Tham luận của ĐGM Phaolô Nguyễn Thái Hợp, GP. Vinh
MẦU NHIỆM GIÁO HỘI
Suốt hai ngàn năm qua, các Kitô hữu đã thể hiện niềm tin qua nhiều cách thế sống, hình thức diễn tả, cơ cấu tổ chức và mô hình Giáo hội khác nhau. Mỗi mô hình này hàm chứa một quan niệm thần học và một đường hướng mục vụ, cũng như cũng đưa ra một mô hình riêng về Giáo hội, cũng như một cố gắng cụ thể của các tín hữu để thực ơn gọi Kitô hữu trong những bối cảnh văn hoá, chính trị, xã hội, kinh tế riêng biệt.
Công cuộc canh tân và thích nghi của công đồng Vatican II đã bắt đầu với một cái nhìn mới về "mầu nhiệm Giáo hội" trong đó quan niệm Giáo hội như "Dân Thiên Chúa" được đặc biệt đề cao. Cuộc canh tân mà "Đại hội Dân Chúa Việt Nam" muốn thực hiện cũng phải khởi đi từ một cái nhìn mới và đúng đắn về Giáo hội. Đề cương Giáo hội tại Việt Nam đã chọn mô hình Giáo hội: Mầu Nhiệm - Hiệp Thông - Sứ Vụ.
Xin góp một vài ý nhỏ chung quanh đề tài "Mầu nhiệm Giáo hội" và "Cộng đồng Dân Chúa".
1- Mô hình Giáo hội tiền Vatican II
Nhìn tổng quát, từ thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XX, hai mô hình chiếm vị trí ưu tiên trong Giáo hội học là "mô hình kim tự tháp” và “Xã hội hoàn hảo”.
Trong nhiệt tâm chống lại Phong trào Cải cách và sự can thiệp quá đáng của Nhà nước vào sinh hoạt nội bộ của Giáo Hội, một số nhà thần học Công giáo thường trình bày Giáo Hội như một “Xã hội hoàn hảo”, nghĩa là tổ chức đích thực, một chủ thể quyền bính, một pháp nhân, có đầy đủ quyền tự quyết và tự trị như bất cứ vương quốc trần gian hay xã hội dân sự nào khác. Người ta đề cao yếu tố pháp lý hơn yếu tố bí tích, nhấn mạnh đến cơ chế hơn chiều kích mầu nhiệm, thánh thiêng của Giáo hội.
Mô hình kim tự tháp triệt để tôn vinh hàng giáo phẩm. Hồng y Noberto Bellarmino đã viết như sau: “Giáo Hội là một cộng đồng các tín hữu, được kết hợp do việc tuyên xưng niềm tin Kitô giáo, do việc lãnh nhận các bí tích, dưới quyền lãnh đạo của các mục tử hợp pháp, và, trên hết, của vị Đại diện duy nhất của Chúa Kitô trên trần gian, Đức Giáo chủ Roma” . Việc đề cao quyền tối thượng tuyệt đối của Đức Thánh Cha được coi là một lợi khí để chống lại phong trào Cải cách và để canh tân Giáo hội.
