hiểu Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010
-
Sứ Vụ - Missio -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 1(1): Giáo Hội là Dân Thiên Chúa -
Đại hội Dân Chúa 2010 tại Việt Nam -
Tọa đàm về “Mục vụ Giới Trẻ và nền Văn minh tình thương & sự sống” -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 2: Giáo Hội là một thực tại Hữu Hình -
Thư Mục vụ Gp. Hải Phòng nhân dịp công bố Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 1 (3) Giáo Hội là Đền Thờ Chúa Thánh Thần -
ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm trả lời phỏng vấn của Tuần báo Công Giáo & Dân Tộc về Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 -
Thư Chung Hậu Đại hội Dân Chúa 2010 gửi toàn thể cộng đoàn Dân Chúa Việt Nam