Một số tác giả không ngần ngại quả quyết rằng Đức Kitô đã lập Giáo Hội như một xã hội phẩm trật, hoàn thiện và quân chủ. Bản văn của Công đồng Vatican I là một dẫn chứng điển hình: “Giáo hội của Đức Kitô không phải là một xã hội gồm các phần tử bình đẳng, làm như thể là tất cả các tín hữu đều có những quyền như nhau; trái lại, đó là một xã hội bất bình đẳng, và điều đó không chỉ có nghĩa là trong số các tín hữu có những người là giáo sĩ, có những người là giáo dân, mà nhất là vì trong Giáo hội, Chúa đã thiết đặt một quyền mà một số người đã nhận được để thánh hóa, dạy dỗ và cai quản, trong khi những người khác không có quyền ấy” . Lá thư của đức Leô XIII gởi Tổng Giám mục giáo phận Tours, vào năm 1888, một lần nữa lặp lại quan niệm thần học này: “Trên thực tế, ta nhận thấy rõ ràng và thường xuyên rằng trong Giáo Hội đương nhiên có hai giai cấp: chủ chăn và con chiên, nghĩa là những người lãnh đạo và những người thường dân. Giai cấp thứ nhất có nhiệm vụ dạy dỗ, cai quản và hướng dẫn cách sống cho mọi người, và đặt ra lề luật. Giai cấp thứ hai phải phục tùng giai cấp thứ nhất: vâng lời họ, thi hành lệnh và tôn vinh họ”. Vào giữa thế kỷ XX, Đức Piô XII vẫn còn diễn tả mối tương quan giữa giáo sỹ với giáo dân trong lòng Giáo Hội theo chiều hướng này: “Theo ý muốn của Thiên Chúa, các Kitô hữu được chia làm hai bậc: giáo sĩ và giáo dân. Cũng do ý muốn của Ngài, trong Giáo Hội có hai loại quyền bính: quyền thánh chức và quyền tài phán. Hơn nữa, do kế hoạch của Thiên Chúa, con người tiến tới thánh chức – nghĩa là được gia nhập vào phẩm trật giám mục, linh mục và thừa tác viên – do việc chịu chức thánh. Riêng quyền tài phán, chiếu theo luật Chúa, được trực tiếp trao phó cho Đức Giáo chủ và, cũng chiếu theo luật đó, cho cả các giám mục nữa, nhưng phải qua trung gian của vị kế nhiệm thánh Phêrô”. Trong mô hình Giáo hội đó, dĩ nhiên vai trò và sứ vụ của giáo dân hoàn toàn bị quên lãng, không hề được nhắc đến. Trên thực tế, người giáo dân bình thường chẳng hề có một vai trò và vị thế nào trong Giáo Hội. Về vấn đề này, Hồng y Gasquet kể một giai thọai dí dỏm: Ngày kia, vào giai đoạn tiền Công đồng Vatican II, một người dự tòng hỏi một linh mục Công giáo về vai trò của giáo dân trong lòng Giáo hội. Vị linh mục điềm nhiên trả lời: Giáo dân có ba vị thế trong Giáo Hội: thứ nhất, quỳ gối trước bàn thờ; thứ hai, ngồi trên ghế; thứ 3, thưa amen sau các lời nguyện. Và Hồng y hóm hỉnh nói thêm: người ta đã quên mất một vai trò quan trọng khác: móc ví lấy tiền... để công đức cho nhà thờ.
2- Đường hướng của Vatican II
Khi triệu tập Công đồng Vatican II, đức Gioan XXIII muốn làm một cuộc canh tân đích thực để Giáo Hội có khả năng loan báo Tin Mừng một cách hữu hiệu cho con người và thời đại hôm nay. Ngài ước mong Công đồng sẽ khai mở một mùa xuân mới và mời gọi các Kitô hữu sáng suốt nhận diện “những dấu chỉ thời đại”, những dấu chỉ của hy vọng, bất chấp những khó khăn và mây mù hiện tại.
Trong bài diễn văn bế mạc khoá I của Công đồng, Đức Gioan XXIII ước mong “Công đồng sẽ đích thực là ‘lễ Hiện Xuống mới’, làm cho Giáo hội được triển nở trong nguồn năng lực nội tại và mở rộng ra tất cả mọi lãnh vực của hoạt động nhân loại. Sẽ là một bước nhảy vọt của triều đại Đức Kitô trong thế giới, một tái xác quyết (...) có tính thuyết phục hơn Tin mừng cứu độ, sự loan báo rạng ngời về quyền tối thượng của Thiên Chúa, về tình huynh đệ nhân loại trong bác ái, về hứa hẹn hoà bình dưới trần thế cho những người thiện tâm” . Tuy nhiên, lược đồ đầu tiên của “Hiến chế tín lý về Giáo hội”, do tiểu ban chuẩn bị công đồng soạn thảo, hoàn toàn không phản ảnh thao thức, ước vọng và hướng đi mà đức Gioan XXIII đã vạch ra. Nền tảng Giáo hội học của lược đồ này vẫn là quan điểm một Giáo hội học theo mô hình cũ, nhấn mạnh quá đáng đến yếu tố pháp lý, đầy giáo sĩ tính, trong khi đó chiều kích huyền nhiệm và ngôn sứ lại quá mờ nhạt.
Tại phiên họp khoáng đại của Công đồng, lược đồ này bị phê phán gắt gao và được trả về cho uỷ ban soạn thảo. Một lược đồ thứ hai ra đời và đệ trình các nghị phụ vào mùa hè năm 1963. Lược đồ mới rút gọn vào bốn chương:
(I) Mầu nhiệm Giáo hội.
(II) Cơ cấu phẩm trật Giáo Hội, đặc biệt chức Giám mục
(III) Cộng đồng Dân Thiên Chúa, đặc biệt về giáo dân;
(IV) Lời mời gọi nên thánh trong Giáo Hội.
Kể từ ngày 1 tháng 10 năm 1963, Công đồng thảo luận sôi nổi về mô hình Giáo hội và lược đồ kể trên bị loại bỏ. Hồng y L. Suenens, với tư cách là thành viên của Uỷ ban điều hành công đồng, đã làm một “cuộc cách mạng Copernic về Giáo Hội học”: Nếu trong mô hình trước đây, trục chính của Giáo hội là Cơ cấu phẩm trật thì từ nay là chính cộng đồng Dân Chúa. Vì vậy, chương III sẽ được chia thành hai phần: một phần mang tựa đề “Cộng đồng Dân Chúa” đề cập đến căn tính chung của tất cả các thành viên của Giáo Hội và sẽ là chương II; chương II cũ sẽ trở thanh chương III; còn phần mang tựa đề “Người Giáo dân” sẽ là chương IV, đề cập đặc biệt đến vai trò của Kitô hữu giáo dân. Kể từ đó, đề tài “Cộng đồng Dân Chúa” được sát nhập vào lược đồ của Hiến chế tín lý về Giáo Hội như một chương đặc biệt, nằm giữa chương I nói về huyền nhiệm của Giáo Hội và các chương kế tiếp đề cập đến sự khác biệt về trách vụ của các Kitô hữu. Nội dung cuối cùng của Hiến chế là:
I- Mầu nhiệm Giáo hội. II- Dân Thiên Chúa. III- Hàng Giáo phẩm….IV- Giáo dân. V- Ơn gọi nên thánh. VI- Tu sĩ. VII- Giáo hội lữ hành.. VIII- Đức Maria trong mầu nhiệm Đức Kitô và Giáo hội.
Để hiện diện và loan báo Tin Mừng cho nhân loại, dĩ nhiên Giáo Hội cần những cơ cấu tổ chức hữu hình, nhưng Giáo Hội không thể tương đồng với bất cứ tổ chức xã hội, kinh tế hay chính trị nào khác. Lý do đơn giản là Giáo Hội được hình thành từ ý định muôn đời của Thiên Chúa và được Chúa Thánh Thần đồng sáng lập với Chúa Kitô. Hiến chế “Ánh sáng muôn dân” đã dành trọn chương I để diễn tả ý nghĩa thần học của Giáo hội: “Mầu nhiệm Giáo hội biểu lộ trong chính việc thành lập. Thực thế, Đức Giêsu đã khai sinh Giáo hội qua việc rao giảng Tin Mừng, loan báo sự tới đến của Nước Thiên Chúa, như đã hứa hẹn trong Kinh Thánh từ ngàn xưa (…). Nước này xuất hiện đối với mọi người qua lời nói, hành động và sự hiện diện của Đức Kitô (…). Các phép lạ của Người chứng thực rằng Nước Thiên Chúa đã thực sự đến trần gian (…). Nhưng trước hết, Nước này biểu lộ trong chính bản thân Đức Kitô, con Thiên Chúa và Con loài người, Đấng đã đến ‘để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc muôn dân”.
Giáo Hội không phải là một cộng đồng như bất cứ cộng đồng nhân loại nào, mà là một cộng đồng đặc biệt. Đây chính là “Dân Thiên Chúa có Đức Kitô làm Thủ lãnh (...), có phẩm giá và sự tự do hào hùng của con cái Chúa, mà tâm hồn của họ là đền thờ của Chúa Thánh Thần. Luật của họ là điều răn mới, giới răn yêu thương như chính Đức Kitô đã yêu chúng ta (xc Ga 13,34). Sau cùng, cứu cánh của họ chính là Nước Thiên Chúa, đã được Người khai mở trên trần gian và tiếp tục phát triển cho đến ngày thế mạt”.
Giáo hội được kết thành bởi các yếu tố khác biệt nhau, nhưng luôn bổ sung cho nhau và bất khả phân ly, vừa nhân loại vừa thần thiêng: đây là một “Giáo hội thánh thiêng, một cộng đoàn của niềm tin, hy vọng và bác ái” xuất hiện ở trần gian “như một cơ cấu hữu hình”, đồng thời vừa là một “xã hội tổ chức theo phẩm trật” vừa là “Nhiệm thể Đức Kitô”, vừa là “đoàn thể hữu hình” vừa là “cộng đồng thiêng liêng”, vừa là “Giáo hội tại thế” vừa là “Giáo hội tràn đầy ân sủng trên trời”.
Thay vì những định nghĩa nặng nề tính chất pháp lý, Công đồng đã trình bày Giáo Hội bằng nhiều hình ảnh biểu tượng, hàm chứa trong Thánh kinh và thánh truyền. Chiều kích mầu nhiệm và vai trò của Chúa Thánh Linh được đặc biệt đề cao. Do tính độc đáo của nó, quan niệm Giáo Hội như Dân Thiên Chúa được đặc biệt đề cao: Giáo Hội là cộng đồng Dân Chúa, bao gồm những người đã gia nhập vào Thân thể Nhiệm mầu của Đức Kitô qua bí tích Thánh tẩy: “Thực vậy, tất cả những ai tin nơi Đức Kitô đều được tái sinh không phải bởi mầm có thể huỷ diệt, nhưng do mầm bất diệt nhờ Lời Thiên Chúa hằng sống (xc. 1 Pr 1,23), không phải bởi xác thịt nhưng do nước và Thánh thần (xc. Ga 3,5-6) và trở thành “một giống nòi được thu phục, mà trước kia chưa phải là một dân, nay là Dân Thiên Chúa”(1Pr 2,9-10).
Tất cả các thành viên của Giáo hội có “chung một phẩm giá vì được tái sinh trong Đức Kitô, cùng một ân huệ được làm con, một lời mời gọi nên hoàn thiện, một ơn cứu độ, một niềm hy vọng duy nhất và một đức ái không phân chia”. Tất cả đều được tham dự vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Đức Kitô. Những khác biệt về thừa tác vụ trong Giáo hội đều do nhu cầu của cộng đồng Dân Chúa và nhằm mục đích phục vụ cộng đồng mà thôi.
3- Vài đề nghị
a)- "Tài liệu làm việc" viết một cách lạc quan rằng "các tín hữu tại Việt Nam vẫn luôn xác tín Giáo hội là Dân Thiên Chúa, là Thân Mình Đức Kitô... Cách nào đó, có thể nói họ đã sống trước những điều Giáo hội sẽ minh định trong các văn kiện công đồng". Một số người khác lại cho rằng mô hình Giáo hội ở Việt Nam hôm nay vẫn mang nặng dấu ấn của những mô hình Giáo hội thời trước công đồng Vatican II, nghĩa là nặng tính chất cơ cấu, pháp lý và theo mô hình kim tự tháp. Đã đến lúc cần giảm thiểu yếu tố hình thức để đào sâu mầu nhiệm Giáo hội và vai trò của Thánh Linh.
Nhiều người đề nghị trong Đại hội Dân Chúa Việt Nam này, Giáo hội Việt Nam nên chân thành nhìn lại chính mình, cố gắng thực hiện cuộc canh tân mà Vatican II đã khai mở, can đảm đưa ra những cải cách hữu hiệu để thực hiện sự bình đẳng, hiệp thông và sứ vụ trong Giáo hội. Đặc biệt, cần thiết những giải pháp rõ rệt để "trong Dân Thiên Chúa, các tín hữu thật sự bình đẳng trong phẩm giá, được chia sẻ cùng một ơn gọi làm con cái Thiên Chúa, có cùng một căn tính Kitô hữu".
Việc chọn lựa định hướng mục vụ “Đối thoại thẳng thắn và cộng tác chân thành” giữa Giáo hội với xã hội đòi hỏi Giáo hội phải đổi mới cơ cấu tổ chức, đường lối tư duy và cách thế hành động để có cơ quan đảm nhiệm tiến trình đối thoại, điều hành và thúc đẩy nó. Cần thiết những “kênh” chính thức và thường xuyên để hiện thực công tác khó khăn này.
Tuy nhiên, để cuộc đối thoại với bên ngoài được kết quả, cần phải có cuộc đối thoại bên trong giữa các thành phần Dân Chúa, đặc biệt giữa hàng giáo phẩm với giáo dân. Phải chăng cuộc khủng hoảng hiện nay của Giáo hội chúng ta là vì thiết cuộc đối thoại trong lòng Giáo hội?
b)- Về lãnh vực văn hóa, TLLV ý thức rõ rệt mối tương quan tự nhiên và mật thiết giữa loan báo Tin Mừng và hội nhập văn hóa, bởi vì Nước Thiên Chúa đến với những con người được nối kết sâu xa với một nền văn hóa nào đó. Do đó, “Giáo hội tại Việt Nam nhận ra rằng quê hương là chiếc nôi trong đó ơn gọi Kitô hữu tăng trưởng và người tín hữu sống đức tin trong tinh thần đồng hành với tất cả anh chị em trong cộng đồng dân tộc”.
Hoàn toàn đồng ý với kế hoạch đề cao văn hóa dân tộc trong việc đào tạo chủng sinh, tu sĩ và giáo lý viên. Bởi vì, hội nhập văn hóa là một cuộc đối thoại sống động giữa Tin Mừng với con người trong mỗi giai đoạn lịch sử. Nó đòi hỏi niềm tin Kitô giáo phải được sống, diễn tả và cử hành bằng những chất liệu, tâm tình, yếu tố văn hóa của mỗi dân tộc vào một thời điểm lịch sử nhất định. Vì vậy, nó không đơn giản là chuyện dịch thuật, chuyển từ tiếng Latinh sang tiếng Việt mà thôi.
Để thực hiện điều này chúng ta phải có những chuyên viên vừa thông thạo về thần học, vừa am tường văn hóa dân tộc. Đại hội Dân Chúa nên có chương trình cụ thể nào nhằm đào tạo các chuyên viên đó trong một tương lai gần.
Đã đến lúc phải đặt trọng tâm cho sứ vụ loan báo Tin Mừng. Cần mạnh dạn ra khỏi “ghetto Công giáo” để mở rộng cánh cửa ra xã hội, đào sâu vào văn hóa dân tộc và làm cho Tin Mừng chiếu dọi vào mọi lãnh vực của cuộc sống, đặc biệt là lãnh vực văn hóa. Câu phát biểu của đức Gioan Phaolô II rất đáng cho chúng ta suy nghĩ: “Một đức tin mà chưa biến thành văn hóa, là đức tin chưa được đón nhận trọn vẹn, chưa thực sự suy tư, chưa sống một cách chân thành”.
+ Phaolô Nguyễn Thái Hợp, O.P
Giám mục Giáo phận Vinh
bài liên quan mới nhất
- Câu hỏi tìm hiểu Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010
-
Thư Mục vụ Gp. Hải Phòng nhân dịp công bố Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa -
Tọa đàm về “Mục vụ Giới Trẻ và nền Văn minh tình thương & sự sống” -
ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm trả lời phỏng vấn của Tuần báo Công Giáo & Dân Tộc về Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 -
Thư Chung Hậu Đại hội Dân Chúa 2010 gửi toàn thể cộng đoàn Dân Chúa Việt Nam -
Giới thiệu “Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010” -
Lời Chủ Chăn tháng 04.2011 -
Cơn mưa và Tiếng trống -
Lễ Bế Mạc Năm Thánh 2010 - Tạ ơn Mẹ La Vang -
Lế Bế Mạc Năm Thánh 2010 - Niềm vui và lòng tri ân của đoàn con
bài liên quan đọc nhiều
- Câu hỏi tìm hiểu Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010
-
Sứ Vụ - Missio -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 1(1): Giáo Hội là Dân Thiên Chúa -
Đại hội Dân Chúa 2010 tại Việt Nam -
Tọa đàm về “Mục vụ Giới Trẻ và nền Văn minh tình thương & sự sống” -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 2: Giáo Hội là một thực tại Hữu Hình -
Thư Mục vụ Gp. Hải Phòng nhân dịp công bố Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 1 (3) Giáo Hội là Đền Thờ Chúa Thánh Thần -
ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm trả lời phỏng vấn của Tuần báo Công Giáo & Dân Tộc về Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 -
Thư Chung Hậu Đại hội Dân Chúa 2010 gửi toàn thể cộng đoàn Dân Chúa Việt Nam